Trong thế giới lý tưởng, nơi chúng ta nhìn nhận và thực hiện giá trị thực sự của làm việc sâu, tất cả chúng ta đều được tiếp cận thứ gì đó tương tự như Cỗ máy Eudaimonia. Dù không nhất thiết phải sao y bản chính thiết kế của David Dewane, nhưng nói chung, môi trường (và văn hóa) làm việc theo thiết kế đó sẽ giúp chúng ta giải phóng nhiều giá trị nhất có thể khỏi não bộ. Thật không may, tầm nhìn này vẫn còn xa vời với thế tại. Thay vào đó, chúng ta thấy chính mình trong những văn phòng mở mất tập trung khi không thể lờ đi những hộp thư đến và các cuộc họp thì cứ diễn ra liên tục – trong bối cảnh các đồng nghiệp sẽ muốn bạn phản hồi nhanh chóng những e-mail mới nhất của họ hơn là tạo ra những kết quả tốt nhất có thể. Nói cách khác, với tư cách là độc giả của cuốn sách này, bạn chính là một tín đồ của sự chuyên sâu trong một thế giới hời hợt.
Quy tắc này cũng là quy tắc đầu tiên trong bốn quy tắc trong Phần 2 của cuốn sách, được thiết kế nhằm giảm bớt xung đột này. Dù bạn có tiếp cận được Cỗ máy Eudaimonia của riêng mình hay không, thì chiến lược sau đây cũng sẽ giúp bạn mô phỏng lại tác động của nó trong công việc vốn luôn bị phân tâm. Chúng sẽ chỉ cho bạn cách chuyển đổi làm việc sâu từ một dạng khát vọng trở thành một phần lịch trình thường xuyên và quan trọng hằng ngày. (Từ Quy tắc số 2 đến Quy tắc số 4 sau đó sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thói quen làm việc sâu này bằng cách trình bày các chiến lược rèn luyện khả năng tập trung và chống lại các tác nhân gây ra phân tâm.)
Tuy nhiên, trước khi tiếp tục trình bày các chiến lược này, tôi muốn giải quyết một câu hỏi có thể khiến bạn khó chịu: Tại sao chúng ta lại cần can thiệp vào những việc này? Nói cách khác, một khi bạn đã thừa nhận giá trị của làm việc sâu rồi, thì chẳng phải thế đã đủ để bạn bắt tay vào làm việc sâu nhiều hơn rồi sao? Chúng ta có thực sự cần những thứ phức tạp như Cỗ máy Eudaimonia cho một điều gì đó đơn giản như việc nhớ phải tập trung thường xuyên hơn hay không?
Thật không may, khi nhắc đến việc thay thế sự sao lãng bằng sự tập trung, thì vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy xem xét kỹ một trong những trở ngại chính của việc tập trung sâu: Sự thôi thúc trong việc chuyển sự chú ý sang một số điều hời hợt hơn. Hầu hết mọi người đều nhận ra sự thôi thúc đó có thể khiến họ khó tập trung vào những việc khó khăn hơn, nhưng họ hầu như không lường được rằng việc đó sẽ diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ đến như vậy.
Hãy xem xét một nghiên cứu do các nhà tâm lý học Wilhelm Hofmann và Roy Baumeister thực hiện năm 2012, trong đó, họ đã trang bị cho 205 người lớn những chiếc máy nhắn tin được kích hoạt tại một thời điểm được lựa chọn ngẫu nhiên (đây là phương pháp mẫu đã được thảo luận trong Phần 1). Khi tiếng bíp vang lên, các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu tạm dừng một chút để suy ngẫm về những ham muốn hiện tại của họ hoặc họ cảm thấy như thế nào trong 30 phút qua, sau đó họ phải trả lời một loạt các câu hỏi về những ham muốn này. Sau một tuần, các nhà nghiên cứu đã thu thập được hơn 7.500 mẫu. Đây là tóm tắt ngắn gọn những gì họ thấy được: Mọi người phải đấu tranh với những mong muốn suốt cả ngày. Theo những gì Baumeister đã tóm tắt trong cuốn sách tiếp theo của ông mang tên Willpower (tạm dịch: Ý chí) (đồng tác giả với nhà văn chuyên về đề tài khoa học John Tierney): “Mong muốn hóa ra lại là tiêu chuẩn, chứ không phải là ngoại lệ.”
Trong năm ham muốn phổ biến nhất của các đối tượng này, không có gì ngạc nhiên khi danh sách bao gồm ăn, ngủ và quan hệ tình dục. Nhưng danh sách năm ham muốn hàng đầu cũng bao gồm những mong muốn như “nghỉ ngơi không phải làm việc [vất vả]… kiểm tra e-mail và các trang mạng xã hội, lướt web, nghe nhạc hoặc xem tivi”. Sức hấp dẫn của Internet và truyền hình đã đặc biệt chứng minh rằng: Các đối tượng nghiên cứu chỉ kiềm chế được bản thân trước những tác nhân gây phân tâm đặc biệt thu hút này trong khoảng một nửa thời gian.
Những kết quả trên không hề khả quan đối với mục tiêu của quy tắc là hỗ trợ bạn trau dồi thói quen làm việc sâu. Chúng báo hiệu rằng bạn có thể sẽ bị bủa vây bởi mong muốn làm bất cứ điều gì ngoài làm việc sâu cả ngày và nếu bạn thích các đối tượng nghiên cứu người Đức trong nghiên cứu của Hofmann và Baumeister, những ham muốn cạnh tranh này sẽ luôn áp đảo. Lúc này, bạn có thể trả lời rằng mình sẽ thành công ngay tại nơi mà các đối tượng này đã thất bại vì bạn hiểu tầm quan trọng của sự chuyên sâu, do đó, bạn sẽ có ý chí tập trung mạnh mẽ hơn. Đây là một tâm thái đáng quý, nhưng nghiên cứu nhiều thế kỷ trước đã nhấn mạnh rằng điều đó chẳng mang lại chút hiệu quả nào. Lượng thông tin khổng lồ xuất hiện trong hàng loạt các bài báo tiên phong, do Roy Baumeister viết, đã chỉ ra sự thật quan trọng (và vào thời điểm bất ngờ) về sức mạnh của ý chí: Nếu ý chí của bạn có hạn, nó sẽ nhanh chóng cạn kiệt ngay khi được sử dụng.
Nói cách khác, ý chí không phải là mặt tính cách bạn có thể biểu hiện ra ngoài không theo chừng mực nào cả; thay vào đó, nó giống như một cơ bắp cũng cần được nghỉ ngơi. Đây là lý do tại sao các đối tượng trong nghiên cứu của Hofmann và Baumeister đã có lúc phải đấu tranh dữ dội với những ham muốn – dần dần những mối phân tâm này đã rút cạn nguồn ý chí hữu hạn cho đến khi ý chí không thể phản kháng thêm nữa. Bạn cũng sẽ gặp phải tình cảnh tương tự, bất kể là làm gì – trừ khi bạn đủ cứng rắn với những thói quen của chính mình.
Điều này giúp tôi hình thành ý tưởng mang tính động lực đằng sau những chiến lược này: Chìa khóa để phát triển thói quen làm việc sâu là vươn tới những mục đích tốt đẹp, bổ sung thói quen và nghi thức vào công việc đã được thiết kế nhằm giảm thiểu lượng ý chí hữu hạn cần thiết, từ đó chuyển đổi và duy trì trạng thái tập trung không bị gián đoạn. Ví dụ, vào giữa buổi chiều sao lãng chỉ dành thời gian lướt web, nếu bạn đột nhiên quyết định phải chuyển sự chú ý sang một nhiệm vụ đòi hỏi cao về nhận thức, bạn phải cần rất nhiều ý chí trong số ý chí hữu hạn của mình để kéo sự chú ý ra khỏi những trang web. Vì thế, những nỗ lực này sẽ thường xuyên thất bại. Mặt khác, nếu bạn triển khai các thói quen và nghi thức thông minh – có thể là ấn định thời gian và vị trí yên tĩnh để làm nhiệm vụ chuyên sâu mỗi buổi chiều – bạn sẽ không cần nhiều ý chí để bắt đầu và duy trì mức độ chuyên sâu đó. Về lâu dài, bạn sẽ thường xuyên đạt được thành công với những nỗ lực chuyên sâu này.
Với suy nghĩ này, sáu chiến lược tiếp theo được coi là kho vũ khí thói quen và nghi thức đầy khoa học về ý chí có giới hạn trong tâm trí nhằm tối đa hóa lượng công việc chuyên sâu bạn cần hoàn thành trong lịch trình. Đối với những vấn đề khác, bạn cần đưa ra một mô hình cụ thể để lên lịch cho loại hình công việc này và phát triển các nghi thức tăng cường sự tập trung trước khi bắt đầu. Một số chiến lược dưới đây sẽ triển khai các phương pháp thực nghiệm đơn giản nhằm khai thác trung tâm động lực trong não bộ trong khi những chiến lược khác lại làm tiêu hao ý chí với tốc độ nhanh nhất có thể.
Bạn chỉ có thể cố gắng biến làm việc sâu trở thành ưu tiên hàng đầu. Những chiến lược phát triển cá nhân dưới đây sẽ làm gia tăng đáng kể xác suất thành công trong việc biến công việc chuyên sâu trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp của bạn.
Quyết định mang tính triết lý về khả năng tập trung sâu
Donald Knuth, nhà khoa học máy tính nổi tiếng, rất chú trọng tới kỹ năng làm việc sâu. Trên trang web của mình, ông giải thích: “Những việc tôi làm thường mất hàng giờ nghiên cứu và tập trung liên tục.” Một nghiên cứu sinh có tên Brian Chappell, một người cha với công việc toàn thời gian, cũng coi trọng làm việc sâu, bởi đó là cách duy nhất anh có thể hoàn thành luận án của mình với quỹ thời gian hạn chế. Chappell chia sẻ với tôi rằng lần đầu tiên anh giác ngộ ý tưởng làm việc sâu là “khoảnh khắc đầy cảm xúc”.
Tôi sẽ đề cập đến những ví dụ này bởi dù Knuth và Chappell đều nhất trí về tầm quan trọng của sự chuyên sâu, nhưng họ lại bất đồng về những triết lý trong việc kết hợp sự chuyên sâu đó với công việc. Như tôi sẽ trình bày chi tiết trong phần tiếp theo, Knuth áp dụng chế độ hà khắc, ưu tiên làm việc sâu bằng cách cố gắng loại bỏ hoặc giảm thiểu tất cả các loại công việc khác. Ngược lại, Chappell triển khai chiến lược nhịp nhàng, theo đó sáng nào anh cũng dành vài giờ nhất định (từ 5 giờ đến 7 giờ 30 phút sáng) để làm việc sâu, không có ngoại lệ, trước khi bắt đầu một ngày làm việc sẽ bị các yếu tố gây sao lãng tác động. Cả hai cách tiếp cận này đều đạt hiệu quả, nhưng không mang tính khái quát. Cách tiếp cận của Knuth có thể sẽ phù hợp với các nhà chiến lược, nhưng nếu Chappell cũng bỏ qua tất cả những thứ hời hợt như vậy, rất có thể anh sẽ mất việc.
Bạn cần phải có triết lý của riêng mình để áp dụng quá trình làm việc sâu vào công việc. (Theo lập luận trong phần giới thiệu của nghi thức này, cố gắng lên lịch làm việc sâu không phải là cách hiệu quả để quản lý nguồn ý chí hữu hạn.) Nhưng ví dụ này đã nhấn mạnh rằng: Bạn cần phải cẩn thận lựa chọn triết lý phù hợp với hoàn cảnh của mình, vì sự không phù hợp có thể làm hỏng thói quen làm việc sâu của bạn trước khi nó có cơ hội phát huy tác dụng. Chiến lược này sẽ giúp bạn tránh được điều đó bằng cách đưa ra bốn triết lý về sự chuyên sâu khác nhau mà tôi từng thấy hiệu quả trong thực tế. Mục đích là nhằm thuyết phục bạn rằng có rất nhiều cách khác nhau để kết hợp làm việc sâu với lịch trình làm việc và do đó, bạn nên dành thời gian để tìm ra phương pháp phù hợp với mình.