The Pragmatic Programmer (tạm dịch: Chương trình thực dụng) là một cuốn sách được đánh giá cao trong lĩnh vực lập trình máy tính, nó đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc viết mã và sự khéo léo trong ngành thủ công ngày trước bằng cách trích dẫn tín điều của các công nhân khai thác đá thời Trung cổ trong lời nói đầu của cuốn sách: “Chúng tôi, những thợ xẻ đá, luôn phải mường tượng ra những nhà thờ lớn.” Cuốn sách giải thích rằng các lập trình viên cũng phải nhìn nhận công việc của họ theo cùng cách như vậy:
Trong cấu trúc tổng thể của một dự án luôn có chỗ cho các cá nhân và sự khéo léo… Trong 100 năm nữa, kỹ thuật của chúng ta có vẻ sẽ trở nên lạc hậu như kỹ thuật được các công nhân xây nhà thờ thời Trung cổ sử dụng, trong khi sự khéo léo vẫn sẽ được tôn vinh.
Nói cách khác, bạn không cần phải lao động vất vả ngoài trời vì những nỗ lực của bạn sẽ được coi như một dạng khéo léo và có thể tạo ra ý nghĩa mà Dreyfus và Kelly đã đề cập. Bạn cũng có thể bắt gặp sự khéo léo trong hầu hết công việc đòi hỏi “tay nghề” cao trong nền kinh tế thông tin. Dù bạn là nhà văn, chuyên gia marketing, tư vấn viên hay luật sư, dù công việc của bạn có liên quan đến ngành nghề thủ công hay không, nếu cố gắng trau dồi kỹ năng và áp dụng nó bằng sự tôn trọng và cẩn thận, thì cũng giống như những người thợ sửa chữa bánh xe khéo léo, bạn có thể tạo ra ý nghĩa từ những nỗ lực thường ngày trong suốt quá trình làm việc.
Vấn đề ở đây là một số người cho rằng công việc tri thức của họ không thể mang lại nguồn ý nghĩa như vậy, bởi công việc của họ quá tầm thường. Thật thiếu sót khi cho rằng việc xem xét các ngành nghề thủ công truyền thống có thể giúp chúng ta khắc phục được mọi vấn đề. Trong nền văn hóa hiện tại, chúng ta đang đặt trọng tâm vào mô tả công việc. Chẳng hạn như nỗi ám ảnh với lời khuyên “hãy theo đuổi đam mê của chính mình” (chủ đề trong cuốn sách trước của tôi) lại được thúc đẩy bởi ý tưởng (thiếu sót) rằng: Điều khiến bạn hài lòng nhất với công việc cũng chính là đặc trưng công việc mà bạn chọn. Theo lối tư duy này, chỉ có một số rất ít công việc có thể được coi là cội nguồn của sự hài lòng – đó có thể là làm việc trong một tổ chức phi lợi nhuận hoặc khởi nghiệp với một công ty phần mềm – trong khi tất cả những công việc khác đều vô hồn và nhạt nhẽo. Triết lý của Dreyfus và Kelly đã giúp chúng ta tránh được các cạm bẫy này. Những người thợ thủ công mà họ lấy làm ví dụ không thực hiện những công việc hiếm có như vậy. Trong suốt phần lớn lịch sử loài người, nghề thợ rèn hay thợ làm và sửa chữa bánh xe đều không phải là công việc vẻ vang gì. Nhưng điều này không quan trọng, vì các nét đặc trưng của những công việc này đều không hề liên quan đến ý nghĩa của bản thân công việc. Ý nghĩa được thể hiện qua những nỗ lực trong kỹ năng và giá trị nội hàm ở nghề thủ công – chứ không phải từ thành quả của công việc đó. Nói cách khác, một chiếc bánh xe bằng gỗ dù không có vẻ gì cao quý, nhưng hình dạng của nó có thể rất tinh xảo. Công việc tri thức cũng tương tự như vậy. Bạn không cần một công việc hiếm có; thay vào đó, bạn cần một hướng tiếp cận hiếm có với công việc của mình.
Điều quan trọng thứ hai trong lập luận này là sự cần thiết của việc trau dồi sự khéo léo trong mỗi nhiệm vụ cần sự chuyên tâm rồi từ đó tạo ra sự gắn kết đối với làm việc sâu. (Hãy nhớ lại những lập luận của tôi trong Chương 1, rằng làm việc sâu là điều cần thiết để trau dồi kỹ năng, rồi sau đó đừng quên áp dụng chúng ở cấp độ tinh hoa – các hoạt động cốt lõi trong ngành nghề thủ công.) Vì vậy, làm việc sâu chính là chìa khóa để tìm ra ý nghĩa trong nghề nghiệp của bạn, theo phương thức mà Dreyfus và Kelly đã mô tả. Việc này cho phép chúng ta áp dụng kỹ năng làm việc sâu vào sự nghiệp, hướng tới việc rèn luyện kỹ năng, để điều đó trở thành nỗ lực có thể biến công việc tri thức mệt mỏi hay sao lãng thành điều gì đó khiến bạn hài lòng – trở thành cánh cửa để bước vào thế giới tràn đầy ánh sáng và những điều kỳ diệu.
Homo Sapien deepensis[27]
Hai chương đầu tiên của Phần 1 rất thực dụng. Chúng dẫn chứng rằng làm việc sâu ngày càng trở nên có giá trị trong nền kinh tế hiện đại, đồng thời nó cũng đang dần trở nên hiếm gặp hơn (vì những lý do khách quan). Điều này thể hiện sự bất cân xứng kinh điển: Nếu trau dồi kỹ năng làm việc sâu, bạn sẽ phát triển mạnh chuyên môn.
Ngược lại, chương cuối cùng lại thêm vào một chút thảo luận thực tế về sự thăng tiến ở chốn công sở, và những tư tưởng trước đó hẳn sẽ rất cần thiết để giúp bạn có thể tiến xa hơn. Phần tới sẽ mô tả quá trình nghiêm ngặt nhằm định hướng công việc của bạn hướng đến chiều sâu. Đây là quá trình chuyển đổi khó khăn, song hành với những nỗ lực đó là các lập luận thực dụng và lý trí có thể thúc đẩy bạn đến một điểm nhất định. Cuối cùng, mục tiêu bạn theo đuổi cần phải được lan tỏa hơn nữa. Chương này lập luận rằng khi nói đến việc tập trung vào chiều sâu, sự cộng hưởng là điều không thể tránh khỏi. Dù bạn tiếp cận hoạt động có chiều sâu từ quan điểm của khoa học thần kinh, tâm lý học hay triết học cao cả, thì những hướng đi này dường như luôn dẫn đến mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa, cũng giống như loài người chúng ta đã tiến hóa thành một loài vừa chú trọng tới chiều sâu lại vừa đắm chìm trong sự hời hợt và trở thành giống loài mà chúng ta gọi là Homo sapiens deepensis.
Trước đó, tôi đã trích dẫn câu nói của Winifred Gallagher, một tín đồ của chiều sâu: “Tôi sẽ sống một cuộc sống thật tập trung, bởi đó là cuộc sống tuyệt nhất.” Câu nói này có lẽ là cách hay nhất để tổng kết lập luận của chương này cũng như cả Phần 1 theo cái nhìn rộng hơn: Dù bạn có nhìn nhận vấn đề theo cách nào đi nữa, thì cuộc sống chuyên sâu vẫn là một cuộc sống tốt đẹp.
Phần 2
Các quy tắc
Quy tắc số 1
Làm việc sâu
Không lâu sau khi tôi cùng David Dewane uống một chầu tại quán bar Dupont Circle, anh ấy đã lên ý tưởng về Cỗ máy Eudaimonia. Dewane là một giáo sư kiến trúc, do đó, anh thích khám phá sự giao thoa giữa trừu tượng và thực tế. Cỗ máy Eudaimonia chính là ví dụ điển hình cho sự giao thoa này. Cỗ máy được lấy tên từ khái niệm eudaimonia[28] của Hy Lạp cổ đại hóa ra lại là một tòa nhà. David giải thích: “Mục tiêu của cỗ máy là tạo ra môi trường mà người sử dụng có thể đi vào trạng thái hưng cảm sâu xa của con người – tạo ra công việc ở mức tối ưu nhất trong phạm vi khả năng cá nhân.” Nói cách khác, đó là không gian được thiết kế cho mục đích duy nhất là tạo điều kiện để làm việc sâu nhất có thể. Đúng như bạn nghĩ, tôi đã bị ý tưởng này cuốn hút.
Dewane cầm bản phác thảo bố cục của cỗ máy trên giấy và giải thích cho tôi hiểu. Nó có dạng chữ nhật hẹp một tầng gồm năm phòng xếp thành một hàng nối tiếp nhau. Không có hành lang chung: Bạn phải đi qua phòng này để đến phòng kế tiếp. Theo Dewane giải thích: “Nó [thiếu vắng sự lưu thông] rất quan trọng, vì việc này sẽ không cho phép bạn bỏ qua bất kỳ không gian nào khi tìm hiểu sâu hơn về cỗ máy.”
Căn phòng đầu tiên bạn bước vào được gọi là phòng trưng bày. Theo kế hoạch của Dewane, căn phòng này sẽ trưng bày các minh chứng về làm việc sâu nhằm truyền cảm hứng cho người sử dụng cỗ máy, tạo ra “văn hóa áp lực lành mạnh và sức ép ngang hàng”.
Rời khỏi phòng trưng bày, bạn sẽ bước tới phòng khách. Tại đây, Dewane hình dung ra một quán cà phê cao cấp và một quầy bar đầy đủ dịch vụ. Ngoài ra còn có nhiều trường kỷ và cả Wi-fi. Phòng khách được thiết kế để tạo ra tâm trạng “lơ lửng giữa sự tò mò và tranh luận dữ dội”. Đây là nơi để tranh luận, “nghiền ngẫm” các ý tưởng mà bạn sẽ phát triển sâu hơn trong cỗ máy.
Bước ra khỏi phòng khách, bạn sẽ tiến tới thư viện. Căn phòng này lưu trữ bản ghi vĩnh cửu của mọi thành quả công việc được thực hiện trong cỗ máy, cũng như các cuốn sách và những nguồn tài nguyên khác được sử dụng để tạo nên thành quả đã có. Dewane sẽ đặt một chiếc máy photocopy và máy scan để thu thập và tập hợp thông tin bạn cần cho dự án của mình. Anh mô tả thư viện giống như “ổ cứng của cỗ máy”.
Phòng tiếp theo là khu vực văn phòng, gồm một phòng hội nghị tiêu chuẩn cùng một tấm bảng trắng và một số phân khu có bàn làm việc. Dewane giải thích: “Văn phòng là nơi dành cho hoạt động có cường độ thấp.” Theo cách nói của chúng ta, đây là không gian để hoàn thành những nỗ lực hời hợt mà dự án cần đến. Dewane hình dung ra một quản trị viên với bàn làm việc trong văn phòng có thể giúp người dùng cải thiện thói quen nhằm tối ưu hóa hiệu suất làm việc.
Từ đây, chúng ta sẽ đến phòng cuối cùng của cỗ máy, nơi tập hợp những gì mà Dewane gọi là “phòng làm việc sâu” (anh đã sử dụng thuật ngữ “làm việc sâu” rút ra từ các báo cáo của tôi về chủ đề này).
Mỗi phòng cao khoảng 2m và rộng khoảng 3m với tường cách âm rất dày bao quanh (Dewane dự định làm lớp cách âm dày khoảng 5,5m). Anh giải thích: “Phòng làm việc sâu sẽ cho phép chúng ta tập trung tối đa và luồng công việc không bị gián đoạn.” Anh hình dung ra quá trình làm việc sâu kéo dài suốt 90 phút, rồi nghỉ 90 phút và cứ thế lặp lại hai hoặc ba lần – đó chính là thời điểm não bộ của bạn sẽ đạt được giới hạn tập trung trong ngày.
Đến nay, Cỗ máy Eudaimonia mới chỉ tồn tại dưới dạng bộ sưu tập trong các bản vẽ kiến trúc, nhưng dù ở dạng kế hoạch, tiềm năng của nó trong việc hỗ trợ những công việc có tác động mạnh mẽ vẫn khiến Dewane thấy hào hứng. Anh nói với tôi: “Trong đầu tôi, [bản thiết kế này] vẫn là tuyệt tác kiến trúc thú vị nhất mà tôi từng tạo ra.”