Hằng hỏi:
– Sao lại có thể như thế được?
– Thế mới kỳ! Mình cứ hỏi lại Madame Năm mà xem. Điều đình mãi, hết ngọt đến sẵng lão ta mới chịu ký đấy.
Bà Năm đang nửa ngồi nửa nằm trên ghế trường, bỗng ngồi phắt lên, hấp tấp:
– Lão ta để thế còn được ba nghìn, chứ nếu cưỡng bọn này mà đi kiện thì lão phải sạt nghiệp! Ai bảo địa phận của mình không đào lại đào lấn sang địa phận của mỏ người ta?
Đào Quân cắt nghĩa kỹ hơn:
– Không phải thằng cha ấy dại thế đâu… Nó đã tay trắng làm nên thì nó còn lép gì? Ấy là người làm của nó hại nó đấy. Mà vì tôi cũng khôn, nó mới mắc bẫy. Nguyên hai mỏ sát gần nhau. Mạch than ăn cả hai mỏ. Cả hai cùng làm hầm về một phía, vừa lúc bên ấy có người báo tôi rõ là họ đào lấn sang đây mà không biết thì tức khắc tôi bảo phu bỏ dở hầm đó, quay về đào phía khác cho khỏi gặp nhau. Đến khi bên kia ngập mất hơn ba mươi thước, tôi mới đến xin… “thưa chuyện” với ông chủ. Bây giờ mà không bằng lòng để lại cho tôi giá rẻ thì… chỉ còn việc ra Toà!
Tiết Hằng chép miệng than thay người gặp rủi kia:
– Sao có người đã làm việc mà lại không cẩn thận để đến nỗi thế!
Đắc chí, Quân tu một hơi dài rượu rồi xoa tay nói:
– Một ngày hôm nay, tôi làm được một việc lãi năm nghìn…! Bà Năm ạ, khai sáu cái cửa lò cũng xấp xỉ số vốn ấy đấy. Bây giờ mình chỉ còn việc đào than mà bán thôi. Một ngày… năm nghìn!
Việt Anh đùa nhả bạn bằng tiếng Pháp:
– Một việc ăn không!
Đào Quân cãi lại:
– Thì đã đành! Nhưng mà đời nó thế, làm thế nào được! Ai vạ gì lại như anh, học hành như thế mà… bỏ phí một đời như thế. Nghề báo nuôi nổi sao được người?
Anh so vai không đáp lời. Sợ bạn giận, Quân vội nói với vợ:
– Này mình ạ, mình nên cảm ơn Anh vì đã chỉ cho tôi rõ cái ích lợi của một hội ái hữu ở xứ ta nó có mục đích giống một nghiệp đoàn. Hôm nay tôi đã lập xong một hội ái hữu các chủ mỏ. Chúng tôi đã ký kết với nhau để bênh vực quyền lợi cho nhau. Dù bao giờ ta có quyền được lập nghiệp đoàn thì mới thật được yên trí, nhưng, bây giờ hãy cứ nên cảm ơn Việt Anh.
Rồi Quân giơ tay đón bạn. Anh bắt tay nhưng không quên dọa:
– Bao giờ tôi làm cho dân phu mỏ lập nổi nghiệp đoàn đương đầu với phái chủ mỏ của anh, lúc đó tôi mới cho là việc đáng kể. Còn xui các anh lập một hội ái hữu đã có nghĩa gì?
Gian phòng khách mỗi lúc một lặng lẽ hơn. Sau cùng, người nào cũng tơ tưởng đến việc riêng của mình thành ra gần như không ai chuyện với ai nữa.
Rón rén, Yvonne tiến đến cái đàn. Nàng ngồi xuống ghế, mở nắp vừa liếc nhìn mọi người vừa dạo thử vài tiếng. Mọi người dùng sự im lặng để tỏ ý hoan nghênh. Thế là bài Reve de vatise nổi lên… rồi đến bài Ville d’ Amour kế tiếp. Điệu đàn cầm dắt mọi người, đáng cảm như một lời hứa, tha thiết như những tiếng gọi ái ân, tê mê như lớp sóng của một cặp mắt đa tình.
Hết bài, Yvonne ngừng tay. Đôi mắt chứa chan hi vọng được khen, nàng quay nhìn lần lượt từng người. Nhưng cái phản động lực mạnh đến nỗi ai cũng phải ngây người ra mơ màng nghĩ ngợi, và không còn biết đến người đánh đàn là ai. Một lúc lâu Hằng nói:
– Từ xưa tới nay, cái đàn mới được một người biết đánh ngồi vào lần này là lần đầu.
Rồi nàng cũng ra ngồi với kỷ đàn thập lục. Mấy tiếng dạo nghe đã tê mê. Trên mười sáu sợi tơ đồng đó là mười cái búp măng mềm mại, thoăn thoắt. Cao hứng quá. Yvonne đi lại rún rẩy, miệng khẽ hát: “Đêm đông đêm đông gió thổi…” một cách vụng về.
Chợt Việt Anh khẽ vỗ vai Đào Quân khiến Quân đang mê man phải giật mình một cách khôi hài lạ. Anh ra hiệu cho Quân theo mình ra hành lang.
– Chiều nhà tư bản đánh xe hầu ông chủ báo về Hà Nội nhé?
Quân giương tròn cặp mắt:
– Về Hà Nội? Mày nói thật hay nói đùa?
– Sao lại nói đùa?
– Thế mày điên à? Chơi vài hôm nữa đã nào.
– Không thể được, có nhiều việc lắm.
– Cái thằng này mới kỳ chứ! Thế thì mày ra đây làm gì?
– Mày cứ bắt tao ra đây chứ tao có yêu cầu mày đâu? Mày nhầm.
– Khỉ lắm nữa!
Quân gắt xong đứng tần ngần một lúc, rồi bỗng lại hí hởn, khẽ nói ra vẻ bí mật:
– À, cũng được. Để cho tài xế ở lại đây, chính tao cầm lái cho mày về… Thế tao lại có cớ về Hà Nội thăm con lai của tao một đêm.
– Thế bao giờ sẽ lên xe?
– Ta chờ họ tắm, rồi về chén, rồi độ chín giờ thì đi.
Đôi bạn đương xì xào, bỗng từ giàn lý có cái gì rơi đúng ngay sau lưng Quân đánh huỵch một cái. Quân giật mình, rú một tiếng rồi hốt hoảng:
– Chết! Cái gì thế mày?
Việt Anh cả cười, rồi nói đùa:
– Gì đâu… Bạn thân của vợ mày đấy. Mày chóng quên thế ư?
Quân nhìn kỹ, thì là con khỉ đương ngồi dưới đất gãi đầu gãi tai nhìn lên như một kẻ luồn lụy, trông cũng khỉ thật.
Hai người đương đứng trên con vật thì Hằng ló đầu ra, gọi với:
– Này! Hay là đi tắm chứ, các ngài?
Quân hất hàm hỏi bạn:
– Mày nghĩ thế nào? Có tắm thì đi thay quần áo đi mau lên.
Anh đáp:
– Thôi, đi xem người khác tắm cũng đủ.
Quân, ra vẻ bất mãn:
– Phải, cái lối mày vẫn thế. Chỉ bao giờ cũng bàng quan thôi. Khả ố thật!
Đương thế mà lại nhí nhảnh thì thào với bạn ngay được. Quân làm ra vẻ bí mật:
– Để rồi xem cái… thể mỹ của Yvonne thế nào!
Rồi hấp tấp chạy vào, lên phòng riêng thay quần áo.
Khi xe hơi đỗ trước thềm, bà Năm, Yvonne và Hằng mỗi người một áo khoác phủ ngoài áo tắm, bước lên xe, cho xe ra trước để Quân và Anh lững thững đi bộ ra bãi sau.
Chiều hôm đó nhằm ngày nghỉ lễ nên bãi bể đông đúc khác thường. Trong bọn đi tắm, Hằng nhận thấy một cách sung sướng rằng phái phụ nữ đã thắng số hơn xưa. Nàng trỏ tay hỏi bà Năm:
– Bà trông xem. Đã tiến bộ lắm đấy chứ?
Bà Năm nói bô bô:
– Phải phải!!! Đã khá lắm rồi!
Nhưng cử chỉ của ba người đàn bà này, không ngờ hình như lại gai mắt phái người ra tắm ở chung quanh. Nếu họ không cười, ấy là sự rộng lượng về cái đẫy đà của bà Năm thì họ cau mặt bực tức cái vẻ sang trọng của Yvonne là đầm lai, với của Hằng mà họ coi là hạng người gần quên chủng tộc. Sắc đẹp bữa ấy, đối với sự yêu ghét, không ăn thua gì. Mà phái phụ nữ lại còn ra vẻ giận hờn vì thua thắm kém xanh.
Thấy sự ghẻ lạnh, bọn đàn bà chờ lúc Quân, và Anh khoác tay nhau đã ra đến nơi, liền tìm một chỗ vắng, ngồi xuống trò chuyện, chờ ngọn nước triều, về phần Việt Anh, chàng tung tăng dạo khắp nơi, chốc chốc mới lại quay về chỗ mà các bạn nô đùa, nó xa lánh cách biệt hẳn đám đông người, nó lại có rải rác mấy mỏm đá. Chàng thấy mọi sự tiện lợi cả: đi ngắm một lúc rồi về ngồi đấy mà bình phẩm to tiếng với bạn bè thì không còn gì khoái hơn. Cho nên bốn người cứ thấy chàng chợt ngồi đấy, chợt lại biến đâu mất.
Nước thủy triều bắt đầu dâng lên. Mới thoáng một lúc, chỗ bãi cát mà bốn người nằm ngồi lả lơi đã đầy một thước nước. Rồi sóng cứ nhịp nhàng đuổi nhau vào bờ. Bể đã điểm cái lệnh nô đùa cho người ta. Tức thì, suốt một dọc vòng vòng chạy ngót một cây số, tiếng reo hò, sự nhảy múa bơi lội, bắt đầu họa theo cái sự mừng vui hơi cuống quýt của bể.
Bà Năm vì không biết bơi nên tắm một cách có vẻ khôi hài. Khi thấy sóng ùa vào thì bà quay ngay lưng ra và rụt cổ đỡ, mấy bận ngã rúi xuống cát. Có vẻ bực mình, sau cùng bà cũng lên ngồi mỏm đá gần với Việt Anh. Chàng mặc cái áo lót xanh ngắn, cái quần dạ, đôi giày vải gót thừng, cứ nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá kia, đi lại thoăn thoắt, nhanh nhẹn lạ. Bà Năm trỏ Hằng với chàng:
– Kìa ông thử nhìn… Có ai ngờ bà ấy ẻo lả thế mà khỏe đến thế không?
Anh đáp:
– Ấy chính những người ẻo lả mới ít bị sóng làm nhọc mệt. Còn mát da mát thịt như hạng bà thì…
Chàng bật cười khiến bà Năm cũng cười.
Yvonne vừa bơi, vừa nhổ nước, nghển cổ hỏi với bà mẹ:
– Eh bien! Pourquoi ne t’amuses-tu pas comme ilfaul, maman?
Lời nói bị sóng bể át tiếng, bà Năm không nghe rõ, phải hỏi Anh:
– Con cháu nó bảo gì tôi thế ông?
– À, hỏi bà sao lại không bơi lội cho thỏa thích…
Tức thì bà Năm để tay lên miệng thành loa, quát lớn:
– Vừa vừa chứ, Yvonne!… Khéo không rồi mà lại phát ốm!
Anh chêm:
– Bà tưởng vậy chứ có ai đi tắm bể mà ốm bao giờ!
Bà Năm so vai:
– Ông không biết chứ tôi tắm bể là rất hay ốm. Vả lại ông trông xem,… thế kia… gió to, sóng lớn, sức người quần quật sao lại được? Đi tắm mà nô đùa quá sức thì cũng nhọc mệt như đi kéo xe tay… Gớm, ông trông ông Quân nữa kìa…!
Hai người cùng nhìn ra… Quân bơi ngang bơi dọc vùng vẫy chán rồi giở trò hụp. Chàng đương đứng chỗ này để nhìn Yvonne với vợ mà cười rồi lại ngụp xuống nước, biến hẳn một lúc lâu, mãi mới nhô lên ở chỗ khác cách đấy năm, bảy thước, vừa vuốt tóc đắc chí, lại cười.
Sóng đánh vào đá rào rào, nước bắn tóe rất cao. Không tắm, Anh thấy quần mình cũng ướt át quá đầu gối. Đôi giày vải, nước cũng đầy cả. Bà Năm hỏi một cách lo ngại:
– Này, ông Anh nhỉ… Hình như nước chiều nay to khác mọi ngày, phải thế không ông Anh?
– Dạ… Tôi cũng không được biết. Tôi không kinh nghiệm điều đó bao giờ.
Bơi lội mãi, thấy tẻ, Quân bàn cuộc bơi thi. Chàng cho chàng là giỏi nhất nên bảo Hằng và Yvonne bơi trước, ai được sẽ đến giật giải chung kết với chàng.
– Nhưng mà thi thế nào? – Yvonne hỏi.
Quân đáp:
– Ta thi lấy bơi nhanh.
– Từ đâu đến đâu mới được chứ?
– Từ đây đến chỗ gần mỏm đá mai cua ở giáp bờ phía kia, rồi lại bơi về.
– Được lắm!
Yvonne reo rồi quay lại hỏi Tiết Hằng:
– Nào chị, có dám thi không?
Tiết Hằng ngửa cổ cả cười:
– Thì thi chứ sao! Gớm, tưởng tôi hèn chắc?
Cả hai đứng gần nhau, quay nhìn Quân ra hiệu.
– A lê hấp!!!
Thế là cả hai người nhoài mình ra bơi. Lúc bơi nghiêng, khi bơi ngửa, tùy theo sự nhọc mệt phải thay chiều lưng đỡ sóng hoặc tránh khỏi sóng. Nhưng mà bơi ngang đà sóng nên cũng vất vả khó khăn. Nếu không giữ vững được dòng, để sóng lôi ra một ít hay đẩy vào một ít, thế cũng hại, bởi lẽ xa thêm mất đường. Từ chỗ Đào Quân đến mỏm đá hình mai cua ít ra cũng hơn mười thước.
Cái lòng sốt sắng của bà Năm và Anh đứng trên bờ lộ ra mạnh lắm. Hai người cũng reo hò, tỏ ý hoan nghênh hai người thi bơi. Lượt ra chỗ mỏm đá thì hai người bằng nhau. Đến lượt về, vì hết sức cố, Yvonne hơn được Hằng hai sải, Hằng thua, lần vào bờ, chân vẫn ngâm dưới nước, chống tay vào một phiến đá đứng xem. Chờ khi Yvonne thật hồi sức đủ đua cuộc nữa, Hằng đứng trong giơ tay ra hiệu. Thấy hiệu, Yvonne bơi liền, trong khi Quân còn đứng lại chờ nàng bơi đã được mấy thước mới nhoài mình đuổi theo, tỏ ý chấp.