Thế là ông bước lại gần phía bà mẹ, thực hiện mong ước của bà ta, đặt tay lên đầu chú bé và bắt đầu cầu nguyện.
Bà mẹ đem con trai ra về và một tháng sau chú bé khỏi bệnh, danh tiếng của vị cha cả Serghi có sức mạnh thần thánh chữa khỏi bệnh vang khắp vùng. Từ đó không có tuần nào là những người ốm không đi bộ, đi xe tới chỗ cha Serghi. Và một khi đã không từ chối những người này, ông cũng không thể từ chối những người khác và ông đã đặt tay lên đầu người bệnh, cầu nguyện, nhiều người đã khỏi bệnh, danh tiếng của cha Serghi càng ngày càng lan rộng.
7
Đã mấy tuần nay cha Serghi sống với một ý nghĩ ám ảnh: Liệu ông có làm được điều tốt không khi ông vâng theo cái hoàn cảnh do cha bề trên và tu viện trưởng đặt ông vào nhiều hơn là tự ý ông muốn. Điều đó bắt đầu sau khi chú bé mười bốn tuổi khỏi bệnh, từ đó tháng nào, tuần nào, ngày nào Serghi cũng cảm thấy cuộc sống nội tâm của mình bị thủ tiêu và thay thế bằng cuộc sống bề ngoài. Y như thể người ta đã lộn trái ông ra vậy.
Serghi thấy ông đã trở thành công cụ lôi cuốn khách viếng thăm và dâng cúng cho tu viện, và vì thế những người cai quản tu viện đã tạo cho ông những điều kiện để ông có thể có ích nhiều nhất. Chẳng hạn như người ta hoàn toàn không để cho ông phải lao động. Người ta cung cấp cho ông tất cả những thứ gì ông có thể cần tới và chỉ yêu cầu không từ chối ban phước cho các khách tới viếng thăm ông. Để thuận tiện cho ông, người ta đã quy định ngày tiếp khách của ông. Người ta đã xếp đặt phòng tiếp đón các khách nam và một nơi có các gióng ngăn cách để cho các khách nữ khỏi xô ngã ông, khi họ lao tới với ông, – một nơi để ông có thể ban phước cho các khách viếng thăm. Nếu như người ta nói rằng ông cần thiết cho mọi người, rằng để thực hiện luật lệ tình thương của Chúa Kito, ông không thể từ chối yêu cầu của mọi người muốn được gặp ông, rằng việc xa lánh những người đó có lẽ là tàn nhẫn, ông không thể không đồng ý như thế, nhưng càng dấn mình vào cuộc sống đó ông càng cảm thấy cuộc sống nội tâm của mình đã chuyển thành cuộc sống bề ngoài, nguồn nước thần khô cạn ở trong ông, những gì ông đã làm là làm vì con người nhiều hơn, chứ không phải vì Chúa.
Dù ông lên tiếng dạy bảo mọi người hay chỉ ban phước một cách đơn giản bằng việc cầu nguyện cho những người ốm, dù ông khuyên bảo mọi người về cách sống của họ hay ông lắng nghe lời cảm ơn của những con người đã được ông hoặc là chữa giúp cho lành bệnh, như người ta nói với ông, hoặc ban cho lời dạy bảo, ông đều không thể lấy đó làm vui, không thể không quan tâm tới những hiệu quả hoạt động của mình, tới ảnh hưởng của hoạt động đó đối với mọi người. Ông tưởng như mình là một ngọn đèn đang cháy, và càng nghĩ như thế ông càng cảm thấy ánh sáng thần của chân lý yếu ớt đi, lụi tắt ở trong ông. “Mình làm bao nhiêu vì Chúa và bao nhiêu vì con người?” – Đó là câu hỏi thường xuyên giày vò ông và chẳng những ông không bao giờ có thể trả lời được câu hỏi đó, mà ông còn không dám quyết định trả lời mình. Trong thâm tâm, ông cảm thấy rằng con quỷ đã đem hoạt động vì con người đánh tráo lấy toàn bộ hoạt động vì Chúa của ông. Ông cảm thấy thế bởi lẽ, cũng như trước đấy ông thấy khó chịu khi người ta dứt ông ra khỏi cảnh cô tịch, thì bây giờ cảnh cô tịch của ông khiến ông khó chịu, ông thấy nặng nề vì khách khứa viếng thăm, ông mỏi mệt vì họ, nhưng trong thâm tâm ông thấy vui sướng vì họ, vui sướng vì những lời ca tụng vây bọc lấy ông.
Thậm chí đã có lúc ông quyết định bỏ đi trốn. Ông đã nghiền ngẫm mọi nhẽ xem nên trốn đi như thế nào. Ông chuẩn bị cho mình chiếc áo cánh của nông dân, những mảnh vải quấn chân, áo choàng dài captan và chiếc mũ lông. Ông giải thích rằng ông cần tới những thứ đó để cho những người cầu xin. Và ông đã giữ những áo quần đó ở cạnh mình, nghĩ xem nên mặc như thế nào, cắt tóc và bỏ đi ra sao. Thoạt đầu ông sẽ đi xe lửa, đi được độ ba trăm versta thì xuống tàu, đi đến các làng. Ông đã hỏi một người lính già xem nên đi như thế nào, người ta cho phép đi và bố thí ra sao. Người lính đã kể cho ông biết những nơi nào người ta cho đi dễ dàng và bố thí hậu hĩnh và thế là cha Serghi mong muốn làm theo lời chỉ dẫn đó. Thậm chí có lần vào ban đêm ông đã mặc quần áo và định ra đi, nhưng ông không biết: Ở lại hay bỏ đi, đằng nào hay hơn. Thoạt đầu ông do dự, sau đó sự do dự qua đi, ông đã quen dần và khuất phục con quỷ, và chiếc áo nông dân chỉ còn gợi nhắc cho ông nhớ tới những cảm nghĩ của mình.
Khách viếng thăm tới với ông mỗi ngày một nhiều và càng ngày ông càng ít có thì giờ để củng cố tinh thần và cầu nguyện. Đôi khi, trong những phút giây trong sáng, ông nghĩ rằng mình giống như cái nơi trước đây có ngọn nguồn của một con suối. “Đã từng có nguồn nước thần mảnh mai lặng lẽ chảy ra từ mình ta, qua mình ta. Đó là cuộc sống thật sự, khi “bà ta” (ông luôn luôn thấy hứng thú mỗi lần nhớ tối đêm hôm ấy, và nhớ tới bà ta, giờ đây là tu sĩ Agrina) cám dỗ ta. Bà ta đã hớp thứ nước thần ấy. Nhưng từ đó nước còn chưa kịp dồn đọng lại, thì những người khát nước đã tới, chen chúc nhau, xô lấn nhau. Và họ đã xéo nát tất cả, chỉ còn bùn trơ lại”. Trong những giây phút trong sáng hiếm hoi, ông đã nghĩ như vậy, nhưng trạng thái bình thường nhất của ông là: Mệt mỏi và thương xót mình vì sự mệt mỏi đó.
Ấy là vào mùa xuân đêm trước ngày lễ Prepolovenie[13]. Cha Serghi làm lễ ban đêm tại nhà thờ đặt trong hang núi của mình. Mọi người chen vào cho kỳ bằng hết chỗ, khoảng độ hai chục người. Tất thảy đều là các quý ông và thương gia, nghĩa là những người giàu có. Cha Serghi để cho tất cả mọi người vào dự lễ, nhưng sự lựa chọn này là do một tu sĩ được sắp xếp ở cạnh ông, và người trực nhật do tu viện hằng ngày cử tới chỗ ông, quyết định. Đám đông dân chúng, khoảng độ tám chục người hành hương, đặc biệt là đàn bà, tụ tập ở phía ngoài, chờ cha Serghi ra và ban phước. Cha Serghi đã làm lễ xong và khi bước ra, ông lại gần quan tài vị tiền bối của mình để cầu kinh ca ngợi… ông lảo đảo và suýt ngã, nếu như người lái buôn và vị tu sĩ làm trợ tế đứng sau ông không đỡ lấy ông.
– Cha làm sao thế, thưa Cha? Cha Serghi! Cha thân yêu! Lạy Chúa! – Nhiều giọng phụ nữ vang lên. – Người rũ ra như tàu lá kìa.
Nhưng cha Serghi đã hồi sức ngay và tuy nét mặt rất nhợt nhạt, cha gạt người lái buôn và viên trợ tế ra, rồi tiếp tục hát lễ. Cha Serapion, viên trợ tế, những người hát lễ và bà quý tộc Sophia Ivanovna – bà này luôn sống trong cảnh ẩn dật và chăm sóc cha Serghi, bèn yêu cầu ông ngừng làm lễ.
– Không sao, không sao, – cha Serghi thốt ra, thoáng mỉm cười sau hàng ria mép, – các vị đừng làm đứt quãng buổi lễ.
“Phải, các vị thánh vẫn thường làm như thế”. – Ông nghĩ.
– Vị thánh! Thiên thần! – Giọng nói của Sophia Ivanovna lập tức vang lên sau lưng ông và thêm cả giọng nói của ngươi lái buôn đã đỡ ông. Ông không nghe lời khuyên nhủ của họ và tiếp tục làm lễ. Mọi người lại chen chúc nhau, tất cả kéo thành hàng dài quay trở về nhà thờ nhỏ, tại đó, cha Serghi đã làm hết lễ nguyện ban đêm, tuy có hơi rút ngắn lại.
Sau khi làm lễ, cha Serghi ban phước cho những người có mặt ở đó, rồi bước ra chiếc ghế dài đặt dưới cây du ở cửa hang. Ông muốn nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành, cảm thấy điều đó là cần thiết đối với mình, nhưng ông vừa bước ra cửa hang, đám đông dân chúng đã lao tới ông, xin ban phước và xin ông khuyên bảo, giúp đỡ. Trong số này có những người đàn bà hành hương, luôn luôn đi từ đất thánh này tới đất thánh kia, từ vị cha cả này đến vị cha cả khác và bao giờ cũng mủi lòng trước bất kỳ vật thiêng nào và bất kỳ vị cha cả nào. Cha Serghi biết rõ hạng người bình thường, lạnh lùng, ước lệ, chẳng có tính chất tôn giáo tí nào này; ở đây có những người đàn ông hành hương, phần lớn là lính đã xuất ngũ, bị bật ra khỏi cuộc sống định cư, rơi vào cảnh túng quẫn và phần lớn là những ông già say bét nhè, lang thang từ tu viện này đến tu viện khác chỉ cốt để no bụng; ở đây cũng có cả những nam nữ nông dân quen cùng với những đòi hỏi ích kỷ muốn chữa khỏi bệnh của mình là muốn giải quyết những mối nghi ngờ trong những công việc thực tiễn nhất, về việc gả chồng cho con gái, về việc thuê cửa hiệu, về việc chuộc ruộng đất, hay về việc gạt bỏ cho mình tội vô ý ngủ đè chết con, hoặc sinh ra đứa con hoang. Cha Serghi từ lâu đã quen thuộc và không thích thú tất cả những chuyện đó. Ông biết rằng ông sẽ chẳng hiểu thêm điều gì mới từ những nhân vật đó, họ không gợi trong ông một tình cảm tôn giáo nào, nhưng ông thích nhìn thấy họ như là nhìn một đám đông coi lời ban phước của ông, những lời lẽ của ông, là cần thiết và quý giá, bởi vậy tuy vất vả vì đám đông này, ông đồng thời vẫn thú vị với nó. Cha Serapion đã toan xua đuổi họ, nói rằng cha Serghi mệt, nhưng về phần ông, khi nhớ tới những lời nói trong kinh Phúc âm: “Đừng ngăn cản chúng (trẻ con) đến với ta”, ông thấy xúc động và đã bảo để người ta cho họ vào.
Ông đứng dậy, bước lại gần các gióng chắn – họ tụ tập ở cạnh đó – và bắt đầu ban phước cho họ và trả lời những câu hỏi của họ bằng giọng nói yếu ớt khiến chính ông cũng tự mủi lòng. Nhưng tuy có muốn tiếp tất cả mọi người, ông đã không thể làm được, mắt ông lại hoa lên, ông lảo đảo và bám lấy gióng chắn. Ông lại cảm thấy máu dồn lên đầu, rồi thoạt tiên mặt ông tái nhợt, sau đó ông thấy người bỗng nhiên bừng bừng.