Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

Hôm sau, cha Serghi xin tu viện trưởng và đoàn giáo sĩ tha thứ cho thái độ kiêu hãnh của mình, nhưng đồng thời sau một đêm cầu nguyện, ông quyết định mình phải bỏ tu viện này và ông đã viết thư cho vị cha cả về việc đó, cầu xin vị cha cả cho phép ông quay trở về tu viện trước đây. Ông viết rằng ông cảm thấy mình yếu đuối và không có khả năng đơn độc chống lại những cám dỗ, nếu thiếu sự giúp đỡ của vị cha cả. Và ông đã tỏ ra ăn năn vì tội kiêu hãnh của mình. Chuyến xe thư sau đã mang thư trả lời của vị cha cả tới, trong đó nói rằng nguyên do mọi sự là ở thói kiêu hãnh của ông. Vị cha cả đã giải thích cho ông rằng cơn giận dữ của ông bùng ra là do ông đã cam chịu nhẫn nhục, chấp hành những nghi thức tôn giáo không phải vì Chúa, mà vì sự kiêu hãnh của mình, muốn tỏ ra rằng đấy, tôi là người như vậy đó, tôi chả cần gì cả. Chính vì thế mà ông đã không chịu được cách xử sự của tu viện trưởng. Vì Chúa mình đã khinh thường tất cả, vậy mà người ta lại đem mình ra trưng bày như một con mãnh thú. “Nếu như con vì Chúa mà coi thường vinh hoa, thì chắc con đã chịu đựng được. Thói kiêu hãnh thế tục còn chưa tắt lặng ở trong con. Ta nghĩ tới con, Serghi ạ, và ta đã cầu nguyện, và Chúa đã gợi ý cho ta bảo với con rằng, con hãy sống như trước đây và hãy khuất phục. Vừa lúc ấy có tin ẩn sĩ Ilarion đã kết thúc cuộc đời thánh thiện của mình tại nhà tu nhỏ. Ông ta đã sống ở đó mười tám năm. Tu viện trưởng Tambino hỏi xem có giáo sĩ nào muốn sống ở đó không. Vừa may nhận được thư con. Con hãy tới gặp đức cha Paixi ở tu viện Tambino và xin được ở trong tu phòng nhỏ của Ilarion, ta sẽ viết thư cho ông ta. Không phải vì con có thể thay thế được Ilarion, mà vì con cần tới sự biệt lập để chế ngự thói kiêu hãnh của mình. Mong Chúa phù hộ cho con”.

Nghe lời vị cha cả, Serghi đã đưa bức thư đó cho tu viện trưởng xem, rồi xin phép ông ta, trả lại tu phòng của mình cùng mọi đồ đạc cho tu viện, và đi tới tu viện Tambino hoang vắng.

Tu viện trưởng tại tu viện Tambino là một chủ nhân tuyệt vời, xuất thân từ giới thương gia. Ông ta đã tiếp đón Serghi một cách giản dị và điềm tĩnh và xếp ông vào tu phòng của Ilarion, thoạt đầu cấp cho ông một người hầu hạ, sau đó, theo ý nguyện của Serghi, để ông ở một mình. Tu phòng là một cái hang đào trong núi. Ilarion đã được chôn cất trong tu phòng đó, ở phía sau hang. Gần đó là một cái hõm dùng làm chỗ ngủ, có đệm rơm, một chiếc bàn nhỏ và một cái giá để đặt ảnh thánh và sách, ở bên ngoài cửa ra vào đóng chặt có một cái giá, hàng ngày một tu sĩ đem thức ăn tu viện ra để trên giá đó.

Và cha Serghi đã trở thành ẩn sĩ.

4

Serghi đã tu hành ẩn dật được sáu năm. Vào dịp lễ tiễn mùa đông, từ thành phố bên cạnh, sau khi tiệc rượu no say, một tốp những người giàu có gồm cả đàn ông và đàn bà tụ họp vui vẻ, rong xe tam mã đi chơi. Tốp này gồm có hai luật sư, một địa chủ giàu có, một sĩ quan và bốn phụ nữ. Một bà là vợ viên sĩ quan, một người là vợ viên địa chủ, người thứ ba là em gái của viên địa chủ, còn bà thứ tư là người đã li dị chồng, một người đàn bà đẹp, giàu có và là một người kỳ quặc đã từng làm cho thành phố náo loạn và ngạc nhiên vì những trò oái oăm của mình.

Thời tiết đẹp, đường phẳng lì như sàn nhà. Xe đi ngược độ một chục dặm, ra khỏi thành phố, họ dừng lại và trao đổi xem nên đi đâu, quay lại hay đi tiếp.

– Thế con đường này dẫn tới đâu nhỉ? – Makovkina, người đàn bà đẹp đã li dị chồng, hỏi.

– Đến Tambino, từ đây đến đó còn mười hai versta[9], – ông luật sư nói, ông ta đang ve vãn bà Macovkina.

– Thế còn sau đó?

– Sau đó con đường dẫn tới L. đi qua tu viện.

– Nơi cha Serghi sống ấy à?

– Phải.

– Kasatski ấy à? Vị ẩn sĩ đẹp trai phải không?

– Phải.

– Thưa quý bà! Thưa quý ông! Chúng ta đi tới chỗ Kasatski. Ta sẽ nghỉ ngơi, ăn uống ở Tambino.

– Nhưng chúng ta sẽ không kịp về nghỉ đêm tại nhà.

– Không sao, ta sẽ nghỉ đêm ở chỗ Kasatski.

– Ở đó có nhà khách của tu viện đấy và thật là tuyệt. Tôi đã ở đó khi bào chữa cho Makhin.

– Không, tôi sẽ nghỉ đêm ở chỗ Kasatski.

– Chà, ngay cả với mãnh lực toàn năng của bà cũng không thể thế được.

– Không thể được à? Ông cược đi.

– Được thôi, nếu bà ngủ đêm được ở chỗ ông ta, thì bà muốn gì, tôi cũng xin vâng.

A discrétion![10]

– Bà cũng thế đấy!

– Thôi được. Ta đi đi!

Họ chuốc rượu vang cho các bác xà ích. Bản thân họ đã kiếm được một hòm bánh rán, rượu vang, kẹo. Các bà cuộn mình trong những chiếc áo bằng lông chó trắng. Các xà ích tranh cãi xem ai đi đầu và một người xà ích trẻ ngang tàng quay nghiêng người lại, huơ chiếc roi dài, thét to, – thế là nhạc ngựa vang lên và các càng trượt rít ken két.

Những chiếc xe trượt tuyết rung lên và lúc lắc, con ngựa chạy bên lề phóng đều đều và vui vẻ, đuôi bị buộc chặt vào chiếc đai lưng. Con đường phẳng phiu như bôi mỡ vun vút tụt lại phía sau, anh xà ích ngang tàng giật dây cương, ông luật sư, viên sĩ quan ngồi đối diện nhau, họ nói trạng gì đó với bà Makovkina ngồi bên cạnh, còn bà này cuộn chặt mình trong chiếc áo choàng lông, ngồi bất động và nghĩ: “Cũng cùng một giuộc cả thôi và tất cả đều xấu xa, những bộ mặt đỏ lựng, nhẵn bóng sặc mùi rượu vang và thuốc lá, cũng vẫn những lời lẽ đó, vẫn những ý tưởng đó và tất cả đều xoay quanh chính bản thân sự xấu xa. Tất cả bọn họ đều hể hả và tin chắc rằng cần phải như thế và có thể tiếp tục sống như thế cho đến chết. Mình thì chịu. Mình thấy chán ngán. Mình thấy cần phải có một cái gì đó có thể làm đảo lộn, xới tung tất cả những thứ đó lên. Chà, giá cứ như những tay ở Saratov, hình như họ rong xe đi và đã chết cóng. Thế còn lũ mình thì có thể làm được cái gì? Chúng ta đã xử sự như thế nào? Chắc chắn là đã xử sự một cách ti tiện. Kẻ nào có lẽ cũng vì mình và ngay cả mình có lẽ cũng đã xử sự một cách ti tiện. Nhưng ít ra thì mình cũng còn đẹp. Họ biết như vậy. Thế còn vị tu sĩ này? Chả lẽ ông ta chưa hiểu được điều đó hay sao? Không đúng. Họ chỉ hiểu được có một điều ấy thôi. Như hồi mùa thu với anh chàng học sinh sĩ quan đó. Hắn ta mới ngốc nghếch làm sao…”

– Ivan Nikolaievich! – Bà ta nói.

– Bà bảo gì ạ?

– Thế ông ta bao nhiêu tuổi?

– Ai cơ?

– Kasatski ấy mà.

– Hình như khoảng ngoài bốn mươi.

– Thế ông ta tiếp tất cả mọi người chứ?

– Tất cả, nhưng không phải lúc nào ông ta cũng tiếp.

– Ông đắp chân cho tôi đi. Không phải thế. Ông vụng về làm sao! Nào, kéo dịch lên, tí nữa, thế, thế. Và không nên siết chặt chân tôi như vậy.

Thế là họ đã đi tới khu rừng nơi có tu phòng.

Bà ta xuống xe và bảo họ cứ đi tiếp. Họ khuyên ngăn bà ta, nhưng bà ta nổi nóng và ra lệnh cho họ cứ đi. Bấy giờ chiếc xe trượt tuyết đành bỏ đi và bà ta, mình vận chiếc áo choàng bằng lông chó trắng, bước đi trên con đường nhỏ. Vị luật sư xuống xe và đứng lại nhìn.

5

Cha Serghi đã sống năm thứ sáu trong cuộc đời ẩn dật. Ông đã bốn mươi chín tuổi. Cuộc sống của ông thật gian truân. Không phải là do những khó nhọc trong việc ăn chay và cầu nguyện, đó không phải là những việc khó nhọc, mà do cuộc đấu tranh nội tâm ông không hề ngó tới. Có hai nguyên do dẫn tới cuộc đấu tranh đó, sự hoài nghi và tình dục. Và cả hai kẻ thù này bao giờ cũng trỗi lên cùng một lúc. Ông tưởng như đó là hai kẻ thù khác nhau, trong khi chúng chỉ là một mà thôi. Hễ tiêu diệt được sự hoài nghi thì tức là đã tiêu diệt được tình dục. Nhưng ông tưởng rằng đó là hai con quỷ khác nhau và ông đã đấu tranh riêng rẽ với chúng.

“Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! – Ông nghĩ. – Vì sao Người không cho con đức tin. Phải, tình dục, thánh Antoni và những người khác đã đấu tranh với nó, nhưng họ có niềm tin. Còn con có những giờ phút, có những ngày không có được đức tin. Cả thế giới với toàn bộ vẻ mỹ miều của nó tồn tại để làm gì, nếu như nó đầy tội lỗi và cần phải từ bỏ nó? Vì sao Người đã tạo ra sự cám dỗ này?

Sự cám dỗ ư? Nhưng có phải vì sự cám dỗ không – cái việc ta muốn thoát ly khỏi những niềm vui trần gian và đang chuẩn bị một cái gì đó ở một nơi có lẽ chả có gì hết. – Ông tự nhủ và khiếp sợ, ghê tởm bản thân mình. – Đồ đê tiện! Đồ đê tiện! Thế mà cũng mong trở thành thánh”. – Ông bắt đầu chửi rủa mình, và quay ra cầu nguyện. Nhưng vừa bắt đầu cầu nguyện là ông đã hình dung ra một cách sinh động bản thân mình là người thế nào ở tu viện, đội mũ cao, mặc áo lễ, dáng vẻ uy nghi. Và ông lắc đầu, “Không, không phải như thế. Đó là sự dối trá. Nhưng mình lừa dối những người khác, chứ không lừa mình và lừa Chúa. Mình không phải là một con người uy nghi, mà là một kẻ thảm hại, nực cười”. Và ông gạt tà áo thụng ra, nhìn vào đôi chân thảm hại bó trong quần của mình. Rồi ông mỉm cười.

Sau đó ông thả tà áo xuống và bắt đầu đọc kinh cầu nguyện, làm dấu và gập mình xuống lễ. “Chả lẽ cái giường này sẽ là quan tài của mình sao?” – Ông xướng lên. Và tựa hồ có một con quỷ nào đó thì thào bên tai ông: “Cái giường đơn độc, và nó cũng là chiếc quan tài. Sự dối trá”. Và ông đã nhìn thấy trong trí tưởng tượng đôi vai của người đàn bà góa mà ông đã từng chung sống. Ông giũ bỏ hình ảnh đó và tiếp tục đọc kinh. Sau khi đọc các giáo luật, ông cầm lấy quyển kinh Phúc âm, mở ra và thấy ngay đoạn mà ông thường lặp đi lặp lại và thuộc lòng: “Con kính tin, lạy Chúa, xin Người hãy giúp đỡ cho sự thiếu đức tin của con”. Ông đã thu lại mọi mối hoài nghi vừa ló ra. Giống như người ta điều chỉnh một vật không đứng vững, ông lại điều chỉnh lòng tin của mình trên một cẳng chân chao đảo và thận trọng rời xa nó, để khỏi xô đẩy và làm nó đổ sụp. Những tấm che mắt lại được kéo lên và ông đã cảm thấy yên tâm. Ông nhắc lại lời nguyện cầu thời thơ ấu: “Lạy Chúa, xin Người hãy đón nhận lấy con”, và không những ông chỉ cảm thấy nhẹ nhõm mà còn thấy hân hoan xúc động. Ông làm dấu thánh giá, rồi nằm lên tấm đệm của mình trải trên chiếc ghế băng hẹp, đặt dưới đầu chiếc áo lễ mùa hè. Và ông thiếp đi. Trong giấc mơ nhẹ nhõm, ông tưởng như nghe thấy tiếng nhạc ngựa. Ông không rõ đó là thực hay mơ. Nhưng tiếng gõ cửa đã đánh thức ông. Ông nhỏm dậy, không tin ở mình. Những tiếng gõ cửa được lặp lại. Đúng rồi, đó là tiếng gõ cửa gần lắm, ở cánh cửa phòng ông, và có tiếng đàn bà.

Tác giả: