Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

Masa, con gái bà, đang chăm sóc đứa con nhỏ nhất, những đứa lớn, một trai một gái, đi học. Người con rể đêm không ngủ được, nên bây giờ ngủ thiếp đi. Tối hôm qua Praskovia Mikhailovna mãi vẫn không ngủ được, vì còn phải cố dẹp cơn thịnh nộ của con gái đối với chồng.

Bà thấy con rể là một kẻ yếu đuối, không thể nói năng và sống khác thế được, những lời trách móc của vợ đối với anh ta chẳng ăn thua gì và bà đã đem hết sức ra để xoa dịu họ, để không có những lời trách móc, không có chuyện độc ác. Hầu như bà không thể chịu đựng được về mặt thể chất những quan hệ không tốt đẹp giữa người với người. Bà thấy rõ rằng những quan hệ kiểu đó không thể dẫn tới điều gì tốt đẹp hơn, mà tất cả sẽ ngày càng tệ hơn. Thậm chí bà cũng không nghĩ tới chuyện đó, bà chỉ cảm thấy đau khổ trước cảnh hằn thù, giống như bà khổ sở trước mùi hôi, âm thanh chói tai, hoặc những đòn đánh vào người.

Bà vừa mới đắc ý dạy cho Lukeria cách nhào bột như thế nào thì Misa, đứa cháu lên sáu tuổi, mặc áo có yếm, chân đi đôi tất đã mạng vá, chạy vào bếp với vẻ mặt sợ hãi:

– Bà ơi, có một ông lão trông kinh lắm hỏi bà.

Lukeria nhìn ra ngoài.

– Đúng thế, một người hành hương nào ấy, thưa bà.

Praskovia Mikhailovna cọ hai cẳng tay gầy guộc vào nhau, lau tay vào tạp dề và đã toan bước vào trong nhà tìm ví lấy năm kopek để bố thí, nhưng sau bà sực nhớ là không có tiền lẻ nhỏ hơn đồng một hào, nên bà quyết định sẽ cho bánh mì và bà quay lại phía chiếc tủ, nhưng bỗng nhiên bà đỏ mặt khi thấy mình tiếc của, thế là bà ra lệnh cho Lukeria cắt một khoanh bánh mì, rồi tự mình leo lên lấy mười kopek. “Thế là nhà ngươi bị trừng phạt nhé, – bà tự nhủ, – lại phải cho gấp đôi”.

Bà đã đem những thứ đó cho người hành hương, vừa cho vừa xin lỗi và khi đem cho như vậy, không những bà không thấy hãnh diện vì sự hào phóng của mình, mà ngược lại bà cảm thấy hổ thẹn vì mình cho quá ít. Vẻ mặt người hành hương trông trang trọng quá. Mặc dầu ông đã nhân danh Chúa đi suốt ba trăm versta tới đây, quần áo rách rưới, người gầy tọp đi, da đen nhẻm, mái tóc ông đã cắt ngắn, chiếc mũ lông kiểu nông dân cũng tàng tàng như thế, mặc dầu ông đã nghiêng chào một cách khiêm nhường, Serghi vẫn giữ được vẻ trang trọng đầy sức hấp dẫn như vậy. Nhưng Praskovia Mikhailovna không nhận ra ông. Bà không thể nào nhận ra ông được, vì hầu như đã ba chục năm nay bà không gặp ông.

– Xin ông lượng thứ cho. Có lẽ ông muốn ăn phải không?

– Praskovia. Tôi đến với bà. Xin bà hãy đón nhận tôi.

Và cặp mắt đen đẹp của ông nhìn bà chằm chằm, ra ý khẩn cầu, long lanh nước mắt. Dưới hàng ria bạc trắng, đôi môi ông run lên một cách đáng thương. Praskovia Mikhailovna ôm lấy bộ ngực héo hắt, hé miệng và cụp tròng mắt xuống, lặng người đi nhìn khuôn mặt người hành hương.

– Chả có lẽ nào! Stefan! Serghi! Cha Serghi.

– Đúng, chính hắn đấy, – Serghi khẽ thốt lên. – Chỉ có điều đây không phải là Serghi, không phải là cha Serghi mà là kẻ tội trọng Stefan Kasatski, con người đã chết rồi, kẻ có tội trọng. Xin bà hãy đón nhận, hãy giúp đỡ tôi.

– Nhưng chả có lẽ nào, mà sao trông ông cam phận như thế? Ta vào nhà đi.

Bà chìa tay ra, nhưng ông không nắm lấy bàn tay đó và đi theo sau bà.

Nhưng biết dẫn ông vào đâu? Căn hộ quá nhỏ. Thoạt đầu đã ngăn ra một phòng nhỏ xíu, gần như cái buồng xép nho nhỏ, dành riêng cho bà, nhưng sau đó ngay cả cái buồng xép nho nhỏ đó bà cũng cho nốt đứa con gái. Và lúc này Masa ngồi trong đó, đưa nôi cho đứa con còn bú.

– Ông ngồi đây, hiện giờ thì thế đã, – bà nói với Serghi, chỉ tay lên chiếc ghế dài ở trong bếp.

Serghi lập tức ngồi xuống và tháo gỡ chiếc túi dết khỏi vai này, rồi đến vai kia, rõ ràng là bằng động tác quen thuộc.

– Trời ơi, trời ơi, sao mà trông ông cam phận quá! Danh tiếng vang lừng như thế, ấy thế mà bỗng dưng lại.

Serghi không đáp và chỉ mỉm cười một cách hiền lành, đặt chiếc túi ở gần mình.

– Masa, con có biết ai đây không?

Rồi Praskovia Mikhailovna thì thào kể cho con gái biết Serghi là ai và họ cùng nhau đem chăn nệm và chiếc nôi ra khỏi buồng xép, dọn sạch cho Serghi.

Praskovia Mikhailovna dẫn Serghi vào căn buồng bé tí đó.

– Ông sẽ nghỉ ở đây. Xin ông lượng thứ cho. Còn tôi có việc phải đi.

– Bà đi đâu?

– Tôi có giờ dạy ở đây, nói ra thật xấu hổ – tôi dạy âm nhạc.

– Dạy âm nhạc thì tuyệt quá. Chỉ có điều, Praskovia Mikhailovna ạ, tôi đến chỗ bà có chút việc. Khi nào thì tôi có thể nói chuyện với bà?

– Tôi rất sung sướng được ông tới thăm. Chiều được không?

– Được, chỉ xin bà một điều nữa: Bà đừng nói tôi là ai. Tôi chỉ bộc lộ với bà thôi. Không ai biết tôi đi đâu. Cần phải như vậy.

– Chao, thế mà tôi đã nói với con gái tôi rồi.

– Vậy thì bà hãy xin cô ấy đừng nói.

Serghi tháo giày, nằm xuống và lập tức thiếp đi ngay sau một đêm không ngủ và chặng đường bốn chục versta. Khi Praskovia Mikhailovna trở về nhà, Serghi đã ngồi trong căn buồng nhỏ xíu của mình và chờ đợi bà. Ông không ra dùng bữa trưa mà ăn cháo và súp do Lukeria đưa vào cho ông.

– Sao bà về sớm hơn giờ đã hẹn thế? – Serghi nói. – Bây giờ có thể nói chuyện được không?

– Do đâu mà tôi có diễm phúc được đón một vị khách như thế này? Tôi đã bỏ giờ dạy. Để sau… Tôi đã từng luôn mơ ước đi tới chỗ ông, viết thư cho ông, thế mà bỗng nhiên lại có cái may mắn này.

– Praskovia ! Xin bà hãy xem những lời tôi nói với bà lúc này đây là lời thú tội, là lời tôi nói trước mặt Chúa lúc lâm chung. Praskovia! Tôi không phải là một con người thánh thiện, thậm chí cũng không phải là một con người bình dị, thông thường: Tôi là kẻ có tội bẩn thỉu, xấu xa, lầm lạc, kiêu hãnh, tôi không biết mình có xấu hơn tất cả không, nhưng xấu hơn những con người tồi tệ nhất.

Thoạt đầu Praskovia trố mắt ra nhìn, bà đã tin. Sau đó, khi đã tin hoàn toàn, bà chạm bàn tay vào tay ông và mỉm cười thương hại, nói:

– Stefan, có lẽ ông nói quá chăng?

– Không, Praskovia ạ. Tôi là một kẻ lầm lạc, một tên giết người, một đứa sàm báng và một thằng lừa dối.

– Trời ơi! Sao lại như vậy? – Praskovia Mikhailovna thốt lên.

– Nhưng cần phải sống. Và tôi, kẻ từng nghĩ rằng mình hiểu biết hết, mình đã dạy người khác nên sống như thế nào, – tôi chẳng hiểu gì hết và tôi xin bà dạy bảo tôi.

– Sao thế, Stefan. Ông cứ giễu cợt. Vì sao bao giờ ông cũng giễu cợt tôi như vậy?

– Thôi được, cứ cho là tôi giễu cợt đi; chỉ có điều bà hãy nói cho tôi biết bà sống như thế nào và cuộc sống đã trôi qua ra sao?

– Tôi ấy à? Tôi đã sống cuộc đời ti tiện, xấu xa nhất và bây giờ Chúa trừng phạt tôi, quả là đáng đời, tôi sống tồi tệ quá, tồi tệ quá…

– Thế bà đã đi lấy chồng như thế nào? Bà đã sống với chồng ra sao?

– Tất cả đều tồi tệ. Tôi đã đi lấy chồng, đã yêu một cách xấu xa nhất. Ba tôi không tán thành chuyện đó. Tôi đã không suy xét gì cả và đi lấy chồng. Và khi lấy chồng rồi, đáng lẽ phải giúp đỡ chồng, tôi đã giày vò nhà tôi bởi cái máu ghen mà tôi không thể nào chế ngự được.

– Tôi nghe nói ông ấy rượu chè.

– Phải, nhưng còn tôi thì đã không biết cách can ngăn ông ấy. Tôi đã trách móc nhà tôi. Mà đó là một căn bệnh. Ông ấy không thể kìm mình được, còn tôi bây giờ nhớ lại, lúc ấy tôi đã không cho ông ấy tiền để uống. Thế là giữa chúng tôi xảy ra những cảnh lục đục khủng khiếp.

Và khi hồi tưởng lại chuyện đó, bà ngước cặp mắt đẹp, đau khổ nhìn Kasatski.

Kasatski nhớ lại, người ta đã kể cho ông biết chồng Praskovia đánh đập bà ta. Và giờ đây khi nhìn cái cổ gầy gò, héo hắt với những mạch máu lớn ở phía dưới tai và cụm tóc thưa màu hung nhạt đã điểm bạc, tựa hồ ông đã nhìn thấy cảnh đánh đập đó diễn ra như thế nào.

– Sau đó tôi sống một mình với hai đứa con và chẳng có chút của nả gì cả.

– Bà có trang trại cơ mà?

– Ngay từ thời còn sống với nhà tôi, chúng tôi đã bán sạch hết cả… và đã tiêu hết ráo… Cần phải sống, vậy mà tôi chả biết làm gì, giống như tất cả lũ tiểu thư chúng tôi. Nhưng lúc ấy tình cảnh của tôi đặc biệt tồi tệ và bất lực. Chúng tôi sống cực khổ, tôi dạy dỗ lũ trẻ – bản thân tôi cũng đã học hành được chút ít. Mitia học đến lớp bốn thì bị ốm và Chúa đã rước nó đi. Masa yêu Vania, anh con rể tôi. Biết làm sao được, anh ta là người tốt, chỉ có điều bất hạnh, anh ta ốm đau.

– Mẹ ơi, – con gái bà ngắt lời bà. – Mẹ hãy đón thằng Misa cho con, con không thể xẻ mình làm đôi làm ba được.

Praskovia Mikhailovna giật mình, đứng dậy và đi nhanh trên đôi giày vẹt gót, bước qua cửa và quay trở lại ngay, bế chú bé trên hai tay, chú bé ngật người về đằng sau và đưa đôi bàn tay bé xíu túm lấy đuôi khăn của bà.

– À mà tôi nói đến đâu rồi nhỉ? Ấy thế, con rể tôi cũng đã kiếm được một chỗ làm tốt đáo để, quan trên cũng dễ thương, nhưng Vania không thể đi làm được và đã xin về hưu.

– Anh ta ốm bệnh gì?

– Suy nhược thần kinh, đấy là một căn bệnh khủng khiếp lắm. Chúng tôi đã bàn bạc là cần phải đi nơi khác, nhưng tiền nong không có. Tuy vậy tôi vẫn hy vọng rồi mọi việc sẽ qua đi. Anh ấy không đau đớn gì đặc biệt, nhưng…

– Lukeria! – Giọng nói của anh ta vang lên, tức bực và yếu ớt. – Lúc cần đến nó là y như rằng bao giờ người ta cũng sai nó đi đâu đấy ấy. Mẹ đi!…

– Tôi vào ngay đây, – Praskovia Mikhailovna lại ngắt lời. – Anh ấy chưa ăn trưa. Anh ấy không thể ăn cùng với chúng tôi được.

Tác giả: