Ngày trước, độ tôi còn bé, có một lần tôi mua một thức gì mà tôi quên đi mất, người ta trả lầm lại tôi một đồng trinh Gia long.
Đồng trinh Gia Long cũng to vừa bằng đồng trinh Khải Định, nên vì vô ý hoặc vội vàng, ngay lúc ấy, tôi cứ bỏ tọt vào túi.
Nhưng mà, về đến nhà, thấy bị thiệt mất nửa xu, tôi bực mình quá.
Không thể làm cách gì tiêu được đồng ấy, tôi đành cất nó vào hộp. Mà luôn trong nửa tháng trời, hễ lúc nào tôi nhìn đến nó đã lên dỉ, là lòng tiếc của lại cắn rứt tôi, có khi đêm nằm chỉ thở dài, trằn- trọc mãi không ngủ được.
Sốt ruột không chịu được, tôi phải nghĩ kế tống nó đi.
* * *
Lần ấy tôi được nghỉ lễ ba ngày.
Hôm tôi sắp về nhà quê, tôi nghĩ đến sáng hôm
Sau phải đi xe lửa sớm mà chợt tôi được thấy ngay một ý rất hay.
Tôi định rẽ ra ga ngay từ lúc năm giờ. Lúc ấy hẳn là trời còn tối, chưa rõ mặt người. Như thế, nhân dịp tốt, tôi sẽ vào một hàng quà ở trước cửa ga, để mua một thứ gì cần trả tiền bằng xu lẻ. Rồi khi trả tiền, tôi đếm cả đồng trinh Gia Long lẫn vào những trinh Khải định. Thế thì có trời biết.
Suốt đêm tôi thấp thỏm mừng thầm, đắc chí lắm.
* * *
Sáng hôm sau, tôi đến ga rất sớm.
Đứng ở hiên, tôi móc túi, lấy đồng trinh Gia long, ghé vào tận dưới ngọn đèn để xem cho kỹ, rồi cho riêng vào một túi. Tôi đi sang dãy hàng cơm bên kia đường, chọn một nhà có người xem chừng còn ngái ngủ mới vào. Tôi mặc cả một phong bánh khảo để đem về làm quà cho em bé tôi:
— Mấy xu một phong bánh khảo thế bà?
— Bảy xu!
— Bốn xu có được không?
— Không!
— Thế bốn xu rưỡi vậy.
— Gớm! Cậu này mua bán chặt chẽ quá! Sáu xu, thực giá đấy!
— Thôi, năm xu, bà bán cho tôi.
— Không được, sáu xu kia!
Chẳng được giá, tôi bỏ đi. Nhưng vừa bước khỏi nhà, bà hàng đã gọi giật lại:
— Này, cậu mua bánh khảo! Năm xu rưỡi đấy.
— Không, tôi chỉ có năm xu thôi.
Rồi tôi lại đi.
— Này, lại đây. Cậu lấy hai phong, tôi bán rẻ cho một hào.
— Không, tôi chỉ mua một phong thôi.
Tôi không bằng lòng mua hai phong, chẳng phải tôi không đủ tiền. Nhưng nếu tôi trả một hào, thì đồng trinh chết rấp ấy, tôi đẩy nó đi sao được.
Mặc cả hàng bên cạnh, tôi cũng bị người ta nói thách, tôi bèn bụng bảo dạ:
“Thôi, năm xu rưỡi cũng được, cốt mình trả được bằng tiền trinh là khá rồi.”
Nghĩ vậy, tay tôi thọc vào túi, đếm mười đồng trinh, và nhét đồng Gia long vào giữa là mười một. Tôi đến hàng ban nãy, nói:
— Nào, năm xu rưỡi, bà bán cho tôi một phong.
Bà hàng uể oải mở tủ. Tôi vẫn nắm trong tay mười một đồng trinh. Rồi sự khôn ngoan lại xui thêm tôi nên đứng chân trong chân ngoài, để lúc trả tiền xong, tôi cần cắm cổ đi cho chóng, kẻo người ta gọi lại.
Bà hàng lấy phong bánh, nói:
— Bánh này ngon lắm, đáng sáu đồng xu của tôi.
Tôi mỉm cười. Vì tôi lấy làm khoái trí rằng sẽ được lợi hẳn một xu!
Bà hàng đẩy gói bánh lên mặt quầy. Tay tôi vẫn thọc sẵn vào trong túi.
— Nào, trả tiền đi.
Tôi rút nắm trinh ra. Nhưng vì vội quá, tôi đụng tay đánh rơi mất hai đồng.
Lúng túng, tôi cúi xuống tìm. Khi nhặt được đủ, tôi lại có ý để đồng trinh Gia long len vào giữa, rồi nhanh như cái cắt, tôi đặt cả cọc tiền lên mặt tủ và giao hẹn:
— Tiền đây, bà nhé!
Nói xong, trống ngực thình thình, tôi quay gót bước một mạch cho mau, vừa đi vừa thỉnh thoảng quay lại nhìn, yên trí sao cũng được nghe tiếng:
— Này! đổi cho tôi đồng khác!
Nhưng may quá! Bà hàng đã đếm tiền xong, mà cũng chẳng thấy gọi tôi lại. Đến hiên ga, tôi vừa thở vừa nhìn lại: trong hàng, tôi không thấy bà ấy nữa. Một người khác đã ra coi thay từ bao giờ.
Mừng quá! Thật là may mắn! Từ nay đỡ nỗi bực mình. Thành ra tôi khôn một tý hóa được một xu lợi.
* * *
Ngồi trên xe lửa, vơ vẩn, tôi nghĩ tới em bé tôi. Chắc thoạt thấy tôi về, nó mừng rỡ. Khi đòi quà mà được phong bánh khảo, thì hẳn nó reo ầm, mừng quýnh, ôm chặt lấy tôi mà hôn. Nghĩ đến cảnh tượng ấy, tôi sung sướng, đắc chí lạ thường.
Rồi hai tay vùng vẫy, tôi tung tăng đi lên đầu toa, lại xuống cuối toa.
Lúc chợt muốn biết bánh khảo ấy hiệu gì, tôi sực nhớ ra… Khổ quá! Quái! Lạ thật…
Tôi ngẩn người, cau mặt để nghĩ. Tôi nghĩ lại từng lúc một, thì dần dần mới nhớ đích là tôi đã bỏ quên phong bánh ngay ở hàng cơm.
Bởi vì được tiêu thoát đồng trinh Gia long, tôi vừa mừng, vừa lo, nên cứ cắm cổ chạy, quên bặt mất không cầm gói bánh. Thảo nào tôi không thấy nhà hàng gọi tôi!
Chán quá!…
• Năm 1935