Thừa băn khoăn lo hàng không đổ bộ kịp trước lúc rạng đông. Hắn băn khoăn không rõ ông cố vấn Tình muôn thuở vì lý do gì mà vắng mặt, hay công ty lại gặp trắc trở mới. Hắn băn khoăn chẳng hay bận bịu gì, hay xảy ra việc chẳng lành, mà Ma-ri phải ở lại Hà Nội, Ma-ri cũng biết đêm nay ở nhà rất bận, Ma-ri vẫn đỡ Thừa trong việc tiếp khách và làm hàng sáo. Tiếp khách không chu đáo thì mất khách. Không cho khách vay thì kém tiền hồ và thiệt lãi nợ. Hẳn Ma-ri không về được, hắn cũng sốt ruột không kém Thừa.
Cũng như mọi chuyến hàng, Thừa rối lên về bận. Hắn soát lại tiền nong để tránh lầm lẫn, tránh giấy giả. Hắn tính toán xem sẽ chia cho người nào bao nhiêu nhựa. Suốt từ sáng đến giờ, hắn đã bị mẹ Mão sinh sự, rồi bị Ma-ri đay nghiến. Hắn lại vừa phải đi Việt Trì, đi Yên Bái, lo lắng hơn lo cha chết. Bây giờ, đến nhà, không những băn khoăn về nỗi ông Hoài Tân Tử không đến và Ma-ri chưa về, hắn còn làm đủ các thứ việc. Thế mà mỗi lúc một người thua bạc đến vay, Thừa phải làm cả hàng sáo cáng hộ Ma-ri. Hắn mệt nhoài. Nhưng hắn không quên phải đảo vào sòng, vào tĩnh, quăng vào đó một vài câu khôi hài, giữ cho không khí được vui vẻ.
Rồi sáng hôm sau, khi phân phối hàng xong, đáng lẽ Thừa đem tiền đi Hà Nội nộp cho công ty, thì vì không có ô tô, hắn như bị trói cẳng. Một bọc tiền lớn, không thể đèo sau mô tô. Không có chỗ buộc vừa, vả lỡ, giữa đường, nó rơi mà không biết, thì chết.
Vì mong có xe để đi, và lúc nào cũng chắc chắn là Ma-ri sắp về đến nơi, nên buổi sáng hôm ấy, Thừa không ngủ yên giấc, hắn đặt mình xuống giường, đương thiu thiu, bỗng nghe thấy một tiếng động, là vội vàng nhổm dậy để lắng tai. Hắn tưởng tiếng còi ô tô. Nhưng không phải. Hắn lại thở dài và nằm vắt tay lên trán để đợi. Và để lo, để nghĩ. Hắn cho là đồng tiền làm con người sung sướng, nhưng kiếm nổi đồng tiền, thật là mệt xác, mệt đầu. Nhớ lại những nông nỗi suốt từ sáng hôm trước đến giờ, hắn nhăn nhó, vùng trở dậy. Hắn đi mặc sẵn quần áo, rồi tay ôm bọc tiền đặt trên đùi, ngồi chờ ở hiên. Hắn ra lệnh cấm năm đứa con không được đùa nghịch, chạy nhảy, kêu hét rầm rầm, nhất là không được đến mách tội nhau. Bởi vì hắn ngả đầu xuống lưng ghế, ngủ gà ngủ gật được phút nào hay phút ấy.
§6. Đường danh
Đến tận chiều cả, Ma-ri mới về tới nhà.
Vì phải chờ đợi cả một ngày, nhất là vì lo lắng, sai hẹn với công ty, sợ sẽ mất tín nhiệm, Thừa cau có, tặc lưỡi, phàn nàn khẽ:
– Bà về muộn, làm tôi lỡ cả việc.
Tức thì, mặt Ma-ri bừng bừng:
– Tôi có việc của tôi, ông biết đâu mà nói! Thế mọi bận, ông đi hàng tuần không về, thì ai bảo sao? Ai tra vấn?
Rồi vừa vào buồng ngủ, hắn vừa nói một mình:
– Thấy vợ về muộn, chẳng đoái hoài thăm hỏi lấy một câu là tại làm sao, lại còn hoạnh!
Hắn đuổi lũ con đương quấn quýt bên hắn và đuổi bọn Sen, Đào, Mai xuống nhà. Hắn gọi Thừa vào, chì chiết:
– Thức lâu mới biết đêm dài. Mọi bận ông về muộn, tôi lo lắng. Thấy ông, tôi mừng rỡ, tôi cất áo, cất mũ cho ông, tôi pha nước cho ông uống, để ông khỏi mệt. Thế mà lần này tôi về muộn, thì ông quát thượng quát hạ lên, ông mắng là làm lỡ việc của ông.
Hắn đập tay xuống chiếu:
– Ừ, đĩ cái đi ngủ với trai đấy.
Nhắc cái tiếng của mẹ Mão sỉ nhục mình sáng hôm trước, Ma-ri lại nổi máu ghen. Hắn nằm ềnh ra để thở. Hắn lại kể lể luôn:
– Bây giờ ông cậy ông có của, ông phụ bạc mẹ con tôi. Ông thử ngẫm cái mình ông xem. Ông được như thế này là ông nhờ ai, mà ông định tái hồi Kim Trọng với nó? Ông suýt bị tuyệt nghiệp, ai vẽ cho ông cách để giữ được của? Ông bị tù tội về tội giết người, ai chạy chọt cho ông được thành lương thiện? Bây giờ ông có tiền, có danh, có nhiều bạn hữu tai to mặt lớn, là nhờ ai? Đồ vô ơn, đồ bất nhân!
Thừa đành im lặng. Hắn như há miệng mắc quai. Ma-ri lại lớn tiếng:
– Ông ngờ tôi với đội Tuynh à? Ừ đấy! Tôi nhân tình với đội Tuynh đấy! Đã khỏe đa nghi, tôi gọi nó lên đây bây giờ, bắt nó ngủ ngay với tôi trước mặt ông cho ông xem!
Thừa thở dài:
– Này! Bà! Tôi bảo!
Nhưng Ma-ri không cho Thừa xen vào:
– Tôi ăn ở với ông thế nào, có Trời Phật, có quỷ thần hai vai chứng giám. Còn ông định đối xử với tôi thế nào, mặc ông với lương tâm ông.
Thấy vừa đánh vừa kéo để chặn họng chồng đủ rồi, Ma-ri ra lệnh:
– Thôi, xin ông cho tôi nghỉ. Tôi không ăn cơm đâu. Cứ bị cách đối xử thế, tôi cũng đủ no ứ đến cổ rồi.
Nghỉ một lát, hắn nói nốt câu cuối cùng:
– Ông đày đọa tôi vừa vừa chứ!
* * *
Thừa bực mình. Nhưng đành chịu nhịn. Ăn cơm xong, hắn lấy xe, đi ngay Hà Nội.
Tay cầm lái, nhưng óc hắn nghĩ miên man. Hắn thuộc tính Ma-ri lắm. Con người ấy thật là thất thường. Lúc tử tế, tưởng như Ma-ri quý hóa chồng không ai bằng. Nhưng khi cơn điên nổi lên, thì ối chao là nanh nọc là đanh đá! Nói như móc mắt chồng! Nhưng khi hết giận, thì hình như chả còn để bụng một tí gì. Lại nhí nhánh, ỡm ờ. Cứ như trẻ con.
Song, dù sao thì những lời của Ma-ri kể lể ơn huệ, cũng làm cho Thừa thấy nhục nhã và đau đớn. Rõ rằng là Ma-ri khinh hắn, vì Ma-ri thấy hắn không làm nên công trạng gì, phải bám vào danh vị của Ma-ri mới được tiếng sang là ông hàn. Không. Thừa có muốn cái oai mượn ấy đâu. Ngay từ ngày bắt đầu lập nghiệp, Thừa đã biết khinh những bọn nhà giàu dại dột khác, họ vứt tiền ra mua danh để lấy hư vị, làm cảnh cho tên của họ thêm đẹp. Nhưng đối với Thừa, chữ danh phải có mục đích hẳn hoi. Là để được giàu thêm, giàu bền.
Bấy lâu, sở dĩ Thừa chưa nghĩ đến việc tạo cho mình danh, vì hắn vẫn buôn bán trót lọt. Đối với hắn, danh hầu như chưa cần thiết. Buôn thuốc phiện lậu, thì chả cần phải là ông nào, bà nào, có chức nọ chức kia. Vả lại, hắn đã bám vào thằng Mác-tanh, vừa có danh là người Pháp, vừa có thế là chánh đoan. Nhưng bây giờ khác rồi. Công ty thế chắc là tan rồi. Từ nay, hắn phải tự lực mà kinh doanh. Muốn vậy, hắn cần danh quá. Hắn phải lao mình vào việc tạo công danh, cũng như mấy năm nay, đã lao mình vào việc kiếm lợi.
Lao mình vào việc tạo công danh! Hẳn việc này không vất vả bằng lao mình vào việc kiếm lợi.
Hai hôm nay, vừa mệt thể xác, vừa mệt tinh thần, Thừa thấy chán cái đời hắn lắm. Tưởng giàu thì sung sướng, nhưng thật ra, làm giàu có cái khổ của làm giàu. Anh giàu có cái khổ của anh giàu, óc không lúc nào được an nhàn. Lúc nào cũng tính toán, lo lắng để bôn tẩu, có một còn muốn được hai, ba.
Nghĩ lại những đêm hàng về, hắn đã phải chiều chuộng bọn khách khứa, quỵ lụy bọn chức trách, lắm bận đến nhục. Lại vì hắn giàu mà thỉnh thoảng mẹ Mão đến hành tội, như thể ghen với số phận may mắn của hắn. Thà hắn nghèo như người khác, hẳn mẹ Mão để hắn yên thân. Rồi cũng vì hắn giàu, nên Ma-ri hằn học, nghi ngờ là hắn còn đoái hoài đến vợ cũ. Một mình hắn kiếm ra tiền nghìn bạc vạn, phải nuôi vợ con như phụng dưỡng bà lớn với các cậu ấm, cô chiêu. Thế mà mỗi lần Ma-ri phật ý, còn đay nghiến, kể lể công lao, ơn huệ với hắn để làm hắn nhục. Hắn không giàu, thì làm gì phải chịu cái khổ này.
Hắn đã được giàu, không lẽ bây giờ lại dại dột mà muốn nghèo. Nhưng giàu mà khổ thì giàu là tai họa.
Cho nên giàu thì phải sang. Không những được giàu thêm, mà còn được vợ và người ngoài kiêng nể thật sự.
Phen này phải lăn vào công danh!
Nhưng…? Thừa thở dài. Nhưng kiếm danh gì, bằng con đường nào?
Xe ô-tô qua phố huyện. Thừa nhìn thấy trên cổng chòi thì có lính canh, trong công đường thì đèn lửa sáng. Phải. Thời buổi này, sướng nhất là làm quan, không có cách buôn bán nào lắm lời lãi bằng cách kinh doanh bằng quyền thế. Huyện Lung mới xuất chính có mấy năm, mà đã tậu được hai cái nhà ở Hà Nội, Thừa nghĩ đến những món tiền hắn phải đút lót bọn quan lại. Hắn phải khó nhọc mới kiếm ra, nhưng huyện Lung chẳng mất tí mồ hôi, mà nuốt ngon ơ những món bổng ngoại lớn.
Thừa muốn ra làm quan, có khó không? Người ta ra làm quan, phải đỗ tốt nghiệp ở trường Cao Đẳng Pháp chính, hay ít ra, cũng làm tham biện, thông phán. Thừa không làm gì, thì nhảy vọt lên cái địa vị cao quý nhất xã hội thế nào được? Hắn là hội viên hội Khai Trí Tiến Đức. Hắn có quen cụ thiếu Hoàng Trọng Phu, cụ thượng Vi Văn Định, là những vị quan có thế lực nhất Bắc Kỳ. Các cụ có giúp hắn được gì không? Chưa chắc. Không có ông Tây thì các cụ cũng khoanh tay. Phải. Phải ông thống sứ, ông đổng lý văn phòng, ông chánh phòng nhì, vẫn gọi là sếp quan lại, mới là những người có thực quyền.
Đến Vĩnh Yên, xe qua dinh công sứ. Thừa vẫn được quan chủ tỉnh Mát-xi-li nói chuyện nhã nhặn, ông này có thể giúp hắn không?
Nhưng sực Thừa nghĩ đến thằng Tây lai mật thám Pha-lăng-xô mà Thừa coi như một quan thầy. Từ ngày thằng này khám nhà cụ tú Phúc Lâm, làm biên bản buộc tội cô Lễ, để luật sư Rô-măng tựa vào đó, cãi cho hắn trắng án, Thừa đã coi nó như ân nhân. Cho nên mấy năm sau, Thừa buôn lậu và mở sòng bạc ở nhà, Pha-lăng-xô làm việc kinh tế, Thừa đã hối lộ nó rất nhiều để nó che chở cho. Nay thằng Pha-lăng-xô đã thăng lên chức cẩm mật thám và đổi sang làm việc chính trị. Hay là trời định cho hắn được công thành danh toại, nên mới an bài ra sự việc sắp xếp trong sở mật thám có lợi cho hắn như thế?
Nghĩ vậy, Thừa tự nhiên quên mệt nhọc, quên bực mình, thấy phấn khởi hẳn lên. Phải rồi, ở vào thời buổi rối ren này, muốn ra làm quan, có gì là khó? Mới đây, người đội máy bay Phạm Thành Dương đấy, người thừa phái Bùi Tiến Mai đấy. Mà ngày trước cai Tăng là bạn lính tập của bố hắn đấy. Người này làm đến tuần phủ rồi. Thật là những gương sáng đáng soi.
Bỗng Thừa thở dài. Hắn tiếc không biết có Việt Nam Quốc dân đảng để hắn xin vào mà tố giác đảng, lập được công trước đội Dương và thừa Mai. Vậy thì thiếu gì mồi mà không câu nổi chức quan? Phải lùng bắt kỳ được cho nhà nước mấy yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng đương lẩn quẩn và đương bị truy nã riết. Đường danh đi tắt ấy thật là gọn.
Nhưng Thừa thấy là hắn nắm cơ hội khí muộn. Giá hắn nghĩ đến việc lập công từ mấy tháng trước mà vớ được những tay xù như Phó Đức Chính, như Đoàn Trần Nghiệp, hay được hẳn Nguyễn Thái Học, có sướng biết bao nhiêu không! Những miếng thịt nạc này đã sa vào lưới pháp luật cả rồi, tiếc quá!