§5. Cha ốm nặng về ngay
Ngay buổi trưa hôm mẹ Mão đến, rồi gây lục đục giữa Thừa và Ma-ri, thì Thừa nhận được giấy điện tín, trong có mấy chữ:
Cha ốm nặng về ngay
Tên ký ở dưới là Vi.
Cố nhiên ông bếp là cha Thừa đã chết. Phải chi ông còn sống mà Thừa nhận được tin ấy, thì hắn có thể thản nhiên. Ta đã biết cái ngày năm mươi ngày ông bếp, vì sao hắn tạt về quê. Và về quê, hắn làm những gì để tỏ lòng đau thương của người bất hạnh phải bồ côi bố. Nhưng vì ông bếp đã chết, cho nên mấy chữ Cha ốm nặng làm hắn lo lắng đến tái mét mặt. Và cái lệnh về ngay làm hắn phải lập tức lên đường.
Đây là một tin dữ dội thật. Nó là ám hiệu báo rằng chuyến hàng bị rắc rối nghiêm trọng. Còn tên ký Vi, là chữ viết tắt cái nơi gây ra rắc rối. Nơi ấy có chữ V ở đầu và chữ I ở cuối, tức là Việt Trì. Cũng như Lao Kay là Ly. Yên Bay là Gy. Phú Thọ là Pho. Sơn Tây là Sy, vân vân.
Thừa khuyên Ma-ri dẹp hết nỗi bất bình trong lòng để hết sức cứu công ty ra khỏi khó khăn. Hắn phải đi ô-tô ngay lên Việt Trì để điều tra tình hình và giải quyết tình thế. Muốn thêm oai, hắn mặc bộ quần áo đi săn, và đeo súng bắn chim. Hắn bảo Ma-ri xuôi ngay Hà Nội bằng xe lửa, báo tin cho ông Hoài Tân Tử biết là hàng về đêm nay, nhờ ông ta cứ mời khách đến Cẩu Rồng. Thừa tin ở tài thuyết khách của mình, nên chắc chắn là cũng việc thế nào cũng trôi chảy. Chẳng qua là họ muốn làm tiền. Có tiền thì mua tiên cũng được.
Ma-ri cũng lo lắng không kém Thừa. Không điều đình xong, thì mất toi bạc vạn chứ chẳng chơi. Nhưng không lẽ vì đương tức nổ ruột vì chồng, bây giờ chồng bảo đi Hà Nội, lại phục tùng ngay, thì ra hèn lắm. Hắn bèn làm ra ương bướng, bắt Thừa phải nhận một điều kiện không đến nỗi gay go:
– Tôi không đi xe lửa, chậm lắm, bẩn lắm. Ông đi bình bịch cũng sang chán rồi. Ông phải nhường cho tôi ô-tô. Nhân tiện về Hà Nội, tôi còn đi nhiều chỗ.
Thừa nhượng bộ. Ma-ri hả hê, sai Huệ:
– Xuống nói với ông đội sửa soạn đánh xe cho bà đi Hà Nội ngay!
Rồi không biết có cái gì thích ở trong bụng, hay muốn tỏ rằng mình không còn bực bội, Ma-ri nhìn Thừa, nhoẻn miệng cười.
Thừa cười lại.
Thế là hoà cả làng.
* * *
Sau khi dặn dò cụ quản chu đáo cho việc tiếp khách đêm nay, Thừa đeo súng vào vai, nhảy lên mô-tô. Xe nhẹ, chạy như bay.
Đến Việt Trì, Thừa nhận được tin là chính đích thân lão chánh đoan Rô-lăng-ti đi bắt, và giữ bè lại. Người đội đoan áp tải hàng, tên là Phùng, nhảy xuống sông định trốn, liền bị mấy phát súng lục bắn theo. Không rõ anh ta có bị đạn, hay đã thoát được lên bờ rồi. Còn những người khác, hiện nay bị Rô-lăng-ti giam giữ.
Thừa cắn môi, nghĩ một lát, rồi vào thẳng nhà đoan. Hắn đưa danh thiếp vào buồng giấy Rô-lăng-ti để xin tiếp kiến. Nhưng rõ rằng Rô-lăng-ti có nhà hẳn hoi, mà hắn không cho Thừa vào.
Thấy tình hình khá nghiêm trọng, Thừa vọt lên Yên Bái để gặp Mác-tanh.
Nhìn thấy Thừa hớt hơ hớt hải, Mác-tanh mỉm cười:
– Bố ông ốm nặng, phải không?
Thừa kể cho Mác-tanh nghe sự tình ở Việt Trì. Mác-tanh gật đầu:
– Tôi hiểu. Tại ông Rô-lăng-ti muốn cạnh tranh với ta. Ông ấy cũng mới gọi cổ phần thành lập một công ty để buôn cướp hàng của ta. Vì vậy, ông ấy cần dìm dập ta.
Thừa hỏi:
– Vậy ông định giải quyết thế nào?
– Tôi đoán là thế nào hôm nay ông cũng gặp tôi, nên tôi có ý chờ.
Nét mặt người Pháp trở nên cương quyết:
– Một là hai công ty cùng tồn tại, bên nào khéo làm ăn thì bên ấy có lợi nhiều. Hai là không một công ty nào tồn tại, để không bên nào được đồng lời nào. Tôi đã gọi điện xuống Việt Trì, nói chuyện với ông Rô-lăng-ti như vậy.
– Ông ấy trả lời thế nào?
– Ông ấy bảo để còn suy nghĩ.
Thừa nói:
– Còn một cách thứ ba nữa, tôi tưởng ông cũng nên nói với ông Rô-lăng-ti.
Mác-tanh ngước mắt, hỏi:
– Cách thứ ba?
– Vâng. Là hai công ty hợp nhất. Như vậy, vốn càng to, buôn càng lợi. Như vậy, không ai cạnh tranh ai, dìm dập ai. Suốt dọc sông Hồng, nhà đoan nào cũng là của ta.
Mác-tanh gật gù:
– Ý kiến hay. Sở dĩ tôi không nghĩ đến cách ấy, là vì từ ngày ông Rô-lăng-ti đổi lên Việt Trì, tôi thấy ông ta có thái độ hằn học với tôi. Hôm nay, tôi vừa được Lao Cai cho biết là có hai đám mua tranh nhựa của nhau, đến nỗi bắn nhau, có người chết. Tôi không biết có phải một bên là người của ta, một bên là người của ông Rô-lăng-ti hay không?
Thừa thở dài:
– Gay đấy! Tôi sợ rồi cái sảy nảy cái ung. Từ án mạng này, công ty sẽ bị nhà nước khám phá.
Mác-tanh cười:
– Một mạng người không phải là cái sảy. Nó là một chỗ rách đầu tiên của cái áo. Áo đã rách thì dễ bung to. Cho nên tôi định bàn với ông là sau chuyến này, ta hãy nằm im một dạo để nghe ngóng. Khi nào cái án mạng ở Lao Cai được bình thường hóa, nếu nó không bình thường, hoặc khi nào việc điều đình với ông Rô-lăng-ti ổn thỏa, khi ấy công ty lại hoạt động, cũng không muộn. Lợi dụng việc biến động xảy ra ở Yên Bái và một vài nơi ở Bắc Kỳ hồi đầu năm, chính phủ bảo hộ đương rối beng về chính trị, lơ là việc khác, ta đã làm cho bộ máy công ty chạy nhanh gấp đôi và nhiều gấp đôi, thì tôi chắc rằng anh em cổ đông cũng không phản đối ý kiến trên của tôi.
– Vâng. Song, cũng cần giảng rõ lý do ấy, kẻo người ta lại chạy sang với ông Rô-lăng-ti.
Mác-tanh gật. Thừa hỏi:
– Còn chuyến hàng mắc cạn ở Việt Trì hiện tại, ông giải quyết thế nào? Đêm nay, khách của ta sẽ chờ cả ở Cẩu Rồng, vì tôi đã báo cho họ biết. Làm lỡ họ, mình sẽ mất tín nhiệm. Có công ty Rô-lăng-ti, mình càng phải giữ vững khách của mình.
Mác-tanh thở hơi thuốc lá lên trần nhà, gõ mấy ngón tay xuống bàn, rồi đáp:
– Được. Ông cứ về ngay Cẩu Rồng mà tiếp khách. Thế nào nội đêm nay bè cũng tới. Song, ông chớ lộ với ai cái việc xảy ra ở Việt Trì, và nhất là đừng lúc nào tỏ ra lo lắng, để họ đoán biết. Việc điều đình với ông Rô-lăng-ti dù có khó khăn, nhưng thế nào cũng xong. Có điều là thế nào mình cũng phải chia cho ông ấy một món tiền. Tiền thì dù từ ông tổng lý Nội các, ông tổng trưởng ở bên Chính quốc, hay ông toàn quyền, ông thống sứ ở thuộc địa, cho đến thằng cu-li An Nam, ai cũng không cao thượng hơn ai.
Mác-tanh mỉm cười, rồi tiếp:
– Vậy ông cứ yên trí. Cùng lắm, tôi sẽ về Việt Trì để gặp ông Rô-lăng-ti.
Thừa nhắc:
– Theo ý riêng tôi, dù là hai công ty cùng tồn tại, hay dù là hai công ty cùng giải tán, cũng không bằng hai công ty cùng hợp nhất.
Mác-tanh gật đầu:
– Đúng. Thôi, ông về vui vẻ nhé. Có lẽ khi ông tới Việt Trì, thì bè của ta nhổ sào từ lâu rồi.
Mác-tanh cười. Thừa cũng cười. Hai người bắt tay nhau. Thừa vừa bước ra đến cửa, Mác-tanh gọi lại:
– À, ông Thừa! Chắc tối nay ông gặp ông Hoài Tân.
– Vâng.
– Ông bảo ông ấy lên ngay với tôi. Tôi có việc quan trọng bàn với ông ấy. Viết thư sợ không tiện.
– Xin ông cứ dặn tôi.
– Trong lúc công ty gặp trở ngại này, để khỏi bị lộ, tôi tạm giao quyền giám đốc cho ông Hoài Tân một thời gian. Vậy thế nào ông ấy cũng phải gặp tôi để tôi dặn dò công việc.
– Vâng.
– Còn ông, ông vẫn giữ chức cũ. Ông bằng lòng chứ?
– Vâng, rất bằng lòng, ông Hoài Tân với tôi là hai người bạn chí thiết đã cộng tác nhiều lần trong mười năm nay. Tôi sẽ hết sức với ông Hoài Tân như đã hết sức với ông, làm cho công ty một ngày một thêm thịnh vượng.
– Tốt lắm.
* * *
Thừa về đến Cẩu Rồng thì trời sắp tối. Trong nhà đã có dăm ba người khách đương rút bất.
Hai Điều thấy chủ về, thì chạy ra tận cổng để chào. Hắn khoe công:
– Bẩm ông lớn, ở nhà, công việc đâu vào đấy cả. Đêm nay, con làm cháo chim.
Thừa khẽ gật đầu:
– Nhà có đủ chim chứ?
– Thưa không. Con bắt chúng nó lễ tết ông lớn bà lớn sớm đi, miễn cho chúng nó những thứ khác, chỉ bắt mỗi đứa nộp một đôi chim bồ câu thôi.
Thừa ngơ ngác hỏi:
– Tết gì thế nhỉ?
– Bẩm ông lớn, tết tháng năm ạ.
Thấy chủ không tỏ ý gì, hai Điều muốn được tiếng khen, nên hỏi:
– Trình ông lớn, như vậy có được không ạ?
Thừa tặc lưỡi:
– Làm thế nào đỡ tốn thì cứ tùy ông, việc gì phải hỏi.
Hai Điều bẽn lẽn. Thừa hất hàm:
– Ở nhà không có gì lạ chứ?
Lão giờ vốn biết Thừa không ưa lũ trẻ con mắt xanh tóc vàng của hắn, nên đáp:
– Trình riêng ông lớn biết, ông lớn bà lớn đi vắng, các cậu các cô nghịch lắm, con không bảo nổi ạ. Cậu Pôn với cậu Giăng đánh nhau, không có con can, dễ đến sứt đầu xẻ tai mất. Các cô thì tranh nhau đồ chơi, chửi nhau tán loạn. Vừa rồi, nếu ông lớn về chậm, dễ cậu Pôn vật nổi con Đào rồi.
Rồi hắn lắc đầu:
– Mới ngần ấy tuổi đầu mà đã tinh quái thế!
Thừa cau mặt:
– Vật?
– Vâng, là làm cái lối lính tẩy ấy ạ. Lần trước, cậu suýt được con Sen ạ.
Thừa thở dài. Hai Điều lại mách:
– Vâng. Bà lớn cứ dặn con giấu ông lớn.
Thừa không nói gì, sai hai Điều cất xe và cất súng:
– Bà chưa về à?
– Dạ. Chắc cũng sắp thôi.
– Chốc nữa dọn cả cho tôi ăn với khách nhé.
Nói đoạn, Thừa tươi cười bước lên thềm nhà. Khách đến mỗi lúc một đông.
Nhưng đến tận sẩm tối, Ma-ri vẫn chưa về. Và ông Hoài Tân Tử cũng chưa đến.
Rồi tối mịt, rồi tám giờ, chín giờ khách khứa sôi nổi sát phạt nhau ở sòng, hoặc chí chóe với nhau quanh bàn đèn, mà riêng Thừa phải giấu vẻ băn khoăn.