Đến năm mươi ngày ông bếp, Thừa mới về quê. Gọi là tạt về quê thì đúng hơn, vì hôm ấy, hắn phải đưa thằng Pôn đi Hải Phòng, nhờ ông thầy khách quen vá cho nó cái môi rách. Thằng Pôn đánh nhau với thằng Giăng, bị thằng em hăng tiết, cầm hòn đá giáng cho một cái trúng mồm. Hôm ấy, Thừa đi bằng ô tô, chiếc Béc-li-ê bốn chỗ ngồi mới sắm, sơn màu lá cây rất đẹp. Thừa dắt thằng Pôn về nhà. Bà bếp kể sự tình ông bếp ốm thế nào, chết thế nào, ma chay thế nào. Bà không quên khen mẹ Mão ăn ở có thủy chung. Bà khuyên Thừa nên đối xử lại với người vợ tấm cám, để người ấy đỡ tủi nhục. Nhưng từ đầu đến cuối, Thừa chỉ nghe mà không nói. Thằng Pôn thì kêu đau, cứ giục bố đi ngay, cho nên Thừa càng sốt ruột. Họ hàng thấy Thừa giàu có, sang trọng, thì rủ nhau đến chào. Nhưng Thừa cứ chân trong chân ngoài định ra xe. Lão hai Điều xun xoe đến xin Thừa việc làm, hoặc cấp cho ít ruộng để cấy. Thừa dặn hôm nào lên đồn điền hãy nói chuyện kỹ. Sự thực, Thừa không muốn ngồi lâu, để phải gặp mẹ Mão. Hắn yên trí rằng sở dĩ mẹ Mão làm ra ăn ở có thủy chung, chẳng qua vì từ khi hắn bỏ, thì bơ vơ, không biết làm gì để sinh sống, nên nghèo khổ quá. Nay nhân dịp này, thì lấy lòng hắn, mong hắn nghĩ lại, để hoặc cho về như cũ, hoặc ít ra cũng đền công cho một món tiền. Ấy là nếp nghĩ của những người giàu đối với người nghèo, tưởng việc gì của những người này làm cũng là một thủ đoạn như mình, có một mục đích lợi dụng. Cho nên, âu cũng lại là nếp nghĩ của Thừa lâu nay, hắn muốn tránh mẹ Mão để khỏi chi một sự từ thiện vô ích. Nhưng may sao, hôm ấy mẹ Mão không lên lễ ông bếp. Thừa ở nhà độ một giờ đồng hồ. Lúc ra đi, hắn mở ví, đưa cho dì ghẻ một trăm bạc, nói là để xây mộ cho bố, còn bao nhiêu thì giữ lấy mà ăn. Thấy Thừa rộng rãi, bà bếp mách rằng thằng Mão rách rưới quá, và mẹ nó túng bấn lắm. Bà nhắc Thừa nên cưu mang cho mẹ con nó chút ít. Nhưng Thừa không nói gì. Bà lại mời Thừa ra đồng thăm mả ông bếp, và giữ hắn ở lại, chờ xong cơm cúng, để hắn mũ gậy, ô hô ông ba tiếng, khấn ông về. Nhưng Thừa nói rằng vội phải đi, kẻo hết giờ. Thế là Thừa đứng dậy. Họ hàng tiễn hắn ra xe đến hơn chục người. Muốn thi ân với người làng, hắn vừa đi vừa tung hàng nắm xu ra đường. Trẻ con, và cả người lớn nữa, kéo ồ ra nhặt, tranh nhau, chửi nhau, đánh nhau. Thằng Pôn nhân tiện, bắt nạt những đứa bằng tuổi nó, đến cướp tiền. Nó đá lung tung, lia lịa, và cười sằng sặc. Thấy bọn trẻ cười rồi chạy, thì nó chửi. Nó chửi đến hai mươi câu, không câu nào trùng câu nào. Mà chửi rất trơn tru như người học trò chăm chỉ, đọc thuộc bài.
Đi từ nhà ra đường cái là chỗ xe đỗ, Thừa cũng rất sợ gặp mẹ Mão. Hắn không thể quên được cái hôm mẹ Mão đến Phòng thuốc nhà giàu, và cũng không thể quên được những lời cô Lễ nhắc lại cho hắn nghe về cái lý lịch của hắn. Cái lý lịch của hắn mà mẹ Mão tố giác với cô Lễ, bây giờ đầy hơn trước, và hắn cũng biết là nó đầy hơn trước gấp bội. Gặp làm gì? Thừa nghĩ: “Để nó vòi tiền, hoặc để nó bêu mình phen nữa à? Không cho nó, thì người làng chê cười là hẹp hòi. Mà cho nó thì thật là vô lý!”.
Nhưng mẹ Mão đâu? Sao hôm nay là năm mươi ngày ông bếp, chị không đưa thằng Mão đến? Sao một chiếc ô tô về làng, trẻ con rủ nhau lũ lượt đi xe, chị không hỏi là xe ai? Sao một người chị thù hằn như vậy, hôm nay chợt dẫn xác về cho chị sỉ nhục, lại không có ai mách cho chị biết?
Thật ra, thì vô số người mách cho chị cái tin Thừa về làng. Người ta đợi chị làm gì để được xem, hoặc để bõ ghét cái thằng khốn nạn, hoặc để tò mò xem hai người đã bỏ nhau, bây giờ ăn nói với nhau như thế nào, hoặc để được thấy một đám chửi nhau, đánh nhau cho vui tai, vui mắt.
Song, mẹ Mão không dằn mặt Thừa. Chị xui thằng Mão nhiều điều, và bảo nó cầm con dao phay, rồi đưa nó ra chỗ xe ô tô đỗ. Người ta đoán chị sẽ giết Thừa, hoặc tự làm mình có thương tích để ăn vạ. Nhưng mà không. Đến trước xe, người ta thấy thằng Mão lấy dao băm bập vào mũi, vào mui, vào đệm ô tô, nhưng lại trừ chỗ ngồi của người cầm lái. Rồi nó xuống ao, vốc bùn bôi bê bết vào những chỗ đã băm.
Thằng Mão làm những việc này vừa xong, thì thấy bố ra đến đầu làng, theo sau có vô số người. Nó sợ, toan chạy, thì mẹ nó ngăn lại:
– Mày cứ đứng lại. Nó có hỏi ai băm xe, ai trát bùn lên xe của nó, mày cứ bảo mày đấy, xem nó có dám làm gì không nào? Mày không băm, không trát bùn lên chỗ đệm nó ngồi là được rồi. Còn chỗ khác, mày có quyền, cả làng bênh mày kia mà, sợ gì?
Quả nhiên, Thừa không làm gì nổi thằng Mão. Trước hết, thoạt Thừa nhìn thấy một thằng bé con gầy gò, rách rưới, mặt mũi chân tay nhem nhuốc những bùn, đứng trừng trừng nhìn hắn, thì hắn tưởng là một thằng điên. Sau, hắn thấy xe của hắn cũng đầy bùn, thì hắn đoán ngay là có chuyện. Hắn nhìn kỹ lại thằng bé con điên lẹm cằm, thì đoán ngay nó là thằng Mão.
Tất cả những người xúm quanh, yên trí thế nào thằng bé cũng bị quan hàn cho một trận đòn thù. Họ yên lặng để đợi. Nhưng họ tâng hẩng. Thừa nhìn Mão bằng đôi mắt dịu dàng, vẫy nó lại gần, và mỉm cười, gọi:
– Mão phải không? Lại thầy bảo.
Thằng Mão tay vẫn cầm con dao, phăng phăng đến. Nó hằn học trông Thừa và trông thằng Pôn. Thừa ôn tồn, nói như khuyên nhủ:
– Bận sau, con đừng làm hại xe của thầy nhé. Của thầy là của con chứ của ai?
Mão lắc đầu:
– Là của con đĩ tây lai, là của những đứa con của con đĩ tây lai, chứ không phải của tôi.
Ai nấy thấy Mão đối đáp rất tính khôn, thì nín thở, xem quan hàn xử thế nào. Song quan vẫn mỉm cười, lẳng lặng rút trong túi ra chiếc mùi-soa, lau qua chỗ bùn ở đệm đằng trước. Rồi quan mở ví, lấy ra tờ giấy hai mươi đồng, đưa cho thằng Mão:
– Thầy cho.
Thằng Mão cầm tiền, nhưng vứt xuống đất:
– Tôi không thèm. Giả u tiền đóng thẻ thuế thân đây!
Thừa vẫn tươi như thường. Hắn không nhặt tờ giấy nhưng dịu dàng bảo thằng Mão:
– Con lên đồn điền ở với thầy nhé.
Thằng Mão đáp:
– Ỉa vào.
Thừa bẽn lẽn, nhìn những người xung quanh:
– Thôi, chào các ông nhé.
Hắn bảo thằng Pôn lên xe, rồi mở máy. Xe chạy.
Lúc bấy giờ mẹ Mão mới ở trong bụi đi ra. Mọi người xui chị cứ cầm lấy tiền, vì là của bố thằng Mão cho thằng Mão. Hoặc chị cứ kể như đây là món trả nợ chị đã chạy tiền đóng thẻ cho bố thằng Mão đến chục năm nay. Có người khen chị là khéo dạy con, biết ăn nói cứng rắn, và biết khinh đồng tiền đáng khinh, để bọn nhà giàu rởm hợm và rực của họ khỏi khinh nhà nghèo. Nhưng lại có người khen quan hàn là đại lượng, tuy bị con hỗn, nhưng vẫn thương nó, cho tiền nó và bảo nó lên ở. Những người này chê mẹ Mão là quá quắt. Họ phàn nàn rằng làng mới có một người giàu và danh giá, lại hào phóng, có thể cho bà con nhờ vả, thế mà hoạ hoằn ông mới về một lần, chị làm như vậy, thì rồi ông đến bỏ làng mất!
Việc phá ô-tô đến tai bà bếp. Bà nửa bằng lòng mà cũng nửa không bằng lòng. Bà bằng lòng vì bà thấy rõ rằng Thừa bạc ác, bất nhất. Đối với bố chết mà hắn chẳng đoái hoài, chẳng thăm mả, chẳng mũ gậy lễ đến một lễ, khóc lấy một tiếng, thì sau này, bà có nằm xuống, bà hòng gì hắn ma chay, cúng giỗ. Nhưng bà không bằng lòng vì bà nghĩ đến một trăm đồng bạc của Thừa đưa bà xây mộ cho ông bếp. Thừa bây giờ giàu, lại là ông hàn, thì còn sống ngày nào, bà còn phải trông cậy vào Thừa, chẳng gì cũng là con chồng. Thế mà Thừa bị mẹ Mão làm đến cạn tàu ráo máng, thì bà mong gì đến trăm ngày, đến giỗ đầu ông bếp, Thừa lại về để cho bà tiền.
Song, dù sao thì bà cũng không nói gì với mẹ Mão. Bà nghĩ đến những buổi mẹ Mão đi lại thăm nom ông bếp trong những ngày ông ốm nặng, và sắp chết. Bà nhớ những câu mẹ Mão khóc lóc kể lể, khi đưa ông bếp ra đồng. Ai nghe những câu ấy mà không xót xa? Ai nghe những câu ấy mà không bảo chị là nàng dâu hiếu thảo? Nếu ông bếp mà sống khôn chết thiêng, biết nàng dâu khóc mình thế, cũng phải hả vong linh. Chẳng rõ người chết còn hiểu gì không? Chẳng rõ ông bếp nằm trong quan tài lúc người ta khênh ra đồng, kèn trống inh ỏi, thì hồn vía bơ vơ đã nhập vào thân cụ chưa? Chẳng rõ ông thấy mẹ Mão khóc có sướng tai không? Chứ mà bà sống đây, là lấy làm hả dạ lắm. Bà muốn rằng sau này bà chết, lúc rước bà đi, cố nhiên là chẳng trông cậy gì cái thằng con chồng nó về chịu tang, nó mũ gậy, và đi giật lùi trước đòn, như hồi mẹ nó chết, nhưng đã có người nàng dâu này, với những tiếng hờ tiếng kể này, đám ma bà sẽ đậm đà, khỏi sái.
Vì vậy, bà cần lấy lòng mẹ Mão. Bà chữa lại thói quen gọi chị là con mẹ cu, con mẹ Mão, để đổi lại là chị Mão, có lúc dịu dàng, bà gọi là chị hàn, mợ hàn. Bà dỗ dành chị về ở với bà cho vui, cho ấm cúng cửa nhà. Chị nhất định từ chối. Nhưng đến mãi tận sau ngày bà bếp chết, nhiều người trong họ Trần khuyên chị cho con về nhà ông bếp mà ở, đừng để nhà nát, vườn hoang mà phí, nên chị nghe. Chị đã suy tính nhiều về việc này. Chị cho rằng dù đã dứt tình, nhưng hai vợ chồng chưa đem nhau đến cửa quan để bỏ nhau, thì chị vẫn là vợ của con người ấy. Vả lấy nhau ngần ấy năm trời, con sống có, con chết có, nay còn với nhau chút nghĩa đấy, tức là thằng Mão này, thị chị phải ăn ở cho vẹn nghĩa. Vả lại dù chị chẳng có quyền ở nhà của Thừa, thì nhà này là nhà của ông bếp, chính còn mồ ma ông bà bếp, lúc sinh thời, ông bà vẫn bảo chị về ở, thì tức là ông bà vẫn nhận chị là dâu. Nhưng dù chị không có quyền ở nhà này, là nhà của con trai ông bếp, thì thằng Mão là cháu nội, cháu đích tôn ông bếp, nó có quyền ở nhà của ông nó, của bố nó. Chị có theo nó về ở đấy, là để nuôi nó, chứ không phải là cần nương tựa vào cái thằng bạc tình.
Mẹ Mão đưa Mão về ở bên nội được hai năm, thì phải gửi nó đi ở chăn trâu cho vợ chồng anh Xi. Bởi vì anh Xi có vợ, tức là có thêm cánh tay, thì làm ăn khấm khá. Nhưng chẳng may, rồi ba năm liền, trời làm lụt loạt, mất mùa, căn nhà đổ nát, chị không thể chữa chạy, vả lại ở vào thời gạo châu củi quế, vắt mũi chẳng đủ đút miệng, chị phải bỏ làng, đi thiên hạ kiếm ăn. Vợ chồng anh Xi cũng vậy, gia tài gần khánh kiệt, phải tính đến chuyện đi siêu. Hai người lấy cớ là phải nuôi thằng Mão, mới rủ nhau lên Cẩu Rồng, nhờ hàn Thừa cấp ruộng để cấy. Vì anh Xi biết Ma-ri ghét anh, mà anh cũng chẳng nể, chẳng trọng gì Ma-ri, cho nên anh xin Thừa cho chỗ ruộng ở xa dinh. Thừa thấy một người làng, một người bạn cũ, một người cộng tác cũ, một người đầy tớ cũ, một người tốt bụng, đã có lần cho hắn hai hào để hắn qua được ngày vừa ốm vừa đói, dù người ấy có tính bướng, tính khí khái, trước kia đã bỏ hắn, nhưng nay người ấy đến xin xỏ, thì hắn không hẹp hòi. Đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh kẻ chạy lại. Vả lại, giúp anh Xi ruộng, để anh nuôi cả thằng Mão, cho nên hắn bảo Ma-ri xếp cho anh ba sào ở tận mép Cẩu Rồng, chỗ gần những đồi hoang không thuộc về đồn điền, và chưa ai khai phá. Thừa khuyên anh Xi nên vỡ thêm những đất ấy mà trồng trọt.