Những quan huyện bị cách, quan hàn quốc trái, quan nghị khóa trước, v.v… ấy, là những bạn cũ, bạn mới của Thừa và của Ma-ri. Trong số người cũ, ta nhận được hai cái mặt quen: cái mặt sát đến xương, vàng như nghệ, của bà nguyên vợ Tây Ĩnh con. Và cái mặt xanh nhợt như người ngã nước của ông nguyên văn sĩ Hoài Tân Tử. Ĩnh con về già, người còn toàn xương xẩu, nên mấy năm nay, đổi sang nghề làm chủ nhà thổ lậu. Nó nghiện thuốc phiện. Cạnh Thừa và Ma-ri đương quăng quắc như ngọn đèn pha ô tô, Ĩnh con tù mù như ngọn đèn đĩa hết dầu, hết bấc. Sau cái ngày nó cho Thừa mượn năm con em làm hồ lỳ và hàng sáo trong cuộc chợ phiên cứu tế dân bị lụt miền Nam nước Pháp, Ĩnh con đã nhìn thấy Thừa là một chỗ nương tựa vững chắc cho nó. Nó đi lại với Thừa như một thủ túc. Thấy tình cảnh nó túng khổ, thỉnh thoảng Thừa giúp nó bằng cách đến thưởng thức những cảnh mới hoặc cảnh sộp mà nó giới thiệu là mới, là sộp. Nếu lâu lâu không có gái quê, con sen, con mụ hoặc bà ký, bà phán cho Thừa giải trí, khỏi lo mắc bệnh, thì Thừa lại cưu mang nó bằng cách gọi nó về đồn điền làm nặc nô đòi nợ, cho nó kiếm cái ăn, cái hút. Vì vậy, Ĩnh con sợ Thừa len lét. Thấy cụ Điều là bậc chú mà cũng xưng hô với quan hàn là con, nên tuy nó là dì, nó cũng xưng hô với quan hàn là con. Mỗi bận hàng về, gom góp được đồng nào, nó cũng xin Thừa để cho chút ít, bán kiếm lợi. Đến đây, vào ngày này, nó còn một mục đích nữa, là hút thuốc phiện no nê không mất tiền, và nhân tiện, đi khách hoặc kiếm khách cho cái nhà thổ lậu của nó.
Còn nhà thơ Hoài Tân Tử vừa đen vừa cao thì không làm văn, viết báo nữa. Cho nên ngồi đâu, ông cũng chửi người viết báo nọ là dốt, chê bài thơ kia là tồi. Có ai khen cuốn sách nào hay, ông bảo chính tác giả đã nhờ ông phủ chính cho rất nhiều, nên mới được thế. Vì ông không muốn làm cùng nghề với bọn học trò của ông, chúng nó nhố nhăng, nên bây giờ làng văn mất giá trị, người viết báo bị quốc dân khinh rẻ. Ông từ bỏ cái nghề cầm bút bạc bẽo, không nuôi sống được người, để dùng trái tim khối óc chuyên vào việc kiếm ăn bằng cái nghề lắm lờ lãi này.
Cái nghề lắm lờ lãi này là nghề buôn thuốc phiện lậu.
Mấy năm nay, nếu nhựa tải về bằng đường thủy, trên sông Nhị, thì nơi đổ hàng là đồn điền Cẩu Rồng của hàn An-be Thừa. Khi hàng về đến bến, tất cả những người buôn đã trả tiền trước, phải ra đó mà nhận ngay. Nhận hàng xong, mỗi người đi một ngả. Họ rời sang một nơi mà họ hẹn sẵn khách của họ chờ ở đấy. Họ cũng phân phát hàng một cách chớp nhoáng. Rồi hàng ấy lại qua những người buôn mới để chớp nhoáng đến tay người tiêu thụ cuối cùng.
Mỗi chuyến thuốc phiện về, có đến bạc vạn.
Không phải một mình Thừa có cái vốn kếch xù ấy để buôn đâu.
Nguyên do như thế này:
Dạo Ma-ri mới lên Cẩu Rồng ở với hàn Xương, thì một hôm Thừa nghĩ đến tương lai mà lo lắng. Nếu hắn không kiếm được việc gì để sinh lợi, thì đến ăn hết vốn mất. Hắn sực nhớ đến ông bạn tháo vát Tình muôn thuở. Hắn lại nhà ông, nhờ ông bàn giúp kế sinh sống, ông nhà thơ bảo Thừa đưa tiền, ông bán lại cho một ít nhựa thuốc phiện. Thừa làm thế, hai ba lần, thấy có lãi khá, mới xin ông Hoài Tân Tử cho góp vốn với ông để buôn chung. Vì anh nghiện vốn lười, thấy Thừa rỗi rãi, nên mỗi khi được tin hàng về, mới đùn cho hắn việc đi mua.
Thừa biết chỗ buôn tận gốc. Hắn lại đã gây được vốn, vả sợ ông bạn bịp hắn, hắn không chung vốn ông ta nữa. Tuy vậy, Thừa vẫn hàm ơn ông Tình muôn thuở, không những phục ông là quân sư, mà còn coi ông như cứu tinh. Vì ông đã giúp hắn được ngóc cổ dậy, lần này là lần thứ hai.
Dần dần, Thừa được ông Hoài Tân Tử khuyên là nên bỏ ra hẳn nhiều tiền để buôn to và vĩnh viễn, cho được nhiều lãi. Bởi vì đây là một công ty.
Thừa nghe theo.
Ngày này, hàn Xương đã chết. Thừa nhìn thấy đất đồn điền Cẩu Rồng sau này rất cần cho hắn, hắn mới lừng lững lên với Ma-ri. Vì sợ Ma-ri đuổi, hắn không dám nói rõ là hắn định ở lâu dài, để làm gì. Hắn cũng làm như Ma-ri, mỗi lần Ma-ri về Hà Nội thì ở nhà hắn. Vì Ma-ri là vợ hắn. Bây giờ hắn đến Cẩu Rồng, thì cũng ở nhà Ma-ri. Vì hắn là chồng Ma-ri, rất tự nhiên thôi.
Được ở Cẩu Rồng một cách lặng lẽ như vậy xong xuôi, Thừa mới thực hiện ý định của hắn trong việc buôn thuốc phiện lậu.
Trước hết, hùn vào công ty, nhưng Thừa không được biết là công ty có bao nhiêu vốn, có bao nhiêu cổ đông, là những ai. Vì là hãng buôn đồ quốc cấm, cho nên ông Hoài Tân Tử bảo là một hội kín, phải giữ bí mật. Người hùn vốn vào công ty chỉ được biết một người, là người giới thiệu mình thôi. Các khoản tiền nong, như góp thêm vốn, chia lãi, cổ đông chỉ giao thiệp với một người ấy, và phải tin người ấy.
Thấy ông Hoài Tân Tử là người giới thiệu mình với công ty, Thừa mới đoán không những ông bạn chỉ là một cổ đông thường như mình, mà còn là một yếu nhân của công ty, giữ chức vụ quan trọng. Một lần, Thừa thấy ông nhà thơ làm liên lạc giữa người nhận hàng, với người tải hàng, mỗi chuyến là một người khác, để người này giao cho đúng. Hẳn là ông Hoài Tân Tử ăn lương cao lắm.
Địa điểm cho công ty đổ hàng ngày ấy là gần bến Chèm, trong khu vực nhà ông nghị Khoáng. Ông Khoáng được kiêm cả việc nhận tiền và phân phối hàng. Thừa biết ông Khoáng nhận cả nhiệm vụ khá nguy hiểm, lại làm cái việc hay lầm lẫn, nên công ty trả thêm cho ông một phần trăm tổng số lãi.
Thừa không rõ những người đi mua nhựa và nhất là những người áp tải hàng, họ làm những việc quan trọng và nguy hiểm hơn, thì được bao nhiêu hỏa hồng.
Thừa nhận thấy là từ ngày hắn vào công ty, trong ngót năm mươi chuyến, công ty sểnh ăn có hai chuyến nhỏ. Hình như hai chuyến này, là công ty cố tình thí cho bọn thương chính, để đấm mõm xoa dịu họ. Thừa không lạ gì lòng tham lam của những người buôn thuốc phiện lậu trên mạn ngược. Họ vừa bán buông tay cho người ta, là đã đi máy đoan liền. Nhà đoan bắt đúng tang vật. Thế là họ được thêm món tiền thưởng chỉ điểm. Vậy công ty đã hoạt động từ lâu, thì người bán nhựa có đi báo đoan hay không? Cớ sao công ty vẫn làm ăn êm thấm? Mỗi chuyến hàng tải về xuôi, có lần đến bốn năm chục thùng sắt tây, mà sao đi vẫn trót lọt như thường. Thừa thấy có những người buôn nhỏ, họ dùng những kế rất quỷ quái để giấu hàng. Hoặc họ thông lưng với nhân viên sở xe lửa giúi ngay nhựa vào trong những toa mà nhà đoan sắp cặp chì. Hoặc họ thuê người tải bằng cách lội dọc sông, giả vờ như đi tắm. Hoặc họ làm như người có mang, bẩn thỉu nữa, là như người có kinh nguyệt, phải đóng khố, vân vân. Nhưng dù có trăm mưu nghìn kế, mà người nhà đoan chỉ thoáng nhìn mặt là nhận ngay ra ai ngay, ai gian. Đố ai lọt được mắt họ. Vậy thì ai để cho công ty này buôn bán được êm thấm. Ai tải hàng mà được trót lọt bền thế?
Có một lần, Thừa tò mò hỏi ông Tình muôn thuở xem ông ta có biết hơn gì về mánh khóe của công ty hay không. Thì ông này trả lời úp úp mở mở, cái kiểu biết mà không nói, nhưng lại cố hớ hênh, để người nghe nghĩ mình là một tay quan trọng. Nhưng Thừa tinh, hiểu ngay là ông bạn quý lòe mình. Một hội kín tất phải bí mật tuyệt đối.
Vì vậy, Thừa đoán rằng công ty này phải gồm toàn những người có thế lực. Và không chừng, có những tay tai to mặt lớn của nhà đoan đứng ra điều khiển cũng nên. Chứ nếu không, sao từng bè hàng lậu lại bình yên mà qua được những sở đoan ở Lào Cai, ở Yên Bái, ở Phú Thọ, nhất là ở Việt Trì, họ sục sạo suốt đêm, chiếu những đèn năm pin, sáng rực đến tận bờ bên kia sông.
Một chuyến, trong bóng tối ban đêm, Thừa nhận được mặt người giao hàng, là người mà Thừa đã gặp ở đâu một lần rồi. Thừa cố nghĩ mãi, sau mới sực nhớ ra rằng người ấy chính là cái thằng đã đánh mình ở phố Hàng Đậu ngày trước. Vậy người của Múi ấy chính là một nhân viên của sở Thương chính. Thế nhân viên của Thương chính đi tải cái hàng mà sở ấy cho là lậu, thì chẳng lẽ sở lại bắt người của sở à?
Thừa biết sở Thương chính tuy có Tây lai, gọi là quan phó đoan, và có An Nam gọi là đội đoan, nhưng chia làm hai hạng nhân viên: Một hạng có quyền đi bắt đồ lậu trong tỉnh mình làm việc: một hạng lưu động, có quyền khám xét trong một khu vực rộng, ở nhiều tỉnh. Vậy chắc rằng mỗi lần công ty có thuốc phiện tải đi, thì đến tỉnh nào có người nhà đoan của tỉnh ấy đi kèm cho suốt dọc đường, hoặc có hẳn nhân viên lưu động ngồi ngay ở trên bè. Như vậy, qua đâu, nhà đoan địa phương có đòi giữ lại, thì người áp tải có quyền nhận rằng chính mình đã bắt, và đương giải hàng lậu này về Hà Nội. Nhưng có thể một người đội đoan An Nam nhận như vậy mà được tin ngay không? Không. Phải là lời do miệng một người phó đoan mới có giá trị. Vì Tây lai được tin là không nói dối như “A-na-mít”. Thế thì mỗi chuyến hàng, không phải chỉ một người đội đoan áp tải mà đủ. Phải có thêm một đoan phó. Hẳn là muốn kín đáo, nên lúc hàng sắp đổ bộ, quan phó lánh mặt ở đâu đấy, cho nên không ai nhìn thấy bao giờ. Vậy buôn đồ quốc cấm mà có Tây lai đi tải hàng cho, tất công ty này có Tây thật điều khiển. Và một khi công ty có thế lực như thế, thì vô số quan ta, vô số tay giàu sụ có cổ phần. Công ty này tất là to lắm.
Đoán già đoán non như vậy, lại thấy lãi đùng đùng, cái óc xoay xỏa của Thừa mới bắt đầu cựa cậy. Hắn tự hỏi: Cẩu Rồng cũng có bến ở sông Nhị, nó lại ở xa Hà Nội, không nguy hiểm, tại sao nó không thay được bến Chèm. Bến Chèm dùng mãi, tất bị lộ, công ty là hãng buôn bí mật, tại sao không đổi địa điểm đổ bộ hàng? Rồi hắn tự trả lời: Cẩu Rồng đắc địa hơn, nó phải thay Chèm. Và hắn kết luận: một khi Cẩu Rồng thay Chèm, thì lẽ tất nhiên hắn được thay nghị Khoáng. Hắn không mang tiếng hất cẳng bạn, mà có được địa vị trong công ty, lại khai thác được nhiều mối lại khác ở Cẩu Rồng.
Một mặt, Thừa nói với ông Tình muôn thuở về lợi hại của hai bến Chèm và Cẩu Rồng, một mặt, hắn về Cẩu Rồng ở để thử. Lần đầu hắn ở một ngày. Thấy Ma-ri như thường, lần thứ hai hắn ở ba ngày, vẫn chẳng thấy Ma-ri tỏ ý khó chịu, nên lần thứ ba, hắn ở hẳn một tuần. Rồi đến lần thứ tư, định cố thủ vĩnh viễn, hắn càng làm ra hiền lành, ngoan ngoãn cho Ma-ri không thấy có hại, đừng đuổi hắn.