Buồng này, những buổi tối không có khách thì không thắp đèn, nhưng có khách thì một ngọn đèn măng sông đốt lên, sáng trưng như Hà Nội.
Sở dĩ trước kia ông bà Hàn không ở luôn tại Cẩu Rồng, chỉ vì bà không chịu được ánh sáng dầu hỏa, và nhất là ngọn lửa đèn dầu hỏa. Ngọn lửa đèn dầu hỏa chiếu ra một thứ ánh sáng lờ mờ, đo đỏ. Bà tưởng nó như cái ma trơi ở ngoài đồng. Nhiều đêm, sực thức dậy, bà nhìn thấy ngọn lửa đèn hoa kỳ giong đêm mà giật nảy mình. Bà kêu thét lên. Những lần như vậy, bà bàng hoàng đến nửa giờ. Rồi từ đó đến sáng, bà không ngủ được nữa. Bà cứ nghĩ lửa đèn như con mắt ma, con mắt của người chết, oan hồn của ông Xương về hành hạ bà. Do bà kém ngủ, bà sinh ra kém ăn, rồi lúc nào cũng thẫn thờ như người có bệnh. Sở dĩ bà như người có bệnh, vì bà là đàn bà, yếu bóng vía. Nhưng bà lại không có bệnh gì, vì bà có lòng tự tin rất mạnh. Bà tin rằng bà là Tây lai, thì ma An-nam không làm nổi bà. Bởi vì nước An-nam còn bị nước Tây cai trị, thì An-nam không hại được Tây. Song, nói cho cùng, dù Tây hay An-nam thì cũng là người. Mà người thì có lương tâm. Cho nên dù ít hay nhiều lương tâm, ai cũng có lúc phải nghĩ lại những việc mình làm, để hối hận hay để hãnh diện. Cho nên nhiều khi Ma-ri nghĩ đến việc mình giết hàn Xương. Và chính vì vậy, mà mấy năm đầu, hắn khuyên Thừa nên ăn ở dễ dãi với điền tốt để chuộc lại tội của hắn. Hắn cho rằng nếu những người sống quanh hắn quý mến hắn, thì dù người chết có thù hằn hắn mấy, cũng không thể làm cho hắn buồn phiền. Nhưng bởi hắn không thể không buồn phiền, cho nên hắn ít dám ở Cẩu Rồng, là nơi nó luôn luôn nhắc nhở vào óc hắn cái hình ảnh của Xương bị hắn làm cho yêu mê quá đỗi, đến nỗi rạc ra mà chết.
Thừa cố tìm những lý luận tựa vào khoa học để giảng cho Ma-ri chớ tin rằng người đã chết nhưng linh hồn còn sống. Một mặt, hắn chiều ý Ma-ri, cho Ma-ri đi lễ các đền, các phủ để giải oan cho Xương. Một mặt, hắn thải tất cả các đồ đạc cũ ở trong nhà, để sắm toàn những thứ mới cho khác hẳn trước. Nhưng Ma-ri cũng không thấy yên. Ngủ độ dăm tối ở Cẩu Rồng không thấy gì, nhưng đến tối thứ sáu, thì hắn lại kêu rú lên. Có lần hắn nói như mê sảng:
– Em lạy mình! Em xin theo mình.
Thật ra, Thừa thấy Ma-ri như vậy, thì cũng lo. Không phải hắn lo Ma-ri chết, thì hắn góa vợ, nhưng hắn lo Ma-ri chết, thì hắn mất đồn điền. Vì đồn điền này tuy là của Ma-ri, nhưng hắn lợi dụng được để kinh doanh những việc lớn.
Vì hắn biết đã là đàn bà thì hay tin nhảm, cho nên hắn mặc cho Ma-ri tha hồ đi lễ, đi bái, tha hồ xem bói, xem số. Và cuối cùng, hắn chiều Ma-ri, xây một cái miếu ở gần cổng, để thờ Xương.
Cái miếu này, dân đồn điền gọi một cách tự nhiên là miếu ông hàn Cả.
Từ ngày có miếu, Ma-ri được yên lòng. Hắn chăm nhang khói. Hắn khuyên mọi người cũng năng kêu cầu ông hàn Cả, vì Ngài rất thiêng.
Quan ông, quan bà về ở hẳn Cẩu Rồng, thì chính sách đối với điền tốt một ngày một nghiệt ngã hơn. Thóc nộp phải phơi khô quạt sạch. Ai thiếu một đấu thì ăn hàng chục roi. Ai vay tiền thì phải có vật gì bảo đảm. Ít lâu nay, lại sinh ra cái lệ bảo đảm bằng bài vị thờ ông bà ông vải. Bài vị ấy gọi là cụ. Nợ trả hết thì cụ được chuộc về. Nợ còn thiếu thì cụ phải nằm ở gậm giường trong dinh. Quan gọi việc này là giam cụ, cho người nợ phải đau xót. Ai nợ nhiều, thì vừa phải giam cụ, vừa phải đưa con gái đến ở không công. Nhưng đó là nếu họ may mắn có con gái xinh xắn. Nếu không, quan đã có cách đòi.
Cách đòi của quan là thuê bà Ĩnh con từ Hà Nội về làm nặc nô. Đến nhà người có nợ, nặc nô chửi sáng, chửi trưa, chửi đêm cho đến sáng.
Nhưng hơn một năm nay, quan mới triệu ở nhà quê lên một ông chú họ, trông mặt mũi, râu ria dữ như ông long thần. Tức là ông hai Điều, ngày trước đóng vai cụ Điều ở Phòng thuốc nhà giàu. Tay này thì ác không chê được. Nó làm khách nợ thì thế giới vô địch. Một tay nó cầm cái gậy lớn. Một tay nó xách cái khăn vải, gói đủ cả dọc tẩu, lọ, tiêm, móc và đèn. Nó đến nhà nào, chó ra sủa, nó chỉ phang gọn cho một gậy – mà nó phang thế nào cũng trúng vào đầu – thế là con vật chỉ ẳng được một tiếng, là ngã quay lơ ra. Chó chết, chủ phải mổ để thết khách. Nếu nhà không có chó, thì nó quật chó hàng xóm. Để chủ phải đền. Hàng xóm không có chó, thì nó bắt chủ phải giết gà cung phụng nó. Cố nhiên, gà hay chó chỉ là thức để nhắm. Phải có một chai rượu bổ. Chén xong, nó ngả bàn đèn. Chủ đã phải mua rượu, còn phải biện thuốc phiện. Nó ở lì đấy, cho đến khi chủ trả xong nợ. Nếu không trả được, thì nó chửi, nó đánh, và nó nhảy lên bàn thờ, để ỉa một bãi thật lớn. Rồi nó mới đi. Hình như trời sinh ra nó có tài ỉa, để làm nghề khách nợ. Trước mặt mọi người nhìn chòng chọc vào nó, khóc lóc lạy van nó, mà nó vẫn ỉa được như thường. Nó vừa ỉa ở nhà này xong, đến nhà khác, nó lại phịch ngay được một bãi nữa. Mà cũng không kém giá trị về số lượng.
Nhưng điều tốt chưa sợ hai Điều bằng sợ một người mà họ thấy gọi là ông đội. Bởi vì chỉ những người có nợ mới bị hai Điều đến làm nhục. Khi trả xong, họ hết lý do để sợ. Còn cái ông đội này thì thật là một hung thần thường xuyên đối với tất cả mọi người.
Ông đội đây, tên tục là xừ Tuynh.
Ta còn nhớ xừ Tuynh là một người cai thầu của ông Lăng, hồi chiến tranh, đăng cai chào mào đi Tây, được thưởng hai chiếc mề đay. Ta cũng còn nhớ rằng xừ Tuynh rất mê văn của Thừa đăng ở Đông Dương tạp chí, trong khi Thừa nói phét với ông Lăng là mình chỉ viết báo Nam Phong. Cái lần Thừa thầu làm những gian hàng cho cuộc chợ phiên cứu tế nạn nhân bị lụt bên Pháp, thì xừ Tuynh được Thừa vời đến để giúp việc.
Từ đó, mỗi khi sửa chữa những nhà mới tậu ở Hà Nội, hoặc xây dựng trong dinh ở Cẩu Rồng, như làm miếu thờ hàn Xương, như làm bể bơi cho lũ con v.v… Thừa lại nhờ đến xừ Tuynh. Cho nên xừ Tuynh năng đi lại với Thừa.
Xừ Tuynh là một người béo tốt, khỏe mạnh, ăn mặc lúc nào cũng diêm dúa. Đầu chải bóng mượt. Cằm cạo nhẵn thín. Mùa đông, nếu chưa có tiền chuộc bộ quần áo rét ở Vạn Bảo về, thì xừ mặc ka ki vàng. Khi ấy, xừ nói:
– Mình quen khí hậu bên Tây rồi. Như hôm nay, đã lấy gì làm rét. Chỉ như chiều mùa hè ở Pa-ri[84] thôi! (*[84] Thủ đô nước Pháp.)
Nhưng đến mùa hạ, có những ngày nực chảy mỡ xừ lại đóng bộ len vào người. Xừ bảo:
– Những người Tây sang trọng, quanh năm mặc đồ tờ-rô[85]. (*[85] Tiếng nói tắt của Trô-pi-can, hàng mặc mùa thu, có màu như hàng len.)
Thừa coi xừ Tuynh như một chàng huênh hoang. Nhưng Ma-ri thấy xừ có một cái biệt tài rất cần cho hắn, cho nên hắn nhất định khuyên chồng xếp cho xừ chức quản lý để xừ về ở luôn tại đồn điền.
Vốn là Ma-ri hay đau mình mẩy. Nhất là những hôm trở trời, thì hắn không chịu được. Hắn dùng đã lắm thuốc, lại mua các thứ rượu chổi, bắt đội con gái xoa, nắn, bóp, đấm các bắp thịt, các khớp xương. Hắn lại uống khối cao hổ cốt. Nhưng chẳng ăn thua gì. Đến ngày ở Hà Nội xuất hiện cái anh chàng mù, cứ tối đến là tay cầm cái gậy để dò đường, tay cầm cái nhạc để rung, và miệng rao “tẩm quất”, thì mỗi lần khí hậu thay đổi, Ma-ri lại bắt Thừa đánh ô tô về Hà Nội, để nhờ anh tẩm quất, tẩm quật cho. Chà chà! Giãn cả gân cả cốt!
Một hôm, nhân nói chuyện với xừ Tuynh, Ma-ri phàn nàn về bệnh của mình, thì xừ Tuynh nói:
– Ấy, bà chả bảo tôi. Hồi ở bên ấy, tôi học được môn tẩm quất kiểu Hoa Kỳ, đã chữa cho khối quan tư, quan năm, nên mới được cái mề-đay này đấy.
Ma-ri thử tài Tuynh. Ngay tối hôm ấy, nhân tiện còn ở Hà Nội, tuy không đau mình đau mẩy, hắn cũng mời xừ đến tẩm quất.
Thì ra thích thật!
Ma-ri kể lại với Thừa:
– Trước hết là quần áo lão ta sạch, người lão ta thơm tho. Chứ không rách rưới, hôi hám, nghĩ mà ghê tởm như cái thằng tẩm quất mù. Sau nữa là lão ta nghề lắm. Tay nắn bóp đâu là chỗ ấy kêu răng rắc.
Lần sau đi Hà Nội chơi, Ma-ri lại triệu xừ Tuynh đến.
Trước khi thi thố tài năng, xừ hãy kể cho Ma-ri nghe những chuyện bên mẫu quốc. Bọn vợ góa của lính Tây chết trận chằm vặp lính thợ An-nam thế nào. Cảnh trai gái họ văn minh với nhau ra sao. Xừ chê là đầm ngu và nhát, ngủ với anh đi-den[86] cứ sợ rồi đẻ ra con răng đen. Xừ nói rất có duyên. Nhiều chuyện mà xừ khoe là của xừ, nghe như là xừ bịa. Ví dụ cái lần xừ cự cả một ông quan năm, xừ nói cứ ráo hoảnh y như thật. Mãi xừ mới tẩm quất. Lần này, nhiều lúc, chẳng biết xừ nắn bóp chỗ nào, mà Ma-ri cứ thít lên, thích quá, sằng sặc cười. (*[86] Da đen.)
Từ đó, Ma-ri về Hà Nội luôn để xừ Tuynh tẩm quất cho luôn. Hắn sắm biếu xừ quần áo, giày mũ, để mà xừ thêm bảnh chọe. Rồi hắn bắt Thừa cho xừ làm quản lý đồn điền. Hắn dịu dàng dỗ dành Thừa:
– Để những hôm trái nắng trở trời, mình mẩy moa ê ẩm, thì moa có ngay lúy tẩm quất cho, khỏi phải đi tận Hà Nội. Vừa tốn kém, vừa mệt nhọc.
Thừa cho đó là một lý do đúng, vả vì bận nhiều việc khác, cho nên nay Thừa thấy có người nhanh nhẹn, thành thạo lại oai vệ, vì có hai cái mề đay nhà binh, xứng đáng thay mình trông nom ruộng nương, đối phó với điền tốt, thì thật là tốt quá. Ít lâu nay, Thừa vẫn ức về nỗi mỗi khi cần xuống Hà Nội, Ma-ri lại không thích đi xe lửa, cứ bắt hắn lái ô tô cho. Như vậy, hắn mất việc, mà đêm ấy, vì có Hoạn Thư, hắn cứ ngơm ngớp, không dám tung tẩy một mình. Hoặc nếu có thậm thụt chơi bời ở đâu, hắn cũng không dám hưởng đến mãn canh mãn vở. Mất cả tự do trong những đêm thỉnh thoảng mới về Hà thành hoa lệ!
Vì những lẽ ấy, Thừa đồng ý ngay với Ma-ri, là cho xừ Tuynh lên Cẩu Rồng. Ma-ri không gọi tên tục của xừ Tuynh nữa, mà thăng luôn cho anh cai chào mào một trật, là ông đội. Y như trong huyện, có quan tri thì có đội lệ vậy.
Từ ngày lên đồn điền làm quản lý, ông đội còn tập cầm lái ô tô, để thỉnh thoảng lái cho bà hàn về Hà Nội, khỏi bận đến quan ông. Rồi chiều ý muốn của bà, hắn cũng dạy bà bẻ lái ô tô, rồi đến cầm yên cho bà tập xe đạp.
Về công việc làm quản lý, thì xừ Tuynh thật là một người tận tụy. Dù ban tối, phải chạy mửa mật theo xe đạp bà hàn, và dù sau đó, còn tẩm quất cho bà, có lần đến lâu, nhưng hôm sau, thế nào xừ cũng dậy sớm. Xừ bịt đôi ghệt vải quanh bọng chân, đội cái mũ vải vàng rộng vành lên đầu, và cầm cái ba-toong song, to vừa bằng cổ tay. Thế là xừ đi, cho đến giữa trưa mới về dinh, ăn cơm sáng.