Ma-ri thấy hàn Xương khẳng khiu hơn trước, thì vụt hắn nhìn ngay anh giàu này là người thay thế cho Trần Đức Thừa nghèo kiết đây. Hắn phải bám cái người si ngốc này cho riết, nhất định không chịu bỏ mất.
Vì có ý định gán Ma-ri cho hàn Xương, Thừa mặc cho hai người chuyện trò với nhau. Hắn trở lên sòng bạc.
Vì có ý định cho hàn Xương kế chân Thừa, Ma-ri chăng ngay bẫy.
Nhưng việc chăng bẫy, Ma-ri không phải tốn lắm công phu. Với một người khát đàn bà như hàn Xương, thì một nửa khóe mắt, một góc miệng cười của một người thạo quắp đàn ông như Ma-ri, cũng đủ là keo, là sơn, là xích, là khóa. Bởi vậy, hàn Xương như bị trói chặt vào hai nơi. Một nơi là sòng bạc để sát phạt đen đỏ ít, nhưng để dò xét Thừa có ghen hay không thì nhiều. Một nơi là cửa hàng giải khát để thổ lộ can trường với Ma-ri.
– Nhà tôi thất lộc rồi. Tôi đương tìm một người để tục huyền.
Tuy Ma-ri không hiểu nghĩa những tiếng sang trọng mà hàn Xương dùng để trả lời câu hỏi dò về con sư tử Hà Đông, nhưng cũng đoán mang máng rằng thất lộc là chết, và tục huyền là lấy vợ khác. Vì hắn thấy đến hai tiếng thất lộc, thì mặt hàn Xương có vẻ buồn, và đến hai tiếng tục huyền, thì hắn nhìn mình một cách tình tứ.
Nhưng sợ rằng đoán không đúng, cho nên Ma-ri không đáp, chỉ nhoẻn miệng để cười. Thì cái nụ cười này lại như hé ra để thưởng cái nhìn hữu ý của hàn Xương. Cho nên hàn Xương như bị choáng váng. Hôm Ma-ri được bầu là hoa khôi, hàn Xương mừng cuống lên. Ném hết túi công-phét-ti vào Ma-ri rồi, hắn còn tiếc. Hắn mới bốc ở dưới đất những công-phét-ti ném rồi, để thưởng thêm sắc đẹp của người yêu. Hắn theo về quán, nói giọng lả lơi với Ma-ri:
– Anh phải kiếm một người đẹp, biết giao thiệp thành thạo việc đời. Được người như em để phó thác tính mệnh và tài sản, thì anh sung sướng biết mấy!
Để đáp lại câu nói lỗ mãng và trắng trọn, Ma-ri liếc hàn Xương một cái, rồi tủm tỉm cúi mặt xuống. Hắn vờ thẹn thò như những cô gái trinh bạch khi nghe thấy nói đến chuyện lấy chồng.
Bởi thế, sau mấy ngày chợ phiên bế mạc, Ma-ri bỏ chồng, bỏ con trốn lên Cẩu Rồng ở với hàn Xương.
Ở đây, Ma-ri muốn gì, hàn Xương cũng tuân theo ngay lập tức. Trước hết, hắn bắt Xương khai giá thú cho ra vợ chồng chính thức. Rồi sau hắn bảo hàn Xương đóng tiền vào Bảo hiểm nhân thọ, và làm giấy với sở này, là nếu có mệnh hệ nào, thì người vợ được quyền lấy tiền bồi thường. Làm xong hai việc ấy, Ma-ri ra lệnh cấm hàn Xương không được rồi hắn một tối. Hắn cho hàn Xương ăn toàn sâm nhung, để lấy sức mà phụng sự hắn, hay trái lại, để cho mà kiệt sức. Vì vậy, mới được ba tháng, hàn Xương đã như cái que. Và thêm hai tháng, thân hình hàn Xương được tả đúng như tên của hắn. Rồi thêm nửa tháng nữa, bộ xương ấy không nhúc nhích được. Hàn Xương chết.
Món tiền của Bảo hiểm nhân thọ bồi thường, cố nhiên là Ma-ri được lấy. Nhưng còn cái gia tài ở Cẩu Rồng, họ hàng hàn Xương không để cho Ma-ri chiếm một cách dễ dàng. Họ phải nhờ pháp luật định đoạt hộ. Nhưng Ma-ri có những thế lực xoay được pháp luật. Hắn đã dùng bàn tay cứng rắn của lão cha Hảo. Hắn hứa rằng nếu được kiện, hắn sẽ cúng cho Chúa một nửa số ruộng của đồn điền.
Thấy được dịp mở rộng đất cho nhà thờ để lấy tiếng cho mình, và để lấy người truyền đạo, lại được dịp giúp cho Ma-ri một sinh kế chắc chắn, khỏi bị mè nheo bắt mình bỏ tiền ra nuôi con, nhà tu hành hết lòng cướp hộ Ma-ri cái gia tài ở Cẩu Rồng.
Thế là Ma-ri nghiễm nhiên làm chủ ngót năm mươi mẫu ruộng.
Từ ngày Ma-ri bỏ Thừa đi với hàn Xương, không phải hắn bằn bặt như bận trước. Tuy tình cảm vợ chồng với Thừa không còn, nhưng tình cảm mẹ con không cho hắn dứt khoát với cái nhà Thừa ở. Trong nhà ấy, hắn có bốn đứa con. Xa con, hắn nhớ. Vì vậy, độ mươi hôm, nửa tháng, Ma-ri lại đảo về Hà Nội một lần để thăm. Vả lại, hắn thấy trước kia, thằng Pôn đã bị Thừa bỏ lay lắt ở nhà quê, nên nó ốm yếu, lại ngốc nghếch. Nó về Hà Nội thấy cái đèn điện cũng trố mắt lên, thấy cái máy nước cũng đứng lại ngắm. Ma-ri không muốn các em nó cũng bị đày đọa như nó. Cho nên, gửi Thừa tiền ăn cho chúng nó đã dành, thỉnh thoảng Ma-ri cũng phải về xem người bố hờ nuôi nấng chúng nó ra sao. Cố nhiên, những phí tổn ấy, hàn Xương phải đài thọ.
Mỗi lần Ma-ri gặp Thừa như vậy, hai người vẫn trò chuyện với nhau như thường. Y như đôi vợ chồng trong một gia đình bình thường, mà người vợ vì bận việc phải đi xa thôi. Ma-ri chắc Thừa biết mình lấy hàn Xương, nên chẳng bao giờ hắn than thở với Thừa là vì sinh kế, bắt buộc hắn phải bạc tình. Thừa cũng vậy. Hắn biết Ma-ri lấy hàn Xương, nên chẳng hỏi thăm Ma-ri bây giờ sống ra sao. Hai người cứ tự nhiên như không. Thừa như người chủ nhà cho Ma-ri thuê chỗ để nuôi con, coi Ma-ri như người khách đến chơi. Ma-ri có tiền thuê Thừa giữ con hộ, nên cũng cho mình là chủ nhà, và coi Thừa như thằng vú em. Lắm lúc, thấy lũ trẻ bẩn thỉu, Ma-ri cũng gắt Thừa.
Bởi thế, hai người tuy là vợ chồng, nhưng không ăn ở với nhau như vợ chồng, song vẫn là vợ chồng.
Cho nên, từ hôm hàn Xương chết, thỉnh thoảng Thừa có mang con lên chơi trên Cẩu Rồng, ở đó một vài hôm rồi về, Ma-ri tiếp Thừa tự nhiên như thường, chẳng khác gì lúc Ma-ri về Hà Nội Thừa tiếp hắn vậy.
Nhưng từ ngày một nửa đồn điền về hẳn tay Ma-ri, thì một hôm, Thừa mang cả đồ đạc lẫn con cái lên Cẩu Rồng. Ma-ri chẳng hỏi xem Thừa định ở đến bao giờ. Thấy Thừa ở một tuần, hai tuần, Ma-ri cũng chẳng giục Thừa về Hà Nội. Thừa định ở hẳn đây hay sao, hắn cũng không biết. Hắn cho là bây giờ, Thừa không có công việc, thì phải sống bám vào hắn. Nhưng không phải. Hắn thấy Thừa có khối tiền, mỗi tháng lại đưa hắn mười lăm đồng. Tuy Thừa không nói là để làm gì, nhưng hắn đoán có lẽ Thừa đưa tiền ăn cơm trọ. Nhưng sự thực, thì hình như đoán không đúng. Thừa ở đây, không có vẻ gì là người ăn trọ. Thừa sai bảo đầy tớ, mày tao với họ, rõ là giọng nói của chủ nhà. Thỉnh thoảng, Thừa thấy đồ đạc có cái nào long gãy tường vách có chỗ nào sứt lở, thì tự tay hắn chữa, cặm cụi suốt ngày. Ai dám bảo những thú ấy, Thừa không coi như của hắn. Và nếu biết việc này, thì phải nói Thừa đúng là chủ nhà thật, đến Ma-ri cũng không cãi nổi: là đến Cẩu Rồng, nhiều đêm, Thừa vẫn ngủ chung với Ma-ri.
Vậy thì Thừa và Ma-ri là vợ chồng, một thời gian không ăn ở với nhau như vợ chồng, nhưng bây giờ tuy hiểu ngầm hai người không là vợ chồng, song, vẫn là vợ chồng.
Vì Ma-ri là vợ hàn Xương, nên được gọi là bà hàn. Việc này dĩ nhiên thôi. Nhưng từ ngày Thừa lên ở hẳn Cẩu Rồng với Ma-ri, là chồng Ma-ri, Thừa cũng bị gọi là ông hàn, mới đau chứ!
Trước hết, một số bạn bè của Thừa muốn bỡn Thừa, gọi thế để nhạo anh chàng ăn nhờ vợ. Nhưng rồi cả người ngoài, họ không biết gọi Thừa là gì cho dễ hiểu, nên cũng cứ hai tiếng ông hàn ấy mà gọi người chồng của bà hàn. Rồi họ gọi luôn thành quen miệng. Mới đầu, để phân biệt với hàn Xương, họ gọi Thừa là ông hàn Mới. Có người ranh mãnh gọi là ông hàn Hai. Ý nói là chồng lẽ của bà hàn. Những tiếng này đến tai Ma-ri, Ma-ri mới bảo họ tên thật của ông hàn bây giờ là Thừa. Họ gọi là ông hàn Thừa.
Nhưng Thừa vẫn thấy cái tên thật của hắn lắp vào đuôi tiếng hàn là không ổn. Đối với Ma-ri, nó nhắc cho Ma-ri khinh hắn là ăn bám. Vì vậy, hắn bắt buộc phải tiết lộ cho Ma-ri biết việc hắn buôn đồ quốc cấm, tức là thuốc phiện lậu. Hắn có ít tiền, gửi ông Hoài Tân Tử buôn thứ ấy, để lấy lãi tháng. Còn đối với mọi người, nhất là đối với điền tốt, cái tên ông hàn Thừa có vẻ chế riễu hắn là vô tài, phải nhờ vợ mới được cả lợi thừa lẫn danh thừa. Hắn ra lệnh cấm gọi thế. Vả sợ dân nhớ chủ cũ mà bất phục mình chăng, nên hắn lòe họ. Để mọi người tưởng hắn là dân Tây, có thế lực to, Thừa lấy cái tên Tây cũ là An-be hắn bắt người ta gọi hắn là ông An-be, ông hàn An-be hoặc ông hàn An-be Thừa.
Song trong thâm tâm, tuy cái tên ông hàn không làm Thừa thú lắm – vì hắn phải tự tay tạo nên giàu có và danh giá – mà thỉnh thoảng hắn cũng thích. Hắn nghe nó quen tai rồi.
Và lâu dần, người ta gọi hắn là ông hàn cũng quen miệng quá, chẳng ai buồn tìm hiểu nguyên do vì đâu hắn được cái chức ấy. Thời này, ông hàn nhung nhúc như lợn con. Có ai rỗi hơi để ý đến cái vặt!
* * *
Sách có chữ “quan tân, chế độ tân”. Mới đầu, điền tốt ở Cẩu Rồng thấy đổi chủ thì đồ rằng thế nào cũng có thay về chính sách. Coi chừng, chủ mới sẽ nghiệt ngã hơn chủ cũ, và mình sẽ khó làm ăn chăng.
Nhưng mà không. Mọi người nhận thấy chủ mới, cả ông lẫn bà hình như không lấy việc kinh doanh đồn điền là việc chính. Ông bà có vẻ dễ dãi, nhiều khi như khờ khạo là khác nữa. Ai nộp thóc tốt đã đành, ai nộp thóc xấu cũng được nhận. Ai nộp đủ thóc đã đành, ai nộp thiếu thóc cũng được nhận. Chẳng ai phải mắng, phải chửi, phải đòn, phải đánh bao giờ. Ai có cơ lỡ đến vay tiền, vay thóc, có thì ông bà giúp. Không có, thì ông bà cũng tươi cười mà hẹn một ngày khác.
Dạo ấy, dân Cẩu Rồng thật là dễ thở. Họ mong ông bà chủ luôn luôn ở đồn điền để họ có chỗ nhờ vả, nương tựa. Nhưng ông bà chủ lại không lấy Cẩu Rồng làm chỗ ở chính. Ông bà hay ở Hà Nội kia. Mỗi tháng, ông bà chỉ có mặt tại đồn điền độ mươi ngày. Cho nên, những ngày ông bà về, thì ai nấy rất mừng rỡ.
Nhưng cái không khí dễ chịu này chỉ kéo dài được có hai năm. Nó bắt đầu thay đổi từ ngày ông bà chủ ở hẳn Cẩu Rồng.
Trước hết là một vài tiếng gọi. Không ai được gọi là ông chủ bà chủ, mà phải kêu là quan ông, quan bà. Nói với ông chủ bà chủ thì không được dùng tiếng thưa ông, thưa bà, mà phải trình quan. Quan bảo thì gọi là quan truyền. Quan ngủ thì gọi là quan giấc. Quan ốm thì gọi là quan se mình. Nhà ở của quan phải gọi là dinh, dinh quan Hàn.
Trong dinh quan Hàn vẫn còn ba cái nhà gạch cũ, nhưng sửa sang dần dần cho đẹp thêm. Gian giữa ở dinh chính là chỗ tiếp khách, thì làm thêm trần. Trên tường quét vôi kẻ dọc, treo chiếc hoành phi và đôi câu đối sơn son thếp vàng. Giữa đôi câu đối là tủ chè gỗ trắc khảm. Trên tủ đặt giá gương, lư đồng và độc bình. Trong tủ bày những đĩa bát chén cổ. Trước tủ, kê một sập gụ chân quỳ, lúc nào cũng trải chiếc chiếu hoa. Trên chiếu là cái kỷ thấp, mặt đá. Hai bên kỷ, trải hai chiếc đệm gấm. Phía ngoài là một bộ bàn tròn và bốn chiếc ghế bành bằng gụ trạm. Sát với cái bàn, là một chiếc ống nhổ đồng nhện tam khí. Trước bộ bàn ghế khách, là một cái giá cắm đồ lộ bộ bằng đồng, cán gụ, xòe ra như nan quạt.