Nói đến đây, trạng sư đắc chí, mỉm cười, rút mù-soa, lau mồ hôi, rồi tiếp:
– Thế thì tại sao Thị Lễ chết? Hẳn các ngài muốn bẻ lại tôi thế. Vâng, tôi xin nhờ bác sĩ Pi-ca trả lời hộ tôi. Bác sĩ là một ông thầy thuốc lành nghề, đã được tòa án cử đến khám nghiệm tử thi Thị Lễ, có ông dự thẩm Xu-mê đơ la Grăng-đi-e chứng kiến. Tôi xin phép các ngài đọc lại một đoạn trong biên bản của bác sĩ như sau:
Trạng sư đọc:
“Tôi đã khám tim, phổi, lá lách. Ba bộ phận này đều không có dấu hiệu gì là bất thường. Duy có lá gan thì có chỗ hơi tím lại, do một vật gì đụng mạnh vào. Như vậy, tỏ ra rằng nạn nhân tuy có thai, nhưng không phải trong tình trạng ốm yếu”.
Trạng sư giơ một ngón tay:
– Xin các ngài chú ý câu sau cùng mà tôi sắp đọc đây. Trạng sư đọc thật thong thả, dằn từng tiếng:
“Cho nên, nếu vết thương ở gan, nó chỉ là vết thương thường thôi, được chạy chữa ngay, cũng có thể lành được”.
Trạng sư yên lặng, nhìn quan tòa, nhìn viên biện lý, và nhìn thính giả, rồi hùng hồn:
– Vậy thì tại sao Thị Lễ chết? Làm cho Thị Lễ chết là một vết thương thường do ông Trần Đức Thừa vô tình đánh mà tạo nên, hay là do không được chữa chạy ngay? Câu này tôi xin dành cho nhà thương Bảo hộ trả lời giúp tôi!
Trạng sư mỉm cười, để tỏ rằng mình muốn chế nhạo, rồi tiếp:
– Vậy thì thưa các ngài, bảo ông Trần Đức Thừa là đào mỏ, bảo ông Trần Đức Thừa là đánh chết vợ, người ta đã muốn lừa bịp Thần công lý! Cho nên, trong hai người, Trần Đức Thừa và Phạm Thị Lễ, ai là kẻ có công đáng thưởng, ai là kẻ có tội đáng phạt? Điều này thì sự thật đã trả lời thay cho chúng ta rồi. Thị Lễ đã đền tội ác của y. Tôi lấy tư cách là một người yêu nước mà cảm ơn Thượng đế đã vì sự cao cả, sự vĩ đại của Tổ quốc tối văn minh, tối nhân đạo và tối danh dự, là nước Pháp của chúng ta!
Trạng sư ngửa mặt lên trời nói câu ấy, rồi nhìn các quan tòa:
– Bây giờ tôi xin được phép kết luận bản biện hộ của tôi bằng vài câu nhỏ:
Trong vụ án này, ai là người có công, ai là người có tội, sự thật đã hiển nhiên như ban ngày. Nay Thị Lễ đã chết – mà xin các ngài chú ý đến cái tên trong cáo phó là Diệu Thuần, chẳng qua là một bí danh, một khẩu hiệu cuối cùng y gửi cho các đồng chí của y – nay Thị Lễ đã chết, không lẽ tôi còn xin tòa quật mả, bật săng y lên mà quàng vào đầu y một cái án tù. Cũng không lẽ ông Trần Đức Thừa ngồi ở ghế bị cáo, mà tôi lại xin tòa thưởng cho ông ấy bội tinh bằng vàng. Vì biết ông Trần Đức Thừa không liên quan đến cái chết của con người bỉ ổi, lừa đảo chồng, bội bạc với nước Pháp, kẻ thù của chúng ta – ông đã chịu một sự thiệt thòi lớn, là mất đứa con là cái thai nằm trong bụng Thị Lễ, thế là Thượng đế đã trừng phạt về cái tội ông đánh người đàn bà rồi – nên tôi xin Tòa tạm tha cho ông ngay. Và hôm nay, được hân hạnh bênh vực ông, tôi xin Tòa tha bổng cho ông, để tuyên dương một người trung thành với nhà nước Bảo hộ, mà bao giờ chúng ta cũng cần có.
Trạng sư ngồi xuống, lấy mù-soa chấm mồ hôi khắp mặt. Hắn nhìn mọi người, như hãnh diện về những lời hùng hồn của hắn.
Tòa tạm nghỉ mười phút, để các vị đại diện Thần công lý vào buồng riêng luận tội.
Bây giờ tiếng bàn tán nổi lên ầm ầm.
Ma-ri hớn hở chạy đến bắt tay Rô-măng:
– Hay quá! Hùng biện quá! Ông nói trơn như thuộc lòng cái bản đã cãi cho nhiều vụ án tương tự!
Rô-măng nhún vai:
– Nghề của tôi. Vụ án này sẽ làm tôi nổi tiếng, thu hút cho tôi được nhiều khách hàng loại chồng bà.
Hai người cùng cười.
Ma-ri băn khoăn:
– Nhưng tôi nhìn ông chánh án, nhiều lúc như ông ấy nghĩ đi đâu, chứ không phải nghe ông. Ông ấy lấy dao vặn lại cái đinh ốc ở gọng kính, ông ấy thì thầm với hai ông bồi thẩm, rồi cười với nhau.
Rô-măng an ủi, nói khẽ:
– Bà cứ yên trí. Đâu đấy đã xếp đặt xong rồi.
Bỗng Ma-ri thấy mọi người nhìn mình bằng con mắt hằn học, hắn phải lảng đi một mình. Hắn nhìn ra sân, ngắm cái cán cân công lý trước của tòa án. Bây giờ hắn lại thấy nó giống cái câu rút.
Một hồi chuông lại rung lên. Mọi người chạy vội vào phòng. Im lặng.
Họ đứng dậy để chào các quan tòa. Viên chánh án sửa lại kính để sắp nói. Hồi hộp.
Sau những tràng câu có chữ Chiểu chi, viên quan tòa tuyên án:
– … Vậy Tòa quyết nghị phạt Trần Đức Thừa…
Hắn ngừng lại, cúi xuống hỏi khẽ viên bồi thẩm. Tên này gật đầu, hắn nói tiếp:
– … phạt Trần Đức Thừa ba đồng vi cảnh về tội đánh người, và bảy đồng bồi thường án phí.
Tiếng ồn ào nổi dậy.
Mõ tòa hét im, rồi vội vàng chạy lên bàn chánh án vớ cái chuông, lắc thật mạnh. Nhưng không thể nào ngăn được những lời bàn tán, ầm như cái chợ.
§22. Để kết thúc
Để kết thúc cho phần thứ hai của tiểu thuyết này, kẻ chép truyện xin các bạn độc giả thêm dăm phút nữa, để đọc nốt vài dòng dưới đây.
Chúng ta đã biết rằng nhân dân rất phẫn nộ về cái kết quả của vụ xử án giết người này. Cho nên ai nấy cũng đón chờ những tờ báo hàng ngày xuất bản sáng hôm sau, để đọc cho nhau bài tường thuật phiên tòa, và để được nghe tiếng nói của quyền ngôn luận đối với việc bôi nhọ để vùi dập xác người chết oan ra sao.
Nhưng quyền ngôn luận đã bị quyền hành chính ngăn cản.
Một tờ in một bài dài gần một cột, bị Kiểm duyệt xóa nhẵn nhụi. Chỉ còn để lại mấy chữ nhan đề là Tôi cũng sẽ giết người. Cả cột báo trắng tinh.
Một tờ viết bài Một mạng người, ba đồng bạc, chỉ được đăng có mấy dòng đầu và mấy dòng cuối. Mấy dòng đầu là Hôm qua, tòa án Trừng trị Hà Nội đã đem vụ Trần Đức Thừa giết vợ ra ánh sáng. Mấy dòng cuối là: Thần công lý thật là thiêng liêng vậy thay! Người chín suối có khôn chăng tá?
Một tờ in bài Ôi công lý, toàn vẹn từ đầu đến cuối. Độc giả rất lấy làm hả. Nhưng hôm sau, báo ấy bị rút nghị định cho phép xuất bản. Người chủ nhiệm, người chủ bút, người quản lý, cùng người chủ nhà in in báo ấy, đều bị truy tố vì liên đới chịu trách nhiệm đã can tội bất tuân thượng lệnh, bài báo bị kiểm duyệt xóa hết, nhưng cứ đăng.
Về gia đình Phúc Lâm thì như thế này:
Cậu Nghĩa bị tên hiệu trưởng Lôm-béc-giê hung ác của nhà trường gọi lên bàn giấy. Máu điên nó nổi lên, nó quật ba-toong to bằng cổ tay của nó vào mặt cậu, rồi nó gầm thét như con thú dữ bị đạn. Nó không tìm được lý do để đuổi cậu khỏi nhà trường, thì nó trừng trị cậu bằng cách kín đáo, là bắt cậu làm đơn xin thôi học.
Cụ Tú ông thì uất ức hết về việc con gái, đến việc con trai. Cụ phải chịu nộp án phí, cũng ngang như bên bị, là bảy đồng, trong đó, có tiền thuê bác sĩ mổ xác con gái cụ. Cụ càng uất ức.
Cụ bỏ cơm ba bữa liền.
Rồi một buổi sáng, cụ thấy nôn nao trong người. Cụ vừa ghé mặt vào chiếc ống nhổ đồng đặt ở đầu bàn trường kỷ, thì cụ đã hộc ra đến một bát chiết yêu máu.
Cụ nhất định không uống thuốc. Hôm thấy trong mình khác, cụ gọi cậu Nghĩa đến bên cạnh. Cụ ứa nước mắt, nghiến răng lại, rồi có nói một câu dài:
– Nước mất thì quyền sống chết của mình là ở trong tay người ta. Đến như thầy hơn chục năm nay, đành sống nhát, sống hèn, mà cũng không yên, thì biết làm thế nào cho yên. Con còn ít tuổi, đời con còn dài. Thầy thương con lắm.
Đêm hôm ấy, cụ nấc lên một tiếng rồi tắt thở.
Trong khi những cảnh thương tâm liên tiếp xảy ra ở gia đình Phúc Lâm, phố Hàng Đào, thì ở phố Hàng Bồ, Trần Đức Thừa sống đề huề với Ma-ri và hai đứa con.
Thằng Pôn đã được đem ra Hà Nội. Nó gầy và đen. Nhưng trí nhớ nó rất tốt. Tuy óc còn non nhưng nó đã thuộc rất nhiều tiếng tục và câu chửi. Nó biết chửi trước, rồi mới biết nói những tiếng khác sau.
Thừa và Ma-ri thường nhắc lại vụ án. Thừa khen Thần công lý là tốt. Ma-ri không ngớt khoe tôn giáo là có thế lực và hay cứu người.
Ma-ri đưa Thừa đến tạ lão cha Hảo. Trong nửa giờ đồng hồ tiếp Thừa, nhà tu hành không nhìn Ma-ri một lần nào. Mỗi câu nói, lão đều dẫn chữ kinh thánh. Lão khuyên Thừa nên biết ơn sở Mật thám, nhất là phải đến chào quan phó thanh tra Pha-lăng-xô, người đã tạo được tờ biên bản khám nhà rất tài tình.
Thừa cũng rủ Ma-ri đến cảm ơn bác sĩ Pi-ca và trạng sư Rô-măng. Hắn hứa với hai người Pháp kiếm ăn bằng khách hàng Việt Nam, là nếu sau này có thể, hắn sẽ mời Pi-ca làm thầy thuốc của gia đình, và mời Rô-măng làm thầy cãi riêng cho hắn.
Một bữa tiệc khá linh đình được tổ chức tại trên gác nhà cao lâu Nhật Tân phố Hàng Buồm để các bạn bè cũ của Thừa và của Ma-ri mừng và chúc anh chị tái hợp bền vững. Tiếng cười không ngớt. Ai nấy sung sướng thay cho người lương thiện rửa sạch được tiếng oan.
Tập Ba
§1. Bà Hàn và ông Hàn
Bà Hàn ẩy cái gối bông gạo ra khỏi đầu, để áp hẳn má của bà xuống mặt tấm gụ cho mát. Mãi bà không ngủ được. Đành phải chịu với trời thôi. Từ đầu mùa hè, chưa có trưa nào oi bức như thế này. Sập thì nhẵn thin thín. Buồng thì hướng nam. Các cửa chớp thì đóng hết cho khỏi chói mắt. Nền gạch thì nước chậu này chậu khác, rẩy xuống để hút hơi nóng đi. Thế mà bà Hàn hết nằm ngửa, đến nằm nghiêng, rồi đến nằm sấp, bà vẫn chẳng chợp mắt được. Bà nằm sấp như vậy, thấy dễ chịu nhất. Hai cánh tay bà giang ra. Một cẳng chân bà duỗi thẳng, một cẳng chân bà co gấp lại. Như vậy, toàn thân bà mới hưởng được cả cái gió của chiếc quạt luôn luôn phe phẩy cho bà.
Bà nhắm mắt, nhưng vẫn thức. Thỉnh thoảng khó chịu quá, thì bà rên lên, cả hai cánh tay lẫn hai cẳng chân giãy đành đạch. Lúc bấy giờ thì ba người đầy tớ gái hầu bà phải cật lực mà làm việc. Mai đứng hẳn dậy, quạt vào gáy, quạt vào nách, quạt vào bẹn cho bà. Lan mơn mơn năm đầu ngón tay cho khắp lưng bà để bà thấy buồn hơn. Còn Huệ thì rống to lên:
– Sợ i a gió i a lạnh, nàng phải i a nhờ tắt quạt i a máy i a đi, và i a ngồi i a nép i a vào góc i a tường. Nhạc i a tăng i a gô i a bắt i a đầu i a nổi i a lên i a du i a dương.
Bỗng bà Hàn ngóc cổ lên, hấp háy đôi mắt:
– Cha tiên nhân cái con đẻ ra bố nó! Bà thì nực, nó thì sợ lạnh, phải tắt quạt!
Ba người hầu gái không đáp, vẫn quạt, gãi buồn, và đọc truyện.