Nó bảo hai thằng mở từng tờ trong trong những cuốn sách và cuốn vở bằng chữ Pháp, và tự nó xem từng trang những cuốn viết quốc ngữ. Đến một cuốn vở chép thơ, cả thơ tiếng Pháp lẫn thơ tiếng Việt, thì nó đọc kỹ hơn. Về thơ tiếng Pháp, có bài đề tên tác giả là Victor Hugo, Lamartine, Alfred de Musset, André Chénier, nó nhìn mấy câu đầu, rồi mở qua. Nhưng đến mỗi bài thơ tiếng Việt, thì nó trỏ tên tác giả, và hỏi thằng thám tử. Luôn luôn, thằng này phải nói.
– Phan Bội Châu, pi-rát[81]. Yên Đổ, ăng-ti[82]. Tú Xương, ăng-ti. Phan Bội Châu, pi-rát. Vô danh thị, ăng-ti. Đông Kinh nghĩa thục, pi-rát. Phan Bội Châu, pi-rát. Đông Kinh nghĩa thục, pi-rát. Vô danh thị, ăng-ti. (*[81] Giặc. *[82] Bài. Nói tắt tiếng Ăng-ti phrăng-xe là bài Pháp.)
Nói đến trang cuối cùng, con chó săn nhìn cụ Tú:
– Toàn văn chương phản quốc.
Cụ Tú giật nảy mình.
Thằng Pha-lăng-xô mở quyển vở lại một lần nữa. Nó hỏi cụ Tú:
– Sách này của ai?
– Tôi không biết.
Thằng thám tử nói xẵng:
– Sách trong tủ của con ông, mà không biết là của ai à?
Thằng mật thám Tây lai trỏ vào hai trang giấy, hỏi:
– Có hai thứ chữ khác nhau. Những ai viết?
Cụ Tú nhìn vào chữ, chưa đáp, thì mợ Nghĩa đã nói hộ:
– Bài nào chữ tốt, là chữ chồng tôi, bài nào chữ xấu, là chữ tôi.
Con chó săn quắc mắt:
– Không được nói. Quan lớn chưa hỏi.
Thằng Pha-lăng-xô cau mặt nhìn mợ, rồi bảo:
– Viết thử mấy chữ vào tờ giấy này.
Mợ Nghĩa làm theo nó. Nó so tự dạng, rồi ngẩng nhìn mợ, lắc đầu:
– Không giống.
Nó trỏ vào sách:
– Chữ ai?
Mợ Nghĩa đáp:
– Đúng là chữ tôi.
Thằng mật thám không hỏi nữa. Nó đưa quyển vở cho con chó săn, rồi bắt cụ Tú mở rộng các cửa buồng thờ. Mấy chiếc đèn pin soi sáng rực vào trong. Nó lấy ra tất cả những sách và giấy viết bằng chữ nho, trong đó có cả những tờ tử vi và quyển gia phả.
Nó trỏ vào chồng sách gồm độ mươi quyển của nhà Thương vụ xuất bản:
– Những quyển này ở đâu ra?
Cụ Tú không muốn nhắc đến tên thằng con rể khốn nạn, cụ đáp:
– Của tôi.
– Cố nhiên rồi. Nhưng mua ở đâu?
Cụ không đáp.
Con chó săn nói:
– Sách ở đâu, chứ Hà Nội làm gì có!
Nó bảo con chó săn giữ sách in, gia phả, và số tử vi, rồi lên gác. Nó khám hòm quần áo của mợ Nghĩa, không thấy gì đáng chú ý. Nhưng bỗng con chó săn cời ở trong gậm giường ra được một cuộn giấy đầy bụi. Nó mở xem, rồi trợn mắt, mách quan thầy:
– Tẩy chay, tẩy chay, me-xừ!
Đó là những tờ truyền đơn in thạch, những bài cổ động dùng nội hóa, từ hồi tẩy chay mà cậu Nghĩa chưa phát hết. Như làm được một kỳ công, con chó săn cuộn tập giấy lại, để vào chỗ tài liệu tịch thu.
Thằng Tây lai xuống nhà. Nó ngồi ở trường kỷ, hỏi cụ Tú:
– Ông bị nhà nước bắt một lần phải không?
– Vâng.
– Vào năm nào?
– Năm Hợi.
Con chó săn cau mặt:
– Khai năm Tây kia.
Cụ Tú cuống quýt, nghĩ rồi đáp:
– Tôi không nhớ năm Tây. Chỉ nhớ là năm Duy Tân Tân Hợi.
Con chó săn lại nói như hoạch:
– Chỉ nhớ vua Duy Tân thôi, ẻ?
Thằng Pha-lăng-xô hất hàm, hỏi:
– Cái gì?
Con chó săn đáp:
– Nông me-xừ[83]. (*[83] Thưa ông, không ạ.)
Tên mật thám hỏi cụ:
– Bị bắt về tội gì?
– Tôi không rõ.
– Tại sao lại không rõ.
– Vì tôi bị giữ có ba hôm, rồi được tha ngay.
– Đông Kinh nghĩa thục, hẻ?
– Chắc là nhà nước nghi tôi thế, nhưng nhà nước minh xét, biết là tôi oan, cho nên tha ngay.
– Ông làm nghề gì?
– Tôi buôn bán.
– Vợ ông buôn bán đấy chứ?
– Vâng, tôi giúp vợ tôi.
– Thế thì phải nói là ông không làm nghề gì.
Cụ Tú im lặng. Nó lại hỏi:
– Ông hay đi lại những nhà ai?
– Tôi chỉ đến các nhà họ hàng.
– Ai hay đến chơi với ông?
– Cũng chỉ là họ hàng.
– Ngoài họ hàng?
– Không còn ai.
– Hàng ngày, ông vẫn đến Hàng Buồm, nhà cao lâu Tàu phải không?
– Vâng. Hiệu Đông Hưng viên.
– Con gái ông tên là Lễ phải không?
– Vâng.
– Nó hay đến nhà ai?
– Nó ít ra ngoài lắm.
– Nhưng nó hay đến nhà ai nhất?
– Cũng chỉ đến các nhà họ hàng thôi.
– Nó hay đến nhà người họ ở phố nào nhất?
– Phố Hàng Đường, nhà người em tôi.
– Những ai hay đến chơi với nó ở đấy?
– Không có ai cả.
– Con trai ông hay đến chơi nhà ai?
– Nó hay đến học nhà bạn nó ở phố Hàng Gai.
– Những ai hay đến chơi với nó?
– Những bạn học của nó.
– Chúng nó nói chuyện gì, ông có nghe thấy không?
– Thường là chuyện bài vở.
– Ngoài chuyện bài vở?
– Tôi không nghe thấy chuyện khác.
Thằng mật thám nhìn mợ Nghĩa:
– Tên gì?
– Tên tôi ạ?
Con chó săn mắng:
– Còn tên ai nữa!
Mợ đáp:
– Lê Thị Chung.
Thằng mật thám đưa bút và giấy cho mợ:
– Khai tên tuổi, nghề nghiệp, và chỗ ở của cha mẹ.
Rồi nó hỏi cụ bà:
– Tên gì?
– Thưa Nguyễn Thị Tý.
Nó ghi, rồi ngấc mắt hỏi cụ ông:
– Vợ ông họ gì?
– Thưa họ Nguyễn.
Nó cau mặt:
– Họ Lương chứ?
– Không, họ Nguyễn ạ.
Con chó săn cười lạt:
– Không có giấy khai sinh, thì dễ khai họ láo lắm đấy!
Thằng mật thám mở sổ, hỏi cụ ông:
– Vừa rồi, ông nói trừ họ hàng, người ngoài không ai đến chơi với ông. Vậy ai tên là Từ Xương?
– Thưa không có ai.
– Từ Xương hay Tư Xương?
– Thưa không có ai.
– Hay là Tú Xương?
– Vâng, Tú Xương.
– Tú Xương hay đến chơi với ông phải không? Sao ông nói là không có ai?
Cụ Tú đáp:
– Có một ông ở Nam Định, là ông Tú Xương nhưng ông ấy chết đã lâu rồi.
Thằng mật thám sực nhớ ra, trỏ vào chồng sách, hỏi con chó săn:
– A! A! Ăng-ti, hẻ?
– Uẩy xừ.
Nó hỏi đến cụ bà:
– Những ai không phải là họ hàng mà hay chơi ở nhà này?
– Chỉ có những người bạn hàng của tôi.
– Tên là gì?
– Nguyễn Hữu Tý, Tư Bân, Đám Sang.
– Còn nữa. Nhiều kia chứ?
– Còn nữa. Nhưng tôi không biết tên hết.
– Sao lại không biết tên hết?
– Tôi không biết tên, chỉ quen mặt.
– Quen mặt thì buôn bán thế nào, viết vào sổ hàng thế nào được?
– Được ạ. Ví dụ ông nón sơn, ông cao râu rậm, ông tiếng khàn.
Con chó săn nói:
– Hừ! Toàn những tên bí hiểm!
Thằng mật thám nhìn cụ ông:
– Được rồi. Chốc nữa, con trai ông đi học về, ông bảo nó hai giờ chiều ngày thứ năm, được nghỉ học, thì nó đến sở mật thám cho tôi hỏi. Vào buồng quan cẩm Pha-lăng-xô hẻ?
– Vâng, Pha-lăng-xô.
Nó trỏ vào mấy cuốn sách:
– Những tài liệu này, tôi tịch thu về sở, hẻ?
– Vâng.
Nó nhìn cụ ông bằng đôi mắt hằn học, rồi tiếp:
– Tiếc rằng nhà nước chưa tịch thu hết cái này của người An-nam.
Nó trỏ vào đầu nó, và nhắc lại:
– Cái này, hẻ?
Một lát, nó nói:
– Ông có muốn hỏi gì nữa không?
– Không ạ.
Nhưng mợ Nghĩa hỏi:
– Tôi hỏi được không ạ?
– Được.
– Thưa tôi không hiểu việc chị tôi bị chồng giết, với việc nhà tôi bị khám, hai việc có ăn nhập gì với nhau không ạ?
Thằng mật thám nhún vai:
– Không biết.
Cụ Tú lườm mợ, gắt khẽ:
– Thôi.
Thằng Pha-lăng-xô đứng dậy. Nó nhìn khắp nhà một lượt nữa, rồi đi vào trong bếp. Đoạn cùng ba con chó săn ra xe. Cũng như lúc nó vào, nó không chào ai. Thấy cụ Tú tiễn nó ra cửa, nó nói:
– Ông muốn giấu nhà nước về các con ông, nhưng nhà nước biết hết rồi. Nhà nước có những tai mắt đáng tin cậy.
§21. Thần Công lý với người chết oan
Sau hôm nhà cụ Tú Phúc Lâm bị khám hai ngày, tức là sau hôm phòng Dự thẩm lấy cung xong ba ngày, thì Trần Đức Thừa được tòa y lời trạng sư Rô-măng xin, ký giấy cho tạm tha. Hắn phải nằm trong nhà đá có năm ngày rưỡi.
Và ngót một tháng sau nữa, Tòa án trừng trị xử việc của hắn.
Bà con ở hai phố Hàng Đào và Hàng Bồ biết tin, kéo nhau đi xem rất đông. Họ bàn tán xôn xao.
Người nói:
– Tôi tưởng việc giết người phải xử ở tòa áo đỏ.
Người đáp:
– Có lẽ đây chỉ là việc ngộ sát, cho nên Tòa đại hình không xử. Nhưng nếu Tòa án trừng trị xét ra là cố sát, thì lại đưa lên Tòa đại hình.
Người lại hỏi:
– Nhưng Tòa án trừng trị có quyền xử chung thân chứ?
– Phải, nếu Tòa xét đúng lý lịch của nó, thì xử nhẹ ra là tù mười lăm đến hai mươi năm.
– Cho đáng đời quân đào mỏ, lừa đảo!
Hai người lính dẫn hung thủ đến ghế bị cáo.
Trần Đức Thừa không ăn mặc quần áo tù, mà ăn mặc quần áo thường. Bởi vì hắn chỉ lại vào nằm trong Hỏa lò có một đêm, trước ngày đăng đường thôi.
Thân nhân bên nguyên có vợ chồng cậu Nghĩa, và hơn một chục người trong họ. Hai cụ Tú ở nhà. Hôm nay, cụ ông dậy, uống nước xong, thì cụ lại nằm trên trường kỷ, vắt tay lên trán. Cụ bà mặt buồn rười rượi. Cụ thở ngắn, thở dài, hết ra nhà ngoài, lại vào nhà trong. Rồi cụ đến trước bàn thờ cô Lễ, thắp ba nén hương, lẩm nhẩm khấn.
Thân nhân bên bị cáo có mỗi một mình Ma-ri. Ma-ri mặc quần voan đen, áo voan đen, lận giày muyn đen và cắp ví đen. Nhưng mặt hắn đánh phấn rất trắng, hai má phớt hồng. Hắn đứng ở hiên với trạng sư Rô-măng nói cười rất tự nhiên. Vì vậy, không ai biết hắn là ai, nên không ai để ý nhìn hắn.
Một hồi chuông rung dài và vang.
Ma-ri vội vàng chạy thật mau, để len vào giữa những người đứng ở sát tường, vì hết ghế ngồi.
Cả phòng đứng dậy để chào các đại diện của Thần công lý.
Trong phút im lặng tôn nghiêm, Ma-ri rất hồi hộp. Hắn phải quay ra ngoài cho đỡ trống ngực. Nhưng mắt hắn vấp ngay cái cân khổng lồ, xây ở trước tòa. Hắn đành nhìn vào trong. Thấy các quan tòa, vị nào cũng mặc lễ phục thâm, vẻ mặt rất trịnh trọng, hắn khó chịu lắm. Vì vậy, muốn được yên tâm, hắn phải ngắm riêng quan chánh án thôi. Bởi vì vị này râu xồm, đeo kính trắng, lại mặc áo dài thâm, hắn tưởng tượng ông này như mấy đức cha đạo thân yêu mà hắn có thể nhờn được.