Xu cười:
– Bệnh nhân thì phải thật thà với thầy thuốc. Nhưng nếu họ không phải là bệnh nhân, mà lại là con gái, thì khi họ đến nhà mình, mình nên giữ gìn, kẻo mất những đồ đạc lặt vặt. Có một lần, tôi gọi một con gái đến nhà. Sau lúc nó ra về, tôi thấy mất cái lược. Lại một lần nữa, tôi bắt quả tang một đứa ăn cắp bánh xà-phòng thơm của tôi.
Pi-ca pha trò:
– Ấy là nó muốn thử xem ông quan tòa người Bảo hộ có nghiêm khắc bằng anh thích chơi đồ bản xứ hay không! Tôi tiếc rằng tôi chưa học đến khoa giải phẫu tâm lý con người.
Cả hai người cùng cười ồ. Xu nói:
– À nhân tiện. Hôm nay anh khám xác một người đàn bà An-nam. Anh có được nghe dư luận về cái án mạng này thế nào không?
Pi-ca gật đầu:
– Có. Trong phạm vi chuyên môn của tôi thôi. Chắc là nó không giúp ích gì cho tòa án.
– Là người đàn bà này có óc bài Pháp? Là hung thủ đánh giập lá lách, giập gan nạn nhân? Là cái thai trong bụng chết, nên người mẹ cũng chết?
– Không. Những dư luận ấy sẽ chờ khoa học trả lời. Tôi chỉ được biết rằng bệnh nhân vào nhà thương không được cứu chữa gì. Nó chết một mình còng queo dưới đất trong phòng lưu mà không một bác sĩ, y sĩ, y tá thường trực nào có mặt từ lúc nó đến.
Hắn đỏ mặt bừng bừng:
– Ô! Lương tâm nhà nghề của bọn công chức ăn lương tháng! Có bao giờ tìm thấy sự tận tâm trong các nhà thương của nhà nước?
– Nhưng cũng không may cho số phận những người đàn bà An-nam, là họ có nhiều bệnh tật sẵn ở trong người. Vì thân thể yếu đuối, cho nên về tinh thần, họ mới nhút nhát, như tôi vừa nói ban nãy.
– Cái đó, đúng một phần. Bởi vì nếu người đàn bà này được cứu chữa ngay, thì chắc chắn là anh và tôi, hôm nay chúng ta không phải vào cái nơi bẩn thỉu đầy tội ác này.
Đả nhà thương được một đòn, Pi-ca xoay nắm tay sang tòa án:
– Các anh là những người công chức, cho nên muốn che đậy lỗi cho những người công chức. Tôi xem hình như ngay từ câu đầu tiên anh nói chuyện với tôi, anh đã định đem ý nghĩ của anh truyền sang ý nghĩ của tôi, để tôi chỉ nhìn thấy tội của kẻ giết người, thân thể yếu ớt của kẻ bị giết, mà quên mất cái việc người ta vô lương tâm để giúp cho Thần chết chóng hoàn thành nhiệm vụ của nó. Anh nên biết rằng tôi là một người làm thuốc, một bác sĩ y khoa. Nếu câu tục ngữ Pháp có chế nhạo chúng tôi là những người dối vào bậc nhất, thì tôi cũng phải khiêm tốn mà nhường lại các anh. Tôi nhắc lại cho anh nhớ rằng khi được cử giúp các anh trong những vụ hình sự, thì bốn chúng tôi đã làm lễ tuyên thệ long trọng ở tòa án trước Thần công lý, có ông Chưởng lý chứng kiến, tuyên thệ là phải làm việc theo sự thật thà, theo danh dự và theo lương tâm nhà nghề. Chúng tôi đọc câu này không phải vì thuộc lòng một công thức mà nhắc lại như một con vẹt. Nhưng chính là để cảnh cáo các anh.
Thấy Xu không tỏ ý gì là phật lòng, Pi-ca bực mình như đã kéo quân tấn công đến một chỗ không có địch. Hắn toan nói thêm nữa, thì bỗng có tiếng gõ cửa. Một người y sĩ đến báo là tử thi đã được khênh lên phòng mổ.
Pi-ca đứng dậy, mà va-li lấy áo choàng và mũ, mặt vẫn hầm hầm. Hắn nói với Xu:
– Từ giờ này, tôi yêu cầu anh để yên cho tôi làm phận sự của tôi. Tôi chỉ là con dao, là khoa học, mổ xẻ cho pháp luật trông thấy rõ sự thật. Tôi không thêm ý kiến riêng của tôi vào biên bản đâu.
Xu thản nhiên:
– Thế là đủ quá rồi.
Hai người Pháp theo người y sĩ đến phòng mổ. Và Pi-ca làm việc.
Việc mổ rất khó khăn. Bởi vì cô Lễ chết nằm co quắp.
Pi-ca phanh bụng tử thi, rồi cắt xương tanh tách. Hắn nhìn vào gan. Hắn thấy có chỗ nứt toác và có máu mòng mọng ra cả ruột. Hắn lau ruột, không thấy vết gì. Hắn biết là chỉ có gan bị thương thôi. Hắn cắt gan riêng, để lên một đĩa cân. Bên đĩa cân, hắn đặt những quả bằng đồng, dần dần từ một cân tám, đến hai cân. Khi hắn đặt đủ hai cân rưỡi, thì chiếc kim ở cân chỉ ngược lên, đúng vào giữa.
Người y tá đứng nhìn, hỏi khẽ y sĩ:
– Có phải gan thường nặng đến hai cân là cùng không nhỉ?
Người y sĩ gật đầu:
– Gan này bị đau nặng. Chắc nạn nhân phải đánh nhiều lần và từ lâu rồi.
Rồi anh ta trỏ:
– Người đàn bà này có thai.
Họ cùng nhìn và nói:
– Thai độ mới hai tháng.
Pi-ca cũng nắn cái thai. Nhưng hắn thản nhiên khám đến lá lách. Lá lách cũng tím những máu, và có nhiều vết nứt. Hắn cân lá lách và đo những vết thương ở gan và lá lách. Hắn nhờ một y sĩ ghi những con số vào một tờ giấy.
Rồi Pi-ca lật ngực để khám phổi. Hắn bóc lần màng phổi, lấy dao rạch ngang dọc vào một chỗ. Trên phổi tím như quả mận chín, mũi dao đưa đến đâu, hơi phì ra kêu sộp sộp, và có mủ phèo ra đến đấy. Đến một chỗ sơ, con dao bị ngừng hẳn lại.
Người y sĩ nói nhỏ:
– Chắc là nạn nhân lo nghĩ, buồn phiền đã lâu, âu sầu, kém ăn ngủ, mới mắc cả bệnh lao nữa.
– Bệnh lao thì người mình mấy ai không mắc?
Pi-ca lúi húi làm việc. Thỉnh thoảng hắn lại ngước mắt lên để nhìn Xu. Hắn thấy cái người được cử đến chứng kiến việc mổ xẻ, chỉ đứng hút thuốc lá, và ngắm cô y tá, thì hắn toan cự. Nhưng hắn phải nén lòng, để giữ sĩ diện cho người Pháp trước mặt những người Việt Nam.
Xem xét xong phổi, Pi-ca cho là đủ bằng chứng cần thiết rồi. Hắn bảo các y sĩ khâu lại xác tử thi, để hắn đi làm biên bản.
Hắn cùng Xu vào một buồng. Hắn nghĩ một lát, rồi viết bản giáp.
Những câu mở đầu, theo mẫu thường lệ, hắn thảo được mau. Nhưng đến đoạn chính, thì hắn ngừng lại, bóp trán để nghĩ. Rồi hắn viết:
Tôi đã khám tim, phổi, lá lách. Ba bộ phận này đều không có dấu hiệu gì bất thường. Duy có lá gan thì có một chỗ hơi tím lại, do một vật gì rắn đụng mạnh vào. Như vậy tỏ ra rằng nạn nhân tuy có thai, nhưng không phải trong tình trạng ốm yếu sẵn. Cho nên, nếu vết thương ở gan chỉ là vết thương thường thôi, được chữa chạy ngay, cũng có thể lành được.
Cho như vậy là đủ diệt tội giết người cho nhà thương Phủ Doãn rồi, hắn kết thúc tờ biên bản:
Việc mổ xẻ tử thi đã làm trước mặt ông Xu-mê-đơ la Grăng-đi-e, dự thẩm, được Tòa án cử đến để chứng kiến.
Giáp xong, Pi-ca đọc cho Xu nghe. Xu không những không phản đối, mà còn gật gù khen:
– Đúng quá!
Pi-ca mượn bàn máy chữ của nhà thương. Tự hắn đánh lấy tờ biên bản. Hắn ký trước, rồi đưa cho Xu:
– Anh nhận thực đi.
Xu tủm tỉm:
– Hân hạnh cho nhà thương Phủ Doãn, chứ không hân hạnh cho Tòa án. Cảm ơn khoa học giúp cho Thần công lý được công minh!
Nói đoạn, hắn ký tên, và gấp tờ biên bản, bỏ vào túi. Pi-ca hỏi:
– Thế còn tiền công của tôi? Bao nhiêu và bao giờ thì được?
– Mười hai đồng. Bao giờ ngân phiếu làm xong, sẽ gửi đến cho anh.
Rồi Xu tiếp:
– Xin anh nhớ rằng khoa học đem sang thuộc địa là để đối phó với sự thật ở đấy. Cảm ơn anh đã giúp chúng tôi trong vụ án giết người này.
Như một kẻ bị lừa, Pi-ca tím mặt lại. Hai người đi với nhau ra cổng.
Không ai nói với ai nữa.
§20. Sở Mật thám với những việc phải thám
Sở ấy thám ở hiệu Phúc Lâm.
Thằng phó thanh tra Pha-lăng-xô đi chiếc xe ô-tô sơn xanh, cùng ba người mật thám Việt Nam, đến Hàng Đào, đỗ ở trước cửa nhà cụ Tú. Lúc ấy, cụ ông đương ngồi nói chuyện với cụ bà. Bỗng cụ nhìn ra ngoài, thấy có sự lạ, thì trỏ tay ra:
– Quái.
Thằng mật thám Tây lai đeo chiếc băng tam tài vào cánh tay trái rồi xuống xe, đi thẳng vào trong nhà.
Nó xồng xộc đến trước hai cụ, không chào ai, chỉ hỏi ai là chủ nhà, rồi nó trỏ vào cánh tay, nói câu thường lệ:
– Nhân danh nền Cộng hòa, tôi đến khám nhà ông.
Cụ Tú tái mét mặt. Trong khi ấy, hai con chó săn quen việc, tay cầm súng lục, một con sục vào trong bếp, một con sục lên gác. Còn một con đứng bên cạnh chủ.
Thằng Pha-lăng-xô nói:
– Ông phải tuân theo lệnh tôi. Gọi tất cả người trong nhà ra đứng ở đây! Không ai được chống cự! Chỉ một mình ông được đi theo tôi đến những chỗ tôi khám! Cấm không ai được nói với nhau. Nếu tôi hỏi gì, thì ông được trả lời, nhưng cũng chỉ nói ngắn.
Mợ Nghĩa ở trên gác xuống, u già ở trong bếp ra, đều đứng cạnh cụ bà. Cụ ông nói:
– Còn con trai tôi đi học chưa về.
– Học ở đâu?
– Thưa quan lớn, trường Bảo hộ.
– Nó tên gì?
– Thưa Phạm Hữu Nghĩa ạ.
Thằng mật thám hất hàm, sai thám tử:
– Ghi tên nó. Phạm Hữu Nghĩa. Trường Bảo hộ.
– Uẩy xừ[78]. (*[78] Thưa ông, vâng.)
Nó gọi ba con chó săn đến gần:
– Một đứa đứng giữ người. Hai đứa đi với tao.
Rồi nó ngoặc ngón tay, trỏ bảo cụ Tú:
– Ông theo tôi.
Trước hết, nó lục cái ngăn tủ hàng. Nó tháo tung từng tấm lụa. Lúc ấy, một thằng thám tử bưng cái ghế, đặt lên bục để đứng, sờ tay khắp nóc tủ. Còn một thằng cúi xuống gậm, bấm đèn pin, lia ánh sáng suốt dọc bục hai ba lượt.
Bỗng thằng Pha-lăng-xô thấy một quyển sổ viết bằng chữ nho. Nó hỏi cụ Tú:
– Sách gì đây?
– Thưa, là sổ biên hàng của vợ tôi.
– Vợ ông viết?
– Tôi viết.
Nó đưa cho con chó săn giữ cuốn sổ, rồi soát đến các hòm quần áo. Nó hỏi:
– Hòm nào của con gái ông?
– Con gái tôi không có hòm riêng ở đây. Nó để ở nhà chồng nó.
– Nhưng nó còn nhiều thứ để ở nhà này.
– Nếu thế thì ở cả trong các hòm.
Lũ đầu trâu mặt ngựa xúm vào các hòm. Chúng rũ từng cái áo, cái quần, lấy cả tờ giấy lót hòm để đọc, và soi ra ánh sáng.
Khám xong nhà ngoài, thằng Pha-lăng-xô vào nhà trong. Nó trỏ vào bàn học và tủ sách của cậu Nghĩa:
– Đây là của ai?
– Chỗ học của con trai tôi.
Hai con chó săn như thấy có mồi ngon, vội vàng đến cạnh chủ. Một con chưa chạy đến, vì nó đương nhấc các chậu cây ở sân, để nhìn xuống đế, và lấy dao bới tung đất ra. Cụ Tú liếc nhìn thấy vậy, thì quay mặt đi.
Thằng Pha-lăng-xô xếp riêng một chồng sách in và một chồng vở viết tay, rồi lại xếp riêng những vở này ra hai tập, một tập là vở chữ Pháp, một tập là vở chữ quốc ngữ.
Nó đưa cho tay sai giữ hai quyển sách in. Đó là quyển Le Mahatma Gandhi[79] và quyển Communiste ou fascisme? Français, il faut choisir[80]. (*[79] Thánh Găng-đi. *[80] Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa phát xít? Hỡi người Pháp, hãy chọn đi.)