Người Pháp lắc đầu:
– Cha chưa thể nói trước. Vì hiện nay, cha chưa rõ chồng con giết người thế nào, vì lý do gì mà giết, và nó định khai báo ra sao. Vả cha còn muốn biết thêm nhiều hơn nữa về gia đình người bị nạn. Và cả về chồng con nữa, xem nó có phải là người trung thành với nhà nước hay không. Tức là cha còn phải điều tra. Có biết rõ bệnh, mới cho thuốc trị bệnh được.
– Thưa cha, nhưng chồng con bị bắt rồi, thì cha điều tra ở đâu được ạ?
– Cha sẽ vào Hỏa lò để gặp nó.
Ma-ri sung sướng:
– Thưa bao giờ cha vào ạ?
– Sáng mai, sau buổi lễ.
Ma-ri sực nghĩ ra:
– Nhưng, thưa cha, chồng con mới bị bắt, Hỏa lò không cho phép ai vào thăm. Và sau này, thành án xong, người nhà có được phép vào, thì khi nói chuyện với tội nhân, bao giờ cũng có một người cai ngục đứng cạnh để nghe.
Người cha đạo lắc đầu:
– Người nhà tội nhân khác. Cha khác. Lúc nào cha cũng có quyền vào Hỏa lò, và khi cha nói chuyện với tội nhân, cha không cho phép ai được đứng cạnh.
Ma-ri tươi tỉnh:
– Cha tài và oai quá nhỉ!
Hắn cười hí hí. Nhà tu hành khẽ lắc đầu và vuốt râu:
– Không tài. Bởi vì cha là người Pháp. Không oai. Bởi vì cha là cha. Là cha thì có nhiều quyền hạn hơn người Pháp thường. Các cha vẫn vào xà-lim án chém để rửa tội cho phạm nhân bị tử hình.
– Thưa cha có rửa được sạch tội của chúng nó không ạ?
– Không hỏi những điều vô ích.
Ma-ri nghĩ một lát, rồi khoanh tay:
– Trình lạy cha, cha làm thế nào tha ngay cho chồng con. Chứ còn phải điều tra thì lâu lắm.
– Sao con lại có thể nghĩ rằng cha tha cho chồng con được. Cha nhắc lại, cha chỉ là kẻ tu hành.
– Thưa cha, thế thì sao kẻ tu hành lại điều tra. Con tưởng việc điều tra là việc của quan mật thám và quan dự thẩm?
Cha Hảo cau mặt:
– Con đừng giả bộ ngây thơ! Cha điều tra là để giúp các quan làm việc cho dễ.
– Thưa giúp thế nào, chứ lại giúp để các quan buộc tội thêm, thì khổ chồng con.
Người Pháp vẫn để nguyên những nét cau ở mặt:
– Con tưởng cha dại, hẻ?
Ma-ri mỉm cười. Nhà tu hành nói:
– Quan mật thám có những người mật thám An-nam làm tai mắt, để giúp quan dự thẩm nghe và làm rõ hơn là một mình ngài nghe và nhìn phạm nhân cùng chứng tá khai cung. Nhưng quan mật thám có đâu nhiều tai mắt bằng các cha. Vả những người mật thám An-nam không được quan mật thám Pháp tin cậy bằng con chiên bổn đạo được các cha tin cậy. Cho nên, nhà thờ phải giúp nhà nước khám phá những việc bí mật, giải quyết những việc trọng đại.
– Thưa cha, con hiểu. Thế thì tùy các cha cho các quan được nghe và nhìn theo ý định của các cha.
Người cha đạo gật đầu:
– Con thông minh đấy. Nhưng con cũng nên thông minh hơn nữa mà hiểu rằng từ xưa đến nay, phàm việc gì và ở đâu, thì các cha cũng là những người đi trước để dò đường cho các quan đi sau. Thế thì so sánh những việc to lớn các cha đã làm, việc của chồng con chỉ là nhỏ tí, nhỏ tí.
Hắn bấm đầu ngón tay vào ngọn của ngòi bút. Ma-ri ngớ ngẩn:
– Cha dò đường cho các quan đi sau, thì cha có chỉ đường cho chồng con khai báo với quan mật thám và quan dự thẩm không ạ?
Người cha đạo nhún vai:
– Ồ! Chẳng lẽ cha lại xui các quan từng câu phải hỏi và xui nó từng câu phải trả lời!
Ma-ri cười khì khì:
– Vâng, vâng! Xin lỗi cha! Nếu cha phải làm như thế, thì chả hóa ra cha vừa là tội nhân, vừa là người xử tội!
– Phải rồi. Cho được công việc chạy tốt, cha gọi ý các quan và chồng con thôi. Song le, cha cũng phải khéo léo.
Ma-ri đứng im. Nhà tu hành hỏi:
– Cha cứu được chồng con, thì con có chắc sau này nó theo đạo không?
– Thưa cha, con không chắc.
– Vì sao?
– Nó hung ác, giết người, thì không muốn bị tôn giáo che đậy cho nó thành lương thiện. Con theo đạo dễ dàng, vì con có máu đạo ở trong người.
Đôi mắt kính long lanh chiếu vào mặt Ma-ri:
– Con có đạo, thì nó phải theo đạo. Con gái đạo không lấy chồng ngoại đạo.
Ma-ri hỏi ngay:
– Thưa cha, thế ngộ nó không theo đạo, thì con có thể bỏ đạo để khỏi mang tiếng nhà thờ được không ạ?
Người Pháp nhăn mặt, lắc đầu:
– Không được.
Ma-ri sực nghĩ ra, vội vàng nói:
– À, à. Trình lạy cha. Con chắc thế nào nó cũng theo đạo, để mỗi khi nó làm điều ác, nó được cha che chở, ban phước lành.
Nhà tu hành nhún vai. Ma-ri hỏi:
– Thưa cha, sáng mai, cha vào Hỏa lò gặp chồng con ạ?
– Ừ, sáng mai.
Im lặng một lát, hắn tiếp:
– Cha chỉ bắt con làm một việc rất nhỏ, là con phải kiếm món tiền để thuê trạng sư cãi cho chồng con.
– Thưa cha, con không kiếm đâu ra tiền. Bởi vì con không đi kiếm tiền nữa.
Cha Hảo vẫn dịu dàng:
– Chả lẽ con đùn cả việc chạy thầy cãi cho cha hay sao?
– Vâng ạ. Bởi vì nếu không có trạng sư gỡ tội, mà chồng con phải tù lâu, thì con lại ở nhờ nhà cha thôi.
Nhà tu hành thở dài. Hắn nhìn đồng hồ treo trên tường:
– Bây giờ khuya rồi. Con ở đây lâu không tiện. Con phải về thôi.
– Vâng ạ.
Ma-ri đánh lại tí phấn, rồi chắp tay:
– Lạy cha ạ.
– Ừ. Con về. Nhưng ra cho kín đáo nhé.
Ma-ri nhí nhảnh:
– Chả cần, cha ạ. Có ai biết con ở buồng cha nào ra đâu. Vả nếu con gặp người đàn bà muốn vào, con trỏ cho người ấy chỗ chui. Nếu con gặp người đàn ông muốn ra, con theo người ấy, để biết thêm một lỗ khác.
Người cha đạo cau mặt, khẽ tặc lưỡi.
§19. Khoa học với sự sống chết
Bác sĩ Pi-ca tuy là người Pháp kiếm ăn ở thuộc địa, nhưng vẫn mạt sát người Pháp khác là đồ thực dân ức hiếp bóc lột. Hắn nhem nhẻm chửi tòa án là ăn tiền, bất công, và nhất là chửi nhà thương công là ăn cắp, vô nhân đạo. Hắn khoe rằng ở Đông Dương, chỉ còn mỗi một mình hắn giữ được tư cách là người Pháp chân chính, và biết thương người An-nam như cha thương con.
Người An-nam hồi ấy biết chuyện rằng Pi-ca làm ở nhà thương Phủ Doãn, đã can tội cưỡng dâm bệnh nhân, cho nên bị cách chức và bị đuổi về nước. Nhưng hắn chống lại lệnh trên. Hắn cãi rằng làm ô nhục một người đàn bà thuộc địa, đối với một người Mẫu quốc, không phải là một hành động dã man, mà chỉ là một việc thuộc về sinh hoạt bình thường. Tòa án truy tố hắn. Hắn không đến. Tòa xử phạt vắng mặt hắn một đồng bạc đền danh giá cho người bị hiếp. Hắn không nộp.
Hắn không về Pháp, ở lại Hà Nội, mở phòng khám bệnh. Thế là cái án ấy thôi.
Báo hàng ngày bắt đầu từ năm 1917, đã đăng những dòng quảng cáo phòng khám bệnh của Pi-ca. Nguyên văn như sau:
PHÒNG THĂM BỆNH
Quan thầy thuốc Pi-ca, y học tiến sĩ, có nhời cáo bạch rằng: Quan Pi-ca có mở một sở thăm bệnh và chữa bệnh riêng tại Hà Nội, ở đầu phố Capitaine Labrousse. Sở ấy ở ngay rạp hát tuồng Tây, đầu cái phố mà người An-nam vẫn gọi là Trường Tiền trông sang. Quan tiến sĩ nói trên chữa tất cả các bệnh diệu hơn cả các nhà thương công, mà hay dùng các thứ thuốc mới chế hóa ra đời nay. Như bệnh giang mai, bệnh lậu, bệnh ho lao, bệnh đau mắt có màng mộng v.v…, cũng chóng khỏi được.
Cho được chữa những bệnh gì cần phải châm trích hay là mổ, thì quan Pi-ca có những đồ nghề tốt và sạch sẽ hơn tất cả các nơi, mà quan ấy làm cũng cẩn thận, nhanh khéo, nhẹ nhàng mà vẫn chóng khỏi luôn luôn.
Sở thăm bệnh ấy thì ngày nào cũng mở cửa từ hai giờ chiều cho đến bốn giờ chiều. Quan Pi-ca nói chuyện với khách rất tử tế, lại giao thiệp bằng tiếng An-nam cũng được. Lại mách bệnh nhân An-nam về luật pháp cũng thạo.
Kính bạch
Nhời nói thêm: Tờ cáo bạch này chính quan tiến sĩ Pi-ca đặt ra bằng tiếng An-nam.
Người An-nam hồi ấy đọc quảng cáo này, thì hiểu ngầm ngay rằng bác sĩ Pi-ca giữ mối thù sâu sắc đối với nhà thương công và tòa án. Bệnh nhân thường thấy bất cứ một dịp nào, hễ nói xấu được hay làm trái được với nhà thương Phủ Doãn và tòa án, là quan tiến sĩ không từ.
Năm nay, Pi-ca là một trong bốn bác sĩ được đoàn Y tế Bắc Kỳ cử vào việc giúp tòa án khám nghiệm những vụ hình sự có án mạng. Và lần này rút thăm, hắn được đến xét tử thi cô Lễ. Theo công văn tòa viết cho hắn, đáng lẽ hắn phải đến nhà thương Phủ Doãn ngay từ lúc hai giờ chiều. Nhưng làm việc riêng ở phòng thăm bệnh của hắn xong, hắn mới xếp một va-li những dụng cụ mổ xẻ để đem đi. Hắn chê là những thứ này của nhà thương công vừa cùn, vừa bẩn.
Chờ sẵn bác sĩ Pi-ca, đúng túm tụm vào một chỗ ở hiên nhà cao, từ trước hai giờ chiều, có bốn người vừa đàn ông vừa đàn bà, trẻ tuổi, người Việt Nam, đầu đội mũ vải trắng, mình mặc áo choàng trắng rộng thùng thình. Tức là y sĩ, y tá. Và đứng riêng ra một chỗ, một người đàn ông Pháp đã nhiều tuổi, có ria mép dài uốn vểnh lên. Người này mặc thường phục, hút thuốc lá rời, nhồi trong cái nõ điếu dọc tẩu cong. Hắn là dự thẩm, tên gọi là Xu-mê đơ la Grăng-đi-e, vẫn được gọi tắt là cụ Xu, đại diện tòa án, đến chứng kiến việc mổ xẻ.
Ở góc sân, ngồi xổm cạnh bồn cây cảnh, là cậu Nghĩa, đội khăn trắng, mặc áo dài trắng. Cậu đã chờ suốt cả buổi sáng. Và chiều nay, cậu đã chầu chực từ lúc một giờ, cho nên mỏi.
Chiếc ô-tô sơn đen của Pi-ca đến gần nhà thương Phủ Doãn thì bóp còi, rồi từ từ quành mũi vào cổng, để chờ mở. Dự thẩm Xu bĩu môi nhún vai, rồi gõ cái tẩu thuốc lá và gót giày cho hết tàn. Đợi cho xe của Pi-ca lẹt xẹt trên sân sỏi, đỗ ở gần thêm, hắn mới xuống bậc. Hắn tự giới thiệu tên, chức vụ của hắn với người thầy thuốc. Bởi vì hai người chưa quen nhau.
Xu cùng Pi-ca vào buồng khách. Họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, nói chuyện về mưa nắng, rồi được vài câu, thì xoay đến chuyện đàn bà Việt Nam. Xu nói:
– Họ đẹp, họ dịu dàng, họ khéo léo chân tay, nhưng chỉ phải họ nhút nhát và lại có tính gian.
Pi-ca gật đầu:
– Nhút nhát thì đúng. Khó lòng mà bắt được họ cởi áo cho mình khám bệnh, khi có một người y tá đàn ông cùng nước với họ đứng ở cạnh. Còn họ có tính gian hay không thì tôi không rõ. Bao giờ tôi cũng thấy họ là những người khách hàng sòng phẳng hơn cả đàn bà Âu châu.