Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ma-ri lại chậm rãi, đáp:

– Vì chỉ thích ông Tú Xương thôi ạ.

– Tú Xương? Họ Tú, tên Xương, hè?

– Thưa con không biết ạ. Lão ta…

Cha Hảo giơ tay ra ngăn:

– Khoan, khoan! Tú Xương phải không?

– Vâng ạ.

Hắn ghi, rồi hỏi:

– Xương ích-xi hay ét-xi?

– Thưa con không biết ạ. Xương với thịt ấy ạ.

– Xong rồi. Tên người bố là gì?

– Thưa con không biết ạ.

– Sao con nói là con biết?

– Thưa cha, thật đấy ạ.

– Thật thế nào?

– Thưa thật là con không biết ạ.

Bộ râu xồm lại bay như muốn trốn:

– Sao con vừa nói rằng con biết?

– Thưa con không biết thật ạ.

Bỗng:

– À quên, thưa cha.

Người cha đạo ngẩng lên:

– Gì?

– Thưa cha, con cứ thấy gọi lão ta là cụ tú Phúc Lâm ạ.

– Cụ tú Phúc Lâm?

– Vâng, ở Hàng Đào, con không nhớ số nhà, chỉ biết là ở chỗ xế cửa Đông Kinh nghĩa thục ấy ạ.

Nhà tu hành trợn tròn mắt sau đôi mắt kính long lanh:

– Đấy là những điều mà cha cần biết. Lão này có phải họ Lương không?

– Dễ thường phải đấy ạ.

– Thì thì nó cùng họ với Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, cũng ở phố Hàng Đào.

– Thưa cha, những người này là ai ạ.

– Là giặc, con không biết à?

– Giặc gì ạ?

– Thôi, để cha hỏi con hơn là con hỏi lại cha.

– Vâng ạ. Bây giờ con nhớ ra rồi. Lão tú Phúc Lâm ngày trước có làm giặc, cho nên bị nhà nước bắt.

Người Pháp mỉm cười:

– Thế thì được rồi. Còn người mẹ?

– Thưa nếu là họ với Lương gì gì mà cha vừa nói thì dễ thường người mẹ mới họ Lương. Chứ lão này là họ Phạm hay họ Hiệu đấy ạ.

– Được rồi. Không hề gì. Người mẹ làm gì?

– Thưa con không biết ạ.

– Không hề gì. Nó có mấy anh em chị em?

– Có một em trai, học trường Bưởi, nhưng phải đuổi rồi ạ.

– Phải đuổi? Tội gì? Bãi khóa hẻ?

– Vâng ạ.

– Tên nó là gì?

– Thưa cha con quên mất rồi ạ.

– Không hề gì. Biết nhà thì sẽ biết cả tên người trong nhà. Nó có em gái không?

Ma-ri sực nghĩ ra, khẽ giậm chân xuống đất, rồi thét lên tiếng:

– Ừ nhỉ! Thôi bỏ mẹ rồi! Thế là quên!

– Sao?

– Thưa cha con quên không hỏi kỹ chồng con. Cha ạ, không khéo thì thằng khốn nạn mê con này, rồi giết con kia cũng nên.

– Thằng nào? Con nào?

Ma-ri lắc đầu:

– Thưa cha, con trót nói câu vô ích đấy ạ.

Người cha đạo nhún vai. Ma-ri toét miệng ra cười rồi nói:

– Thưa cha, cha còn hỏi gì nữa không ạ?

– Cha hỏi câu này, có lẽ con không biết. Trong gia đình ấy, cha thế, con trai thế, thì con gái thế nào?

– Thưa cha, con biết ạ.

– Ừ, hay lắm, con nói đi.

– Thưa cha người con gái này yếu lắm ạ, phải nhờ chồng con bốc thuốc cho luôn, cho nên mới mê tít chồng con đấy ạ.

– Cha không muốn hỏi thế. Cha cần biết về tư tưởng chính trị của nó kia.

– Thưa cha, tư tưởng chính trị là gì ạ?

– Nghĩa là có làm gì tỏ ra là phản đối nhà nước không?

– Thưa cha không ạ. Nó chỉ ghét khách thôi ạ.

– Ghét thế nào?

– Thưa cha, ngày nọ nó tẩy chay hàng Tàu ạ.

Nhà tu hành giương đôi lỗ mũi nhìn Ma-ri:

– Nó cũng đi tẩy chay?

– Trình lạy cha, không ạ.

– Sao con nói là nó tẩy chay?

– Trình lạy cha, vâng ạ.

– Vâng thế nào?

– Thưa cha, nó chỉ ngồi chứ không đi ạ.

– Là thế nào? Ngồi tẩy chay?

– Vâng ạ. Nó ngồi in giấy cổ động tẩy chay ạ.

Ma-ri khúc khích khẽ. Ở phía người cha đạo, tuy không thấy râu động đậy, nhưng có tiếng:

– Chà chà!

Ma-ri thêm:

– Nó ngồi in với em nó, với lũ học trò trường Bưởi ạ.

– Nó in ở nhà nó, hẻ?

– Trình lạy cha, không phải ạ.

– Ở nhà nào?

Người cha đạo sắp ghi, nhưng Ma-ri đáp:

– Thưa cha, con không biết ạ.

– Con không biết, sao con nói là nó in?

– Vâng ạ.

– Vâng ạ thế nào?

– Thưa cha, tại mắt con không trông thấy, con chỉ nghe chồng con kể lại thế thôi ạ.

Nhà tu hành gật đầu:

– Chà chà! Tài liệu quý báu!

– Thưa cha nói gì ạ?

– Không. Con còn biết gì nữa không?

– Thưa cha, để con nghĩ ạ.

Người cha đạo ngậm đầu quản bút, chờ Ma-ri. Bỗng hắn dịu dàng:

– À! Ma-ri! Từ nãy cha không cho phép con ngồi. Con phải đứng lâu thế, thì mỏi. Người mỏi thì óc cũng mỏi. Con ngồi kia cho thoải mái mà nghĩ. Không phải khoanh tay nữa.

Hắn giơ tay, trỏ bộ xa lông lùn. Ma-ri vén áo:

– Xin phép cha ạ.

Hắn ghếch đít lên mặt bàn để ngồi cho cao, tiện nói chuyện, rồi vắt chân chéo kheo. Ống quần lĩnh bóng dính sát vào đôi đùi tròn.

Bây giờ tay được tự do, Ma-ri mở ví, lấy hộp phấn bằng bạc, bật nắp ra, để soi gương. Hắn vỗ vỗ cái húp bông vào trán và đôi má, sửa lại mái tóc, rồi lấy thỏi son, dề dài môi ra để cọ cọ vào. Xong ngần ấy việc, hắn lại ngắm mặt hắn một lượt nữa, rồi tủm tỉm nhìn bề trên.

Nhà tu hành trông thấy thế, thì vội vàng quay ngay mặt về phía gần đầu giường ngủ để ngắm nghía thánh giá có tượng đức chúa Giê su gần như cởi truồng. Hắn cũng vội vàng chéo kheo cẳng lại.

Một lát, hắn hỏi:

– Con đã nghĩ thêm được gì chưa?

– Trình lạy cha, con chưa nghĩ ạ.

– Ừ, nghĩ đi.

– Thưa cha, dễ thường hết rồi ạ.

– Được. Thế là tạm đủ. Nếu sau này con biết thêm gì, thì vào trình cha ngay, hẻ?

– Vâng ạ. Lại vào đây ạ?

Người Pháp xua tay:

– Không được. Phải đợi chiều thứ bảy, đến tòa giải tội.

– Vâng ạ. Nhưng con sợ là chả có tội gì mà đi xưng.

– Biết mà không nói cũng là có tội.

Ma-ri hớn hở:

– À nếu để xưng tội hộ người khác, thì con đi luôn được. Bởi vì con biết vô số, mà con cứ tưởng là phải giấu. Ví dụ…

Người râu dê cướp lời:

– Thôi, thôi! Không nói những điều vô ích.

Rồi nghĩ một lát, hắn bảo:

– Nó sẽ ra tòa. Ở tòa thì có quan biện lý buộc tội, nhưng có quan trạng sư gỡ tội cho.

– Thưa cha, cha làm quan biện lý có được không ạ? Quan khác buộc tội thì chồng con rũ tù!

Người cha đạo nhún vai:

– Cha là kẻ tu hành.

– À nhỉ. Cha chỉ làm việc thiện, chứ không làm việc ác, buộc tội người ta. Thế thì cha làm trạng sư được không ạ? Quan khác thì ai biết là cần, để tận tâm mà gỡ tội cho chồng con về ở với con.

Người Pháp lắc đầu:

– Cha không thạo pháp luật.

– Hay là cha bảo quan biện lý khen chồng con, chứ đừng chê chồng con, có được không ạ?

Tiếng cười hô hố làm bộ râu nảy lên phần phật. Rồi tiếng nhại:

– Cha bảo, hẻ?

– Vâng, các cha bảo gì mà các quan chẳng phải nghe. Con chả thấy vô khối cha bảo các quan bắt dân nhường ruộng cho nhà thờ là gì? Ngay như khu vực này, con nghe nói ngày xưa là của nhà chùa, các cha bảo các quan lấy hộ.

– Con không được nói thế!

– Nói thế là có tội, phải đi xưng ạ?

– Thôi, không nói những điều vô ích! Con phải thuê trạng sư cho nó, hẻ?

– Thưa cha, con không có tiền ạ.

– Ồ!

Người Pháp nhún vai. Ma-ri hỏi:

– Thưa thế này thì tiện nhất. Cha làm quách quan chánh án để tha bổng cho chồng con. Quan khác mà cứ chiếu pháp luật, không khéo chồng con bị tử hình.

– Con không ngại. Các quan trong tòa đều là những người giỏi pháp luật. Người giỏi pháp luật thì không nô lệ pháp luật, mà biết sai khiến pháp luật. Bởi vì pháp luật tuy là chữ nghĩa, nhưng nó có chân. Nó biết đi, đi từ không đến có, đi từ có đến không. Nó lại có thể pha trộn với nhau, để tự nó xí xóa nó.

– Thưa cha, cha nói câu ấy khó quá, nhưng con cũng hiểu đại khái là như con, con cũng giống pháp luật.

– Con giống pháp luật?

– Vâng ạ. Bởi vì con là người lai, có lẫn máu Tây với máu An-nam pha trộn với nhau. Cho nên con có tính hay xí xóa.

– Xí xóa gì?

– Thưa cha, xí xóa lỗi của con và của người khác ạ.

– Không nói điều vô ích!

– Thế thì con nói điều có ích vậy ạ. Thưa cha, như cha vừa dạy dỗ con, bây giờ con rất yêu pháp luật và quý những người giỏi pháp luật.

Người cha đạo gật đầu:

– Con tốt lắm. Vì sao, con thử nói cha nghe?

– Bởi vì pháp luật ra chỉ để cứu những người như chồng con. Và người thạo pháp luật mới biết đâu là phạm pháp, đâu là không phạm pháp, để dùng pháp luật mà trừng trị kẻ không phạm pháp và bênh vực người phạm pháp.

Người cha đạo xua tay, nhăn mặt:

– Con vẫn nói điều vô ích.

– Thế ạ? Con tưởng thế là con học được một bài cha vừa dạy con. Thưa cha, bao giờ xử án chồng con ạ?

– Cái đó là tùy tòa. Quan dự thẩm hỏi cung xong thì xử.

– Thưa cha, sao lắm quan thế?

– Việc của chồng con còn cần phải nhiều quan nữa kia, như quan đốc-tờ, quan mật thám. Song le, quan thì nhiều thật, nhưng tất cả chỉ như là một. Vì quan nào cũng là người Pháp. Và cha cũng là người Pháp. Người Pháp là thống trị, phải thù ghét người An-nam bị trị họ thù ghét mình.

Ma-ri cười hi hí:

– Thế thì con vừa là thống trị, vừa là bị trị. Hèn nào mà con chả thù ghét gì người Pháp, cũng chả thù ghét gì người An-nam. Con lấy ai cũng được. Có tiền thì cân tuốt!

Bỗng hắn nghiêm mặt:

– Nhưng thưa cha, bây giờ con về với chồng An-nam, thì con chỉ mong chồng con chóng được tha ngay. Nó về muộn thì là bét.

Người cha đạo gật đầu:

– Cha hiểu. Cha hết sức giúp con. Được.

– Thưa cha, được thế nào ạ?

Nhà tu hành nói bằng giọng từ bi:

– Con băn khoăn, có ý nghi cha không hết sức giúp phải không? Cha nói câu này cho con yên tâm mà tin cha nhé. Hiện giờ này, chồng con đương bị giam về tội giết người. Hẳn là nó lo phải tù lắm. Nhưng con hãy đặt con vào địa vị cha, thì con hiểu ngay rằng cái người lo chồng con phải tù, lại chính là cha. Thế thì cha với nó, ai lo lắng hơn ai?

Ma-ri gật gật:

– Thưa cha, con hiểu rồi ạ.

Nghĩ một lát, hắn hỏi:

– Trình lạy cha, cha định cứu chồng con thế nào ạ?