§16. Cha mẹ với con
– Kìa, làm sao mà mặt mũi thâm tím thế kia?
Cụ bà thấy cô Lễ thoạt bước chân vào nhà, thì hỏi thế. Cô Lễ òa lên khóc:
– Nó đánh con! Cụ hỏi dồn:
– Ai? Ai? Ai đánh con?
Cô Lễ đáp:
– Còn ai nữa!
Cô khóc, nói không thành tiếng. Cụ ông hút xong điếu thuốc, thủng thỉnh đi ra, hỏi:
– Ai? Ai đánh cô?
Cô Lễ lau nước mắt:
– Nhà con.
Cụ ông cau mặt:
– Quái lạ! Có lẽ nào? Lại xấc láo gì với cậu ấy hẳn.
Cụ bà nhăn nhó:
– Ông để yên con nó nói.
Cậu mợ Nghĩa cũng chạy đến với chị. Cô Lễ nói:
– Con khổ nhục từ lâu rồi, mà không dám nói ra.
Cụ bà nhìn kỹ vào mặt cô:
– Ôi giời ơi! Nó đánh bằng gì thế này!
Cụ sờ vào vết thương ở má có rơm rớm máu! Cô tránh và kêu:
– Rát lắm! Còn vô số vết roi gậy ở tay với ở đùi ấy! Đau quá!
Cụ bà bảo mợ Nghĩa lấy rượu chổi. Chính tay cụ cùng con dâu bóp khắp mình mẩy cho cô. Cụ xót xa:
– Thế sao nó đánh lại không kêu lên?
– Sao con lại chả kêu? Hàng xóm mà không đổ đến thì dễ thường…
Cô nhăn mặt:
– Đau quá!
Cậu Nghĩa lắc đầu:
– Dã man! Tàn bạo!
Cụ hỏi:
– Tại sao nó đánh? Nó đánh về tội gì?
– Nó vũ phu quá! Nó đòi tiền không được!
Cụ ông ra ý không tin:
– Quái! Người ấy có thể như thế không?
Cậu Nghĩa nói:
– Vốn dĩ hắn là người như thế.
– Không. Phải nghe cả đôi bên, kẻo thiên, lại mang tiếng mạc tri kỳ tử chi ác, mạc tri kỳ miêu chi thạc[72]. (*[72] Câu chữ sách, ý nói không biết tội ác của con.)
Cụ bà vừa xoa cho con, vừa nhìn cụ ông:
– Ông thì chưa nghe ra sao đã gạt đi. Ông tin và quý nó, nhưng đã từ lâu, tôi vẫn thấy nó thế nào ấy. Bảo ông để ý, ông chả nghe.
Cụ ông bực mình:
– Tùy đấy.
Cụ vào ngồi ở trường kỷ.
Cô Lễ gượng ngồi dậy. Cụ bà hỏi khẽ:
– Tại làm sao nó đánh?
– Nó cứ đòi văn tự nhà. Nó cứ đòi bán nhà.
Cụ ông cau mặt, nói ra:
– Không được gọi là nó. Phải ăn nói cho phải đạo.
Cụ bà cãi:
– Chưa chi ông đã chặn họng con, thì nó nào dám nói.
Cụ hỏi cô:
– Nó đòi văn tự nhà, đòi bán nhà à? Nó cần gì tiền mà lấy luôn thế? Đã mấy lần đẻ phải trang trải cho nó gần một nghìn nợ cũ rồi mà? Tưởng đã hết?
Cậu Nghĩa nói:
– Anh ấy là cái nợ của nhà ta. Bao giờ trang trải cho hết được!
Cụ ông mắng:
– Xà! Càn rỡ! Anh mày nghe tiếng, anh mày giận.
Cậu Nghĩa thấy cha gọi bằng mày, biết là cụ đương cáu kỉnh, nên không dám nói nữa. Cô Lễ cũng chỉ dám kể lể thầm thì với mẹ. Cô trỏ vào mặt, cô trỏ vào đùi, cô trỏ vào cánh tay, rồi cô vạch áo lưng cho cụ nhìn. Cụ chép miệng, nói to:
– Thật không ngờ con mình chỉ có mỗi một tội là con nhà có của. Nó đào một lần nổi, thì nó đào mãi. Không cho con, thì bảo là tiếc con. Bây giờ mới biết cho con tiền, là đem tai vạ cho con phải chịu đựng.
Cụ ông ra, hỏi:
– Thế nào? Thế nào?
Cụ bà kể lại cho cụ ông nghe những trận đòn đào mỏ mà cô Lễ là nạn nhân. Cụ ông vặn:
– Nhưng con không nói xấc láo gì chứ?
Cụ bà nói:
– Con này có phải đứa xưa nay có tính lăng loàn đâu. Tội là ở thằng kia đấy. Nó bất nhân, bất nghĩa. Nó có cần nghĩ đến rằng bố mẹ vợ đối xử với nó thế nào đâu? Người ta bảo dâu là con, rể là khách, nhưng nói lạy Thiên Địa, nhà này thì dâu là con, mà rể cũng là con. Mình có tiếc nó cái gì đâu. Thật đấy, mình nuôi thằng Nghĩa ngoài hai mươi tuổi đầu, có tốn kém bằng nó mấy tháng không?
Rồi cụ bù lu bù loa:
– Chỉ thầy là dại! Chỉ đẻ là dại! Để khổ nhục cho con.
Cô Lễ nấc lên, ôm lấy mẹ:
– Không phải thế! Đẻ đừng nói thế! Tội lỗi ở con cả. Con phải chịu. Giời có mắt.
Cụ ông bảo:
– Thầy đẻ định rồi chia cho con hai cái nhà. Tùy ý con muốn làm gì thì làm. Giữ được, thì vợ chồng phong lưu nhàn hạ. Muốn bán đi để sinh lợi cách khác, thì vợ chồng bàn bạc với nhau cho kỹ, rồi hãy làm. Thầy đẻ chả biết nghĩ thế nào cho con được. Chỉ có rằng không ai hiểu chồng bằng vợ, không ai hiểu vợ bằng chồng, và đã là vợ chồng, tất phải tin nhau, vả các con đã lớn cho nên thầy đẻ mặc. Con về nói với chồng con như thế. Hôm nào cậu ấy đến chơi, thầy cũng bảo thế cho.
Cô nói:
– Nhưng con càng hiểu nhà con, con càng không tin nhà con. Còn mặt mũi nào dám dẫn xác đến đây, mà thầy mong bảo!
Cụ ông tặc tặc:
– Mày đâm quẫn rồi, con ạ.
Cụ bà hỏi cụ ông:
– Hay là bán cái ở Hàng Vải thâm đi?
Cụ ông bảo:
– Văn tự đã sang tên, bán hay không, là tùy vợ chồng nó bàn với nhau.
– Bán một cái cũng còn một cái kia mà?
Cậu Nghĩa nói:
– Bán đi để chuộc đòn. Nhưng không biết chừng, lại để mua những trận khác. Vì còn một cái nhà nữa.
Cô Lễ lắc đầu:
– Nhất định con không bán. Nếu nhà con như người ta, nếu nhà con biết yêu thương con, thì con bán. Chứ cứ như thế này, thì… em Nghĩa con nói phải đấy.
Cụ bà cười lạt:
– Ương thế không trách được! Ít lâu nay, nó đâm ra trái tính trái nết.
Cụ ông tặc lưỡi:
– Tùy đấy. Nhà thi lễ phải vuông tròn tiếng tăm. Làm việc gì cũng nên nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến chồng, nghĩ đến mình. Nhưng cha mẹ trước, chồng sau, mình cuối cùng.
Nói đoạn, cụ đi vào. Cậu Nghĩa lẩm bẩm:
– Chồng có ra chồng thì mới phải nghĩ chứ. Chứ nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi, thì nghĩ làm gì. Ly dị quách cái đồ lừa bịp, bạc tình ấy đi!
Cụ ông quay lại:
– Xà! Càn rỡ! Mày hiểu gì mà ăn nói hồ đồ thế?
Cậu Nghĩa lẩm bẩm:
– Con chả hồ đồ.
Đến sẩm tối, cụ bảo cô Lễ:
– Thôi, con liệu thu xếp mà về bên ấy. Dĩ hòa vi quý, con ạ.
Cô Lễ thở dài, nhìn mợ Nghĩa. Mợ Nghĩa mỉm cười:
– Đã lâu, chị con không ngủ nhà. Đẻ cho chị con ở nhà đêm nay.
– Không được. Giá bình nhật thì ở nhà không sao. Đàng này lại vừa cãi nhau xong. Làm như vậy, có khác gì lửa đổ thêm dầu. Rồi người ta trách được là tại thầy đẻ chiều chị. Mấy lị, bình nhật, mà thầy đẻ muốn chị ngủ lại, cũng phải nói với anh một tiếng cho anh biết. Nếu anh có không bằng lòng, thầy đẻ cũng phải bảo chị về.
Mợ Nghĩa đáp:
– Thế ngày nọ thì làm sao?
– Ngày nọ là vì đẻ không biết. Chứ biết, thì thế nào đẻ cũng đuổi. Mà chị con cứ đòi ngủ nhà luôn. Giá phải mẹ khác hay chiều con, thì tất anh còn vin vào cớ ấy để sinh sự với chị nữa, chứ chả được như thế này. Cái nghề vợ chồng trẻ, giận nhau đến mấy thì giận, nhưng qua một đêm chuyện trò với nhau, thì lành nhau ngay. Cho nên, mấy đẻ cũng không cho chị ở nhà đêm nay.
Cậu Nghĩa đã đứng ở đó. Cậu nói:
– Chả biết có lành nhau hay lại giận nhau thêm.
Cụ mắng:
– Vun vào chả vẻ thay, sao con cứ nói thế?
– Con tính đẻ cứ để chị con ở nhà. Bao giờ anh ấy hối hận, đến xin lỗi, hãy cho chị con về.
Cụ cười:
– Xin lỗi! Đẻ còn muốn khuyên chị phải xin lỗi anh kia. Chồng giận thì vợ phải lành. Con làm như thế, ngộ anh không đến xin lỗi, thì chị ở nhà đến bao giờ?
– Đến bao giờ thì đến.
– Thế thì hai bên cùng găng, rồi đến bỏ nhau. Nhà ta là nhà thi lễ, chị con lấy chồng đã chả cưới xin gì, thì nhất định phải tránh tiếng bỏ nhau, kẻo thiên hạ chê cười lần nữa.
Cô Lễ chỉ thở dài. Cậu Nghĩa nói:
– Con cũng đã nghĩ đến điều đó. Nhưng giữ được cho tiếng tăm vuông tròn, thì phải chịu khổ nhục suốt đời. Con không muốn chị con nô lệ lễ giáo.
Cụ ông lại mắng:
– Xà! Càn rỡ! Quyền đâu ở mày!
Cô Lễ nói:
– Con không đi đâu. Con ở nhà.
Cụ bà dở đùa dở thật:
– Không đi thì đẻ khênh đi!
Một lát, cụ hỏi:
– Thế con có thương thầy đẻ không?
– Sao đẻ lại hỏi thế?
– Nếu con thương thầy đẻ, đừng để ai nói động đến thầy đẻ, thì con nên về.
Cô thở dài.
Cậu Nghĩa chán nản, vào bàn học.
Cô Lễ như bơ vơ, cô đành đứng dậy chít lại khăn. Mợ Nghĩa thấy tay chị ngượng nghịu, đến giúp chị. Cô động tâm, sụt sịt khóc.
Cụ bà lắc đầu, thở dài, nhưng mỉm cười dịu dàng, an ủi cô:
– Về với chồng chứ đi đâu mà phải khóc? Vui vẻ lên chứ? Có gì, đẻ chịu trách nhiệm hết.
§17. Bệnh viện với bệnh nhân
– Cha bố tiên sư mày! Mày định thắt cổ để trốn ông phỏng? Mày bảo ông đào mỏ phỏng? Ừ, ông đào mỏ đấy! Cho mày biết tay ông.
Thừa xông vào vợ, giật tóc vợ ngã xuống, rồi cứ giày tây, đá thúc vào mạng mỡ.
– Ông không cho mày chết thoát. Ông bắt mày sống để ông đánh cho sướng tay.
– Ối hàng phố ơi! Nó đánh chết tôi!… Hự! Hự! Ôi hàng phố ơi, cứu tôi với!
Thừa trừng mắt:
– À, mày kêu hàng phố phỏng?
Hắn chạy ra đóng cửa, gài then lại, rồi hầm hầm:
– Kêu hàng phố nữa đi!
Hắn quật cô Lễ ngã ngửa ra, ngồi trên bụng, tát lấy tát để vào má:
– Kêu đi! Kêu đi!
Cô Lễ cố cựa quậy:
– Ối hàng phố ơi!
– À, lại kêu!
Hắn móc túi, lấy khăn mù-soa, nhét đẩy vào mồm cô Lễ, rồi giơ nắm tay, thụi vô hồi vào mặt. Cô Lễ quào, cắn, cắn được vào tay Thừa. Hắn đứng dậy. Cô cũng đứng dậy. Nhưng nhanh tay, hắn lại giật tóc cô ngã xuống:
– Mày định chạy đi đâu?
Hắn buộc tóc cô vào chân giường, rồi vớ cái ba-toong. Hắn quật. Cô giơ tay ra đỡ:
– Ôi hàng phố ơi! Cứu tôi với! Nó đánh chết tôi mất!
Giày tây lại đá thục vào mạng mỡ:
– Cứu này! Cứu này! Văn tự nhà đâu? Bỏ ngay ra! Rồi muốn thắt cổ thì thắt!
– Tòa chưa duyệt! Chưa lấy về!
– Mày nói dối. Thằng bố mày khai với tao là mày lấy về rồi.
Cô Lễ dứt đầu khỏi chân giường:
– À, đồ đểu! Gọi ai bằng thằng?
– Ai à?Ai à?
Bốp! Bốp!
– Văn tự đâu? Mày có bán nhà không?
– Không bán.
Dứt không nổi, cô đành nằm xuống.
– Này không bán! Này không bán!
– Hự! Hự!