Sáng hôm sau, lúc cô Lễ dậy thì cậu Nghĩa cũng vừa dậy. Cô đưa cái văn tự nhà:
– Em giữ hộ chị.
Cậu Nghĩa ngơ ngác, hỏi:
– Sao thế, hở chị?
– Em cứ giữ cẩn thận cho chị. Bao giờ chị cần lấy, chị sẽ bảo.
– Nhà của chị thì chị giữ văn tự chứ?
Cô tặc lưỡi:
– Nhà cửa gì! Để xem đã.
Nói đoạn, cô để tờ giấy trên mặt bàn, rồi xuống nhà. Cụ bà nhìn thấy cô thì ngạc nhiên. Cụ gắt mợ Nghĩa:
– Sao con nói dối đẻ là chị con về rồi?
Cô Lễ vội vàng nói:
– Thưa đẻ, đó là tội của con. Con đau bụng quá, về thì sợ sương gió, mà ở thì sợ đẻ giục về. Cho nên con phải xui em con nói thế.
Cụ nguôi giận:
– Thôi, thế thì quàng quàng lên mà về, kẻo cậu ấy không bằng lòng. Xuất giá thì phải tòng phu, con ạ.
Cụ bảo con dâu:
– Con cùng đi với chị. Nói với anh rằng tại đêm qua đẻ bị cảm, nên thầy bảo chị ở lại.
Cô Lễ thấy mẹ nhận lỗi hộ mình để che mắt một người đầy tội lỗi với mình, với mẹ và với cha, cô vừa cảm động vì mẹ, vừa bực dọc với chồng. Không thèm nói dối người hay nói dối, cô nhăn mặt:
– Con về một mình, không sao ạ.
– Ừ, vợ chồng mới, đương tin yêu, chiều chuộng nhau.
Nhưng có lẽ cụ ông cũng băn khoăn, cụ rời ghế trường kỷ, ra nhà ngoài, nói:
– Đây, đây! Thế này. Cô bảo cậu ấy là ở lại xem thầy lấy số tử vi cho cậu ấy đến khuya. Chắc là thế nào cũng thích, rồi vọt ngay đến đây cho mà xem.
Cô Lễ chào cha mẹ, rồi lững thững đi bộ về Hàng Bồ.
Cô đã quyết định. Nhất định cô giữ vẻ mặt như thường. Để xem chồng cô thế nào.
Nhưng lạ quá! Cô không gặp chồng, Đêm trước, anh Thừa không ngủ nhà.
Anh ta theo cụ Tú đến Hàng Vải thâm, rồi đi đâu? Thưa rằng:
§14. Thưa rằng
Anh Thừa đập dồn dập vào cửa nhà chị Sáu.
Cửa mở ra. Anh ta vừa chạy thình thịch lên thang gác, vừa chửi:
– Tiên sư nó! Nó vừa ném cứt vào mồm tao, mày ạ. Thối quá!
Ông Tình muôn thuở ngẩng đầu dậy:
– Sao? Sao?
Anh Thừa vừa bưng miệng, vừa nói:
– Đây này, nhè nhẹt cả vào mặt mũi!
Chị Sáu thò mồm ra mái hiên, nhổ:
– Gớm, thối quá! Xuống nhà mà rửa ráy, thay quần áo đi! Chưa chi đã lên gác! Tối tăm, rồi nó dính cả vào cầu thang, vào sàn gác, ai biết chỗ nào mà cọ được!
Ông văn sĩ thấy mặt anh Thừa đen sì sì, chả nhận ra chỗ nào là mắt, chỗ nào là mũi, chỗ nào là miệng thì buồn cười không nhịn được, ông phá lên cười, ôm bụng mà cười. Anh Thừa cáu:
– Tiên sư mày! Mày làm mà ông chịu, mày còn cười được à!
Chị Sáu đuổi:
– Thôi, hãy ra đàng sau mà rửa, rồi tha hồ mà cãi nhau. Gớm! Thối hoăng thiên địa!
Anh Thừa xuống thang, ông Hoài Tân Tử vẫn cười, nằm ngửa ra mà cười, quật tay quật chân xuống chiếu mà cười.
Anh Thừa súc miệng, nhổ toèn toẹt, rồi khạc, rồi nhổ, rồi ọe, rồi giội nước uồm uồm. Chốc chốc lại chửi:
– Tiên sư nó! Vào cả tóc!
– Tiên sư nó! Vẫn còn thối!
Anh gọi:
– Có bàn chải đánh răng với thuốc đánh răng không hở anh Sáu?
Rồi anh lại gọi:
– Anh Sáu ơi! Cho mượn bánh xà phòng nhé!
Anh gội, anh rửa, anh tắm. Tiếng nước như thác chảy. Ông Tình muôn thuở chõ xuống, nói:
– Khéo mà bắn cả vào chum nước ăn của người ta nhé.
Chị Sáu bảo:
– Đậy lại rồi.
Anh Thừa kêu:
– Vào cả ngực áo, mày ạ. May tao lại không mặc áo đoạn.
Ông Hoài Tử lại cười.
Anh Thừa giặt. Tiếng vò quần áo mạnh như tiếng trâu cọ vào cột chuồng.
Ông Tình muôn thuở bảo chị Sáu:
– Cho nó mượn cái đèn, tối thế, không khéo nó rửa không sạch đâu.
– Kệ. Cho chết!
– Tử ơi! Kiếm cho tao bộ quần áo!
Ông văn sĩ lại nằm ngửa ra mà cười, rồi bảo chị Sáu:
– Nhà còn cái nào, cho nó mượn.
Chị Sáu xuống nhà, lấy quần áo cho anh Thừa.
Một lát sau, anh Thừa lên gác. Ông Tình muôn thuở lại lăn ra cười. Kêu trời mà cười. Cả chị Sáu cũng ôm bụng, nấc lên từng nhịp. Anh Thừa mặc cái quần thâm và cái yếm đầm của chị Sáu, vừa ngắn, vừa chật. Anh nhăn mặt:
– Chà! Sao mà thối thế! Dễ thường cứt khách, chứ không phải cứt An-nam mày ạ.
Lại những tiếng cười như muốn phá vỡ nhà. Anh Thừa bảo:
– Thật đấy. Khách ăn lắm chất béo bổ, ỉa ra, cứt mới nhuyễn và thối. Chứ An-nam nghèo, cứt rắn, không thối. Cho nên tụi phu thùng tranh nhau lấy thùng ở Hàng Đàn, chỉ toàn vỏ bào với que!
Ông Tình muôn thuở nói:
– Thôi, khoan hãy khảo cứu về cứt Hà Nội, đầu đuôi việc của mày thế nào?
Anh Thừa kể:
– Tại tao đi với ông cụ lâu quá, rồi còn về tòa báo. Thấy vợ tao không có nhà, tao mới lên đây tìm mày, thì trời vừa tối. Đến trước cửa Nhà máy thuốc lá, tao thấy một thằng ở trong bóng tối đi ra. Nó chào tao. “Thưa ngài, có phải ngài là chủ bút báo Chấn Hưng không ạ”. Tao hơi chột dạ, vừa đáp, thì có một con cũng đến gần tao. Con này nói: “À, ông Trần Đức Thừa, chủ bút báo Chấn Hưng!”. Thì ra thằng này dùng con này đến khóa cẳng tao mà tao không biết.
Ông Hoài Tân Tử nói:
– Cho mày chừa cái đĩ tính đi!
Anh Thừa tiếp:
– Con bé nói: “Chúng tôi có tí việc, nhờ ngài giải quyết hộ”. Tao xuống xe. Nó thỏ thẻ: “Thưa ngài, em muốn xin ngài cho em một chân trợ bút báo Chấn Hưng ạ”. Tao nhìn nó, rồi cười hà hà, đáp: “Đến mai, mời cô đến tòa báo”. Nó nói: “Thưa, em vẫn viết ở mục Tiếng oanh đấy ạ”. Nghe nó tự giới thiệu như vậy, tất tao phải làm ra vui vẻ, tao à một tiếng, thì tiên sư nó, thằng đàn ông ộc ngay một bọc cứt vào giữa miệng tao.
Ông Tình muôn thuở và chị Sáu phá lên cười. Ông nhà văn tán:
– Chắc là nó tìm một câu nói để cho mày phải à, há miệng to hơn là cười hà hà!
Anh Thừa cũng buồn cười:
– Phải rồi. Bây giờ tao mới nghĩ chúng nó mưu mô thế. Lúc ấy tao biết ngay là cứt. Không biết nó kiếm được ở đâu bãi cứt mà nát và thối thế! Cứ nhòe nhoẹt cả ra mặt mũi tao. Tao vùng tay toan nắm lấy nó, thì cả hai đứa ôm ghì lấy tao. Con bé nói: “Mày làm hại đàn bà con gái, thì bà chỉ cho mày ăn cứt thôi!”. Rồi hai đứa quật tao ngã xuống, cùng bỏ chạy.
Nói đến đây, anh Thừa sờ lại mặt mũi, ngửi tay, rồi thêm một câu cảm tưởng:
– Bố tiên sư chúng nó!
Chị Sáu hỏi:
– Còn mùi gì không?
Anh Thừa lắc đầu:
– Không thể biết được. Từ nãy đến giờ, ngửi cứt quen mũi mất rồi.
– Khiếp!
Anh nhìn ông Hoài Tân Tử:
– Tội mày, tao chịu. Bố tiên sư nghề làm báo! Bố tiên sư độc giả! Lại còn thằng xe nữa, tao mới tức chứ. Thấy tao thế, nó đếch kéo nữa. Thành thử tao phải bưng mặt từ Nhà máy thuốc lá về đây, vừa đi đường vừa khạc nhổ, nôn ọe.
Ông nhà văn lại phải cười trận nữa. Rồi hỏi:
– Mày có rõ mặt hai đứa không?
– Tao chỉ mải để mắt vào con ấy, còn thằng kia, tao không nhìn.
– Thế thì giá nó cho mày ăn hai bãi cứt cũng kịp, một bãi cho ông chủ bút, một bãi cho thằng mê gái!
Anh Thừa lại chửi:
– Bố tiên sư nó! Trong lịch sử báo giới Việt Nam, dễ tao là người đầu tiền phải ăn cứt!
Ông Tình muôn thuở cười:
– Mày có viết đ… đâu mà lịch sử báo giới mới chả đầu tiên! Mày chỉ là thằng bịp đời, mà trong lịch sử bịp bợm, mày là thằng thứ hai bị ăn cứt, biết không? Thằng thứ nhất, là thằng thầy cò họ Vũ, ở Hàng Bông đệm, có hiệu thợ may ấy, biết không?
Anh Thừa ngượng nghịu với chị Sáu:
– Nhưng rõ ràng bãi cứt vừa rồi là nó cho thằng viết báo ăn. Thế thì nó đã lầm mà ập vào mồm tao. Trong tòa báo Chấn Hưng, thằng đáng tội phải ăn cứt là mày mới đúng.
Chị Sáu trêu:
– Mặn hay chua, hở anh? Hút một điếu cho thơm mồm nhé.
Ông Tình muôn thuở cau mặt:
– Gớm, không cho nó ngậm vào dọc tẩu của người ta. Kinh bỏ mẹ!
Sự việc xảy ra cho anh Thừa tối hôm trước là như thế. Vì lẽ anh sợ mình mẩy còn thối tha, và không có quần áo để mặc, cho nên anh không dám về với cô Lễ. Anh phải ngủ lại ở nhà chị Sáu. Rồi câu chuyện vẫn là màu vàng, nhưng chuyển từ màu vàng động vật sang màu vàng khoáng vật. Ông Tình muôn thuở hỏi:
– Thế nào? Cái mỏ mày đào đến đâu rồi?
– Được một nửa rồi.
– Một nửa là thế nào?
– Là một cái nhà. Văn tự đã sang tên. Không rõ sáng nay, tòa đã duyệt chưa.
– Không rõ thì là chưa chắc à?
– Kể chắc thì chắc rồi. Tao nói không rõ, vì tao không biết tòa đã ký hôm nay hay chưa, Sáng nay, nó ra tòa lấy về, nhưng tao chưa gặp nó.
Ông văn sĩ khen:
– Khá đấy! Nhanh đấy!
– Tao hoảng nhất là cái hôm hai đứa đưa nhau về thằng già cứ quay mặt vào trong, không thèm nhìn.
Chị Sáu hỏi:
– Thằng già nào?
Ông Hoài Tân Tử thản nhiên, đáp:
– Là ông loong boong nó!
Chị Sáu lắc đầu:
– Bố vợ mà gọi là thằng già!
Anh Thừa cười:
– Thì gọi là cụ cố nhé!
Anh nói với ông Hoài Tân Tử:
– Lúc ấy, tao giả vờ sợ sệt, xun xoe, nhưng tao nghĩ ngay: Mày đạo đức lắm, thì ông chỉ có cách là lấy đạo đức trị lại mới nổi. Hôm sau tao bảo nó là nếu ông cụ không nhận tao làm rể, thì đành vợ chồng phải chia lìa. Tao biết là bố bảo thằng già cũng không dám bắt con gái lấy hai đời chồng. Quả nhiên, cu cậu vớt lại tí sĩ diện, là bắt tao lạy tạ. Thì lạy tạ. Cần đếch gì? Tao tưởng nó hội họp gia đình họ hàng xa gần để tổ chức một cuộc chửi tao long trọng kia. Chà hóa ra không. Nó giữ đúng điều kiện, chỉ bắt tao lạy. Tao lạy. Lạy một lạy, tao nghĩ: Một cái nhà nhé! Lạy lạy nữa, tao nghĩ: Cái nhà nữa nhé! Giá không phải tục lạy người sống có hai lạy thôi, mà nó có mười cái nhà, bắt tao lạy mười lạy, tao cũng lạy!
Cả ba người cùng cười, ông Hoài Tân Tử hỏi:
– Hình như bố vợ chàng rể tương đắc lắm phải không?
– Cố nhiên. Mê tao như điếu đổ nữa là đàng khác. Khó đếch gì? Nhược điểm của anh là thích đạo đức, luân lý, thì con cứ mặt ấy con tấn công, tất anh phải mắc thôi.
– Nhưng còn mặt chữ nghĩa?
– Ồ, về mặt này, thằng già phục lăn! Tao biết bọn nhà nho có giỏi lắm cũng chỉ đọc mấy quyển sách Tàu là cùng, thì tao lòe bằng sách Mỹ. Tao hỏi: “Thưa thầy, thầy đã đọc cuốn Đạo đức luận của Oan-sơn chưa ạ?” Cố nhiên, thầy hỏi: “Oan-sơn là ai?” Tao nói bịa: “Thưa là nhà luân lý học người Mỹ, thế kỷ thứ mười tám ạ”, cố nhiên là thầy tròn đôi mắt thầy lên. Rồi tao cho thêm một phát nữa: “Thưa thầy, thầy đã đọc cuốn Mỹ quốc luân lý sử với cuốn Mỹ quốc triết học sử của Oách-tách-lê chưa ạ?”