Đến chợ Cửa Nam, cô thấy hàng họ đã vãn, và đường bị chắn. Một chuyến xe lửa đi qua. Sao mà đông thế? Họ đi đâu? Họ về với vợ, với chồng, về với cha mẹ, hay trốn vợ, trốn chồng, trốn cha mẹ? Trốn đi đâu? Lên Lao Cai, lên Lạng Sơn rồi sang Tàu, hay xuống Hải Phòng, rồi vào Sài Gòn? Dù đi đâu, cũng phải đem theo cái đầu có bộ óc biết nghĩ, biết nhớ, để mà buồn, để mà giận. Nhưng họ buồn, họ giận, còn tìm được người thân mà than thở cho vợi nỗi lòng. Còn cô thì than thở với ai? Cô định ngậm bồ hòn làm ngọt chứ mình làm mình chịu, chứ kêu mà ai thương? Vả vạch áo cho người xem lưng, thì xấu chàng nào có ai khen chi mình? Tội ở cô, cô đành đau đớn một mình, còn đày đọa thêm cho cha mẹ và hai em đau đớn lây nữa hay sao? Thật là khổ tâm. Thật là đau xót! Chỉ có nằm trên đường sắt, chỉ có treo dưới dây thừng, chỉ có dìm đầu xuống nước, chỉ có uống thuốc độc vào ruột mới không biết gì nữa.
Cô thở dài, quay trở lại. Cô về Hàng Đào.
Cô về nhà.
Cụ bà trông thấy cô thì tươi tỉnh, khoe ngay:
– Cậu ấy ở đây, vừa mới đi khỏi.
Cô khẽ đáp:
– Vâng.
– Thế cô đi đâu từ chiều mà cậu ấy phải tìm thế?
Cô nén thở dài:
– Con đi có việc.
Rồi cô hỏi:
– Thầy con không có nhà ạ?
Cụ cười:
– Ấy, hai bố con ăn cơm xong, rồi đưa nhau lên Hàng Vải thâm đấy.
Cô giật mình:
– Làm gì ạ?
– Xem cái nhà của cô chứ làm gì?
Cô nhăn mặt:
– Xem làm gì vội!
– Để sửa chữa mà dọn đến ở chứ làm gì!
Cô tặc lưỡi:
– Ở gì!
Cụ cau mặt:
– Con bé mới hay chứ! Chưa được nhà thì nằng nặc đòi cho kỳ được. Bây giờ được rồi thì ở gì, ở gì! Ai biết thế nào mà chiều được!
– Nhưng trước khác, bây giờ khác.
– Khác khác thế nào! Đừng trẻ con!
Cô không nói nữa. Cụ giục:
– Thôi, liệu mà về, kẻo cậu ấy tìm. Bận sau có đi đâu, thì cũng phải nói một tiếng cho người ta biết.
– Nhưng có nhà đâu mà nói.
– Thấy cậu ấy bảo cô đi chơi với một người nào dắt đứa bé con phải không? Ai thế?
– Người quen.
– Ừ, thế chứ lị. Cậu ấy cứ tưởng là họ hàng, mới đoán thế nào hai người cũng đưa nhau về nhà.
– Nhà con chờ có lâu không ạ?
– Đến đây lúc gần bốn giờ. Vừa mới đi. Còn nói chuyện với thầy mãi, mới ăn cơm. Đẻ bảo rể hay con cũng thế, không khách khứa gì, đến chơi chạm bữa thì ăn. Được cái cậu ấy cũng dễ tính, không như người ta.
Cô Lễ thở dài. Cụ thấy con có vẻ buồn, thì cười:
– Đúng là cô phải chờ cơm cậu ấy, chưa thấy về, thì đến đây để tìm à?
Cô đáp cho xong:
– Vâng.
– Thế ăn cơm chưa?
Cô nghe trong bụng, rồi đáp:
– Con ăn rồi.
– Ừ, tưởng chưa ăn thì chờ chốc nữa em đi học về, ăn với nó.
Rồi cụ dịu dàng bảo:
– Này, đẻ mới mua được mấy gắp chả Cầu Dần, ngon đáo để. Ăn vã vậy nhé.
Cô lắc đầu:
– Con chả ăn.
Cụ cười:
– Bảo thật cô nhé. Có ăn ở đây thì ăn, chứ xin mang về là đẻ không cho đâu. Gì cũng để phần cho chồng!
Rồi không cười nữa, cụ bảo:
– Nói đùa, chứ cậu ấy ăn ở đây rồi. Mà hôm nay đã dám uống tí rượu. Chắc là nể thầy lắm đấy.
Cô thở dài, khừ một cái, rồi nói giọng mát mẻ:
– Vâng, nhà con không biết uống rượu!
Cụ không hiểu là cô đay người chồng giả dối của cô, nên cụ khen:
– Ừ, cậu ấy cũng hiền lành, thật thà. Thế là mừng.
Cô ngồi thừ, không đáp. Cụ cau mặt:
– Quái, hôm nay cô này thế nào ấy.
Rồi cụ đùa:
– Hay là nhớ chồng? Này, đã lớn rồi, đừng có như sơn như nhựa mà người ta cười cho đấy. Vắng nhau một lúc, mà chồng đi tìm vợ, vợ đi tìm chồng!
Cô thở dài:
– Không phải thế đâu ạ.
Cụ yên lặng, rồi hỏi khẽ:
– Hay là nghén? Có thấy trong người khác cái gì không?
Cô không đáp, nhưng hỏi:
– Nhà con nói chuyện gì với thầy ạ?
– Đẻ cũng chẳng nghe. Chắc lại chuyện văn bài nghĩa lý chứ gì.
Cụ nghĩ một lát, rồi:
– À, có một lúc, đẻ nghe thấy cậu ấy phàn nàn là từ ngày làm báo, có lắm kẻ độc tâm, nó ghen ghét, nó đặt điều để nói xấu cậu ấy.
Cô Lễ xám mặt:
– Hừ! Đặt điều! Nói xấu! Tốt thì ai nói xấu. Có thực thì ai đặt điều!
Cụ cau đôi lông mi:
– À, cô này! Hay vợ chồng đã có điều gì giận dữ nhau đấy? Cổ nhân bảo chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở rằng anh giận gì. Gia pháp nhà này không có dạy con gái hỗn với chồng đâu nhé!
Cô nói:
– Không ạ, chúng con có điều gì với nhau đâu ạ.
– Thế chứ lị! Thôi, về đi, kẻo tối.
Bỗng cậu Nghĩa mở cửa vào. Cô Lễ được cớ để ở lại với em.
Cô chờ cho cậu cất sách và rửa mặt xong đâu đấy, rồi bấm cậu lên gác.
Hai chị em rón rén lên thang. Vừa đến mặt sàn, bỗng cô Lễ nắm chặt cánh tay em, òa lên khóc:
– Chị khổ lắm, em ơi!
Rồi cô nhét chặt vạt áo vào miệng để nức nở, cho cụ Tú khỏi nghe tiếng.
Mợ Nghĩa chạy đến gần. Hai vợ chồng đỡ chị ngồi xuống ghế. Cậu hỏi khẽ:
– Việc gì thế, hở chị?
Cô thút thít:
– Chị chán đời lắm, em ạ.
Cậu thương chị. Mặt nhăn nhó.
– Thôi, em xuống nhà mà ăn cơm. Chị khóc được một tiếng là hả rồi. Để chị yên, nằm nghỉ một lát.
Bỗng có tiếng cụ bà gọi mợ Nghĩa. Cô Lễ dặn:
– Đẻ có hỏi chị, em nói là chị đau bụng nhé.
Mợ Nghĩa xuống gác. Cô Lễ nói:
– Chị không muốn về đằng ấy hôm nay.
Cậu Nghĩa hiểu chị, nhưng đủng đỉnh đáp:
– Lấy chồng thì phải về với chồng. Dù là ngủ lại nhà mình cũng không được.
Mợ Nghĩa lên nói:
– Đẻ bảo em xuống coi nhà cho đẻ đi một tí. Đẻ dặn chị xem đau thế nào, có phải gọi anh đến xem mạch và cho thuốc không.
Cô Lễ bực mình:
– Chị không cần gì cả!
Rồi cô đay:
– Xem mạch! Cho thuốc!
Một lát, cô nói:
– Chị chỉ cần hai em điều này. Là chốc nữa, thầy hay đẻ có hỏi chị, các em nói rằng chị về đã lâu rồi.
Cậu Nghĩa hỏi:
– Chị không về à? Thầy đẻ biết các em nói dối, thì mắng các em chết.
Mợ Nghĩa xuống nhà. Cô Lễ nói:
– Mặc kệ các em.
Cô Lễ nằm một mình. Cô muốn ngủ một giấc cho say sưa như ban nãy. Nhưng không sao ngủ được. Lúc nào cũng như văng vẳng bên tai cô tiếng của mẹ Mão. Có thật chồng cô xấu thế, hay chị ta thù ghét mà bịa thêm? Nhiều câu chị ta vô ý, vô tình mà nói, nhưng chẳng khác gì những nhát búa bổ vào đầu cô, những ngọn dùi đâm vào tim cô. “Bố mẹ trót làm thì mình nên chịu”, “cả nghe mối lái mới gả cho nó”, “chết già thì chết, ai hoài con gả cho quân bịp bợm, bạc tình”. Khổ quá! Tội ở cô cả, mà người ngoài lại đổ cho hai cụ! Đau xót làm sao!
Rồi luôn luôn hình ảnh chồng cô hiện ra trong óc cô. Nhưng không phải cái người mặc quần áo Tây cổ đứng màu xám, đội mũ lưỡi trai, đeo đôi kính trắng không vành, ngồi bắt mạch; cũng không phải cái người đội khăn nhiễu tây, mặc áo đoạn trơn, ngồi ở bàn giấy tòa báo; mà là một anh Thừa đi đất, mặc bộ quần áo xanh cũ, tay cầm lá cờ, tay giữ đầu ghi; một anh Thừa tựa lưng vào tường, hai tay ôm đầu cái dây quạt để kéo xuống, buông lên, như người lạy; một anh Thừa mặc áo thụng xanh ra ngoài áo gấm, đứng trước bàn thờ lễ tơ hồng với cô đốc mặt trát bự những phấn.
Xấu chàng hổ ai!
Cô thở dài. Không biết một người đốn mạt, tàn nhẫn có thể sửa đổi thành lương thiện được không? Có ăn lời khuyên bảo, can ngăn của vợ không? Ước gì cô có phép tiên, cảm hóa được chồng!
Từ ngày ăn ở với nhau, chồng cô đối xử với cô ra sao? Có lẽ sẵn lòng tin, và mù quáng về tình yêu, cô không nhìn rõ được. Chỉ từ hôm hai cụ nguôi giận, cho vợ chồng cô đi lại như thường, thì anh hay vắng nhà, nói rằng làm việc báo. Có phải thật, hay anh đi chơi bời rượu chè, cờ bạc, trai gái, thuốc xái ở đâu? Có phải anh hay lại nhà vợ, là vì yêu vợ nên quý mến bố mẹ vợ, hay để nịnh hót, lấy lòng tin của hai cụ, hòng mưu mô điều gì? Bạn bè của anh, có những người văng tục, văng rác như đồ xỏ lá ba que, nhưng sao cũng có ông ấm Cận, ông Cử Huyền? Và có cả mấy ông huyện, ông phủ? Thật là khó hiểu. Tính nết thì thất thường. Thật không ra thật, dối không ra dối, khôn không ra khôn, đần không ra đần. Không hiểu chồng cô thế nào mà lại viết báo, và lại là chủ bút? Rồi cô lại nghĩ. Có thật người đàn bà ấy là vợ của anh Thừa, hay là vì anh làm báo, quen nói thẳng thắn, quá lời mà bị người ta ghét, thuê người đến đặt điều với cô để bôi nhọ anh?
Bỗng sàn gác kêu đánh kẹt. Có tiếng chân người đến gần. Cậu Nghĩa gọi:
– Chị! Chị ơi!
Cô không trả lời:
– Chị ngủ rồi à?
Cô cũng không trả lời.
Cậu Nghĩa rón rén ra xa, rồi xuống thang.
Cô vờ ngủ để cậu Nghĩa khỏi hỏi chuyện. Ruột cô rối bời bời, chưa nghĩ ra nên làm thế nào. Nếu em mà hỏi, tất cô không thể giấu. Em cô biết, tất hai cụ cũng biết, sẽ đau lòng vì thương cô.
Hiện giờ, hai cụ đương tin và yêu chàng rể. Song, sự thực thì rõ ràng là vì hai cụ đương bị chàng rể bịp. Cô cứ để vậy thì hai cụ vẫn vui vẻ đấy, nhưng như thế là cô có biết hai cụ bị bịp mà cứ để yên. Như thế là cô về hùa với chồng để lừa cha mẹ. Gặp một người ngoài bị nạn, mình còn phải cứu chả vẻ thay, huống hồ người bị nạn lại là người đẻ ra mình! Đau đớn cho cô quá. Cô có nên tự tử không? Đành rằng tự tử thì cô được yên thân, song, như vậy lại đúng là cô đưa con dao cho dư luận để bồi vào đầu cha mẹ cô thêm một nhát quyết liệt cho chết hẳn. Không! Cô không thể bất hiếu đến hai lần. Vả lại, nghĩ đến tự tử, cô sợ lắm. Bỗng nhiên, mình giết mình đương sống, ai lại đang tay thế được? Rồi người tự tử hóa thành những oan hồn, những con ma, nó bắt người khác theo dớp của nó, để thay cho nó được lên làm người. Bỗng cô ghê rợn, rùng cả mình. Cô kéo chăn trùm hẳn lên đầu để suy tính. Thôi, đành vậy. Cô phải chôn sâu nỗi khổ tâm xuống tận đáy lòng, âm thầm mà một mình chịu tai họa. Thế thì đối với chồng, cô phải thế nào? Đã giấu cha mẹ, cô đành giấu cả chồng, không cho rõ là cô đã biết hết về anh để anh đối với cô cho tự nhiên, để anh đối với hai cụ cho tự nhiên. Như vậy thì giữ được hòa khí. Chồng cô đối với cô tự nhiên thì gia đình được thuận, cô sẽ dò dần thói hư tật xấu của chồng để lựa lời mà khuyên can. Nhưng cô nghĩ lại. Cô có nỡ lòng trông thấy cha mẹ bị chồng cô đưa xuống hố mà cứ để vậy hay không? Và cô có thể suốt đời là cái mộc chống đỡ, che đậy cho người ngoài khỏi nhìn thấy bộ mặt thực của chồng, để trong ấm ngoài êm không?
Cô thở dài. Cô thấy má lành lạnh. Cô sờ tay vào gối xem cái gì. Thì ra không biết cô khóc từ bao giờ, khóc nhiều hay ít mà gối sũng những nước.
* * *