Chị Kíp cười:
– Thầy mày làm giàu nhanh thật. Nhưng vẫn còn thiếu hai mươi đồng.
Anh Kíp mắng:
– Hai mươi đồng mà lấy ngay nữa thì rõ rằng mình là con người tham lam, bú dù ạ. Nhưng hãy hỏi từ đó mà đi, chánh Cừ là một, đội Trí là hai, mỗi bận anh đi hàng, anh có khỏi nhờ tôi bấm cho một quẻ xem chuyến ấy có trót lọt hay không đã? Thế là mỗi lần cháu nói liều một câu, lại không lại bằng mấy tháng phải bẻ ghi không, cụ nhỉ.
Thấy anh Kíp là người khôn ngoan, nhưng lắm thủ đoạn, cho nên về Hà Nội chữa bệnh, ông sếp Sơ không lo anh làm không chạy việc bằng lo anh làm bậy.
Thật vậy, bây giờ “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” để mà e dè, sợ sệt, lại được người ta gọi là ông hoặc thầy sếp quyền, ký quyền, anh Kíp tha hồ làm tướng ở ga Đồng Đăng. Lại xì xào những tiếng hành khách phàn nàn nhà ga trả thiếu tiền lẻ. Luôn luôn báo hằng ngày giao cho nhà bưu điện chậm trễ. Có tờ rách cả băng đề tên người mua. Có tờ gấp tám như cũ, nhưng lại gấp trái, tên báo vào trong. Buồng ở của ông sếp Sơ trở thành nơi tụ tập của ông sếp quyền với các bạn hữu đến khuya. Dầu tây của công chưa cuối tháng đã hết. Có một lần, người ta bắt gặp cái Múi, con gái đội Trí gửi một cái hòm vào buồng ấy, và hình như nó ngủ ở đó suốt đêm, để sáng hôm sau xuôi sớm xuống Hà Nội. Chuyến tàu đến Lạng Sơn bị lính đoan khám, thấy hòm ấy có hai đáy, đáy dưới chứa mấy bánh nhựa. Nhưng không biết là của người nào, vì hòm để ở giữa toa không ai nhận. Lại một lần nữa, có tiếng the thé cãi nhau, trong buồng sếp ga. Người ta lắng tai nghe, thì rõ rằng một người là cái Múi, một người là cái Châu, con nhà Vạn Lợi. Tối hôm ấy, cái Châu vào sòng, thua xóc đĩa, hết cả tiền, thì gặp thầy sếp quyền đưa về ga. Chẳng may, hai người chạm trán cái Múi ở đó. Đôi bên ghen nhau, cãi nhau, chửi nhau ỏm tỏi. Thiên hạ còn đồn rằng cái Múi đã có mang với thày sếp quyền và sắp lấy lẽ thầy ta.
Còn thầy sếp quyền thì độ này có vẻ phởn phơ lắm. Trong túi lúc nào cũng có một gói thuốc lá Mê-li-a đỏ, và hàng chục ảnh đầm cởi truồng.
Nhưng cô sếp quyền thì buồn thiu buồn thỉu, đã ít nói, càng thêm ít nói. Hai mắt cô trũng sâu và thâm quầng như mắt những người thức nhiều và khóc nhiều. Thỉnh thoảng, trên mặt cô lại tím lên một vết lằn, như vết thương do cái gậy đánh mạnh.
* * *
Một hôm, có một người Trung Hoa vào ga Đồng Đăng hỏi ông sếp. Người ấy đưa cho anh Kíp một chiếc phong bì lớn, rồi đi ngay về phía Nam Quan.
Anh Kíp bóc phong bì. Thì lạ quá, anh không hiểu là cái gì. Một tờ giấy dày, rộng, ngoài những dòng chữ, có in cái khung rất đẹp. Dấu lớn và nhỏ hình vuông đóng đỏ lòe. Có vẻ là một tấm bằng. Nhưng bằng ở đâu phát và phát cho ai, mà không in một bên chữ Pháp, một bên chữ nho như mọi cái, mà lại toàn in chữ nho! Ba tờ giấy hoa tiên hẹp khổ, màu đỏ, màu xanh, màu vàng, viết đặc những chữ nho, nhỏ lắt tắt, bằng bút lông.
Anh ngợ quá. Xong việc, anh khóa cửa ga, đem chiếc phong bì sang phố, để nhờ người giảng hộ xem nó là cái gì.
Mấy người lõm bõm biết chữ xúm nhau lại, vừa đọc vừa đoán chữ, vừa đoán vừa tán nghĩa.
Bức thư trong giấy hoa tiên như sau này:
Túc hạ nhã giám.
Từ ngày tôi được túc hạ cứu thoát tay bọn côn đồ, lòng tôi cảm bội vô hạn, tiếc vì túc hạ là người An-nam, tôi là người Trung Hoa, không biết tiếng của nhau, cho nên không thể nói chuyện với nhau được.
Tôi là một văn quan. Hôm ấy có vài người bạn rủ tôi vào rừng săn bắn. Tôi theo họ đi. Nhưng chẳng may, đến một nơi rậm rạp, tôi bị lạc. Tôi gọi to các bạn, không thấy trả lời. Vì không nhớ lối nên đi nhầm sang địa hạt bên quý quốc. Chính ở chỗ này mà tôi bị nạn. Và cũng chính nhân dịp này mà tôi được may mắn gặp túc hạ cải tử hoàn sinh. Viết đến đây, sực tôi lấy làm phiền. Nước tôi vì chính quyền chưa ổn định, nên sinh ra những kẻ bất lương, đón người ở chỗ vắng để cướp của, hoặc bắt cóc để vòi tiền chuộc. Nhưng chính quyền của nước Đại-Pháp ở Đông Dương đã ổn định từ lâu, há rừng Việt Nam lại vẫn là sào huyệt dung thân cho bọn thổ phỉ được hay sao?
Tôi không biết lấy gì đền cái ơn cứu sống của túc hạ cho xứng đáng. Hôm ấy, tôi muốn biết quý danh, nhưng không làm thế nào cho túc hạ hiểu được. May mà túc hạ đưa tôi về quý thự, nên tôi biết túc hạ là trạm trưởng trạm hỏa xa Đồng Đăng. Muốn tạ tấm lòng hào hiệp của túc hạ, tôi nghĩ rằng nếu tôi gửi tặng tiền bạc của nước tôi, thì dù nhiều bao nhiêu đi nữa, hoặc tặng phẩm hàm của nước tôi, thì dù quý bao nhiêu đi nữa, nhưng đối với một người An-nam, bây giờ chịu dưới quyền bảo hộ của người Pháp, những thứ ấy đều là không có giá trị. Cho nên tôi đã mạn phép túc hạ mà kính dâng túc hạ một tấm bằng làm thuốc, gọi là vật kỷ niệm nhỏ mọn để đền ơn. Tấm bằng này, đối với túc hạ, có thể bị coi như một tờ giấy bỏ đi, nếu túc hạ không biết lợi dụng nó. Nhưng ở nước tôi, để được tấm bằng này, thì một người, nếu không cố gắng công phu học hành vài năm, tất cũng phải mua mất bốn mươi đồng Chính phủ mới cấp cho. Tấm bằng này sẽ là một chứng thực về nghề nghiệp để làm sinh kế. Ở Việt Nam hiện nay, tuy người Pháp có mở trường dạy y học Thái Tây, nhưng lòng người còn tin thuốc bắc của Trung Hoa không phải đã mất. Cho nên một tấm bằng làm thuốc của nước tôi tặng túc hạ, vẫn có thể giúp nhiều cho túc hạ trong việc mưu sinh. Tôi muốn vật kỷ niệm cho ân nhân của tôi phải có thực ích. Tôi mong túc hạ hiểu cho, mà coi tấm bằng này là một vật giá trị. Ở vào thời buổi khó khăn, người khôn ngoan phải xoay xỏa nhiều mưu kế mới sống nổi. Tôi tiếc vì không biết quý tính cao danh, cho nên phải để trống tên. Cúi xin túc hạ tha lỗi mà điền mấy chữ vào đó hộ.
Tôi viết thư này đã dài, nhưng chưa thể nói hết những ý muốn nói. Tôi xin thưa trước với túc hạ vài câu. Là một ngày kia, túc hạ có dời gót ngọc đến thăm tiện quốc, thì mời túc hạ hạ cố quá bộ đến tệ xá, cho tiện nội được chiêm ngưỡng dung nhan. Và sau này, nếu bên quý quốc có ai cần đến bằng làm thuốc nữa, thì túc hạ thương lượng giá cả với người ấy. Còn như đối với tôi, túc hạ chỉ cần gửi lại cho một hiện vật tương đương với ba mươi đồng bạc của Đông Dương đương lưu hành mà thôi. Tôi rất lấy làm hân hạnh được tiếp tục đền ơn túc hạ mãi mãi.
Song, cũng vì muốn báo đáp cái nghĩa nặng ân sâu của túc hạ, mà tôi phải thành thực lưu ý túc hạ những điều sau này. Là các Chính phủ của chúng tôi thường không được vững bền lâu dài, số phận còn mất như quả chín trên cây. Mà thân thế của tiện chức, chẳng qua cũng cùng cảnh phù du như thân thế của Chính phủ. Thế thì chỉ trong thời kỳ kẻ chịu ơn này còn ở trong Chính phủ đương trị vì, thì các bằng cấp phát hành mới có giá trị. Cho nên tôi mong rằng túc hạ nên lợi dụng cơ hội ngắn ngủi và hiếm có này mà tiêu thụ nốt cho cái số 24 tấm bằng còn lại.
Mấy lời tâm phúc thô thiển, ngửa trông túc hạ lượng xét.
Sau bức thư là một dòng đề năm Dân quốc, tháng, ngày. Rồi ký tên TỐNG BỘI ĐÌNH. Bên cạnh tên, có ghi chức tước và địa chỉ.
Nghe xong bức thư, thầy ký quyền ngắm nghía tấm bằng, nhưng bằng đôi mắt hờ hững thôi. Thầy cũng chẳng quan tâm đến những lời lẽ văn hoa trong thư. Bởi vì nó chả lợi gì cho thầy. Đây là người ta gửi cho ông sếp Sơ. Thầy gấp các giấy má rồi về nhà, định bụng bao giờ ông Sơ lên làm việc, thì đưa trả ông ta. Ông ta là người tử tế, thầy phải ăn ở tử tế lại.
Nhưng ông Sơ không bao giờ trở lại Đồng Đăng nữa. Thần Chết đã đem ông đi rồi. Cái bằng làm thuốc giả dối và bức thư của người quan văn con buôn, thầy sếp quyền cho là không cần giữ làm gì, mới cuộn lại, gài lên mái tranh.
Phải, nó có ích cho thầy sao bằng cái giường khung, đôi chiếu hoa và cái chăn chiên, cùng mấy bộ quần áo rét của ông Sơ bỏ lại trong buồng. Thầy dọn tất cả những thứ ấy, đem về nhà dùng.
Không bao lâu, ga Đồng Đăng có ông sếp Thìn bổ lên, thay ông Sơ.
Ông sếp quyền lại trở về địa vị cũ, là anh phu kíp quèn. Được gọi là ông sếp, thầy ký, được nghe “Thưa thầy phát cho con cái vé, thầy cho con lĩnh cái vé” quen tai đi rồi, anh khó chịu với ông sếp Thìn. Tuổi ông này, không bằng tuổi ông Sơ, mà hay gọi anh xách mé là anh Kíp, thỉnh thoảng lắm mới bác Kíp, xừ Kíp.
Đôi khi xét nét cả với đời tư của anh, ông Thìn lên mặt người trên mà cự anh. Anh cho như vậy ông ta làm mất tự do.
Thế là lòng tự ái làm anh hay hục hặc với ông ta. Có một lần, anh bảo hẳn ông ta:
– Cũng là kiếp nô lệ làm đầy tớ thằng Tây cả, chứ vu chẳng hơn moa đâu mà làm bộ[6]. (*[6] Vu: anh, Moa: tôi.)
Buồn nản quá, anh Kíp muốn xin đổi đi ga khác.
Độ này, anh còn bị dồn dập những đau khổ. Con bé con nhà anh ngoan ngoãn là thế, mà lăn đùng ra chết. Nó không hay quặt quẹo, nhưng hễ động ốm là bạo bệnh. Nó chỉ đau bụng có một đêm thôi. Anh thì chớm sốt rét. Rồi có lẽ vì trời nóng quá, anh bị bệnh thiên trụy, đi khạng nạng như người thọt. May làm sao, có người mách cho thuốc hay mà dễ kiếm, nên không tốn tiền, anh khỏi được bệnh. Nhưng qua được nguy hiểm này, anh mắc đến bệnh kiết lỵ.
Đã từ lâu, chị Kíp không muốn cho chồng ở Đồng Đăng nữa. Nhiều cái tai hại lắm rồi. Đất không lành thì cò không đậu. Cho nên, lại nhân dịp chị sắp ở cữ, vợ chồng bàn nhau nên xin đổi về xuôi.
Vì dò biết ông Thìn định tống anh lên Na Sầm, anh nhất quyết phen này làm cho ông biết tay. Anh cho chị về tìm được dì Đốc, kè nhè với dì nói với me-xừ Giô-dệp Phăng-đi cho anh về Hà Nội.
Chị Kíp tìm mãi, chẳng thấy dì ở nhà cũ. Chú Giô-dệp Phăng-đi đã cút về Tây từ bao giờ rồi. Chị phải hỏi thăm mãi mới gặp dì. Thì ra con người làm dâu ngoại quốc lành nghề này không chịu một ngày nào thất nghiệp bạn trăm năm. Hắn được chuyển ngay từ lòng người đốc công sang lòng người sếp văn phòng, cũng ở sở xe lửa. Người được nâng khăn sửa túi mới tên là Phi-lô-mát, gọi là quan sếp chánh.
Bà sếp chánh nhận một lạng cao hổ cốt của cháu, rồi gật đầu:
– Được, để bà lớn trình với ông lớn cho.
Hai tuần sau, anh Kíp nhận được giấy đổi về Hà Nội. Anh trả thù được ông Thìn. Hả lắm! Anh nói với bạn hữu:
– Về Hà Nội thì làm cạnh Tây, việc bận và khó đấy. Nhưng thà Tây nó chửi, nó đánh, còn không nhục bằng An-nam nó nói một câu!