Cô Lễ lắc đầu, vẻ chán ngán.
– Làm cu-li kéo quạt, chị ạ.
Cô Lễ như bị tắc thở, kêu lên một tiếng ặc trong cổ họng.
Mẹ Mão đưa cô chén nước, rồi tiếp:
– Từ ngày này, tôi về nhà quê để ở cữ cháu Mão, thì không biết nó làm thế nào mà dan díu với con Tây lai, là vợ thằng chủ, tức là con cô đốc đấy. Ở ga Hà Nội nó làm cu-li kéo quạt cũng không nổi, nên bị đuổi. Từ đó, nó toàn sống bằng nghề đi lừa. Sẵn có bằng làm thuốc, nó mở hiệu thuốc. Nó dắt ở nhà quê ra một lão chú họ, thi trượt khóa sinh, làm cụ Điều. Nó kiếm ít bài thuốc đăng ở báo, mới lòe người ta là của nó, rồi cứ thế chữa cho bệnh nhân. Cho nên nó có dám kể bệnh, kể thuốc với người ốm bao giờ đâu. Chỉ những người dại dột, ngu ngốc, mới tin là chú cháu nó biết thuốc.
Cô Lễ thở dài thật mạnh.
– À, nó lại làm thuốc cao đơn hoàn tán để bịp khắp nước nữa. Nó mua thuốc của hiệu khác, rồi dán nhãn của hiệu nó thay vào. Nó quỵt không biết bao nhiêu là tiền của những hiệu thuốc trong Nam Kỳ tin nó, nhờ nó làm đại lý. Kể tội ăn cắp của nó trong những năm làm thuốc, thì đến chiều chưa hết, chị ạ.
Mẹ Mão uống hụm nước, rồi kể tiếp:
– Không hiểu vì sao con Tây lai cũng có bằng y tá. Bố thằng này mới gọi tôn lên làm cô đốc, để hai đứa cùng lừa bịp thiên hạ. Con Tây lai là con một thằng cố đạo Tây. Lớn lên, nó lấy hết thằng này đến thằng khác, rồi đi làm giăng há kiếm tiền. Hai đứa mê nhau, con Tây lai có mang với nó, mới bắt nó cưới thật linh đình, như cưới một cô con gái tân, con nhà tử tế.
Cô Lễ suýt đánh rơi cái chén xuống gác.
– Từ đó, nó đuổi mẹ con tôi đi. Con vợ Tây là dì nó dắt tôi đi khâu đầm. Những người tử tế không thể làm cái nghề ấy được. Giá tôi không gặp một anh người làng bảo tôi, thì tôi mắc mưu con đĩ già rồi. Tôi bỏ nghề khâu đầm, bơ vơ ở Hà Nội mất mấy tháng. Nhiều lần tôi đến phòng thuốc của nó ở Bờ Hồ, đều bị nó tránh mặt. Tức quá, tôi mới nói chuyện với chị em, thì có ba người giỏi võ, đến đánh cho nó với con cô đốc một trận. Tôi nói toáng lên cho bệnh nhân biết ông y sĩ với cô đốc là người thế nào. Do cái tích ấy mà nó phải đóng cửa phòng thuốc đấy. Chẳng biết hai cái răng gãy nó đã chữa chưa, hay vẫn để hổng nguyên.
Cô Lễ thở dài.
– Trời quả báo, một hôm, nó còn bị con nhân tình cũ ở Đồng Đăng, tên là Múi, cho một trận ngay giữa phố Hàng Đậu, phải vực đi nhà thương.
Cô Lễ giật mình, hỏi:
– Hàng Đậu à?
– Vâng. Hàng Đậu. Tôi không hiểu thế nào, chữ nhất là một không biết, mà nó làm chủ báo. Chắc là làm báo cũng để lừa chài, làm hại con gái nhà người ta. Chứ báo bổ gì đồ ấy. Thằng này còn sống ngày nào, còn ăn gian nói dối ngày ấy. Nó lấy vợ đẹp, thì lừa vợ đi ngủ với trai để làm tiền. Nó lấy vợ giàu thì đào mỏ. Đến ngày vợ hết nhan sắc, hết tiền, thì nó bỏ, nó tìm người khác, để lại đày đọa người ta.
Mặt cô Lễ tái lại.
Uống hết chén nước, mẹ Mão lại nói:
– Tôi biết rằng tôi nói từ nãy đến giờ thì chị buồn. Nhưng tôi có muốn thế đâu. Chị với tôi vốn không có điều tiếng gì với nhau, cho nên tôi không ghen với chị. Mà chắc chị cũng biết rằng không phải tôi kể như thế, để chị bỏ nó, cho tôi lại về với nó. Không. Không bao giờ tôi chịu làm vợ cái quân gian ác, tàn nhẫn, bạc tình đâu, chị ạ.
Cô Lễ lại như bị nghe những câu chửi rủa. Cô loạng choạng đứng dậy. Nhưng mẹ Mão đỡ lấy cô:
– Chị muốn gì, chị bảo tôi, tôi xin giúp.
– Không. Cảm ơn chị.
Mẹ Mão dắt tay con:
– Thôi, tôi chào chị ở lại.
Cô Lễ rưng rưng nước mắt:
– Chị ở lại để gặp bố thằng Mão chứ?
Mẹ Mão lắc đầu:
– Không cần. Tôi gặp chị, được nói hết là hả rồi.
Cô Lễ cúi xuống, bế thằng bé con, nhìn nó, rồi nước mắt giàn giụa.
Cô móc túi, lấy hai tờ giấy năm đồng, giúi vào tay nó. Nhưng mẹ Mão nói:
– Chị đừng cho nó. Nó không biết tiêu tiền. Mà tôi thì không nhận đâu. Mấy năm nay tôi có phải ngửa tay xin thằng khốn ấy đồng nào, còn phải nộp công sưu cho nó, mà mẹ con vẫn đủ cơm cháo hai bữa.
Cô Lễ nghẹn ngào:
– Tiền này là tiền riêng của tôi, tôi cho cháu.
– Ừ, tiền của chị thì sạch sẽ, không bẩn thỉu.
Mẹ Mão bảo con:
– Mão cầm lấy, xin cô đi.
Cô Lễ đặt thằng Mão xuống. Mẹ Mão dắt con:
– Thôi, chào chị, tôi về.
Cô Lễ đáp:
– Chào chị.
Cô nhìn theo hút mẹ Mão. Rồi bỗng cô run bắn người như lên cơn sốt rét. Cô lần bước đi vào buồng, thét lên một tiếng, rồi nằm vật trên giường.
* * *
Cô Lễ hốt hoảng ngồi dậy. Cô bàng hoàng. Bâng khuâng. Không. Cô nhớ lại rồi. Không phải chiêm bao đâu. Mẹ Mão ngồi đây. Chị ta nói chuyện với cô. Đó là sự thật.
Cô nhìn đồng hồ. Ba giờ chiều rồi. Thế mà cô chưa ăn cơm sáng. Nhưng bụng đầy, cổ nghẹn, cô có thấy đói đâu.
Ừ, ba giờ chiều thật. Vậy mà chồng cô đi đâu từ sáng chưa về?
Cô đứng trước gương một lúc, nghĩ mãi không nhớ là định làm gì. Cô nhìn mặt cô vậy. Thấy đầu tóc rối xù, cô mới nhớ rằng cô định vấn khăn. Cô rót nước vào chén. Chén đầu ộc lúc nào, cô không biết, nước tràn cả ra đĩa. Nhưng cô lại quên, không uống. Cô lững thững xuống nhà, ra đứng ở hè. Lúc ấy cô mới sực nghĩ ra là cô chưa khóa cửa buồng. Cô nắn túi. Tờ văn tự vẫn còn ở đó. Cô lấy ra, nhìn lại xem có đúng không. Rồi không biết chân cô bước lúc nào. Cô thẫn thờ đi. Cô cúi mặt, không dám nhìn ai. Lúc ngẩng lên, cô mới biết là cô đã tới cuối phố, gần Hàng Thiếc. Cô nghĩ mãi tại sao cô đi đường này, lại không ra Hàng Đào, để về nhà?
Cô thẳng đến trường học Cửa Đông. Đoàn xe lửa xuống gần hết dốc, xình xịch trên cao, hét một tiếng. Cô giật mình.
Những bánh xe đương rít lên kia, đã nghiến nát bao nhiêu người nằm trên đường sắt rồi? Chết trên xe lửa thì gọn quá. Quéc một tiếng là xong, không đau đớn gì. Cô lại nhìn cây gạo mọc trên bãi cỏ. Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề. Chỗ này vẫn đồn là có lắm ma, tối đến, hiện lên, giương đôi mắt xanh lè, thè cái lưỡi dài như quả núc nác, để dọa người qua lại. Đó là những oan hồn của người thắt cổ phải không? Ừ, cây gạo này thấp, cành nó là là. Người tự tử đứng trên ghế, với tay buộc dây thừng vào cành cây, rồi thò cổ vào thòng lọng, đạp cái ghế cho đổ đi, thế là lơ lửng treo dưới thừng. Năm phút sau, người ấy tắc thở, chân tay mềm, duỗi thẳng. Nhưng bây giờ người ta hay tự tử ở hồ Hoàn Kiếm. Lội xuống nước, bước độ ba bước, thì hụt xuống chỗ sâu ngập đầu. Ằng ặc tắc thở. Vùng vẫy, uống nước. Thế là chìm. Lại còn có người uống thuốc phiện, hòa với dấm thanh. Bao nhiêu thuốc phiện, bao nhiêu dấm thanh thì đủ nhỉ? Hòa với dấm tây có chết được không? Nghe nói Tây hay tự tử bằng thuốc ngủ, và đầm lại tự tử bằng hoa. Ừ, thì uống nhiều thuốc ngủ, ngủ lịm lâu thì phải chết. Nhưng hoa thì thơm, giết thế nào được người? Song, chắc là có công hiệu, cho nên người ta mới tự tử bằng hoa chứ? Người chết rồi, thì không biết gì nữa, không lo lắng, không buồn phiền, không giận dữ, không xấu hổ, không nhục nhã. Người sống muốn nói gì thì nói. Người chết chỉ nằm yên. Và dù chết vì tội bất hiếu, chết vì tội bất chính, chết vì chán đời phụ bạc, thì đám ma vẫn có người khóc lóc, người phàn nàn, người thương xót, người hối hận.
Cô Lễ đã đến phố Hàng Bông. Đi đâu bây giờ? Về nhà mà nhìn thấy cha mẹ, thấy hai em, thì muốn tự tử thật. Tại sao cô không tin lời thành thực của người em ruột thịt, lại tin lời tán tỉnh đường mật của con người lọc lừa? Tại sao cô không vâng lời cha mẹ, lấy cậu Nhân là chỗ hẳn hoi. Tại sao cô không cứ ở với ông bà Nhì, xa Hà Nội, để dứt hẳn dây liên lạc với người quỷ quyệt. Và tại sao cô nhẹ dạ, trốn nhà đi theo trai, theo một thằng phu kíp, một thằng cu-li kéo quạt, một thằng ăn cắp, một thằng bợm, một thằng rượu chè, cờ bạc, trai gái, đã bỏ mấy đời vợ, đã bỏ mấy đứa con, thằng ấy chỉ là con một anh lính tập, vì giết quân ông Đề Thám mà được Tây cho đóng bếp! Cô nghĩ tới lời của mẹ Mão nói con Tây lai đĩ rạc đĩ rầy, bụng phưỡn cái thai của ai ấy mà đi lấy chồng, thì được cưới bằng lọng xanh, bằng quả phù trang, bằng xe song mã, bằng nhung, bằng gấm, bằng tiệc tùng hát xướng, đến nhà mới thuê cũng tế tơ hồng, cũng lễ hợp cẩn như một cô gái tơ. Thế mà cô, một cô con gái Hàng Đào đức hạnh, trong trắng, giàu có, con nhà lễ giáo, thì đi lấy chồng như đi ăn trộm! Tối hôm ấy, cô đến đầu chợ Đồng Xuân, thì hắn chờ sẵn ở đấy. Trống ngực cô thình thình, cô nhìn trước nhìn sau, nhảy tót lên chiếc xe thuê sẵn. Trời tạnh ráo, nhưng xe che kín mít bằng áo tơi cánh gà, như chở người ốm vào nhà thương. Cô ngồi ở trong, không dám dòm ra xem xe đi những đường nào. Một lát, xe đỗ xuống. Cô ra ngoài, nhìn xung quanh, không biết là ở đâu. Trời tối như mực, đèn lửa lại chẳng có. Cô theo hắn đi vào trong xóm. Đường gồ ghề, mấy lần cô suýt ngã, phải đưa tay cho hắn dắt, như vợ chồng anh xẩm. Rồi cô chui vào một cái buồng hẹp trong một căn nhà tranh thấp. Mùi mốc. Mùi hôi. Mãi mới mượn được cái đèn con. Cô mới nhìn thấy chỗ nằm là cái giường tre, trên trải chiếc chiếu cũ rách giữa. Đám cưới của cô thế đấy. Thế là cô hết đời trinh bạch. Vậy mà lúc ấy, cô không tưởng tượng đến cha mẹ, đến hai em ở nhà đương thế nào, sáng mai hàng phố bàn tán ra sao. Cô chỉ cần có mỗi một mình hắn ở cạnh, một mình hắn là đầy đủ, là hạnh phúc, là tương lai.
Cô dừng sững chân lại để nhịn khóc. Cô nhìn chuyến xe điện đi qua, để xua đuổi những hình ảnh đương vẩn vơ trong đầu óc.
Cô đi đâu bây giờ? Đi đâu cũng được. Nhưng đi đâu mà trốn được xấu, được nhục? Đi đâu mà tránh được nghĩ ngợi, buồn phiền, giận thân, giận kẻ gian ác? Đi thế này, lỡ họ hàng, bạn bè trông thấy mà hỏi thì nói thế nào? Nhà cậu Nhân ở phố nào nhỉ? Mặt mũi cậu ta thế nào? Có phải là cái chàng đi xe đạp kia không? Hai hè phố, người ta đi đâu mà tấp nập thế? Họ không có điều gì nghĩ ngợi, buồn phiền, giận thân, giận kẻ gian ác à? Sao cô kia lại cười nói vui vẻ thế? Cô không có tội bất hiếu với cha mẹ à? Cô không đi theo trai à? Cô không bị ai lừa à? Chồng cô không là phu kíp, không là cu li kéo quạt, không rượu chè, cờ bạc, trai gái, không bỏ nhiều vợ và bỏ nhiều con chứ? Còn cô kia, cô vẫn giữ được tấm lòng trinh bạch, hay đã có chàng trai nào nó ném thư cho cô, nó quyến rũ cô bằng lời đường mật để cô mê nó, cô tính đường theo nó? Còn cô kia nữa. Tại sao cô cười? Cô đã có chồng chưa? Cô lấy chồng, cưới xin đàng hoàng hay cô đã lẻn đi theo trai? Cô cười ai? Cô cười gì? Cô hớn hở vì lấy được tấm chồng xứng đáng, hay cô mỉa mai cái người tội lỗi, nhơ nhuốc nào?