Bà Nhì cười:
– Bác tưởng thế đấy thôi. Chứ dư luận dù xôn xao mấy, rồi dần dần cũng yên hết. Và rồi việc gì cũng thành bình thường cả. Ai hư cho bằng cụ Lạc làng ta ngày còn con gái. Thế mà bây giờ con cháu đầy đàn, gia đình vui vẻ. Cả làng có ai nhắc đến chuyện cũ nữa đâu. Mấy lị đèn nhà ai nấy rạng. Thời buổi tây tàu rồi ra còn khối cái nhố nhăng, thì ai dám chắc chắn con cháu mình thế nào, mà cười người hôm trước để hôm sau người cười?
Cụ ông lại nhăn mặt:
– Mợ nói, tôi có để vào tai đâu.
– Hôm qua, em đã thưa với bác gái, bác gái đã nghe ra mà rủ lòng thương cháu. Em biết là bác khó tính, nên hôm nay mới dám thưa với bác…
Có lẽ không muốn nghe thêm, cụ Tú tặc lưỡi:
– Tùy đấy.
Bà Nhì sung sướng, nở một nụ cười:
– Vâng, thế là bác thương cháu lắm rồi.
Cụ Tú lại nói:
– Tùy đấy.
* * *
Năm hôm sau, vào buổi tối, cô Lễ đưa anh Thừa về nhà, hai người đi hai chiếc xe giương mui. Vì vậy hàng phố không ai chú ý.
Cô Lễ rón hai ngón tay gõ khẽ vào cửa. Cô phải gõ đến lần thứ ba, mạnh hơn, trong nhà mới có tiếng hỏi ra:
– Ai?
Cô không dám lên tiếng, lại gõ thêm lần nữa.
Cái lỗ tròn ở cánh của hé ra, rồi đóng ập ngay vào. Nhưng cửa chưa mở ngay. Cô Lễ hồi hộp, bảo anh Thừa:
– Chắc còn phải bẩm thầy đẻ.
Một lát sau, tiếng then kêu lạch xạch, rồi hai cánh cửa mở ra. U già nhìn cô, chào khẽ:
– Cô đã về.
Cô Lễ thấy cụ ông ngồi ở trường kỷ, và cụ bà đứng trước ngọn đèn đặt trên bàn. Bỗng cô òa lên khóc, chạy vào trước cha mẹ. Anh Thừa bẽn lên theo sau. Anh chắp tay, khom lưng, vái hai cụ. Cô Lễ ngồi thụp xuống đất, vừa khóc vừa lạy. Nhưng cụ Tú ông quay mặt vào phía buồng thờ, không nhìn. Và cố làm ra thản nhiên, cụ vẫn vắt một chân thõng xuống đất, đùi rung tít.
Cô Lễ vẫn khóc và vẫn lạy. Anh Thừa chắp hai tay, cúi gập đầu xuống, không dám cựa quậy. Cụ bà nhìn chồng và nhìn con gái, thì hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Không cầm lòng đậu nữa, cụ ngồi xuống trường kỷ, rồi gọi:
– Ông! Ông! Ông nghĩ lại cho con nó nhờ.
Nhưng cụ ông không nhúc nhích.
Cụ bà lại gọi:
– Ông! Ông!
Bỗng cụ ông, mặt vẫn quay vào trong, gọi như quát:
– Nghĩa đâu?
Cậu mợ Nghĩa từ nãy lánh mặt lên gác, thấy cha gọi, vội vàng thưa:
– Dạ.
Cậu rón rén xuống thang, không nhìn cô Lễ, không nhìn anh Thừa, đi thẳng đến gần cụ Tú. Cụ vẫn quay vào trong, nhưng trỏ tay ra phía ngoài:
– Bẩn mắt thầy lắm! Đuổi chúng nó đi!
Cô Lễ lại òa lên, và lạy.
Cậu Nghĩa chỉ nhìn chị. Cậu nhăn nhó, thở dài. Bỗng lại tiếng quát:
– Đuổi chúng nó đi! Nghĩa!
Cậu Nghĩa sợ tái mặt, vội vàng giơ cánh tay, đẩy anh Thừa:
– Đi ra!
Anh Thừa không biết làm thế nào, đành phải theo. Anh len lén chuồn ra cửa.
Trong khi ấy, cô Lễ nằm vật xuống đất, vừa nức nở, vừa kêu:
– Con lạy thầy, con lạy đẻ, thầy đẻ thương chúng con.
§12. Nhà con…
Cô Lễ xuống xe, một tay xách một xâu bảy con chim dẽ giun, một tay ôm năm quyển sách in. Thấy cô, cụ bà hớn hở:
– Bận gì mà mấy hôm nay vợ chồng không về?
Cô cười:
– Thưa đẻ, tại nhà con đi Bắc Giang. Mới về tối hôm qua. Nhà con mua được một chục chim dẽ, bảo con mang bảy con lên biếu thầy đẻ.
– Đi Bắc Giang làm gì?
– Để điều tra cái vụ ông phủ Yên Thế Đinh Quang Chiểu giết người ở rừng Cổ Cò.
Rồi cô ôm tập sách vào chỗ ông cụ ngồi:
– Thưa thầy, nhà con mới mượn được mấy quyển này, gửi lên để thầy đọc.
Cụ Tú vừa rung đùi, vừa tươi cười, đỡ tập sách. Cụ nhìn từng quyển: Ý-đại-lợi kiến quốc tam liệt truyện, Nhật Bản duy tân sử, Nhật Bản duy tân tam thập niên khảng khái sử, Mậu tuất chính biến, Cận thế chí quái kiệt. Cụ hỏi:
– Sách mượn của ai mà quý thế này?
Cô Lễ nghĩ một lát, rồi đáp:
– Hình như mượn của bác Đào Trinh Nhất, hay bác Nguyễn Thượng Huyền, con không hỏi rõ.
– Nguyễn Thượng Huyền là cử Huyền ấy à?
– Vâng, con cũng nghe nhà con gọi là bác cử.
– Thế thì là cháu quan hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền trốn sang Tàu với quan giải nguyên Phan Bội Châu đấy. Anh này đỗ khoa Mão, năm ấy đâu mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi.
Cụ ngừng một tí, rồi tiếp:
– Nhưng chả nối được chí quan hoàng. Nghe nói anh này chơi bời cả với bọn mật thám.
Cô Lễ ý muốn cãi:
– Bác ta làm báo với bác Đào Trinh Nhất.
Cụ hỏi:
– Không biết có phải Đào Trinh Nhất là con quan Đào Nguyên Phổ ở Đông Kinh nghĩa thục không nhỉ?
– Con không biết.
– Nếu phải thì anh này cũng gớm lắm đấy.
Rồi cụ nhìn tập sách, gật gù:
– Toàn sách quý. Chả biết họ kiếm ở đâu được, chứ ở hiệu Tam Hòa không bán những loại này.
– Con nghe nói gửi mua tận Thượng Hải đấy ạ.
Cụ trỏ bìa sách, rồi gật đầu:
– Phải, nhà in Thương vụ. Nhà in này to nhất nước Tàu, xuất bản toàn sách có giá trị. Trước kia thầy có được đọc vài quyển.
Cô Lễ hỏi:
– Thầy có còn bảo gì con nữa không ạ?
Cụ ngẩng nhìn cô:
– Con đi đâu?
– Không ạ. Con ra nói chuyện với đẻ, với hai em một tí, rồi lên chợ mua mấy thứ, kẻo muộn.
Em Nghĩa giai đi học. Em gái đi chợ. Cô ra nhà ngoài. Nhưng cụ gọi lại:
– À, cô bảo cậu ấy, nếu có thể nhờ ai mua được sách bên Thượng Hải, thì mua thêm mỗi thứ một quyển cho thầy. Đọc những sách này được mở mang trí tuệ hơn là đọc báo.
– Vâng ạ.
Ngừng một lát, cụ tiếp:
– Thầy vẫn định nhân hôm nào cậu ấy đến chơi, thì thầy bảo một việc. Thôi, nhưng mà thầy nói với con thì tiện hơn. Vợ khuyên chồng tốt hơn là bố vợ bảo chàng rể.
– Xin thầy cứ dạy.
– Báo Chấn Hưng ấy, con ạ. Ngày cậu ấy biếu thầy mấy số đầu, thầy chỉ đọc qua loa một tờ, thầy thấy cũng được vậy thôi, Nhưng đến cái ngày con lầm lẫn, thầy buồn, nên lại mở một tờ ra đọc, thì thấy thấy có nhiều mục hại đến đạo đức lắm. Hôm qua, thầy lại đọc thì thấy còn tệ hơn nữa. Thầy không biết cậu ấy cầm quyền chủ bút, mà sao lại cho đăng những bài như thế. Cô phải khuyên bảo cậu ấy thế nào, chứ làm báo như thế rồi thất đức đấy. Em Nghĩa bảo nhiều gia đình oán báo Chấn Hưng, vì làm hại con gái người ta lắm đấy.
Cô Lễ sực nhớ lại tâm sự của cô một tháng trước đây, khi đọc những bài dự thi về nữ quyển ở báo Chấn Hưng. Cô thở dài, rồi đáp:
– Con xin khuyên bảo nhà con. Nhưng con nghe nói thiếu niên nam nữ thích đọc báo Chấn Hưng hơn những báo khác.
– Tùy đấy. Là thầy nghĩ thế, thì thầy nói thế. Cổ động nữ quyền vẫn là nên, nhưng phải dạy cả tứ đức tam tòng mới được.
Không muốn đứng lâu với cha, để phải nghe cha vạch lỗi của người bạn trăm năm yêu quý, để cũng như bị những nhát búa rìu đánh vào lương tâm của mình, cô Lễ đáp:
– Vâng ạ.
Rồi không để cụ nói thêm, cô ra chỗ cụ bà. Cụ bà hỏi:
– Ông phủ Yên Thế giết người à?
– Vâng.
– Ác nhỉ.
– Bây giờ ông ấy phải tù rồi.
– Độ này nhà nước hay trị quan trường nhỉ. Vừa việc quan án Trinh ăn hối lộ, phải cách và phải tù, lại đến việc quan phủ Yên Thế giết dân.
Cụ ông ở trong nói ra:
– Dột từ nóc dột xuống. Muốn trị thì phải trị từ toàn quyền thống sứ trở xuống mới hết nhũng lạm được.
Cụ bà nói:
– Ban nãy thầy nói phải đấy. Báo Chấn Hưng người ta kêu nhiều lắm, cô ạ. Đẻ không biết thế nào, nhưng cứ muốn bảo cậu ấy thôi, đừng viết báo nữa. Đẻ thấy cái nghề ấy nó thế nào ấy. Nó lông bông, lang bang. Nó chỉ là cái nghề chân nâng. Mà đẻ nghe nói ai làm báo là đẻ nghĩ y như người ấy vô nghề nghiệp thôi. Sao cậu ấy không mở hiệu thuốc như trước. Vừa được phúc, vừa được tiền.
– Mở hiệu thuốc thì phải có vốn.
– Thế vốn trước đâu cả?
– Con không biết.
Cô ngập ngừng, rồi nói:
– Chính con cũng muốn nhà con đổi nghề. Viết báo thì làm việc thất thường, đêm thức ngày ngủ, ăn chả bao giờ được trọn bữa. Nhà con cứ bảo làm báo như bận con mọn. Xong bài cho số báo hôm nay, đã phải lo cho số báo ngày mai. Thành thử óc chả lúc nào được nghỉ. Có đêm ngủ cũng nói mê về báo. Nhà con không được khỏe, con sợ cứ thế này mãi thì ốm to. Mấy lị, còn bạn bè đến chuyện gẫu, lắm đêm con cũng phải thức theo.
– Khách cậu ấy thì cậu ấy tiếp, cô cứ việc đi ngủ có được không?
– Khốn nhưng cười nói rầm rầm. Vả nhà chật, không lẽ khách ngồi đấy, mà con nằm đấy, coi sao tiện! Con cứ lo cho nhà con, ăn ngủ thất thường, lại lắm hôm đi đến tận khuya mới về.
– Đi đâu?
– Con hỏi thì nói nghề làm báo phải thế. Có tụ họp bạn bè tán tỉnh với nhau, mới dễ nảy ra tứ làm thơ, làm văn. Viết báo là làm tai làm mắt cho quốc dân, mà cứ chúi ở xó nhà, thì nghe thấy gì, trông thấy gì.
Cụ bà nhổ bãi quết trầu vào ống phóng, rón hai ngón tay quệt mép, rồi nói:
– Cũng phải. Cho nên đẻ vẫn muốn cậu ấy đổi nghề đi thì hơn.
– Ý nhà con cũng không muốn làm báo lâu cho lao tâm lao lực. Nhưng chỉ vì ông sáng lập và anh em trong tòa soạn tốt, cho nên không nỡ bỏ người ta. Nhất là không có tiền làm vốn thì đành phải bó tay mà chịu hết.
– Thế vốn độ bao nhiêu thì đủ?
– Con không biết.
– Đẻ cứ tính như thế này. Thầy đẻ chả giàu có bằng ai, nhưng cũng được bốn cái nhà đấy, thầy đẻ chưa định cho con chiếc nào, nhưng chắc hai chị em thì mỗi người hai chiếc. Cái nhà ở Hàng Đào này là hương hỏa của các cụ để lại, là về phần em Nghĩa. Vậy cô xem ba chiếc kia, chiếc nào tiện thì lấy lại mà ở. Ở không hết thì cho thuê bớt. Còn một chiếc nữa, cứ cho người ta thuê, để lấy tiền mà ăn. Chả phải vất vả gì cả. Có hai vợ chồng son ấy mà.
Cô Lễ lắc đầu:
– Nhà con không nghe thế đâu. Nhà con là con người hiếu động, không làm việc không chịu được. Mấy lị chả lẽ trong nhà năm nào cũng chỉ có hai người thôi à?
Cô tránh nói tiếng sinh đẻ cho đỡ ngượng. Cụ Tú cười:
– Ừ nhỉ.
Cô thêm:
– Tính nhà con lại khái, không chịu mang tiếng là nhờ vợ, để người đời mỉa mai là chuột sa chĩnh gạo, là đào mỏ. Cho nên con định thưa với đẻ là con có nên bán đồ tư trang cho nhà con làm vốn để xoay nghề khác không?
– Sao bảo cậu ấy cũng mua được cái nhà ở đâu kia mà?
– Nhà với cửa đồ chết giẫm ấy! Chẳng qua nhà con thật thà, nên bị em bà huyện Gia Lộc nó lừa đấy thôi.
– Là bà cử Dần ấy à?
– Vâng. Bây giờ nhà con đẩy được cái nợ ấy đi rồi.
– Thế tiền bán nhà để đâu?
– Con không biết.
– Gì cũng con không biết! Là vợ thì phải biết việc của chồng để mà cùng lo lắng làm ăn chứ. Cô này dễ thường tất cả việc to việc nhỏ đều phó mặc cho chồng hết. Như thế là không phải. Mình là nội trợ, là nội tướng, phải giúp chồng việc nhà, để chồng làm việc nước chứ?