Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Vái xong ba vái, cụ lui ngồi trên trường kỷ, hai dòng nước mắt chảy xuống má. Cụ bàn với cụ ông:

– Sáng mai, chờ đến mười giờ, nếu không thấy con về, thì ông nên vào trong cậu mợ Nhì xem.

Cụ ông gật:

– Có lẽ thế. Có khi có điều gì trong bụng, nó nói với cậu mợ, mà giấu cha mẹ cũng nên.

Rồi cụ hỏi cậu mợ Nghĩa:

– Các con xem ý chị con độ này thế nào?

Cố nhiên mợ Nghĩa không biết gì, nên đứng im. Nhưng cậu Nghĩa dù có nghi chị của cậu với anh Thừa, thì vì sợ phải mắng, nên cũng không dám nói. Và cậu không nỡ đổ cho chị cái việc cậu còn ngờ, việc ấy lại không bao giờ có thể xảy ra ở trong một gia đình như gia đình này. Cụ bà bảo hai con:

– Sáng sớm mai, cậu tìm khắp nhà xem chị có để lại giấy má gì không, rồi cứ yên tâm đi học như thường. Còn mợ thì đi khắp các nhà họ hàng một lần nữa cho đẻ. Đẻ phải xuống Khâm Thiên, nhờ thầy Đắc xem cho một quẻ.

Thế là trong gia đình Phúc Lâm, ai nấy còn hồ đồ, và bán tín bán nghi mất đến hai hôm. Nhưng hàng phố thì chỉ trong một buổi sáng, người ta đã nhặt từng mảnh chuyện, chắp lại với nhau cho ăn khớp, để dựng lên sự thật: Cô Lễ đi theo trai.

– Chính mắt tôi, một lần trông thấy cô ấy đưa cái gì cho một anh ở trên chợ Đồng Xuân.

– Chính tôi bắt gặp cô ấy đứng sau rạp hát Tây ngoài Đồn Thủy, cười cười với một người mặc quần áo Tây, đeo kính trắng.

– Có lần lúc tám giờ tối, tôi thấy cô ấy đi bộ từ Hàng Bồ về Hàng Đào.

– Tôi ở trước cửa, nên tôi biết. Ít lâu nay, có một anh lẹm cằm, động qua lại nhà Phúc Lâm, là cứ dòm dòm vào trong.

Thế là tất cả đều đồng thanh:

– Ừ phải, lẹm cằm. Tôi nhớ ra rồi. Thôi, thế thì cô ta phải lòng anh lẹm cằm, và đi theo anh ấy rồi.

Người ta không biết anh lẹm cằm là ai, nhưng cùng kết luận câu chuyện như vậy.

Thế là tin cô Lễ theo anh lẹm cằm được lọt vào đến nhà Phúc Lâm. Hai cụ Tú biết anh lẹm cằm là ai rồi. Nhưng hàng phố đoán là anh sinh viên Cao đẳng học trường Lục lộ, sắp thi ra tham biện. Họ cho rằng anh này hỏi cô, nhưng hai cụ không bằng lòng, vì cớ anh ta góa vợ, nên anh ta quyến rũ cô.

Dần dần, những người ưu thời mẫn thế bàn với nhau, thử tìm nguyên nhân là vì đâu, một cô gái chín chắn là thế, bây giờ lại đâm ra đổ đốn làm vậy.

Người ta nhắc lại những vụ mấy cô tự tử xảy ra ít lâu nay ở hồ Gươm và hồ Trúc Bạch vì thất tình. Toàn là những chuyện yêu nhau không được lấy nhau, những chuyện gả bán ép uổng. Một người nói:

– Chỉ tại cái báo Chấn Hưng nó mở ra mục trưng cầu ý kiến về nữ quyền để nó làm hại con cái nhà người ta.

Một người khác thêm:

– Cả báo Trung Bắc lẫn Thực Nghiệp, thỉnh thoảng đăng thơ, đăng tiểu thuyết, như xui con gái đi theo trai ấy.

Một người khác nữa nói:

– Cho nên tôi cấm trẻ nhà tôi đọc báo với đọc tiểu thuyết. Lợi chả thấy đâu, thấy ngay cái hại trước mắt, là nó bỏ cả khâu vá, làm ăn.

Lời bàn tán sôi nổi hơn:

– Tôi mà là nhà nước, thì tôi đóng cửa các trường nữ học. Con gái biết chữ, chỉ tổ viết thư cho trai, chứ được tích sự gì. Mà trường nữ học dạy học trò ra làm cô giáo. Lớp cô giáo này lại dạy học trò ra làm lớp cô giáo sau. Thì ra mở trường nữ học chỉ dạy cho người ta làm cô giáo. Mà cô giáo thì toàn đồ hư hỏng, tập tọng dăm ba chữ, đã đòi bình đẳng với tự do!

– Nhưng cô giáo chưa hư hỏng bằng cô đỡ. Cô đỡ thì không cô nào không mất trinh với lão quan ba đốc tờ Lơ Roa Đề Ba[70]. Không cho nó chơi thì nó đuổi, không cho học, không cho đỗ, hoặc phải bổ lên mạn ngược. Mà con gái học thuốc, nhìn thấy đàn bà lẫn đàn ông trần truồng, lại học lẫn với con trai, đi tập sự với nhau ban đêm trong nhà thương, cho nên dễ chửa hoang lắm. (*[70] Le Roy Des Barres: bác sĩ, hiệu trưởng trường cô đỡ, Hà Nội.)

– Nhưng giá không có mấy tờ báo nó nống lên, thì cũng không đến nỗi hại lắm.

– Đúng thế. Nhất là báo Chấn Hưng. Không khác gì ông Dài[71] phun nọc độc. (*[71] Con rắn.)

– Sao mà nhà nước cứ để cho báo ấy ra mãi, không cấm phăng đi có tốt không?

– Nhà nước lắm việc, nghĩ đâu đến những điều ấy. Chỉ có ta đây này. Một là đừng đọc nó. Hai là ta đến tòa soạn bảo nó. Ba là nếu nó cứ chứng nào giữ tật ấy, thì ta thuê du côn vào phá tòa báo, khiền cho những thằng viết báo một trận cho mà chừa.

– Việc này thì phải bảo học trò trường Bưởi mới làm nổi. Họ đánh con Tây được, phá hiệu khách được, thì phá tòa báo An-nam nhảm nhí nổi thừa.

– Phải đấy. Chứ để báo Chấn Hưng thì còn vô số con gái nhà tử tế đi theo trai, với đánh đĩ, với tự tử.

– Mà con trai thì thành công tử bột.

* * *

Từ ngày tiếng dư luận là cô Lễ theo anh lẹm cằm lọt vào nhà Phúc Lâm, thì cái hình ảnh bình thường mấy chục năm nay của gia đình này mất hẳn đi. Ngày phiên chợ Đồng Xuân, cửa hàng không mở. Cụ Tú ông không ngồi ở trường kỷ. Cụ nằm suốt ngày trên mặt ghế. Đến mười hai giờ trưa, cụ không lên Đông Hưng viên ăn tỉm xắm và uống chè Long Tỉnh nữa. Hai cụ gầy tọp hẳn đi. Trong nhà yên lặng hơn trước. Thỉnh thoảng có nghe tiếng nói, chứ tịnh không có tiếng cười. Song, tiếng khóc và tiếng thở dài còn nhiều hơn tiếng nói.

Cậu Nghĩa chắc chắn là cô Lễ theo anh Thừa. Cậu đứng rình ở tòa báo Chấn Hưng, để dò xem anh Thừa về nhà riêng ở đâu. Nhưng cậu phải ngày hai buổi đi học, nên không thể làm được việc ấy chu đáo, cậu bảo mợ làm thay. Thì một lần, mợ về, mách rằng thấy anh Thừa gọi xe, mặc cả lên Yên Phụ. Mợ không dám thuê xe đi theo, vì sợ tối, và qua những quãng vắng.

Cụ ông thấy hai con bàn nhau, thì bảo:

– Vô ích! Mặc kệ xác nó! Biết chỗ nó ở thì làm gì? Thầy đẻ không có thứ con bất hiếu bất mục như thế!

Một hôm, bà Nhì Tòng ở trong nhà quê ra thăm hai cụ. Cụ bà khóc rưng rức:

– Anh chị nhục nhã với hàng phố, không còn dám thò mặt ra đường nhìn ai nữa. Xót xa, đau đớn quá! Mình muốn nó hẳn nó hoi, thì nó lại bôi gio trát trấu vào mặt mình!

Bà Nhì thở dài, an ủi cụ:

– Cũng là cái số nó thế, bác ạ. Chứ ai muốn một lầm hai lỡ làm gì. Chẳng qua là nó ăn phải bùa phải bả, cho nên mới dại dột như thế.

Rồi đến tối, lúc đi nằm, bà tỉ tê nói:

– Bác ạ, em ra đây, muốn thưa với hai bác một câu chuyện, nhưng thấy bác giai giận cháu quá, em không dám nói. Em nói với bác vậy.

– Vâng. Xin mợ cứ cho biết.

– Bác ạ, cháu Lễ mới về trong em hôm qua. Nó lạy van em, nhờ nói với hai bác cho nó về.

Cụ bà cựa, rên rỉ:

– Giời ơi!

– Thế này, bác ạ. Mẹ thì bao giờ cũng thương con gái hơn bố. Nếu bác hồi tâm thương cháu, thì bác lựa lời xin với bác giai cho vợ chồng nó về.

Cụ bà lại rên rỉ, nói giọng đay nghiến:

– Vợ chồng nó về!

– Vâng, để vợ chồng nó lạy tạ hai bác tha thứ cho chúng nó. Người ta đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh kẻ chạy lại. Nó như thế là hư thật, nhưng thế là chúng nó thành vợ thành chồng rồi. Nó chẳng được cha mẹ đặt để cưới xin, là nó chịu thiệt vì nó dại rồi. Nhưng con người ta tránh chẳng khỏi số. Bây giờ Nguyệt lão đã xe cho chúng nó, mình là cha mẹ, cũng phải đành, chứ biết làm thế nào. Đằng nào chúng nó cũng là con mình, rể mình. Mình không nhận thì thiên hạ cũng nhận. Vả lại, em nhìn mặt mũi thằng chồng, thấy cũng là đứa hiền lành, đứng đắn. Em nghe cháu Lễ nói, thì ra nó làm rể hai bác cũng xứng đáng, chỉ có một tí tội, là chúng nó dám vượt quyền hai bác thôi.

Cụ bà nhắc lại:

– Nó đến lạy van cậu mợ, nhờ xin với anh chị cho vợ chồng nó về?

– Vâng. Để lạy tạ hai bác tha thứ cho chúng nó.

Cụ Tú ngồi dậy, sờ tráp, lấy miếng trầu để ăn, rồi thở dài:

– Nó chờ mợ ở trong nhà à?

– Không. Vợ chồng nó ra Hà Nội ngay.

– Nó ở phố nào, mợ có biết không?

– Em có hỏi, nhưng chúng nó giấu.

– Thế thì làm thế nào nó biết là anh chị có cho phép chúng nó về hay không?

– Nó hẹn vài hôm nữa lại vào trong nhà.

Cụ Tú yên lặng. Bà Nhì nói:

– Em xem ý hai đứa thương yêu nhau lắm, cho nên tuy em giận, nhưng cũng mừng cho nó. Vợ chồng lấy nhau cũng chỉ đến yêu thương nhau là ăn ở với nhau được suốt đời. Em nghĩ rằng cháu Lễ nó nhiều tuổi, biết suy xét, cho nên việc trăm năm của nó, nó phải tính toán kỹ lưỡng, chứ không phải lên năm lên ba gì mà gọi là bị quyến rũ. Vì vậy, em nhận lời với nó, ra nói với hai bác hộ nó.

Cụ Tú sụt sịt:

– Mợ thử nghĩ mà xem, vào địa vị mợ, thì mợ xử thế nào. Anh chị hiếm hoi, được có tí giai tí gái, cho nên anh chị phải kén cho nó một người chồng xứng đáng, để anh chị cho ở rể, vui cửa vui nhà. Thế mà bây giờ nó vượt quyền cha mẹ. Làm thân con gái mà mang tiếng theo giai, có phải nhục nhã suốt đời, mà bêu riếu cha mẹ hay không?

– Thôi, nhưng mà cháu nó trót dại, nay đã biết hối, thì mình là cha mẹ, nên đánh cho hai chữ đại xá. Nó đến nhà em ra nói với hai bác. Em chỉ nghĩ rằng tại sao nó không nhờ người khác, lại nhà em. Hẳn nó tin rằng em nói thì hai bác nghe hơn là người khác nói. Vì vậy, em nhận lời. Bác ạ, kể hàng các cháu nội ngoại của các cụ nhà ta, thì cháu Lễ là lớn tuổi nhất. Ngày còn cụ bà, cụ yêu cháu nhất đấy. Cho nên, em nhớ đến cụ bà, mà ra đây xin hộ cháu.

Cụ Tú thở dài:

– Thôi, mợ nói thì chị nể, nhưng chị chả biết nghĩ thế nào. Việc ấy, quyền ở anh. Chị mà bằng lòng, sợ anh gắt.

– Bác giai thì lành như cục đất, thế nào chả xong, cốt ở bác ấy chứ. Mai, em thưa chuyện với bác giai, bác nói vào cho một câu là được, để em về, kẻo việc nhà còn bề bề ra đấy.

Cụ Tú không đáp.

Sáng hôm sau, bà nhì Tòng dậy sớm, ngồi uống nước với hai cụ Tú, rồi đắn đo mãi, mới dám nói việc cô Lễ với cụ ông. Nhưng cụ ông xua tay:

– Thôi. Tôi không nghe. Rờm tai! Rờm tai!

Bà Nhì cứ nói. Bà viện hết những lý do đã thuyết phục được cụ bà đêm trước, rối liếc mắt, để nhắc cụ bà xin hộ. Nhưng cụ bà chỉ sụt sịt khóc. Cụ ông nói:

– Anh chị nể mợ thì nể những việc khác. Còn việc này là việc gia đình của anh chị, xin mợ mặc anh chị. Anh chỉ nhờ mợ nhắn nó một câu, là nếu muốn về, thì sắm lấy con dao găm, một mình nó về trước, để thí cho cha mẹ và hai em mỗi người một nhát, rồi hãy đưa thằng kia về.

Bà Nhì dịu dàng:

– Chết, sao bác lại dạy thế?

Cụ ông nhăn mặt:

– Thì tôi đã bảo rờm tai, tôi không nghe kia mà!

Một lát, cụ tiếp:

– Dư luận hàng phố đã yên rồi. Nay hai đứa vác mặt về, để hàng phố lại ầm lên phen nữa à? Anh chị già rồi, chịu nhục một lần thôi chứ. Chịu đến lần thứ hai, để mà ốm chết à?