Anh Thừa cười:
– Thưa cụ, đành vậy. Chính chúng tôi cũng mới bước chân vào nghề. Và ở nước Nam mình, nghề làm báo quả là nghề mới, thì ai dám tự khoe mình là biết, là quen. Chỉ có rằng người kiến thức và nhiệt thành, thì tự đặt cho mình cái nhiệm vụ đưa đường chỉ lối cho quốc dân, dùng tờ báo làm lợi khí truyền bá tư tưởng. Thế thôi!
– Nhưng tôi tự xét mình, xưa kia thì tầm chương trích cú, học cái lối ấy không ích lợi cho ai, mà còn có tội nữa, vì nó làm cho mất nước. Cho nên bọn nhà nho chúng tôi chỉ là lũ phế nhân. Cái năm còn Đông Kinh nghĩa thục, cũng có người được thâu thái học thuật mới của Khang, Lương, và của các danh sĩ Âu châu. Nhưng bây giờ, những sách ấy hiếm lắm. Lại nhìn rộng năm châu, đến nước người ta, không phải họ loanh quanh chỉ có một dúm sách mà Tàu dịch đâu. Nếu nói về nhiệt thành, thì lâu nay chúng tôi sức lực kém cỏi, mà nói về sở đắc và tài năng, thì thật không có gì.
Anh Thừa đáp:
– Thưa cụ, chúng tôi coi cụ như phụ trấp. Nếu các bậc tiền bối mà nghĩ như vậy, thì bọn hậu sinh chúng tôi tự xét mình, rất đáng xấu hổ. Vì chúng tôi tuy có may mắn, hấp thụ được học thuật mới thật, nhưng về mặt lịch duyệt, mặt chín chắn, thì chưa bén gót các cụ. Thế mà cũng dám ra làm báo, giúp nhà nước khai hóa quốc dân. Sở dĩ chúng tôi dám mạnh dạn, chẳng qua là do bầu nhiệt huyết tích lũy đầy mấy năm nay, phải đem ra mà tưới.
Cụ Tú gật đầu:
– Vâng, chúng tôi biết là tương lai nước Nam phải để phần các ngài tạo nên. Chúng tôi xin đứng ngoài, đốt đuốc châm hương mà cổ võ.
– Thưa cụ, nếu cụ không nhận viết bài mới, thì cụ cho độc giả chúng tôi được thưởng thức thơ văn của cụ vậy.
Cụ Tú lại cười:
– Thơ văn của chúng tôi làm thì có ích gì cho đời? Chẳng qua lúc nhàn rỗi thì ngâm vịnh cho qua ngày tháng mà thôi. Bản thân tôi cũng ít làm thơ. Ngày còn sinh thời ông Tú Vị Xuyên, tôi có vịnh một ít bài, gọi là trong bạn hữu, chơi vui với nhau cho quên thế sự. Ngày còn Đông Kinh nghĩa thục, tôi có làm dăm bài cảm khái. Nhưng lâu ngày, bỏ đi, tôi quên cả rồi.
Bỗng cô Lễ vào, nói với cụ Tú:
– Thưa thầy, đẻ bảo con đến chú Cả Hàng Đường có tí việc, thầy có dặn gì không ạ?
– Không dặn gì. Nói chú có rỗi thì thầy mời đến chơi thôi.
Cụ Tú còn nói thêm về văn chương là phù phiếm, không thiết thực, không bổ ích cho đời. Nhưng từ lúc cô Lễ ra cửa, thì anh Thừa không còn tâm trí mà nghe cụ Tú nữa.
Đầu óc anh để vào cô Lễ, như lẽo đẽo theo cô đến phố Hàng Đường. Có phải đây là câu cô hẹn hò với anh không? Nhưng không lẽ ngồi trước cụ Tú, anh vờ nghiêm trang như nghe, mà lại không chú ý một tý nào xem cụ nói gì. Cho nên anh đáp:
– Thưa cụ, thế thì chúng tôi chỉ còn chút hy vọng, là xin cụ quan tâm đến tờ báo của chúng tôi. Chúng tôi sẽ gửi báo biếu mãi mãi. Được cụ đọc cho, là hân hạnh quá rồi. Nếu sau này, cụ có tư tưởng gì hay, cho gọi chúng tôi lại hầu chuyện, chúng tôi xin ghi để đăng báo. Nếu cụ có bài thơ nào đắc ý, xin cụ cứ gửi đến tòa soạn, chúng tôi rất hoan nghênh.
– Cảm ơn ngài, tôi chỉ e phụ bụng ngài.
Rồi cụ cười:
– Thà phụ xã hội còn hơn để xã hội phụ mình.
Anh Thừa thở dài, đứng dậy:
– Thì giờ chúng tôi ít ỏi. Hôm nay được hầu chuyện cụ, chúng tôi tiếc rằng không được ngồi lâu hơn nữa. Vậy xin cụ cho chúng tôi cái ân huệ là thỉnh thoảng, nếu có điều gì muốn thỉnh giáo, chúng tôi được phép đến đây, nhờ cụ dạy bảo cho.
– Không dám. Nếu các ngài rỗi, mời các ngài cứ đến chơi, tôi rất lấy làm hoan hỉ.
Anh Thừa ra cửa. Cụ Tú đi tiễn. Anh chào cụ bà. Rồi trước khi chào cụ ông, anh nói:
– Chúng tôi gửi lời cụ hỏi thăm cậu Nghĩa.
– Cảm ơn ngài. Độ này buổi tối, cháu hay đến nhà các bạn để học.
– Chúng tôi được quen cậu trong vụ tẩy chay đấy ạ. Thật là một người ngoan nết. Chúng tôi coi như em ruột.
– Dạ. Cũng xin gửi lời thăm cụ Điều.
Anh Thừa sững người, nhìn cụ Tú:
– Thưa, cụ Điều chúng tôi không ở Hà Nội nữa. Cụ đã vào Huế từ lâu, sung vào viện Thái y. Hoàng thượng vời mãi mà không vào thì không phải đạo!
Cụ Tú cười:
– Bây giờ tôi mới biết. Cụ kín đáo thế đấy.
Anh Thừa dạ, rồi chào:
– Xin lạy cụ.
– Không dám, chào ngài.
Hai người vái nhau.
Anh Thừa đi thong thả cho quá nhà cụ Tú, rồi cắm cổ bước thật mau, một mạch đến hết Hàng Ngang.
Anh đứng chờ ở ngã tư, lòng khấp khởi.
Cô Lễ không còn lối khác để về Hàng Đào. Thế nào cũng gặp nhau.
Anh với cô, ai vui sướng hơn ai?
* * *
Anh Thừa đứng đợi, mắt nhìn thẳng suốt đến hết phố Hàng Đường. Anh không để ý những người đi bộ trên vỉa hè, mà chỉ nhìn vào những chiếc xe chạy ở đường. Anh biết rằng những cô gái nhà thi lễ như cô Lễ, ban tối, không đi bộ một mình ở phố, mà phải đi xe, cho bọn công tử bột nó khỏi theo để bờm xơm. Và tất là xe sắt, vì chỉ người ăn chơi mới đi xe cao su. Vả dù không nắng mưa, nhưng thế nào xe cũng phải giương mui cho kín đáo.
Trong đầu óc của anh bây giờ mới nảy thêm một ý nghĩ, là cố lấy cho được cô Lễ làm vợ ngay. Không phải chỉ vì cô có hai cái nhà gạch, đem cho anh cái vốn để làm lại cuộc đời, mà còn để báo thù cái ông thầu khoán lõi đời. Ông này đã mua rẻ cái nhà của anh để buôn sự lừa lọc của Hội bảo hiểm mà lấy lãi. Nhưng muốn có nhà, ông ta đã phải bỏ vốn bằng tiền. Còn anh, lấy được cô Lễ, anh chỉ phải dùng có ngọn lưỡi mà chiếm được những hai cái nhà và một người, vậy thì một già một trẻ, ai thắng ai, ai đáng phục hơn ai?
Bây giờ hạnh phúc sắp đi qua, lại sẵn sàng để anh tóm lấy, mà anh buông trôi mất, thì anh hèn lắm, không đáng sống nữa.
Quả nhiên, một lát sau, cô Lễ đi xe sắt giương mui, sắp đến ngã tư. Anh Thừa hồi hộp. Giờ phút này là giờ phút hệ trọng, nó quyết định tương lai của anh đây. Anh phải ghì ngay lấy nó. Anh vội vàng ra tận giữa đường, giơ một cánh tay để ngăn xe lại. Anh làm như hai người trong một gia đình bảo nhau về công việc:
– Cô đã mua được chưa? Ở hiệu Nhân Hòa đường Hàng Buồm có đấy. Cô đến mà chọn.
Từ thuở bé, cô Lễ chưa nói dối ai bao giờ. Nhưng lần này, nếu cô e ngại với lương tâm, thì phụ trái tim. Cô lúng túng, không bảo người phu xe hạ càng, cô bước ngay xuống đất.
Rồi ngượng nghịu, cô trả tiền xe, đi thẳng sang Hàng Buồm, không quay lại sau, xem anh Thừa có theo không.
Cố nhiên anh Thừa đi theo cô. Đến hiệu Nhân Hòa, cô vào trước.
Vì lúc ấy, hiệu bào chế đông khách đến cân thuốc, cho nên thấy anh Thừa đứng cạnh, cô có thể tự nhiên được.
Anh Thừa vừa nhìn vào tủ hàng, vừa nói khẽ:
– Cô đi quá đến phố Mã Mây, tôi cần nói chuyện nhiều.
Đầu không nhúc nhích, cô trả lời:
– Không tiện.
– Hay sang phố Phúc Kiến, cũng vắng.
– Không tiện.
– Hay sáng mai, cô đến tòa báo. Buổi sáng, không có ai. Cô làm như đến mua báo dài hạn.
– Không tiện.
– Bao giờ tôi có thể gặp riêng cô, ở đâu?
– Thôi.
Anh Thừa im một lát, rồi hỏi:
– Viết thư có được không?
Cô Lễ không đáp. Anh Thừa lại hỏi:
– Làm thế nào để đưa thư được?
– Ở đầu phố, như ban nãy.
– Tối mai nhé.
Cô Lễ lắc đầu.
– Ngày kia nhé.
Cô Lễ thở dài, rồi hơi nhúc nhích đầu để gật.
Anh Thừa được nhẹ nhõm cả người.
Cô Lễ vờ đi ra chỗ khác xem hàng một tí, rồi quay nhìn anh Thừa và ra đường. Anh Thừa theo sau. Cô gọi xe, mặc cả hai xu về Hàng Đào, bảo giương mui, rồi lên ngồi trên đệm. Xe đi, tiếng bánh sắt lọc cọc trên đường đá bé dần, tiếng trống thình thịch trong ngực của anh Thừa cũng bé dần.
* * *
Dùng chữ nghĩa để viết vào giấy cho thành văn, là một việc mà từ thuở bé, anh Thừa chưa hề làm. Huống hồ lại viết cho cô Lễ bức thư đầu tiên, thì cố nhiên không thể nôm na như những bài quảng cáo mà anh đã phải nặn óc mãi mới làm nổi. Phải là con nhà văn tự, quen làm văn, làm thơ, mới nghĩ nổi những câu hay, đáng trao đến tay người ngọc.
Anh Thừa không dám nhờ ông nhà thơ lão thành Tình muôn thuở, vì ông ta bận, lỡ cứ ừ bừa, rồi không viết, thì hỏng việc lớn của anh. Anh mượn Tiêu Lang viết hộ, đưa cho dăm đồng, gọi là nhuận bút. Tiêu Lang vốn thạo viết thư cho gái, vì ngay từ ngày còn đi học ở trường Cố, anh ta đã chép được vô số mẩu thư tình vào một quyển vở dày, cho nên nhận giúp ngay.
Sáng hôm sau, anh nhà báo trẻ tuổi trao cho anh Thừa bản thảo.
Anh Thừa đọc đi đọc lại, gật gù khen:
– Hay lắm! Văn chương bay bướm thế này mà có năm đồng bạc. Rẻ lắm! Mày ít tuổi mà đã biết đem thiên tài để phụng sự nghệ thuật hơn là đồng tiền! Tao phục!
Tiêu Lang sung sướng:
– Bức thư tao viết hộ mày, cho nên tao chọn đằng hạng nhất đấy nhé.
Anh Thừa gật đầu:
– Tao biết. Nhưng tao muốn nhờ mày giảng cho một vài câu tao chưa hiểu nghĩa.
Tiêu Lang bĩu môi:
– Mày ngốc quá! Văn chương thì ý tại ngôn ngoại. Nguyễn Du viết: Làm cho hại, cho tàn, cho cân. Đến bố Tây cũng không giảng nổi từng chữ Cho, nhưng cứ phải khuyên như đổ son vào thôi! Mày chỉ việc chép nguyên văn bức thư này, rồi gửi đi, đứa nào không cảm, tao cứ ăn cứt!
Một lát, anh ta tiếp:
– Trừ phi nó không cầm, mình mới tiếc công thôi.
Rồi cao hứng, anh ta dạy:
– Đi chim gái mà quẳng thư cho gái, tao sợ nhất cái con nó không cầm thư. Còn nó đã cầm, mà dù nó xé ngay trước mặt mình cho mình trông thấy, thế là nó bằng lòng đấy.
– Sao?
– Nó không cầm thư, thì mình chả hiểu nó nghĩ thế nào. Chứ nó xé, tức là có tỏ ý rồi đấy. Con Tuyết Mai của tao, ngày mới đầu, thấy tao đưa thư, còn chửi tao kia, chứ đừng tưởng dễ. Thế mà sau, tao cũng chinh phục được em. Kiên tâm chịu mặt dày là phương châm chim gái của tao. Nghệ thuật này, tóm tắt lại, có mấy tiếng ấy.
Anh Thừa tặc lưỡi:
– Không trách người ta bảo tương lai nước Nam không kém hèn. Các cụ nhà ta ngày trước không nghĩ được như mày bây giờ đâu. Con hơn cha là nhà có phúc!
Tiêu Lang đắc chí:
– Cái đó đã hẳn. Cho nên tao muốn xui không mày điều này. Là phàm thư viết cho gái, bao giờ cũng nên sao thêm ra một bản nữa.
– Để làm gì?
– Để ngộ nó có xé, thì có bản sao mà chép nguyên văn, để đưa lần thứ hai. Vả lại, một đời tài trai, có phải chỉ chim có một con thôi đâu. Cho nên có giữ được bản sao, thì đến đứa sau, mình lại dùng.
– Khôn quá! Khôn quá! Thật là bài học tuyệt trần!