Mấy lần đầu thì đâu vào đấy thật. Nhưng những lần sau, thế nào hành khách cũng ỉ eo. Người phàn nàn thầy ký trả lầm, thiếu mất một hào. Trình thầy ngay lúc ấy, thì thầy bảo chốc nữa, vì còn đương bận phát vé. Đến chốc nữa, vào kêu, thì thầy đổ lầm lẫn là ở mình, thầy không biết. Người ca kiết rằng thầy ký có khối xu lẻ, cất trong ngăn kéo, thế mà trả lại tiền thừa, thầy nói là không đủ, chịu của người này một xu, của người kia hai xu, chả biết bao giờ mới đòi được. Cho nên mỗi bận ông sếp ga đi vắng, thì y như đến buổi chiều, anh phu kíp nhà ta phì phèo thuốc lá, nét mặt hớn hở như một người phát tài. Anh ta thích thứ thuốc mê-li-a bọc bằng giấy bóng đỏ, vì mua gói nào cũng được thêm cái ảnh đầm cởi truồng.
Dư luận về anh phu kíp đến tai ông sếp Sơ. Ông không dám cả tin anh nữa.
Anh ta đến Đồng Đăng, có đem vợ con đi theo. Đứa con gái sáu tháng trông rất kháu. Nó lành như cục đất. Bú no xong, là nằm cười toét mồm một mình, rồi một lúc, ngủ khì. Ông sếp nhớ con, nên yêu nó lắm. Ngày nào, ăn xong cơm ông cũng gần nó một lúc. Ông khen nó giống mẹ nó.
Thật thế, chị Kíp không đẹp cũng không xấu. Con gái nhà quê mà như thế thì là có duyên đấy. Chị hiền lành, thật thà. Chỉ phải cái tội ít nói, mà ăn nói thì cộc lốc, cục cằn. Thấy lương chồng có sáu đồng một tháng không đủ, chị buôn bán thêm cặp vào. Chị mở hàng nước và quà bánh ở ngay trước cửa ga. Mỗi tháng lời lãi kiếm thêm được hai, ba đồng.
Đáng lẽ một gia đình hai vợ chồng trẻ và một đứa con thơ thì êm hòa, vui vẻ lắm mới phải. Nhưng đằng này, trái lại, anh chị lục đục với nhau luôn. Hai người hay cãi nhau nhất là về việc anh chồng mê đánh bạc ở sòng, vợ can bảo thế nào cũng không nổi. Hôm thua, chồng về cáu kỉnh với vợ con. Hôm được cũng không yên chuyện. Anh ta có tiền thì chè chén ở đâu, mồm sặc mùi rượu, về cũng gây sự với vợ.
Ông sếp Sơ ở xa gia đình nên nhớ vợ nhớ con. Nay nhìn thấy một người xử với vợ con như vậy, ông càng nhớ vợ con mình và thương vợ con người, ông muốn gia đình anh Kíp được yên ấm để nỗi quạnh hiu trong lòng ông được vợi đôi chút. Cho nên ông lấy tình thân là người cùng tỉnh, khuyên bảo anh. Vì anh Kíp chỉ bằng tuổi con ông Sơ, lại sợ ông là người trên, tư nốt-xê anh, cho nên anh ngồi im lặng, chẳng nói chẳng rằng. Vả ông ngọt ngào, giảng giải hết lẽ:
– Tôi vẫn biết là chị ấy ăn nói vụng về, nhưng phốt[4] là phốt ở anh nhiều hơn. Sòng bạc có phải là chỗ cho mình kiếm tiền đâu. Nhà nước mở ra nó để lấy hồ thay cho thuế, vì trên này người thưa, ruộng ít. Cho nên ở các tỉnh miền ngược, chỗ nào có đông người là có sòng. Tôi ví dụ anh đánh bốn mươi tiếng bạc, hai mươi tiếng thua, còn hai mươi tiếng được. Thế thì anh có lấy lại hòa vốn không? Không. Anh chỉ còn mười chín đồng. Bởi vì mỗi đồng bạc được giam, anh phải trừ ngoém mất năm xu hồ. Cờ bạc là bác thằng bần. Cần tiền đánh bạc thì đi vay chày, vay cối, ăn bớt ăn xới của công, hoặc lấy cắp tiền ăn của vợ con. Chỉ kẻ dại dột mới đâm đầu vào sòng, để rồi xỏ chân vào cùm. Ta có học, là phông-xon-ne[5] nhà nước, đàn đúm làm gì với những kẻ dại dột cho mang tiếng? (*[4] Phốt: lỗi. *[5] Phông-xon-ne: viên chức.)
Y như ông bị sếp đi guốc vào trong bụng, anh Kíp có tật giật mình. Anh buộc chỉ cổ tay, thề rằng hễ ông còn nghe nói anh vào sòng nữa, thì anh cứ xin làm kiếp chó ăn cứt.
Ông Sơ thấy lời mình có công hiệu thì mừng lắm. Ông bày cho chị Kíp cách buôn bán có lời hơn, để anh Kíp khỏi sốt ruột về chuyện túng tiền mà quay lại sòng, hòng dậy hóa. Sẵn xe lửa đó, ông bảo chị nhờ mua lên những thứ ở trên này hiếm, là muối và thuốc lào. Để đem vào các bản đổi lấy thóc lúa, gà vịt, mật ong, v.v…
Thấy vợ làm được đồng ra đồng vào, anh Kíp biết ơn và quý mến ông Sơ. Một hôm, vui miệng, anh nói:
– Thú thực với cụ, ngày trước, cháu mê đố chữ, có phải là mong có một hai đồng bạc để tiêu vặt đâu. Cháu chỉ muốn kiếm ngay một cái vốn khá để theo gót ông chánh Cừ, Ông đội Tri. Làm cái khoản ấy, phát tài lắm, cụ ạ. Rồi bị thua tháy mãi, cháu bực mình, mới lập tâm kiếm tiền bằng cách khác. Cháu định dò đích xác được chuyến buôn lậu nào là cháu đi báo để lĩnh thưởng. Có món hỏa hồng to này mới tính đến chuyện to được. Thấy của thiên hạ, cháu cứ ngốt lên, cụ ạ.
Muốn anh Kíp đừng có thì giờ bỏ không để nghĩ đến làm bậy, ông Sơ lại tập cho anh thói quen giống mình, là bắt nghiện nhật trình, ông nói:
– Thích cái này thì tự khắc mất hết những cái thích khác.
Ý ông muốn nói là văn chương, thời sự, đăng trong tờ báo.
Anh Kíp chiều ông Sơ, nhưng ngày nào cũng đọc báo mà anh không thấy được mở mang trí tuệ. Là vì động cầm đến nó, y như rằng anh buồn ngủ díp mắt lại. Thấy chồng đặt báo lên bụng, ngáy pho pho, vợ anh cằn nhằn:
– Xem nhật trình bằng mắt, chứ xem bằng rốn, thì chó cũng làm được.
Ông sếp ga cười:
– Thà ngủ cho béo mắt còn hơn đi đánh đeo với bạn xấu. Thế mới biết, đối với ai, tờ báo cũng có ích.
Có một lần, anh Kíp bộc lộ về lối đọc báo của anh:
– Chả giấu giếm gì cụ. Cháu không xem được những bài dài, cụ ạ. Cháu cũng biết rằng văn chương, ý tứ cao xa thâm thúy thật, nhưng cháu thấy buồn lắm. Cháu nể cụ thì cháu cầm tờ báo, chứ sự thực, cháu chỉ xem những quảng cáo.
– Thì cũng tốt chứ sao. Để biết ở Hà Nội hàng nào bán ở đâu, khi mình về, đi mua, đỡ phải tìm. Trong một tờ báo, mục nào chả có ích.
Anh Kíp lắc đầu:
– Hàng nào à? Bán ở đâu à? Toàn thuốc lậu với tiêm la, cụ ạ. Cháu thuộc lòng hết cả. Ai lại một tờ báo bốn trang, mà đến hai trang rưỡi là quảng cáo. To nhỏ 17 cái quảng cáo, thì 15 cái là thuốc. Mà trong 15 quảng cáo thuốc, 13 cái bán thuốc chữa bệnh phong tình, 2 cái bán thuốc cai nha phiến! Bất cứ hôm nào rỗi, cụ mở ra mà đếm, không đúng thế, cháu cứ đi đằng đầu!
Ông sếp Sơ khuyến khích:
– Anh thuộc lòng những quảng cáo cũng được. Hễ chán quảng cáo, anh phải đọc sang mục khác.
Anh Kíp cho là có lý, song vẫn nói:
– Nhưng buồn lắm cụ ạ. Cháu chỉ ngại hay đọc nhật trình thì dễ ngã nước.
Ông Sơ không hiểu, hỏi, thì anh giảng:
– Tại dễ ngủ.
Một hôm, ông Sơ đi bắn một mình đến tối chưa về, anh Kíp chờ cơm mãi, mới nói đùa với vợ:
– Dễ thường cụ cứu được một chú bị Tàu bắt cóc nữa, hay lại bị thổ phỉ nó bắt cóc sang Tàu rồi.
Chị Kíp gắt:
– Ỉa vào mồm thầy cái đĩ nói càn!
Lúc ông sếp ăn cơm, ông kể chuyện vì sao ông về chậm:
– Tôi về sớm, nhưng tại lúc lội qua suối, chân tôi vấp phải một cái gì răn rắn, tròn tròn, đương trồi ở dưới nước. Tôi cúi lấy lên xem, thì ra là cái đầu lâu.
Anh Kíp trợn tròn mắt:
– Ô! Thế thì may cho ông chánh Cừ nhỉ.
Sở dĩ anh Kíp biết ngay đầu lâu này là của bố chánh Cừ, là vì từ sáng đến giờ, Đồng Đăng đồn ầm lên về việc mả bố lão này bị quật và mất cái hoa. Người ta biết cả người đào là đội Trí. Vì hai tay buôn lậu này vốn vẫn hiềm khích với nhau, ít lâu nay vốn triệt nhau ra mặt. Ông sếp gật đầu:
– Còn của ai vào đấy nữa. Cho nên tôi mách cho ông chánh Cừ đi mà tìm về.
Chị Kíp gật gật:
– Phúc ông ta mà được cụ thấy hộ, chứ không, nó trôi mãi về xuôi, thì nhà ấy chỉ có mà lụn bại.
– Ông ta có mời tôi ở lại ăn cơm, nhưng tôi không ở. Tôi sợ về chậm, anh chị chờ.
Anh Kíp im lăng một lát, rồi tặc lưỡi:
– Đồ chó đá! Thế mà chỉ mời được bữa cơm.
– Thì cũng là tình cờ, chứ mình có định bụng giúp người ta đâu mà kể là ơn huệ?
Anh Kíp hút thuốc lào. Bỗng anh sực nghĩ ra một ý. Anh vội vàng dựng điếu, ngồi xổm lên trước mặt ông Sơ:
– Cháu tiếc rằng cháu không vớ được việc này. Phải tay cháu ấy à, thế nào cháu cũng xoay cho lời tiền ra cháu mới bảo. Mà cháu ăn cả của nhà chánh Cừ lẫn nhà đội Trí, chứ không tha. Hoài của, cụ vứt đi mất toi một trăm bạc. Hai thằng cùng đểu, cho một vố cũng đáng đời.
Rồi anh bày cái mưu của anh:
– Cháu như cụ, thì cháu cột cái đầu lâu lại, dúi nó vào trong bụi, để giấu đi đã. Rồi cháu đánh tiếng bảo chánh Cừ đến nhờ cụ bấm cho một quẻ độn.
Ông sếp cười:
– Tôi có biết bấm độn đâu?
– Có ai dám ngờ người thạo tử vi mà lại không biết bấm độn không nào? Cụ lấy cho đủ ba chục bạc. Nếu không đủ, cụ dọa rằng quẻ không ứng. Lúc ấy, cụ hãy thắp hương, suỵt soạt khấn khứa, giả vờ nói hươu nói vượn một lúc, mới bảo đến nơi là hiện nay vong linh ông cụ đương bị ngâm dưới nước về hướng đông nam, hay tây bắc gì đó.
Anh chép miệng tiếc món hoạnh tài:
– Cụ không thạo cái món giả vờ, chứ cháu mà lòe ai, thì cứ y như thật, đố ai dám ngờ.
Chị Kíp ôm con vào lòng, dấm dẳn nói với nó:
– Thế là thầy mày mới được có ba chục. Những một trăm kia mà, đĩ nhỉ.
Anh Kíp quay sang vợ:
– Phải rồi. Thế tao hãy hỏi mày, khi chánh Cừ tìm được đầu lâu bố rồi, nó có đi trình Châu không, và có kiện thằng đào mả là đội Trí hay không? Hẳn không đời nào nó cam tâm mà ngồi yên. Thế là, cụ ạ, cháu xoay đến đội Trí. Thằng này mà nghe tiếng cháu bấm độn giỏi, tất thế nào cũng mò đến tìm cháu. Nếu nó không tìm cháu, thì cháu tìm nó. Cháu sẽ bảo cho nó biết số nó tháng này có hạn quan tụng lớn. Cháu dọa nó, những là sạt nghiệp với tù tội, cho nó mất vía lên, mới vẽ cho cách gỡ, là cúng giải hạn được, vì có sao gì, sao gì đó cứu mệnh. Cháu khoét cho đủ năm mươi đồng. Cháu mua lăng nhăng mấy cái mũ giấy, mấy con ngựa giấy, rồi ê a cúng dềnh dàng độ một giờ đồng hồ thôi.
Ông sếp Sơ cười:
– Thế là biết tử vi thì biết cả bấm độn lẫn làm thầy cúng! Ngộ chánh Cừ cứ kiện, quan xử đội Trí thưa thì làm sao?
Anh Kíp cau mặt, vênh váo đập tay vào áo mình:
– Thì tiền thấy bỏ túi rồi, sống chết mặc bay chứ? Nó có trách, thì cháu đổ là tại nó không thành tâm. Phải sửa lễ khác để cúng thêm. Lại moi được chục bạc nữa, không biết chừng. Nhưng nói thế thôi, chứ lấy tiền cũng nên lấy cho có nhân, có nghĩa. Chánh Cừ mà muốn kiện đội Trí, thì thế nào cũng phải nhờ cháu bấm hộ xem, nếu có thật được mới dám đưa đơn. Vì anh kiện là kiện tình nghi, kiện vu vơ, không có tang chứng. Nó mạnh thầy, quật lại thì anh bỏ đời. Chánh Cừ đã tin cháu độn hay, chắc phải tin mãi. Lúc này, cháu khuyên nó là dĩ hòa vi quý, không nên khuấy nước để béo cò, chỉ tổ nhờn mõm ông quan. Cháu nói rõ là số nó không được kiện, dù có lên đến thống sứ, toàn quyền, quyết là đơn cũng phải bỏ đi. Ngay như nếu quan Châu Đồng Đăng có xui nó kiện, xử cho nó được hẳn hoi, nhưng rồi việc lên đến tỉnh, thế nào tòa đệ nhị cấp cũng xử hòa. Cương quyết rằng số như thế, giời cũng không có phép gì thay đổi được. Chẳng lẽ chánh Cừ khôn sặc gạch, lại kiệt lõ đít, mà không tin thầy bấm độn giỏi, lại nghe người khác xúc xiểm để mất thêm tiền à?