Anh Thừa xua tay:
– Không. Hỏi Trần Trọng Kim câu ấy, tao ngờ là nó không trả lời đâu.
– Sao, mày sợ nó cho là mình xỏ nó à?
– Không phải. Trần Trọng Kim đi dạy học, thì ta hỏi về vấn đề giáo dục chứ?
– À, tao tưởng mày biết đời tư của thằng này.
– Thế nào?
– Kể đời công, thì Trần Trọng Kim làm giáo học, dạy học trò và có viết mấy quyển luân lý và Nam sử. Nhưng đời tư của nó thì bẩn lắm. Cả Hà Nội ầm lên một dạo về cái việc nó ngủ với vợ một người bạn thân đã chết. Thế mà nó vẫn dạy người ta đạo đức. Nhưng mặc kệ, hỏi tác giả sách luân lý về luân lý là hợp lý, chứ không sao. Thế nào nó cũng trả lời.
– Được, tùy mày. Vì việc tòa soạn của mày…
– Tao còn định hỏi Hoàng Trọng Phu vài câu về quan trường. Ví dụ, quan trường Việt Nam thế nào, nên chấn hưng thế nào.v.v…
Anh Thừa đùa:
– Thế thì nên hỏi cả Trần Văn Thông: Ý kiến ngài về chấn hưng dân số Việt Nam thế nào. Ngài làm thế nào mà một mình ngài đã đẻ ra hơn năm chục đứa con?
Cử tọa cười. Ông Hoài Tân Tử nói:
– Thằng cha này nhiều con nhất nước ta thật. Nhưng con cả của nó là thằng Trần Văn Chương, đương học luật ở bên Tây, nay mai về làm trạng sư, làm quan tòa, sẽ là người bênh vực quyền lợi cho người Việt Nam. Vậy ta tha cho Trần Văn Thông, không đụng đến.
– Bênh vực! Rồi mày xem thằng Chương bênh vực An-nam hay Tây.
– Thôi, không nói lạc đề. Tao sẽ tìm mỗi người một giới để hỏi về một vấn đề. Ví dụ Bạch Thái Bưởi về thương mại, Nguyễn Văn Phùng về công nghệ. Hiện nay, tao chưa tìm ra trong phụ nữ thì phỏng vấn ai.
Anh Thừa lại đùa:
– Cô Tư Hồng, cô Bé Tý!
– Chưa biết chừng, tao phỏng vấn những con mụ này cũng nên. Bởi vì gì thì chúng nó cũng là những người đầu tiên mở cho đàn bà con gái An-nam một nghề mới. Cái nghề gọi nâng lên là nối dây liên lạc Pháp – Nam. Tao cũng định gửi thư vào cả Sài Gòn cho Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Chánh Sắt. Tao còn tìm hiểu người được kể vào hạng thượng lưu, để xin bài của họ. Tao chắc thằng nào hám danh sẽ trả lời, vì tao xin cả ảnh để in vào báo. Nếu họ không trả lời bằng thư, vì lẽ không có thì giờ, hay vì lẽ kiêu ngạo, không thèm trả lời, thì tao đến tận nơi, xin yết kiến, phỏng vấn miệng. Họ trả lời miệng, thì tao ghi. Như vậy, ít ra là trong hai mươi hôm, báo mình đã có đủ tiếng nói của những nhân vật tai mắt từng giới. Mỗi người nói về một vấn đề khác nhau, nói bằng giọng riêng để phô diễn tư tưởng, ý kiến của họ về mặt chuyên môn của họ. Tao chắc mục này vui lắm, nó làm cho báo có bộ mặt đứng đắn, sinh động. Tất báo hay cho nên chạy. Mà tòa soạn vẫn không phải viết bài.
Anh Thừa nói:
– Tao cũng nhận là thế. Nhưng tao còn e ngại phía mấy thằng ở Kiểm duyệt. Muốn giết mình, thì những bài hay, nó xóa đi, mình làm gì nổi nó? Hôm qua, thằng gì có râu ghi-đông[55] vừa vào tòa soạn dọa tao rằng nếu báo Chấn Hưng mà cứ viết bài châm chích mạnh quá, thì nó xin đóng cửa đấy. (*[55] Tay lái xe đạp.)
– Mày sợ à? Mày mới bước chân vào làng báo, nên cho ông Kiểm duyệt là to, có quyền bóp chết mình. Phải. Kiểm duyệt có thể xin đình bản một tờ báo thật. Nhưng nếu là thằng có râu ghi-đông nói, thì lời ấy có một ý nghĩa khác. Thằng cha ấy tên là Trinh, chúa hay ăn tiền của báo đấy. Ta chiều nổi nó, thì dù có bài chửi Tây, cũng được ra như thường. Cho nên, món tiền khoản đãi nhân viên Kiểm duyệt là không thể thiếu. Mày phải nói rõ với ông Lăng điều ấy. Hà tiện gì, chứ hà tiện cho Kiểm duyệt ăn, là hà tiện dại. Muốn ông ta hiểu ngay, mày phải ví dụ Kiểm duyệt đối với báo cũng như Lục lộ đối với bọn nhà thầu. Mày nên khai cái khoản tiếp tân nhiều vào, để thỉnh thoảng chúng mình đi chén với nhau. Nhưng tao nói vậy cho mày rõ, mà vin vào cớ ấy để lấy tiền, chứ tao viết bài chửi thế hay chửi đểu nữa, Kiểm duyệt cũng vẫn cho ra. Vì mình chửi nhau, chứ có chửi nó đâu mà nó thù. Kiểm duyệt lại còn xui các báo chửi nhau, ghét nhau, giết chết lẫn nhau nữa. Đỡ một tờ báo chân chính, đem đuốc soi đường cho quốc dân đi, là đỡ cho Tây một cái bướu. Riêng Kiểm duyệt, đỡ được một việc bận hàng ngày. Nhưng không phải ta cho bọn Kiểm duyệt ăn để nó cho bài của ta ra mà thôi đâu. Nhiều bận ta còn vận động hoặc lừa nó xóa bài của ta nữa. Một bài bị xóa, tất là bài có nói chạm đến thời thế. Báo có nhiều bài bị xóa, là báo nói chạm đến thời thế nhiều. Quốc dân độc giả bao giờ cũng có cảm tình với báo nói chạm đến thời thế. Cho nên, muốn độc giả thương yêu, thì thỉnh thoảng báo nên để trắng hàng cột, và ghi vào đó mấy chữ “Kiểm duyệt bỏ”.
Anh Thừa lắng nghe, lấy làm lạ lùng lắm. Ông Tình muôn thuở hút xong một điếu, rồi tiếp:
– Thôi, kể nghề làm báo còn nhiều khó khăn, và người làm báo phải có nhiều mánh khóe. Nhưng đến đâu học đến đấy. Đã có tao đứng mũi chịu sào, chúng mày đừng lo. Bây giờ tao hãy hỏi chúng mày là con đường mới đã vạch ra cho báo, đứa nào nhận việc gì nào?
Anh Thừa nói:
– Tao nhận mục xã thuyết và dịch truyện.
Cử tọa ngạc nhiên, nhìn anh. Nhưng anh giảng ngay:
– Vì tao quen cụ Tú Phúc Lâm ở Hàng Đào, tao đến nhờ cụ ấy giúp xã thuyết và dịch truyện. Có tên bậc khoa mục đứng đắn ở báo mình, thì báo mình có giá trị.
Ông Hoài Tân Tử gật đầu:
– Được.
Rồi hỏi bạn đồng nghiệp Tiêu Lang choai choai:
– Còn chú mày, thế nào?
Tiêu Lang đáp:
– Chúng mày nhiều tuổi, lắm lịch duyệt, thì làm bộ óc. Đàn em tao xin thờ là bậc anh, nguyện làm chân tay, đem hết khả năng về chuyên môn để phụng sự tờ báo Chấn Hưng của chúng ta.
Ông Hoài Tân Tử gật đầu:
– Về chuyên môn mày định phụng sự gì?
– Một là mua lại báo của tụi bé con theo kế hoạch của thằng Thừa. Hai là sẵn sàng giọt cho bỏ mẹ những thằng nào ở báo khác chửi lại chúng ta.
Anh Thừa cười:
– Thế là mày làm du côn tranh nghề của tụi Phúc đen, ấm Ái hay làm báo? Ông còn hai cái răng hổng đây, ông chưa quên tội chúng nó?
Tiêu Lang chế lại:
– Thế cái danh thiếp của mày mới in, để là giuốc-na-lít[56], thì nghĩa là viết báo hay giết báo. (*[56] Làm báo.)
Ông Hoài Tân Tử không cười:
– Thôi, đừng chửi nhau nữa. Bắc-kỳ nói viết báo, Nam-kỳ nói giết báo. Đều là giuốc-na-lít cả. Thằng Tiêu Lang mới vào nghề, muốn viết báo hay giết báo, thì tao cũng cử vào việc dịch tiểu thuyết, vì tao chưa tìm được ai hơn mày.
Ông nhà văn tập sự trố mắt, toan thoái thác, thì ông nhà văn chính thức nói:
– Tao dạy cho cách làm. Không khó đâu. Truyện Tây thì mày lên Gô-đa hay hiệu sách Viễn Đông, thấy có quyển nào đánh cái dấu hỏi màu đỏ ở ngoài bìa, tức là truyện trinh thám. Có đến hàng chồ đấy. Mày mua một cuốn, rồi cứ dịch bừa đi, tao chữa cho. Không có tự vị Pháp Việt thì tao cho mượn. Còn truyện Tàu, thì mày vào hiệu Thụy Ký ở Hàng Gai hay Cẩm Văn Đường ở Hàng Hài, thuê lấy một quyển Kiếm hiệp, hai xu một ngày. Nào La Thông tảo Bắc, nào Chinh Đông Chinh Tây, nào Thuyết Đường, nào Phấn trang lầu. Những truyện ấy, anh Sài-goòng dịch, viết tiếng trọ trọe, thì mày chữa cho ra tiếng Bắc. Cứ nguyên làm thế thôi, hai bản cũng đủ khác nhau. Nếu cao hứng thì mày làm thêm một tí nữa. Là truyện Tàu chỉ kể việc, không tả cảnh. Vậy thấy chỗ nào thú, thì mày tả cảnh, dùng những tiếng cho thật kêu, thế là ăn đấy. Rồi khi đăng lên báo, mày đổi tên truyện đi. Có là trời cũng không nhận ra.
Tiêu Lang vui sướng:
– Thế thì tao làm được. Nhưng mày phải khuyến khích tao.
Vừa nói, ông nhà văn trẻ tuổi vừa vin cái dọc tẩu có điếu thuốc chị Sáu mới cắm vào lỗ nhĩ. Nhưng ông nhà văn lão thành ngăn lại:
– Này, này! Đánh cho chết! Tao cấm đấy! Khuyến khích là cho hút thuốc phiện à? Không được! Chúng mày còn măng sữa, lỡ bập nghiện vào thì khó gỡ lắm. Không thể bắt chước tao là người có nhiều nghị lực. Vả tao chỉ hút chơi hút bời.
Chị Sáu cười:
– Mỗi tháng hai lần. Mồi lần mười lăm hôm. Tháng nào băm mốt ngày, thì chơi thêm bữa nữa.
Ông Hoài Tân Tử phát vào đùi chị đánh bét, rồi nói tiếp với Tiêu Lang:
– Mấy hôm nay sở dĩ tao đến đây luôn, không phải vì tao mắc nghiện, mà chính là vì phải viết nhiều quá, tao cần thức để nghĩ bài. Không có thuốc phiện, tao hay buồn ngủ và không nghĩ được. Thuốc phiện lại trợ lực cho tao. Không có nó, thì bận như tao ít lâu nay, thế nào cũng ốm rồi. Vì thế, tao cần hút. Vả lại làm việc ở nhà này tĩnh mịch, thuốc phiện giúp tao nảy yên-sỹ-phi-lý-thuần. Thói quen của tao là phải viết cạnh bàn đèn. Còn chúng mày không nên bắt chước tao. Oắt con mới nhảy vào làng văn mà đã bê tha, rượu chè, thuốc xái bệ rạc, thì mang tiếng cả giới đấy. Phải giữ danh dự cho nghề cầm bút.
Chị Sáu bĩu môi, nhìn mọi người:
– Mô Phật! Làm báo chỉ cái mồm nói là hay thôi! Nào mời ông làm vườn kéo đi kẻo nguội thì nó tắc.
Ông Hoài Tân Tử cầm dọc tẩu, ngớ mắt nhìn chị Sáu:
– Sao lại làm vườn?
– Làm vườn trồng cải.
Ông nhà văn hiểu, vừa cười, vừa ẩy cái đầu dọc vào ngực chị:
– À, quân bay! Con bé nó nói xỏ, gọi báo mình là lá cải!
* * *
Báo Chấn Hưng ra ba số, ông Lăng mới đến thăm tòa soạn được. Ông phải đi vắng gần một tuần lễ, đến phần đường của ông nhận thầu, trên Vĩnh Yên. Tuy ông lấy làm ân hận vì trót sai hẹn với bộ biên tập, đã không thể mời anh em chén một bữa trước khi báo ra, nhưng ông hài lòng ngầm, là đỡ mất thêm một món tiền tiêu vô ích trong khi đã bị hoạn rất đau cho báo rồi.
Về phía anh Thừa và ông Hoài Tân Tử, họ cũng không thiết tha mong ông Lăng về để cho họ khao. Họ cũng đã ăn vặt của ông nhiều rồi, cộng món tiền lại, có lẽ còn to gấp mấy món tiền ông phải trả bữa giao thiệp đầu tiên, bằng thịt chó, ở nhà Nội quốc thực phẩm. Họ còn vừa bực mình, vừa bật cười về chầu hát sau bữa cơm ấy. Ông Lăng ở lại độ nửa giờ, chẳng đánh trống, chẳng nghe hát, nhưng trong nhà có bao nhiêu cô đầu, già, trẻ, mặc kệ, ông lừa hôn được suốt lượt, mỗi cô một chiếc, rồi ông về, xin lỗi là bận việc, ông bảo anh Thừa và ông Hoài Tân Tử cứ ở lại mà chơi cho đã món tiền ông đã chi. Ông chi ba đồng, một chầu chay! Chết cười!