Vì vậy, trong mục thời sự ở số đầu, báo Chấn Hưng đăng toàn những việc mà báo Trung Bắc và Thực Nghiệp đã đăng hôm trước. Kém nữa, là vì phóng viên mới, bỡ ngỡ, nên nhặt được ít tin hơn, và viết nhạt hơn. Báo người ta đăng một việc, thì ít ra cũng có tí bình luận. Ví dụ, tin một người nhảy xe điện bị thương, thì bình luận bằng cái đầu bài Ai bảo nhảy, tin mất ví da, mất chó, thì bình luận bằng câu kết, mỉa người ta tại sao không cẩn thận. Nếu muốn tỏ ra là ưu thời mẫn thế, thì cũng có thể nhân việc mất ví da, mất chó, mà than thở thế sự nhân tình, thời buổi nhố nhăng, mưa Âu gió Á. Thế mà mục Thời sự của báo Chấn Hưng chỉ vẻn vẹn có hai cột. Ông Hoài Tân Tử thấy nó nghèo nàn quá.
Thật ra Chấn Hưng có ưu điểm. Nhưng khốn nỗi ưu điểm này lại chỉ tốt riêng cho báo. Là nó in những hai trang quảng cáo. Đây phải kể cái công lao của anh Thừa to lớn là ngần nào. Nhưng độc giả bỏ ra hai xu mua báo, có phải để đọc quảng cáo cho nhiều đâu!
Vì vậy, số đầu, in ba nghìn, hai trăm gửi biếu các bạn hữu, tám trăm gửi bán ở các tỉnh, còn hai nghìn, ông Hoài Tân Tử nhất định rằng bán không đủ cho mười tám vạn dân Hà thành, thế mà báo in xong năm giờ chiều hôm trước, để lại đến sáu giờ sáng hôm sau mới phát hành cho có vẻ sốt ruột, rút cục, trẻ đi bán lẻ khắp các phố, đến chiều, chúng đem báo ế trả lại tòa soạn, ông Tình muôn thuở giật nảy mình. Hai mươi chú bé mà bán được có sáu mươi mốt tờ!
Tin báo ế là một tin dữ dội. Không chấn hưng không được. Lập tức, ông Hoài Tân Tử triệu tập anh em trong tòa soạn lên Yên Phụ, để bàn kế hoạch chấn hưng, cố nhiên, anh Thừa cũng dự họp, vì không phải việc văn chương chữ nghĩa.
* * *
Theo nghị quyết chung, muốn cho báo Chấn Hưng được sống dai, thì cấm ngặt mọi người không được tiết lộ với ông sáng lập là báo ế. Phải khoe là báo viết hay, rất chạy, in ba nghìn không đủ bán. Ông Hoài Tân Tử bàn rằng từ nay, sau khi trẻ trả lại món báo ế, thì lập tức phải chạy ngay nó đi, nhờ chị Sáu đốt hết cho phi tang, số tiền ngót hai nghìn tờ làm như bán hết, anh Thừa phải tính toán xem là bao nhiêu, rồi lấy tiền quỹ giả làm món thu, để bù vào, cho ông Lăng tin là thực. Món tiền mua báo ế để đốt đi, sẽ vẫn ông thầu khoán è cổ ra mà chịu, nhưng khai nhăng khai cuội là tiêu vào khoản nào cho hợp lý, là tùy tài biến hóa của chủ bút.
Anh Thừa phản đối. Anh đề ra một ý kiến rất hay, được mọi người tán thành, là muốn cho báo Chấn Hưng bán được, thế tất phải cạnh tranh với báo khác. Cách cạnh tranh tốt nhất, công hiệu nhất, mà trước kia, khi còn mở hiệu thuốc, anh đã làm rất có kết quả, là phải dìm dập bạn đồng nghiệp. Anh kể lại cho các bạn nghe cái mánh khóe làm mốc thuốc của các hiệu khác. Thì bây giờ, anh hiến cái mánh khóe ấy để làm mốc báo Trung Bắc và Thực Nghiệp.
Anh nói:
– Cái món tiền mà chúng mày – bây giờ thân với nhau, anh đã mày tao với các bạn rồi – bảo tao tìm cách khai nhăng khai cuội, lấy tiền của thằng già bù vào đống báo Chấn Hưng ế, thì tao tính nên dùng nó mà mua báo Trung Bắc và Thực Nghiệp, ta cho người đón mua tất cả báo của trẻ bán lẻ. Bọn này mất gì mà không để cho ta, còn đỡ được công phải chạy rạc cẳng ở các phố, cho nên hẳn mong ta lấy hết. Vậy ta cứ tận thu báo Trung Bắc và Thực Nghiệp bán lẻ ở Hà Nội. Rồi ta tải lên Yên Phụ, nhờ chị Sáu bật cho một que diêm. Hà Nội không có báo khác đọc, tất phải mua báo ta. Báo ta được độc quyền bán lẻ cho mười tám vạn dân Hà Thành. Như vậy, ta chỉ có hai nghìn tờ cung cấp cho độc giả, chứ tao tính đến hai mươi nghìn tờ, cũng phải hết veo.
Anh để các bạn suy nghĩ, rồi tiếp:
– Tao tính thế này. Nếu ngày nào chúng mày cũng bắt tao ăn cắp quỹ để mua lại báo Chấn Hưng ế, thì tao phải ăn cắp đến bao giờ? Báo Chấn Hưng còn vẫn ế, tao cứ phải ăn cắp mãi. Mà ăn cắp mãi thì lộ, thằng già biết. Tuy nó ngốc nghếch thật, nhưng nó có những đức tính của kẻ làm giàu, là keo kiệt và đa nghi. Bỏ tiền nhiều và bỏ tiền mãi, thì nó sốt ruột, tất nó khám phá ra âm mưu của ta. Vả Chấn Hưng có hay hơn Trung Bắc và Thực Nghiệp không, dốt nát như tao còn biết nổi, nữa là con cáo ấy. Và nếu con cáo dốt nát hơn tao mà không biết điều ấy, thì vợ con nó bảo cho nó biết, bọn cai thầu và phu phen của nó bảo cho nó biết. Cho nên, nhất định việc ăn cắp hàng ngày một món tiền là không bền. Vậy theo cách làm của tao, một ngày mình phải bỏ tiền ra mua cả báo Trung Bắc lẫn Thực Nghiệp bán lẻ ở Hà Nội, thì món ấy to gấp đôi, gấp ba món ta bỏ ra bù cho báo Chấn Hưng bị ế, nhưng ta chỉ mua Trung Bắc, Thực Nghiệp ba ngày thôi. Độc giả không được đọc những báo ấy, tất phải đọc Chấn Hưng, rồi quen đọc Chấn Hưng, khi Trung Bắc và Thực Nghiệp lại có báo bán lẻ, thì số độc giả quen đọc ta đã không phải là ít. Họ sẽ không mua Trung Bắc và Thực Nghiệp, vì họ đã mất ở quãng giữa những mấy kỳ tiểu thuyết đăng ở các báo ấy rồi.
Anh thêm một ý, kiến nữa:
– Còn như Trung Bắc và Thực Nghiệp, họ có biết là ta cạnh tranh với họ bằng lối ấy không? Tao cho là không. Vì họ vẫn thấy báo của họ chạy đều. Có khi lại chạy hơn trước. Vì không còn một số báo ế phải trả lại. Nếu họ có dò ra là thủ đoạn của mình, thì cũng phải đến ba bốn hôm sau. Lúc ấy, ta đã không mua nữa, vì ta cướp được độc giả rồi.
Ông Hoài Tân Tử giơ bắt tay anh Thừa:
– Bây giờ thì tao lại phục mày là bậc thầy! Thật thế, khi ngoài miệng gọi đồng nghiệp là bạn, thì trong bụng phải coi họ là kẻ thù. Vì họ cướp miếng ăn của mình. Nhất định là trong những hôm mấy bạn đồng nghiệp Trung Bắc và Thực Nghiệp bị ta thu, tao phải viết bài chửi chúng nó thật khỏe, và phải đăng ở báo mình những truyện trinh thám, và truyện kiếm hiệp mới.
Anh Thừa gật đầu:
– Thế thì độc giả được đọc truyện từ đầu, tất đương mê, không muốn bỏ dở báo ta để đọc lại truyện của các báo khác bị cách quãng. Như vậy, ta có nói với ông Lăng là báo hay, bán chạy, ông ấy mới thấy là báo có bán được thật. Ta không mang tiếng là nói dối. Ông ấy tin ta, mới chịu bỏ tiền ra nữa.
Rồi anh khoe:
– Đấy, chúng mày thử xem, tao cứ hé răng muốn lấy bao nhiêu tiền là ông ấy phải đưa đủ ngay, không những là vì ông ấy nể tao, mà cũng là vì tao giữ được lòng tin của ông ấy.
Vì có công lấy được nhiều tiền của chủ, và lấy được nhiều quảng cáo cho báo, nay lại cống hiến một kế hoạch hay, anh Thừa được cử tọa nhiệt liệt khen ngợi, và đồng thanh thưởng cho anh hai điếu thuốc và một điếu xái nhất bao.
Chị Sáu vui thích, cố lăn thuốc thật lẳn để người có tài được miệng hút tai nghe cho sướng.
Đến lượt ông chuyên môn viết báo Hoài Tân Tử lên tiếng:
– Tao phục thằng Thừa, nhưng tao chê ở chỗ nó cạnh tranh bất chính. Ừ, thì làm như vậy, báo sẽ bán được đấy. Nhưng báo của mình cứ viết kém, thì liệu chỉ mục tiểu thuyết có giữ nổi độc giả mãi không? Tao đứng về mặt nhà nghề, thì tao thấy rằng, nếu báo viết không hay, tin tức không nhiều và không nhanh, thì thế nào cũng lại bán không chạy. Trong bộ biên tập ta, chỉ có một mình tao quen việc, thì tao lại phải viết nhiều quá. Mà viết nhiều quá, thì đến thánh cũng không viết được hay. Ấy là nhờ có bàn đèn, chúng mình tán róc với nhau, nó mới ra nhiều ý. Nhưng chuyện tán mãi cũng phải hết. Cho nên, tao lo chỉ vài ngày là tao không biết viết cái gì. Chúng mày, thằng thì không viết nổi một chữ, thằng vì viết chưa thông, tao còn phải chữa bét be. Vậy tao nghĩ cách cạnh tranh chính đáng nhất, là báo mình phải có nhiều bài hay, do những tay cứng viết giúp.
Ngừng một lúc để vén quần, gãi bẹn sồn sột, ông văn sĩ tiếp:
– Nhưng chúng mày đừng lo là tao có ý định thay đổi tòa soạn. Không, tòa soạn không thay đổi một người nào. Bây giờ là buổi đầu, chúng bay còn bỡ ngỡ, nhưng làm lâu, sẽ quen việc. Trước kia, tao cũng như chúng mày, nên tao hiểu. Ta nên thề với nhau rằng cho dù đến ngày ông sáng lập muốn thay đổi tòa soạn, thì cũng không một thằng nào ra lẻ đâu. Ra thì ra cả. Ở thì ở cả. Có đồng một lòng như vậy, ta mới giữ giá trị cho bọn cầm bút đối với bọn tư bản chỉ nhìn thấy mỗi một cái, là đồng tiền.
Cử tọa ồn ào:
– Đúng, đúng. Thưởng cho anh Cả một điếu! Đũa cả nắm khó bẻ. Ra thì ra cả. Ở thì ở cả.
Ông Hoài Tân Tử giơ tay ra ngăn:
– Chưa chi chúng bay đã thưởng tao. Tao mới nói ý phụ, chưa nói đến ý chính, ý chính của tao là phải làm sao báo mình có bài hay, trong khi tòa soạn có toàn những người viết tồi. Hiện bây giờ, trong nước ta, những cây bút lão luyện đều đã ở trong bộ biên tập một báo. Hôm nọ, thằng Lăng có hỏi thằng Thừa với tao là có thể lấy thằng Quỳnh, thằng Vĩnh về viết báo ta không. Ý kiến ấy mới đầu nghe thì bật buồn cười, vì nó xuất ở miệng một thằng không biết báo hàng ngày với tạp chí khác nhau chỗ nào. Nhưng sau, câu ấy gợi cho tao một ý. Từ trước đến giờ, báo chí ở nước ta không giống báo chí ở các nước khác. Ở các nước khác, báo hàng ngày ra báo hàng ngày, là báo chuyên thông tin. Còn tạp chí thì ra tạp chí, là báo viết khảo cứu, nghị luận. Nhưng ở ta thì báo hàng ngày vớt tạp chí không khác nhau mấy. Nó táp nham hổ lốn cả báo thông tin với báo khảo cứu nghị luận. Đông Dương tạp chí dạy đàn bà phép nuôi con, dạy Tây học tiếng ta, dạy cách gõ đầu trẻ. Báo Trung Bắc đăng xã thuyết than thở tình thầy trò ngày nay kém tình thầy trò ngày xưa. Báo Thực Nghiệp làm việc của nhà triết học, truyền bá học thuyết của Khổng Mạnh. Còn vô thiên lủng những bài văn chương đại cà sa, luận về chữ hiếu, bàn về máy móc với đời người, nghĩ về việc dịch sách, tả một đêm trăng thu trên hồ Tây, vân vân, toàn những bài của tạp chí đăng vào báo thông tin. Vì lẽ ấy, ở nước người, người viết tạp chí không quen viết báo hàng ngày, và ngược lại, nhưng ở nước ta, cứ là viết bằng chữ, thì đăng báo nào cũng được. Cho nên người viết tạp chí có thể viết bài nghị luận, khảo cứu cho báo hàng ngày. Và những tin mất chó, mất ví da, viết cho du dương, có thể kể là một áng văn chương đăng ở tạp chí. Tao nói dài như thế, vì tao cho thằng Quỳnh, thằng Vĩnh vẫn viết cho báo hàng ngày được, dù là những bài khảo cứu văn học Pháp, những bài dịch tinh hoa học thuật phương Tây. Thế thì làm thế nào cho những cây bút nổi tiếng có tên trong báo của ta? Tao tính cũng dễ thôi. Tao sẽ thảo một bức thư tâng bốc chúng nó, những là tai mắt, những là nhà tư tưởng khuôn vàng thước ngọc, những là bậc quan tâm đến vận mệnh của xã hội, để rồi tao đề ra mấy câu phỏng vấn cho chúng nó trả lời. Ví dụ hỏi Phạm Quỳnh: Theo ý kiến ngài, văn học Việt Nam có những điều gì là hay, điều gì là dở. Điều dở của văn học Việt Nam nên chấn hưng như thế nào? Ngài nghĩ về tương lai của văn học Việt Nam thế nào? Hỏi Nguyễn Văn Vĩnh cũng ba câu na ná như thế, về báo chí. Với Trần Trọng Kim thì ta hỏi về vấn đề luân lý, đạo đức.