Ông Hoài Tân Tử lại nín cười, nhưng cố nhã nhặn để nói:
– Thưa cụ, chúng tôi nghèo thực, phải đem bán học thức để kiếm ăn, nhưng trong anh nghèo ấy, có một anh có tiết tháo, biết chỗ nào là xứng đáng mới cộng tác.
Ông Lăng vội vàng nói:
– Xin lỗi hai ông. Bao giờ tôi cũng là người biết retx-pếc-tê những nhà văn tự, những vị làm báo tận tụy với việc mở mang trí tuệ cho quốc dân. Sở dĩ tôi hỏi như vậy, vì tôi nghĩ rằng, dù là nghề cao quý như làm báo, thì cũng phải công-quy-răng[38] mới có nhiều e-lếc-tơ. Nếu ta lấy được người của báo Nam Phong, Trung Bắc, thì các báo ấy không có ai viết, mà báo ta được người tài giỏi. Nghề thầu của chúng tôi cũng phải tranh cai thợ mới vững được. (*[38] Cạnh tranh.)
– Không cần cạnh tranh bất chính. Xin cụ cứ tin cậy ông Trần. Một ông Trần cũng đủ.
Ông Lăng vui sướng, đứng dậy, nói:
– Vâng, ta còn tiếp tục câu chuyện. Bây giờ tối rồi, xin mời hai ông đi xơi cơm với tôi, một bữa cơm rau dưa, nhưng mà thân mật. Tôi định ăn xong, tôi mời hai ông đến phố Hàng Bò, xem cái nhà tôi xếp làm tòa báo. Ở đấy rộng rãi, giá ông chủ bút không khó tính, tôi mời ông đến ở ngay đấy, thì tiện cho công việc lắm.
Anh Thừa như được gãi đúng chỗ ngứa, thì vui sướng lắm. Nhưng ông Hoài Tân Tử thấy thiếu cái mà các tay chơi vẫn gọi là Phần thứ hai của những bữa tiệc, tức là xuống xóm để đập trống và trô, thì ông hơi ngạc nhiên, ông vừa cười vừa hỏi:
– Xem nhà xong thì chúng tôi về chứ?
Ông Lăng lắc đầu:
– Không, chả mấy khi. Các ông bận mấy cũng cho tôi được tiếp đến hai giờ sáng.
Nhà văn sĩ hiểu ý, cười hề hề.
* * *
Ông Lăng sửa soạn đi với khách, ông mở khóa tủ, lấy ra một chai rượu ngâm thuốc, ông híp đôi mắt để cười:
– Cái này tốt hơn mai quế lộ. Mai quế lộ đắt, mà không bổ.
Ông lấy mảnh nhật trình bọc chai rượu, để cầm đi cho kín.
Ra đến hè đường, ông nhìn trước nhìn sau, nói:
– Hai ông chờ tôi một tí nhé.
Rồi hấp tấp đi một mình ra phía đầu phố. Thấy vậy, ông Hoài Tân Tử cười, nói khẽ với anh Thừa:
– Tay này đá lắm. Phải mời mình đi ăn và đi hát là hắn xử đặc biệt quá rồi đấy.
Anh Thừa gật đầu:
– Nhưng lại đem rượu nhà đi! Cỏ rả nhỉ!
Hai người cùng rúc rích, ông nhà văn dặn:
– Tôi biết là hắn còn muốn nói về việc mở báo nhiều nữa. Nếu hắn có điều đình riêng với bác điều gì, bác cứ ừ hữ thôi nhé. Để ta bàn với nhau đã. Tay này gớm lắm đấy. Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn.
Lúc ấy, ông Lăng đã đi trở lại. Theo sau ông, là hai chiếc xe sắt.
Ông Hoài Tân Tử liếc nhìn anh Thừa, tủm tỉm cười. Ông Lăng nói như để phân bua:
– Không có xe cao su! Nào, mời hai ông.
Anh Thừa toan lên ngồi với ông nhà văn một xe, thì ông thầu khoán mời:
– Ông lại đây với tôi. Để ta nói chuyện.
Ông nhường anh Thừa lên xe trước, rồi ngồi ở cạnh. Xe đi được vài bước, ông vuốt vai anh Thừa, hí hí cười. Anh Thừa cũng cười trả lại. Anh chờ. Tất nhiên, ông này sắp điều đình với anh một việc gì mà ông cho là khó khăn, nên đương ngập ngừng đây.
Ông Lăng lại hi hí cười bằng cái cười không đúng lúc rồi hỏi:
– Nghe nói ông mua phải cái nhà sắp đổ phải không?
– Vâng, sao cụ biết?
– Ông Hoài nói cho tôi nghe, ông đã bán cho ai chưa?
– Chưa. Ai dại như tôi mà rước cái của nợ về làm gì?
Anh Thừa vẫn chưa hiểu ông Lăng định nói gì mà phải loanh quanh mào đầu bằng cái việc vô tình đã khêu gợi lại trong lòng anh nỗi bực mình và lo lắng.
– Ông để lại cái nhà cho tôi nhé.
Anh Thừa ngạc nhiên nhìn ông Lăng. Rõ ràng mặt ông thầu khoán không có vẻ nói đùa. Vậy ông muốn gì mà phải loanh quanh dai để lấy lòng anh thế? Anh tránh những lời khách sáo, hỏi:
– Cụ mua làm gì?
– Mặc tôi. Ông định bán giá bao nhiêu?
Anh Thừa càng ngạc nhiên. Anh cũng bật cười nữa. Hẳn là lộc ông nhà thầu sắp đến ngày hết, nên đã dại dột mà nghe mồm mép ông nhà văn rước một thằng đặc cán táu về làm chủ bút báo. Nay ông ta lại điên rồ, mua một cái nhà mà để chóng tuyệt nghiệp hay sao! Anh đáp:
– Tôi tậu một nghìn năm chục. Có văn tự hẳn hoi đấy. Ấy là chưa kể món tiền duyệt tòa. Mai rỗi, mời cụ đến nhà mà xem.
Ông Lăng lại vuốt vai anh:
– Tôi biết rồi. Tôi không cần đến xem, lỡ nó đổ thì toi mạng. Đành rằng ông mua một nghìn năm chục, nhưng bây giờ ông định giá bao nhiêu?
– Tôi tậu thế đấy. Còn thì tùy cụ.
– Nhà rộng bao nhiêu thước nhỉ?
– Hai trăm ba mươi hai thước
– Đơ xăng trăng đơ mét[39]. (*[39] Hai trăm ba mươi hai thước.)
Ông Lăng lẩm nhẩm tính trong miệng.
Trong khi ấy, anh Thừa hết sức lạ lùng về cái ông thầu khoán quái gở này. Ông muốn lấy lại cái nhà của anh thật chứ không phải bỡn. Thì ra ông cần ngồi cùng xe với anh để thực hiện ý định của ông. Và ông đã đi thẳng vào vấn đề, chứ không phải loanh quanh. Phải. Anh đã lầm. Một người cỏ rả, chỉ biết có đồng tiền, thì không màu mè. Song, dù sao thì bây giờ, cái nhân phẩm kém cỏi của ông cũng cất giúp cho anh một gánh nặng. Anh liếc nhìn, thấy ông vẫn đương lẩm nhẩm tính.
Một lát, ông Lăng nói:
– Ở phố ấy, đất giá ba hào một thước, vị chi là chưa đến bảy mươi đồng. Gạch bây giờ cũng có mười lăm đồng một nghìn. Dỡ nhà ra, gạch nguyên chả còn mấy. Nhiều lắm, bán được đơ xăng biết[40] thôi. Còn những gỗ nát thì làm củi cũng không đáng. Vậy chỗ anh em nể nang, tôi cứ xin đưa ông đơ-xăng-xanh-căng[41]. (*[40] Hai trăm bạc. *[41] Hai trăm rưởi.)
Anh Thừa lạnh toát người, ông Lăng nói:
– Ông để lại cho tôi, thì được hai trăm rưỡi. Nếu không, ông mất thêm hai trăm rưỡi nữa. Vì đến lúc nhà đổ, ông phải thuê dọn dẹp. Còn bị nhà nước phạt cho là khác. Lỡ mà lại rơi gạch ngói vào đầu lính Tây đi đường, thì còn mất khối tiền đền, chứ hai trăm rưỡi mà đủ à?
Anh Thừa thở dài:
– Đời thuở nào một cái nhà gạch ở Hà Nội, mà lại có hai trăm rưỡi bạc, hở cụ?
Ông Lăng cười:
– Được đồng nào hay đồng ấy, ông ạ.
Yên lặng một lát, ông tiếp:
– Thôi này, chẳng lẽ ông là chủ bút, tôi là sáng lập mà chúng mình cò kè với nhau, thì mất cả cao thượng đi. Vả lại chúng mình là đàn ông, ông không quen nói thách, mà tôi cũng không quen mặc cả nhiều. Thôi thì tôi cứ đưa ông đơ-xăng-xoa-xăng[42] để xin ông một điều, là ông viết trong văn tự là đơ min[43]. Thế thôi. (*[42] Hai trăm sáu. *[43] Hai nghìn.)
Anh Thừa ngớ mặt hỏi:
– Để làm gì?
– Làm gì mặc tôi.
Anh Thừa e ngại. Không rõ ông thầu khoán có âm mưu gì hại anh không. Anh hỏi:
– Bán hai trăm sáu, mà viết văn tự hai nghìn, có sợ nhà nước lôi thôi không nhỉ?
– Nếu ông bán cho tôi đơ min, mà chỉ viết vào văn tự có đơ-xăng-xoa-xăng, thì nhà nước bảo là mình lậu tiền duyệt. Còn như thế này, thì nhà nước bẻ mình vào đâu? Cũng như ông đã mua cái nhà ấy với giá một nghìn năm chục, là thuận mua vừa bán, nhà nước nào can thiệp vào được. Và cái nhà ấy, nếu tốt, thì mới đáng đơ min chứ?
Anh Thừa nghe rất có lý. Tòa án đã không xử anh được vụ kiện bị lừa đảo, là cũng vịn vào cớ thuận mua vừa bán. Ông Lăng lại tiếp:
– Vả lại văn tự viết đơ min, mà tôi pay-dê[44] ông có đơ-xăng-xoa-xăng, thì nếu ông là người lật mặt, ông có thể kiện tôi, chứ tôi kiện ông vào ngõ nào? (*[44] Trả.)
Anh Thừa cười, im lặng để nghĩ. Thế thì cố nhiên ông Lăng không dại như anh. Vậy ông ta khôn ở chỗ nào. Ông Lăng thấy anh chưa trả lời, thì hỏi:
– Thế nào? Ông có bằng lòng không? Nếu được, mai ta làm giấy má ngay.
Thấy ông Lăng có vẻ mặn, anh Thừa nói:
– Cụ có thể nâng giá lên tí nữa được không?
Ông Lăng cười:
– Thế là sát lắm rồi. Chỗ người lớn với nhau, ai lại để cho nhau phải mặc cả lâu. Xin nói thực với ông điều này. Tôi thì dốt nát, chả bao giờ cầm đến tờ báo, cả Nam Phong, Trung Bắc, lẫn Thực Nghiệp, mà cũng chả bao giờ dám có ý định mở báo để lấy cái danh là sáng lập, như ông Bùi Huy Tín đâu. Khi thấy ông Hoài bảo nên mở báo, lại giới thiệu ông, và nói chuyện ông có cái nhà như vậy, thì tôi quyết định ngay là mời ông về làm chủ bút. Tôi nhờ ông Hoài mời ngay ông hôm nay đến xơi cơm với tôi, để tôi nhân dịp hỏi ông về cái nhà. Ông có bán cho tôi thì việc ra báo mới nhanh được. Tôi tưởng một của vứt đi, một của nó gây tai nạn về sau này, mà còn bán nổi đơ-xăng-xoa-xăng, thì ở đời không ai may mắn như ông, và cũng không ai dại dột như tôi. Song, xin ông hiểu cho rằng tôi không dại dột. Chỉ là tôi tử tế với ông mà giúp ông thôi.
Anh Thừa không hiểu tại sao việc ông Lăng mua nhà với việc ông ta mở báo lại dính dáng với nhau. Nhưng anh không còn lý do gì mà không đẩy cái nợ cho ông thầu khoán hết lộc này:
– Vâng, tôi nể cụ như nể anh tôi. Cụ cho thế, tôi xin bằng lòng.
Rồi vẫn tiếc rẻ là bán rẻ, anh nói một câu cho đỡ bực mình, khỏi bị người mua chê là dại:
– Tôi muốn trang trải ít công nợ, nên để rẻ cho cụ hai trăm sáu. Nếu tôi cầm ở Địa ốc ngân hàng, cũng được nổi ba trăm.
Ông Lăng đáp:
– Có thể được hơn nữa kia, ông ạ. Song, nó không hơn ở cái chỗ nhà ấy vẫn là của ông, thì ông vẫn phải chịu đóng thuế, và chịu trách nhiệm khi nó đổ. Đằng này, ông dứt khoát hẳn, không phải lo lắng nữa. Mua cái nhẹ nhõm bằng mấy chục bạc, không rẻ à?
Anh Thừa thở dài. Ông Lăng cười:
– Ừ, thế là hai chúng ta, ai cũng đã suy tính kỹ cả.
Rồi ông nhắc lại:
– Dứt khoát là đơ-xăng-xoa-xăng viết lên đơ min nhé. Sáng sớm mai làm giấy má nhé.
– Vâng.