Anh Thừa tái mét mặt.
– Bác tưởng chúng tôi là những người viết văn, thì lờ mờ, ngốc nghếch, dễ lừa phải không? Có những cái không quan hệ đến công việc của chúng tôi, thì chúng tôi lờ mờ, ngốc nghếch, dễ lừa thật đấy. Nhưng chúng tôi tinh ranh ở những cái khác mà người khác nghề lại lờ mờ, ngốc nghếch, dễ lừa. Đại khái như việc nhìn người, thì chúng tôi ít lầm lắm. Chúng tôi làm nghề này, mà nhìn người sai thì chúng tôi viết thế nào được nổi con người nó là yếu tố chính của văn chương? Bác tưởng tôi tìm bác ở các trường tư thật à? Bác tưởng tôi yên trí là bác muốn dạy học ở trường Cao đẳng à? Bác tưởng tôi tin là bác có trình độ bác sĩ, địch nổi bọn Quỳnh, Vĩnh à? Bác ngây thơ quá! Bác không biết là tôi đã rõ tỏng tòng tong cái bằng làm thuốc của bác ở đâu mà có, và bác sinh sống mấy năm nay bằng cách gì à?
Như bị đập túi bụi, anh Thừa ngồi thuỗn mặt, không dám nhúc nhích. Ông Hoài Tân Tử tiếp:
– Sở dĩ hôm qua, tôi tâng bốc bác, là tôi muốn giữ sĩ diện cho bác với vợ chồng nhà Sáu, để bác vẫn còn mặt mũi mà lui tới nhà này. Hẳn câu chuyện tôi nói với chị Sáu đêm qua về bác để bênh bác thế nào, bác cũng nghe rõ cả. Bác tưởng tôi không biết là bác vờ ngủ à? Tôi cũng hay ngáy, cho nên tôi biết người nằm ngáy thì óc vẫn tỉnh táo, tai vẫn nghe rõ tiếng động ở xung quanh. Vả lại tâm trí bác độ này như mớ bòng bong, thì nằm trằn trọc còn chán, đã ngủ thế nào được ngay thế. Bác tưởng bác che nổi mắt tôi, nhưng chính là bác lờ mờ, ngốc nghếch, và bị tôi che mắt, bị tôi lừa bịp, mà bác không biết.
Anh Thừa thở dài.
– Nhưng tôi lừa bịp bác không để làm hại bác, mà để làm lợi cho bác. Tôi phải nói thật cho bác đừng hãnh diện với tôi, là hôm qua, lúc gặp bác ở đường Cổ Ngư, tôi mới sực nghĩ đến bác, mà mời bác cùng làm báo, chứ không phải tôi đã nói chuyện bác với ông Lăng, và tìm bác mãi tại khắp các trường tư ở Hà Nội. Bởi vì một người khảo bảy ngày không ra một chữ như bác, thì đến làm gì trong những nơi người ta học? Tôi nói thế cho bác sướng, mới câu nổi bác đến đây, để cho bác nói ráo hoảnh là Phạm Quỳnh mời bác thay Nguyễn Bá Trác, để cho bác khiêm tốn lối mập mờ là không quen nghề, với học thiển tài sơ. Bác tưởng bác học thuộc lòng để nhắc lại như vẹt mấy tiếng ấy của thằng Khải Định liệt dương, thì tôi phải tin như lũ quan lại tin cái anh vua bợm bãi này à? Không. Hai chúng ta, ai lờ mờ, ngốc nghếch, dễ lừa, chắc bây giờ bác biết rồi.
Ông Hoài Tân Tử uống nước để nhắp giọng, rồi tiếp:
– Thôi. Tôi nói ngần ấy câu, để bác hiểu là chính tôi cũng là tri kỷ của bác mà bác không biết đấy. Nhưng chuyện hôm qua là chuyện hôm qua. Ta bỏ đi. Ta nói với nhau chuyện hôm nay và về sau thôi. Muốn bác vui vẻ, trước hết tôi xin khen bác là nói phét trắng trợn mà không biết trơ, không biết ngượng là tốt, có khả năng làm được việc lớn. Về điểm này, chúng ta gặp nhau, có thể là bạn thân với nhau.
Anh Thừa đáp:
– Vâng xin bái phục ông anh. Ông anh cứ dạy.
Ông Hoài Tân Tử ngồi lại cho nghiêm trang, rồi nói:
– Chốc nữa, chúng ta đến gặp ông Nguyễn Thúc Lăng, một tay bợm già, bởi vì đã làm nghề thầu khoán lâu năm. Như tôi nói với bác hôm qua, ông ta muốn mở báo để cầu danh, mà trước hết, là để ứng cử nghị viên khóa sắp tới. Vậy thì chúng ta phải cứng mới được. Cứng nghĩa là làm sao bịp được tay cáo già ấy. Sáng nay, tôi giới thiệu bác với tay ấy rồi.
Im một tý cho anh Thừa thấm nhuần lời nói, ông nhà văn tiếp:
– Nhưng tôi cho là bịp không khó. Ông thầu khoán này chỉ thạo món đường sá đê điều, chứ không thạo món văn chương báo chí. Thằng trọc phú dốt nát, muốn lấy đồng tiền để làm quáng mắt chúng ta, nhưng chúng ta phải đối phó lại, lấy học thức, chữ nghĩa ra mà lòe nó. Tiếc rằng nó biết tôi chỉ là một phóng viên thường của tờ Thực Nghiệp, không tín nhiệm tôi làm chủ bút, cho nên tôi phải chọn bác. Thế thì nhất định là bác đỗ bác sĩ y khoa Tàu rồi đấy nhé. Nhất định bác nhận chủ bút nhé. Đừng có khiêm tốn dại dột là không quen nghề với học thiển tài sơ nhé. Đừng có để lòi đuôi mà xin đi lấy quảng cáo nhé.
– Vâng.
– À, cái bằng làm thuốc của bác đâu?
– Vợ tôi nó đâm rách nát ra rồi.
– Thế à? Tiếc nhỉ! Nhưng cũng được. Không có bằng chứng giấy tờ, thì đã có bằng chứng miệng. Tôi sẽ dặn anh em cộng tác phải khoe với ông sáng lập rằng ông chủ bút là bác sĩ. Chứng khẩu đồng từ thì ông sư cũng chết, nữa là không giết bác, mà còn cho đỗ bác sĩ! Nhưng có làm chủ bút, bác cũng đừng sợ phải viết bài với dịch truyện. Tôi còn lạ gì bác mà mạo hiểm để bác làm những việc bằng chữ nghĩa ấy. Giữ sĩ diện cho bác với vợ nhà Sáu, thì tôi nói thế thôi. Chứ dù mang tên là chủ bút, bác cũng chỉ có việc đi lấy quảng cáo. Vậy bác cứ bận tâm mà kiếm nhiều quảng cáo cho báo. Tài này của bác thì tôi phục, vì tôi rõ quá khứ của bác.
Anh Thừa cười nhẹ nhõm:
– Thế thì tôi xin yên tâm để nhận là chủ bút.
– Phải. Chủ bút không viết xã thuyết. Đã có chúng tôi xoay xở, nhưng hôm nào cao hứng, bác viết nổi một bài, thì cứ đăng. Xin nhớ rằng xã thuyết là mục quan hệ nhất của tờ báo, không có không được, nhưng sự thực không ai đọc xã thuyết đâu. Những bài xã thuyết ở báo Trung Bắc, ở báo Thực Nghiệp, chính những người viết vẫn nói đùa với nhau rằng giá có in ngược chữ, độc giả cũng không biết, vì chẳng ai buồn nhìn đến bao giờ. Cho nên, nếu có gan mà liều, bác cứ viết xã thuyết cũng không sao.
Ông Hoài Tân Tử lại uống nước:
– À quên, tôi giới thiệu bác với ông Lăng là trước kia, trong thời gian làm thuốc, bác vẫn gửi bài giúp báo Nam Phong. Từ ngày bác đóng cửa phòng thuốc, thì ông Phạm Quỳnh mời hẳn bác về tòa soạn. Nhưng bác muốn mở riêng tờ báo khác. Vì tôi điều đình, nên bác thôi không mở báo, bằng lòng đến giúp ông Lăng. Thế nhé!
Anh Thừa trợn mắt. Ông Hoài Tân Tử nhắc:
– Nhớ nhé! Nam Phong đấy! Thì Nam Phong chứ sao? Không giở cái trò tiết tháo với chê trợ cấp đấy nhé. Bởi vì, dù sao thì báo Nam Phong cũng mời được nhiều cây bút có giá trị viết giúp. Nhất là lại có đăng tập kỷ yếu của hội Khai Trí Tiến Đức. Thì ông Lăng là hội viên hội Khai Trí, phải giữ danh dự và có cảm tình với báo Nam Phong hơn báo khác.
– Tôi cũng là hội viên Khai Trí, chắc ông ta cũng sẵn có cảm tình với tôi.
– Càng tốt. Điều này bác tự giới thiệu với ông ta sau. Cho nên đã viết báo Nam Phong, thì không có cái câu không quen nghề với học thiển tài sơ nhé. Nói tóm lại, bác là một tay đại học thức, rất thạo nghề làm báo đấy nhé. Có như thế, ông nhà thầu mới phục và tin ông nhà báo. Đến khi ấy, bác bảo gì ông ta không nghe?
– Nhưng một tờ báo ra hàng ngày mà có hai chúng ta làm thôi à?
– Còn nhiều người. Bác không phải lo. À, tôi muốn hỏi bác, bây giờ cái cụ Điều nhà bác đâu? Trông cụ ta đẹp mà như một cụ tú, cụ cử nhà nho thật, cố nhiên chữ nghĩa của cụ ấy có bao nhiêu, tôi cũng có thể ước lượng được. Nhưng dù sao cụ ta cũng còn hơn bác. Liệu cụ ta có dịch nổi truyện kiếm hiệp, truyện trinh thám không?
– Nếu bác cần một tay túc nho thật sự, thì tôi giới thiệu cụ tú Phúc Lâm ở Hàng Đào.
Anh Thừa đã nghĩ ngay đến tư lợi. Anh sẽ nhân việc báo để có cớ mà ra vào gia đình này, câu cô Lễ cắn chặt mồi hơn. Ông Hoài Tân Tử nghĩ một lát, rồi đáp:
– Cụ tú Phúc Lâm ấy à? Tay này không nhận giúp ta đâu. Bởi vì lão ta đứng đắn, đạo đức, và chẳng thiết gì, cứ như anh chán đời. Vả lại chúng mình không phải đồng bối, thì tay ấy không chơi.
– Tôi quen cụ ấy. Để tôi thử xem.
– Được. Nhưng đó là tương lai. Hãy nói nốt chuyện hôm nay đã. Nhân tiện, tôi phác qua cho bác biết các mục trong một tờ báo hàng ngày, để bác liệu nói chuyện với ông Lăng. Kể ra thì các mục sờ sờ đó, ai mà không biết. Nhưng điều cần biết là mục nào quan trọng, cần nhiều công phu, mục nào không quan trọng, làm phất phơ thế nào cũng được.
Ông Hoài Tân Tử nhấp giọng:
– Tôi đã nghiệm, nuôi tờ báo sống được ngày này sang ngày khác, bao giờ cũng là mục văn chương. Mục này có tiểu thuyết, có thơ, có mẩu chửi đổng, có câu khôi hài, và có tiếng nói phụ nữ. Tiểu thuyết thì mỗi ngày ta cho độc giả mê hai truyện, một truyện trinh thám và một truyện kiếm hiệp, đăng dần từng tí một. Ta in cả đoản thiên tiểu thuyết, chọn những truyện tình éo le. Mục này, ta cứ cho ra vài kỳ, rồi độc giả, những hạng mười bảy mười tám tuổi, mới lớn lên, tập viết văn, tập sống ăn chơi, gửi đến vô số. Mục thơ, nếu ta làm thế nào cho nó biến thành cái hộp thư của các cô các cậu muốn chim chuột nhau, thì ta không sợ không có bài. Ta đừng khó tính với những tác giả này, họ sẽ là người cổ động cho báo ta đắc lực nhất. Vì ai chả thích khoe mình có bài đăng báo! Mục chửi đổng phải có tay chuyên môn viết. Độc giả rất thích xem hôm nay báo chửi ai, chửi cái gì. Ngay như ở phố, hễ thấy đám chửi nhau, thì y như người ta xúm xít lại rất đông. Việc hay của nhau, ít người tò mò muốn nghe, nhưng kể xấu người khác, bươi xấu đời tư người khác, thì khối người thích. Nhiều người hễ mở tờ báo ra là tìm ngay mục này để đọc trước. Rồi bàn tán với nhau rất lâu. Vì mục chửi đổng quan trọng thế, cho nên tôi phải viết nó. Còn văn khôi hài, như Hài đàm, mẩu ý kiến nhỏ, như Nhàn đàm của báo Trung Bắc, Xã hội tùng đàm của báo Thực Nghiệp, cũng được một số độc giả ưa. Nhưng không cần ngày nào cũng có. Ngày nào cũng có, phải là mục đăng bài của phụ nữ gửi đến. Nói thật, nếu phụ nữ viết thực, thì khó ngửi lắm. Nhưng ta vẫn phải nịnh đầm mà đặt tên mục này là Tiếng oanh. Ta mong bài của những anh ký mạo con gái, lấy tên vợ, tên con, tên nhân ngãi, dùng giọng ỏn ẻn, viết về vấn đề phụ nữ. Một dạo, ông Chu Đàm Anh làm thơ, toàn lấy tên con nhân tình cô đầu là con Phụng, ký là Bích Ngô Nguyễn Minh Phụng.