Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Chị Sáu lấy chiếc chăn chiên đắp cho anh. Được no, ấm và nằm im, anh mơ màng. Rồi độ mươi lăm phút, anh ngáy.

Nhưng ngáy thì tỉnh ngủ ngay, cho nên anh lại vẩn vơ nghĩ. Bỗng có tiếng chị Sáu hỏi:

– Tay này ở Nhà vàng Bờ Hồ tham vàng bỏ ngãi đấy à?

Ông Hoài Tân Tử đáp:

– Ừ, làm sao?

Anh Thừa cựa. Tiếng nói chuyện im. Nhưng muốn nghe tiếp, anh vờ ự ự như người ngủ say. Chị Sáu nói:

– Ngủ dễ nhỉ. Tướng giàu.

Ông Hoài Tân Tử hỏi:

– Sao ngủ dễ lại giàu?

– Vì ngủ dễ là không lo nghĩ. Chỉ người giàu mới ít phải lo nghĩ.

– Không đúng. Không lo nghĩ thì sao mà làm giàu được.

– Số giàu mang đến dửng dưng. Tay này mở phòng thuốc, giàu đáo để, mà sao ăn mặc mèng nhỉ.

– Đóng cửa phòng thuốc rồi. Còn đương mắc míu về cái nhà đấy.

Anh Thừa bị nhắc nhở đến cái nhà nó như cái bướu, luôn luôn bắt anh lo lắng, làm ruột gan anh đau nhói. Anh oán bà hậu Dần và càng giận Ma-ri, và giận thân.

– Nhà thế nào?

– Tại tay ấy thật thà quá, tưởng nhà bằng lim với xi-măng, mới mua.

– À, tôi biết rồi, tay ấy học cừ lắm à?

– Ừ, sắp đỗ y khoa bác sĩ Tàu. Kể sức học thì kém đếch gì lão Quỳnh, lão Vĩnh.

Anh Thừa hởi dạ, tạm quên được việc mua nhà dại dột. Tiếng chị Sáu:

– Nhưng thật thà thì làm báo thế nào được?

– Chị tưởng làm báo thì phải quỷ quyệt à?

– Tôi chúa ghét bọn làm báo. Chỉ vô công rồi nghề bới móc chuyện nhà người ta.

– Không đúng. Làm báo để khai hóa quốc dân.

– Khai cái con khỉ! Một trăm thằng làm báo thì chín mươi chín thằng nghiện oặt xà lai, chỉ nằm bàn đèn tán phét với nhau với chửi đổng là nhất!

– Chà! Quan niệm!

Hai người yên lặng. Sau tiếng thuốc chạy sè sè và mùi khói thơm nhẹ, chị Sáu lại nói:

– Tôi quen vợ tay này.

Anh Thừa cố giữ để khỏi giật mình.

– Láo!

– Thật đấy. Trần Đức Thừa chứ gì? Tôi lạ gì tay này, mấy hôm nay vẫn đến ăn cơm ở hàng nhà Sửu.

Anh Thừa suýt cựa.

– Vô lý.

– Sao lại vô lý? Tôi đến bán thuốc cho nhà Sửu, tôi gặp luôn mà lị. Tay này ở Ngũ Xã chứ ở đâu? Vợ hắn cũng ở Ngũ Xã mà hắn không biết đấy.

Anh Thừa cố nén thở dài. Ông Hoài Tân Tử hỏi:

– Thế à? Hai vợ chồng không ở với nhau à?

– Không.

– Lạ nhỉ. Hay là chị lầm. Vợ tay này là người tây lai kia mà.

– Sao lại tây lai?

– Tôi đi ăn cưới, tôi không biết hay sao? Hai nhà trai gái toàn những ông huyện, ông hàn, ông tham, ông phán, danh giá lắm.

Anh Thừa cố thở to như ngáy. Anh muốn biết người này nếu không phải là Ma-ri, thì là vợ cả của anh, hay là Múi. Chị Sáu nói:

– À, phải. Người vợ tây lai chắc là vàng, còn người vợ này mới là ngãi. Tham vàng bỏ ngãi.

– Báo đăng tham vàng bỏ ngãi là sai đấy. Tay này chỉ mê nghiên cứu về thuốc, chứ có lăng nhăng đâu, mà vàng với ngãi.

Anh Thừa hởi lòng, càng thở dài đều.

– Thì đứa con lẹm cằm, giống tay này như lột, sai thế nào được.

Anh biết là thằng Mão. Ông Hoài Tân Tử hỏi:

– Trai hay gái?

– Gái.

Vậy ra không phải thằng Mão. Hay là con của Múi? Hay còn đứa nào nữa mà anh quên hoặc không biết?

Chị Sáu nói:

– Vợ tay này người Đồng Đăng.

Anh Thừa cựa, nhưng sực nhớ ra, anh ự ự to hơn trước.

– Thế sao chị lại quen?

– Tôi lấy thuốc ở đấy. Thuốc anh vẫn hút ấy mà.

– Thuốc tốt lắm. Vợ tay này buôn thuốc phiện lậu à?

– Không biết còn làm gì khác nữa không, chỉ thấy lúc nào cũng có sẵn thuốc ở trong nhà. Chị ta khoe bố mẹ buôn to lắm.

– Buôn thuốc phiện lậu à?

– Chắc thế.

– Vợ tay này ở với ai ở Ngũ Xã?

– Ở với con bé con.

– Cố nhiên. Nhưng còn với ai nữa chứ?

– Thuê nhà đấy, nhưng ít khi ở. Chắc là đi Đồng Đăng luôn để lấy thuốc. Bởi vì lần nào về, cũng có một anh đội đoan đi theo, lần anh này, lần anh khác, và ngủ đêm lại.

Anh Thừa nhịn được tiếng ho. May quá.

– Sao chị biết?

– Người quanh đấy nói chuyện. Có một hôm tôi cũng thấy thế, toàn nhận là anh với em, đến khỉ!

– Ngộ anh em thật thì sao?

– Anh em liền khúc ruột!

– Chị cho là chồng hay nhân ngãi?

– Già nhân ngãi, non vợ chồng.

– Thế là chị tự mâu thuẫn với chị. Chị bảo là vợ tay này, rồi lại bảo là vợ người đội đoan.

– Tôi biết đâu. Vì khoe với tôi là bà Trần Đức Thừa, làm thuốc nhà giàu ở Bờ Hồ.

– Sao chị không vặn lại là tại sao không đến Bờ Hồ mà ở?

– Vặn làm quái gì? Chị ta nói thế thì mình biết thế. Mấy lị chả thỉnh thoảng không ở Ngũ Xã là gì? Chắc là đến với chồng?

– Sao chị vừa bảo là đi Đồng Đăng?

– Việc của tôi đâu mà anh vặn tôi?

– Có trẻ, có đẹp không?

– Anh hỏi làm gì?

– Ghen à?

– Tôi chúa ghét đàn ông hay lăng nhăng, bạc tình, chỉ làm hại đàn bà con gái.

– Chà! Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên. Bụt trên tòa, gà nào dám mổ mắt. Thôi, không tò mò nữa. Cho xin một điếu.

Thấy câu chuyện lạc hướng, anh Thừa được bình tâm. Anh duỗi chân cho khỏi mỏi.

– Anh hút nhiều quá. Coi không khéo thì nghiện đấy.

– Nghiện sao được thằng tôi! Hút để lấy yên-sỹ-phi-lý-thuần mới làm thơ được. Mấy lị giá có nghiện tôi cũng đỡ thiết cái khác, nhất là đi cô đầu, hại tiền lắm. Tôi thề chừa cô đầu mãi không nổi, bây giờ chơi cái này mới dứt được xuống xóm.

– Thế là anh mắc nghiện rồi.

– Nghiện được thằng này cũng còn mệt.

– Một trăm thằng mới mắc, thằng nào cũng nói cứng thế. Cho nên nghe thằng nào nói cứng, thì biết là nó mắc nghiện rồi.

– Những một trăm thằng kia à? Sao nhiều thế?

– Khỉ! Văn sĩ xỏ lá!

– Xỏ vào người, chứ xỏ vào lá thì xỏ làm đếch gì! Thôi yên, để văn sĩ làm nốt bài thơ.

Hai người yên lặng. Anh Thừa nghĩ mà lo. Anh phải tránh gặp Múi. Anh phải rời Ngũ Xã ngay lập tức. Nhưng trong thời gian chưa thuê được nhà khác, thì anh ở đâu? Anh phải đi về nhà cũ thế nào cho kín đáo, để khỏi gặp con người coi anh là kẻ thù? Anh nhớ lại trận đòn của mẹ Mão. Bây giờ, mỗi bận ăn cơm, thấy thiếu hai cái răng, anh còn rợn cả mình. Bọn đội đoan cũng ác, hay đánh người lắm. Múi mà lại cho anh trận nữa, làm tung hoăng lên, thì anh phải bán xới đất Hà Nội thôi.

Bỗng ông Hoài Tân Tử rên rỉ giọng mà ngâm:

Mùa đông năm ngoái, em nhớ không?
Đôi ta yêu nhau, ngày càng nồng.
Kệ cả mưa dầm lẫn gió bấc,
Trên chăn, dưới đệm, lòng ủ lòng.
Mùa đông năm nay giữa tháng Mười,
Trời còn nắng gắt, còn bức oi.
Chăn bông, áo kép, như hờ hững,
Thực cảnh mùa hè, em thử coi.
Quái lạ! Tại sao lại muộn rét?
Đôi ta đôi nơi, trời cũng biết.
Thương cảnh cô miên, nằm lạnh lùng,
Đợi lúc em về, hãy đổi tiết.

Nghe tiếng oang oang bên cạnh tai, anh Thừa không có lý gì giả vờ ngủ được. Vả câu chuyện Múi, anh đã nghe đủ, vả chắc hai người không nói thêm, nên anh cựa, rồi mở mắt.

Ông Hoài Tân Tử cười:

– Xin lỗi. Tôi cao hứng, quên rằng bác đương ngủ.

Ông ta đọc lại bài thơ cho anh Thừa nghe, đùi rung nảy, mình lắc lư. Chị Sáu nói:

– Tiếng như trong câu Chăn bông áo kép như hờ hững chưa được mềm. Nếu không thì hai tiếng hờ hững không đắt. Và tại làm sao tự nhiên lại Kệ cả mưa dầm lẫn gió bấc?

Ông nhà thơ khen:

– À, con nhà sành! Câu sau thiếu ý thật. Tại rằng anh và em mỗi người ở một nhà, nhưng dù là mưa dầm gió bấc, mà không tối nào anh không xông pha đến gặp em.

Ông hỏi anh Thừa:

– Thế nào, xin bác phủ chính cho?

Lần đầu tiên anh Thừa được hỏi ý kiến về thơ. Nghe thơ, anh như vịt nghe sấm. Vả vừa nghe câu chuyện chị Sáu, thì anh còn ruột gan nào mà bình tĩnh được. Song, không lẽ làm như mình không biết thơ, anh khen cả tác giả lẫn chị Sáu phê bình để lấy lòng cả hai người.

Rồi anh đợi lúc chị Sáu xuống nhà đun thêm nước sôi, mới nói với ông Hoài Tân Tử:

– Tôi biết mình sắp lên cơn sốt. Đêm nay, tôi không dám về nhà, sợ sương gió. Và ngày mai, đến trưa, bệnh mới cất cơn. Tôi ốm mấy năm nay thế, cho nên tôi hiểu thế. Vậy tôi nhờ bác nói với anh chị Sáu cho tôi nghỉ tạm tại đây. Và tôi ở luôn đến chiều, đợi bác đưa đến gặp ông Lăng.

Ông Hoài Tân Tử gật đầu:

– Tiện lắm, không có gì là phiền. Năm giờ chiều mai, tôi sẽ đến đón bác.

Anh Thừa nói:

– Bữa cơm sáng mai, tôi cũng nhờ anh chị Sáu thổi hộ. Tôi gửi bác tiền đưa chủ nhân.

Anh móc túi định lấy tờ giấy bạc rách, nhưng ông Hoài Tân Tử đã xua tay:

– Thôi, một bữa cơm, không phải trả tiền. Bác cứ ở lại. Cần thuốc thang, cơm cháo, cứ bảo anh chị ấy. Bác coi nhà này cũng như nhà tôi, xin cứ tự nhiên. Đâu đấy đã có tôi, bác không phải nghĩ ngợi.

– Cảm ơn bác.

– Bây giờ mới là hai giờ. Còn sớm. Tôi chữa xong đoạn tiểu thuyết, độ bốn giờ thì tôi về. Bác cứ yên mà nghỉ.

Rồi ông ta cười:

– Ở nhà ồn lắm. Ở đây tĩnh. Có thêm điếu thuốc điếu xái thì tăng yên-sỹ-phi-lý-thuần. Mỗi văn sĩ có một thói quen làm việc riêng. Bác đừng cười nhé.

Được toại nguyện, anh Thừa lễ phép đáp:

– Không dám.

* * *

Chiều hôm sau, mới hai giờ, ông Hoài Tân Tử đã đến Yên Phụ, để gặp anh Thừa. Tay ông ôm một bọc gì to lắm.

Chị Sáu thấy ông khách nghiện dở tới, thì vội vàng đi sửa soạn bàn đèn, nhưng ông ta xua tay:

– Chị tưởng tôi bắt nghiện rồi phỏng? Hôm nay tôi không hút đâu. Tôi cần bàn riêng với ông bạn tôi một việc. Chị cho chúng tôi tự do nhé.

Rồi ông nói khẽ với anh Thừa:

– Họ đa nghi quá! Làm mình mất cả danh dự.

Đợi chị Sáu xuống nhà xong, ông Tình muôn thuở mới ngồi gần anh Thừa, hỏi:

– Thế nào? Bác đã nghĩ kỹ chưa?

Anh Thừa mỉm cười, lắc đầu:

– Tôi vẫn giữ ý kiến hôm qua. Bác có lòng yêu, nhưng tôi xét mình học thiển tài sơ, không xứng đáng đứng đầu một cơ quan ngôn luận. Để đền ơn tri ngộ, với bác, tôi xin giữ việc lấy quảng cáo cho báo.

Ông Hoài Tân Tử đập khẽ vào vai anh Thừa:

– Này, tôi nói thật nhé, nếu định làm ăn lâu dài với nhau, thì trước hết chúng ta nên thành thực với nhau. Hôm qua, tôi có nói bác là tri kỷ của tôi. Nhưng tôi chắc rằng bác không biết tôi cũng là tri kỷ của bác.

Anh Thừa hỏi:

– Sao ạ?

– Thôi, chẳng úp mở lôi thôi cho dài dòng nữa. Bác tưởng tôi không biết đến tổ chấy bác à? Bác tưởng tôi không biết vì lẽ gì bác không dám nhận làm chủ bút mà chỉ nằng nặc xin đi lấy quảng cáo thôi à? Về điểm này, tôi khen là bác thành thực, nhưng sao bác lại còn mỹ tự với tôi là không quen nghề với học thiển tài sơ?