Quả nhiên, Hàn Xương mắc cái mưu cành cơi của Ma-ri. Hắn nhớ Ma-ri, nên phải bò đến Ma-ri để xin lỗi. Việc mặc cả được bà cử Dần đứng giữa dàn xếp khéo léo. Bà thêm một trăm hộ bên này, hạ một trăm hộ bên kia. Bà cò kè hộ cả người bán lẫn người mua. Sau cùng, giá ngã ở chỗ một nghìn năm chục. Bà lấy của Ma-ri năm mươi đồng tiền hỏa hồng làm quà cho mối và nói:
– Rẻ đứt được năm trăm là ít!
Bà lấy của Hàn Xương hai trăm đồng, và cũng nói:
– Lãi ít nhất là năm trăm!
Bạn bè anh Thừa và bạn bè Ma-ri xui là nên đặt tiền để bắt Hàn Xương làm giấy ngay, kẻo hắn đánh tháo. Những bệnh nhân có ơn huệ với lương y, mỗi người giúp một món, nhỏ thì lấy lãi năm phân, lớn thì lấy lãi ba phân. Ma-ri thu tiền hàng để có đủ một nghìn. Trong nhà còn ba chục, thiếu hai chục. Ma-ri đem áo gấm, áo nhung, quần lĩnh của mình, dây đồng hồ vàng và quần áo rét của anh Thừa, lên nhà Vạn Bảo trên phố Mới, của đáng mười cầm lấy một, cho đủ hai chục nữa.
Thế là anh Thừa mua được nhà. Trong văn tự, cả vợ chồng người bán lẫn vợ chồng người mua đều ký tên. Anh Thừa dành dụm tiền hàng trong năm tháng nữa, đủ được món đem đi duyệt văn tự tại tòa. Anh nhẹ nhõm cả người. Anh mượn thợ chữa lại vài chỗ cho hợp với công việc hoàn tán. định hôm nào sửa tiệc mừng, rồi xem ngày tốt, thì dọn về nhà mới.
Nhưng tình cờ, anh thuê đúng bọn thợ làm nhà này, nên họ biết rõ. Anh đương khoe giá rẻ, thì họ nói cho anh biết rằng nhà không phải bằng lim và bằng xi-măng. Xà ngang là gỗ thường, dát lượt xi-măng mỏng ra ngoài. Còn các hoành và rui thì toàn là gỗ tạp cũ, cái nào thò ra ngoài, thì có một mẩu lim đóng đanh vào mà thôi.
Anh Thừa bắc thang, trèo lên để dòm tận nơi, và lấy dao cạo thử cái xà ngang. Quả như lời thợ nói thực. Anh lịm đi, suýt ngã xuống đất.
Anh bảo Ma-ri đi Bình Lục bắt đền bà hậu Dần. Bà hậu ngơ ngác, nói:
– Vâng, tôi biết đâu là nó thế? Chính tôi cũng đương bị lão phán Thanh tòa Nhì trên thống sứ nó lừa mất mấy trăm đồng bạc đây.
Anh phát đơn kiện vợ chồng Hàn Xương điêu bạc. Ma-ri tức uất lên.
Hắn còn tức uất hơn nữa, là về việc kiện, hắn nhờ trạng sư rất cứng là Măng-đét biện hộ đến nửa giờ, mà kết quả tòa vẫn xử hòa. Vì văn tự không nói rõ là nhà gỗ lim có xà xi-măng cốt sắt. Toà xét là với cái giá tiền một nghìn năm mươi đồng, nguyên đơn có bị hớ, nhưng đó là việc thuận mua vừa bán giữa đôi bên, tòa không can thiệp.
Việc tòa xử vụ kiện nhà, báo có đăng, nên cả Hà Nội ai cũng biết. Vì vậy, không những anh Thừa không dám ở, mà anh đề biển cho thuê, cũng không ai dám thuê, cố nhiên, có bán rẻ cũng không ai buồn hỏi. Thế mà tiền vay cứ đẻ ra lãi. Anh than thở với Ma-ri:
– Thật là của thiên trả địa. Không khéo thì còn phải ngồi tù nữa.
Một hôm, nhận được cái thư bảo đảm của người chủ nợ dọa kiện, anh Thừa buồn quá, mới mắng khéo Ma-ri:
– Anh cứ chỉ nghe em bàn bạc công việc làm ăn buôn bán thôi, thì anh tưởng em là người rất đảm đang, thành thạo. Nhưng bây giờ anh mới biết, là xét người đảm đang, thành thạo, không phải chỉ nghe người ấy nói, mà phải nhìn vào kết quả công việc người ấy làm, thất bại hay thành công.
Hôm ấy, anh đi khất nợ. Ma-ri ở nhà một mình. Hắn nghĩ đến tương lai, thì hắn khóc. Lần này, hắn khóc thật. Vì hắn khóc thương hắn. Chứ không phải khóc để ai thương.
Hắn cho là hắn đã tính lầm mà lấy anh Thừa. Nếu hắn cứ độc thân như trước, thì hắn vẫn là cái mồi ngon, biết bao nhiêu người thèm muốn. Đời hắn vẫn mãi mãi có giá trị. Thế mà bây giờ, hắn để cho anh Thừa ngoạm mồi. Hắn tưởng nương tựa vào một người có cái nghề mà đời đang chuộng, thì được giàu có, sung sướng lâu. Ngờ đâu, chính anh lại tin vào lời hắn mà định dựa vào hắn. Từ ngày có chồng thì mất hết bạn. Chẳng trai nào thèm đếm xỉa đến gái có chồng. Đời hắn đi một nhịp, không đổi món, nó mất vui đi. Lúc nào ra vào cũng chỉ gặp một người. Nhẵn như cầu hàng thịt. Thật là chán mớ đời! Mà người thì mặt lẹm cằm, dáng điệu quê mùa, học đòi tỉnh thành, cứng nhăng nhắc, câu chuyện lại không phải vui đùa, tươi trẻ, mà độc chuyện làm ăn, già cằn. Ngấy lên đến cổ! Thế mà lấy anh Thừa, hắn có được nhàn thân đâu. Thỉnh thoảng lại nghe tin mẹ thằng Mão đến. Nghĩ đến hình ảnh người vợ cả của anh Thừa, Ma-ri nghiến răng, trừng trừng mắt, nắm chặt bàn tay. Mụ này chưa gặp hắn. Chứ nếu gặp, thế nào hắn cũng cho một trận nên thân. Để xem lúc này thì anh Thừa bênh ai?
Ít lâu nay, hắn đã tu chí làm ăn, vừa gây vốn riêng, vừa làm lợi cho chồng. Ai ngờ đâu cơ sự nó xoay ngược hẳn lại. Anh Thừa không những tay trắng mà còn có thể ngồi tù.
Ma-ri nghĩ có nên chờ đến ngày anh Thừa bị vào Hỏa lò hãy bỏ anh, hay nên bỏ ngay từ bây giờ. Bỏ anh Thừa, hắn lại được sống đời tự do cũ, tha hồ kẻ đón người đưa, kẻ quý người trọng. Đời lại đẹp như hoa nở.
Bỗng hắn sực nghĩ đến cái thai thứ hai nằm trong bụng hắn. Cái thai này có lẽ là của anh Thừa. Nếu không đúng thế, hắn cũng bắt anh phải nhận cái thai thứ nhất, đẻ ra thằng Pôn. Hắn giận thân. Sao lại mắn quá thế!
Vướng cái thai ấy, cẳng hắn cũng bị vướng. Hắn không thể hãnh diện với phố phường như người không có mang. Đàn ông không thèm để mắt đến một người có cái bụng nghễu nghện, ưỡn phượt ra đằng trước. Có nhìn cũng chỉ chế nhạo dáng đi, chứ không thể ngắm nghía sắc đẹp. Hắn có thể trả thằng Pôn cho anh Thừa nuôi, hoặc cho một người hiếm hoi nào để ra khỏi Phòng thuốc nhà giàu được nhẹ nhõm. Nhưng hắn suy tính. Bỏ anh Thừa ngay bây giờ, thì hắn phải lo mưu sinh ngay đúng vào thời gian mà thân hắn không dùng để mưu sinh được. Không những vậy, đến ngày hắn nằm cữ, thì ai trông nom, lo lắng cho? Thà cứ bám vào cây gỗ mục, để có thể không chết đuối. Dù trong túi không còn một xu, dù ngày hôm sau vào tù nợ, nhưng thấy vợ sắp đẻ, tất hôm nay anh Thừa cũng cố đi lạy van bạn hữu để có tiền sắm sửa cho hắn đi nhà hộ sinh. Như vậy, hắn đùn được cái khó khăn cho anh. Rồi sau khi sinh nở, hắn sẽ kiếm cớ trở mặt, tha hồ làm lại cuộc đời.
Hắn xem bói, nhờ thầy mù chỉ cho thấy tương lai. Hắn lễ điện nhà cô Bé Tý, cầu lấy được phúc của cha hắn để lại.
Về phía anh Thừa, anh đã bắt đầu chán Ma-ri. Cưới Ma-ri làm vợ, anh vừa tốn kém, vừa mang tiếng. Trong mấy năm nay, một tay anh ky cóp, gây dựng nổi cơ đồ, đương có cơ bốc hơn nữa, thì Ma-ri đầu cơ hàng tây, làm anh suýt hết nghiệp. Lấy Ma-ri, anh không vui thú gì hơn ngày chưa lấy. Kém đi là khác nữa. Không còn lời âu yếm, giọng nũng nịu nữa. Toàn những câu trách móc, thở than thua chị kém em. Anh còn mất hết tự do giao du với bạn. Anh đi công việc thì chớ, lúc nhàn rỗi muốn đến nhà ai để giữ cảm tình, Ma-ri cũng nghi là anh đi chơi bời. Thế là hắn kèm anh như kèm kem. Đến nỗi bạn bè chế anh là đi đâu cũng phải boọc sà-lan. Họ còn nói vụng là anh mọc sừng. Vậy mà đối với ngoài, hắn còn làm ra mặt chiều chồng, không biết ghen. Không biết ghen, mà thấy bạn rủ anh xuống xóm, bận mấy, hắn cũng bỏ việc đấy để đi theo, nói khéo rằng thích nghe hát cô đầu lắm. Thành thử có mặt hắn cả khách lẫn cô đầu đều mất hứng, mất vui. Lần nào hắn không theo được thì hắn dở cái thói tai quái. Hắn nói với bạn của anh như thật, là “xin phép các bác cho tôi hỏi nhà tôi một tí”. Hắn gọi anh vào buồng, bắt anh tiêu hết sức lực với hắn, mới thả anh ra. Rồi đến đêm anh về, hắn lại kiểm soát sức lực của anh lần nữa, mới cho anh ngủ yên. Nếu không, hắn dày vò, có lần đạp anh ngã lăn xuống đất.
Anh nhớ như chôn vào ruột cái bận một người bạn sắp bổ tri huyện mời anh đến nhà dự tiệc khao làm quan. Vì hắn không được mời, nhưng biết là có hát cô đầu, hắn chỉ cho phép anh vắng mặt đến chín giờ thì phải về. Hắn lại bắt anh bế thằng Pôn chưa biết ngồi, đi theo, để trói chặt tay anh. Thế mà đến gần chín giờ, hắn đã sai vú em đem chiếc đồng hồ quả quýt đến cho anh, nói rằng: “Cậu bỏ quên, mợ sai mang đến”. Cả khách khứa lần cô đầu hiểu, cười rầm lên. Anh xấu hổ quá, nhưng cứ phải về. Thật là con người thâm hiểm quá đỗi. Đời anh như vậy là bị tước quyền làm chủ. Anh đã có vợ, chứ có phải không đâu. Mẹ Mão quý trọng anh, tin cậy anh, thương yêu anh. Anh làm chủ đời anh, làm chủ cả đời vợ anh. Nhưng bây giờ, người ấy coi anh là thù địch rồi. Còn Ma-ri làm anh vỡ nợ. Anh phải coi là vợ! Cái nhà mà Ma-ri mách anh mua, bây giờ cho ai, người ta cũng không dám lấy. Chính anh cũng không dám ở, để hứng lấy tai nạn đổ sập bất thần, vì nền sụt và tường nứt rồi.
Thế mà nhà bỏ không, thuế vẫn phải nộp, nợ vẫn phải lo.
Anh ta muốn bỏ Ma-ri, nhưng đoán rằng Ma-ri bỏ anh trước. Anh rất mong thế. Con bướm bao giờ cũng chỉ tìm hoa tươi mới đậu. Hoa héo không thể giữ nổi bướm là lẽ đương nhiên. Đối với Ma-ri, tiền làm ra tình. Nhưng đối với anh, anh lấy Ma-ri thì tình chỉ làm hại tiền. Anh có chí biết xoay xỏa và có chí chịu kiên nhẫn, sẽ lại làm giàu được. Ma-ri bỏ anh, tức là trả cho anh tụ do làm lại cuộc đời của anh. Vì vậy, thấy con người hay trở mặt không trở mặt với anh, anh sốt ruột lắm. Anh coi thằng Pôn và cái thai mới nằm trong bụng Ma-ri như những vật chướng ách. Chẳng biết chúng nó là con anh thật, hay anh phải nuôi báo cô những con của đứa nào?
Chưa bao giờ anh Thừa bị nhiều thử thách như bây giờ. Anh đương sa lầy về cái nhà, thì ngọn gió tẩy chay ầm ầm thổi từ trong Nam ra, làm anh suýt ngã nhào.
– À, lại còn cái thằng thầy lang khách này nữa, tẩy chay! Tẩy chay!
Học sinh trỏ vào Phòng thuốc nhà giàu bảo nhau thế, rồi họ chia ra hai toán, vây hai bên Nhà vàng Bờ Hồ, tay phát cổ động, miệng khuyên đồng bảo:
– Nếu các ông các bà có bệnh, mời các ông các bà đến tìm các ông lang ta. Người chủ phòng thuốc này là người cùng nước với tên Lý Thiên nó chửi cả nước Nam ta là man di, mọi rợ, là ấu trĩ đấy!
Cậu Nghĩa cũng đứng trong bọn ấy, thêm:
– Chúng ta không gánh vàng đi đổ sông Ngô, nhưng cũng không gánh vàng đi đổ sông Tây. Trong phòng thuốc này không những người khách làm chủ, mà có cả một con mẹ đầm làm công.
Nói đoạn trỏ tay vào những tờ quảng cáo dán ở tường phòng thuốc:
– Tẩy chay ngoại hóa! Khuyến khích đồng bào dùng nội hóa!
Học sinh hô khẩu hiệu rầm rầm.
Anh Thừa đứng trong nhà, lé mắt nhìn ra. Thấy nguy cơ, anh tái mét mặt.