Ma-ri đoán việc buôn đất phải có lãi lớn. Buôn hàng tây, ở bên Tây chiến tranh, còn sợ bấp bênh, chứ buôn đất ngay ở Hà Nội, thì chỉ có mà ăn chết. Tây có về nước, thì người Nhật, người Mỹ sang cai trị thay, họ cũng mở mang Hà Nội cho đẹp, cho to. Nếu lại có tiền làm những căn nhà vừa ở để cho thuê, thì chỉ trong dăm năm là thu đủ vốn.
Anh Thừa cũng phục Ma-ri là nhìn đúng tương lai. Nhưng anh đành chịu. Vì đào đâu ra tiền nữa?
Anh chỉ còn vốn để kiếm ăn trong nghề làm thuốc với những người dại dột, cho nên anh chỉ dám vùng vẫy trong giới nhà giàu. Để gần gũi các quan, là hạng thượng lưu xã hội có lắm tiền nhất, anh đã nhờ hai người giới thiệu vào hội Khai Trí Tiến Đức mới thành lập, làm hội viên thường. Được giao thiệp thật với các quan to, anh đã mãn nguyện rồi. Thế mà hồi tháng tư vừa qua, anh còn được mời xuống Giám, dự tiệc sâm banh danh dự do Hội tổ chức, để tiễn quan toàn quyền Xa-rô về Tây, anh lấy làm hân hạnh quá…
Anh khoe với Ma-ri đến hàng tuần lễ mà chưa chán miệng. Anh đã được trông thấy quan Hoàng Trọng Phu, quan Đoàn Triển, quan Thân Trọng Huề, quan Lệ Trung Ngọc, quan Phạm Văn Thụ, quan Trần Văn Thông, cùng biết bao nhiêu quan ở khắp Bắc Kỳ mà anh không tài nào nhớ tên hết. Anh lại được biết mặt ông Nguyễn Văn Vĩnh đội mũ lính tây thuộc địa, ông Phạm Quỳnh gù lưng, đeo kính trắng, và cô Tư Hồng, cô Bé Tý, cô Chánh Giá, béo như đầm, đều là những nhân vật tai to mặt lớn trong nước.
Hôm ấy, anh cố len vào để nghe quan Đoàn Triển đọc đít-cua, chúc người cha của dân tộc Đông Dương được thuận buồm xuôi gió, thượng lộ bình an, nay mai trở lại để, lần thứ ba cầm vận mệnh xứ sở mà ngài yêu như quê hương thứ hai của ngài.
Anh không nghe hết bài trả lời của quan thủ hiến, vì ngài nói dài lắm, đâu bảo những bốn giờ đồng hồ. Anh biết là bài này đã dịch ra quốc ngữ, và đã in thành sách, sắp phát cho tất cả mọi người, vả anh ngại nghe, cũng vì trời nực nữa. Quan toàn quyền đứng giữa đám đông, ngài nói rất hùng hồn, anh không biết tiếng Tây, nên không hiểu, nhưng thấy luôn luôn ngài giơ tay cao, vung tay rộng, lúc nói to như gắt, lúc nói ngọt như dỗ, đến nỗi ướt đầm cả lưng áo, hai anh lính phát mạnh hai chiếc quạt lông ở hai bên, mà cái trán hói của ngài vẫn bóng những mồ hôi.
Anh chỉ nghe người khác nhắc lại ý quan Xa-rô nói Đông Dương như đứa trẻ mới tập đi. Nếu bước một mình thì ngã. Vì thế nước Pháp phải dắt tay để đỡ.
Anh hiểu đây là ngài nói Đông Dương bán khai, chưa tự trị được, phải nhờ nước Đại Pháp nhân đạo, đem đuốc văn minh soi đường hộ. Anh hiểu vậy, vì anh nhớ lại hồi ông Bếp bắt anh ứng mộ làm lính chào mào sang Tây đánh giặc Đức dã man. Ngày ấy, quan huyện về làng hiểu dụ rằng nếu dân An-nam tình nguyện đi lính sang Tây thật nhiều, và bỏ tiền ra mua công trái thật nhiều, thì sau này chiến thắng, nhà nước sẽ cho nước An-nam tự trị.
Hẳn bây giờ nhà nước thắng giặc Đức rồi, nhưng thấy dân An-nam mới như đứa trẻ tập đi, nên không nỡ để nó ngã vì phải bước một mình.
Thôi, nhưng mà việc xin nhà nước cho nước An-nam độc lập hay tự trị, là việc của các quan. Việc của anh chỉ là làm thuốc. Và việc của anh bây giờ là mon men làm quen được nhiều quan. Cho nên lúc dự tiệc, anh cố đứng lẫn với những người đeo thẻ ngà. Anh uống sâm-banh, ăn bánh, ăn kẹo, hút xì-gà, cho bõ tiền hội phí. Thấy nhiều quan lấy cả hộp bánh và hộp xì-gà đút vào túi, anh cũng bắt chước, để đem về cho Ma-ri.
Nhưng Ma-ri không thích bánh, không thích xì-gà. Hắn chỉ thích làm giàu bằng cách tậu đất, tậu nhà. Anh Thừa bảo:
– Nên từ từ thôi. Muốn làm giàu ngay thì không thiếu cách. Mở sòng bạc, buôn thuốc phiện lậu, đi bồi để làm quan, cũng giàu chán, không cứ tậu đất, tậu nhà. Nhưng làm nghề nào, ta chỉ nên dốc hết tâm trí vào nghề ấy. Trừ phi là óc ông Ký Bưởi mới vừa làm được việc to, như buôn tàu, cạnh tranh với tây, với khách, vừa làm được việc nhỏ, như nhớ tên từng người mạch-nô lương ba đồng, nhớ tên từng người thuê đất ở bến tàu ông ta, mỗi tháng đồng rưỡi, để lừa họ. Mấy tháng nay, nhiều dược phòng chết dở với ta. Nhà Cổ kim dược cục rục rịch đóng cửa. Nhà Nguyễn Thinh sắp vỡ nợ. Nhà Biển Hoa đương bán dốc hết thuốc để giải tán công ty. Khách hàng của họ về tay ta. Vậy, một mặt, ta nên giữ vững lấy tín nhiệm của quốc dân, một mặt, ta đề phòng họ phản lại ta, hoặc một nhà thuốc mới mở nào để dìm dập ta thâm ác hơn cách của ta đã dùng để phá những dược phòng trước ta.
Ma-ri không để anh Thừa nói, hắn hỏi:
– Sao toa bảo nghề làm thuốc của toa không bền?
– Phải. Không bền. Nhưng moa biết bắt mạch, cho nên thấy là hiện giờ nó đương khỏe khoắn. Bao giờ nó dở chứng hãy hay.
– Moa chỉ sợ khi nó dở chứng thì xoay xở không kịp.
– Đành vậy. Nhưng bây giờ làm gì có tiền mà tậu nhà, tậu đất. Cái vết thương của vố ngã đau đã lành đâu?
– Moa bày cho toa một cách để có tiền nhé.
Ma-ri xui anh Thừa nhờ mấy tay văn sĩ đứng bảo đảm cho anh vay tây đen, vì các ông chơi bời văng mạng này là khách nọ quen của bọn sét-ty. Hắn đã nghiên cứu kỹ thói quen của mấy anh chủ những nhà cho vay này. Họ không sùng đạo, cho nên chiều thứ sáu, họ không đóng cửa hàng như mấy chú bán vải ở Hàng Đào, khóa cửa nhà, đuổi đầy tớ ra ngoài đường, để đi lễ ở chùa ở phố Hàng Lược, cổng mở trên bờ sông Tô Lịch, chỉ còn nhỏ bằng cái rãnh. Vậy nói khó cho lòng từ tâm của họ là không ăn thua. Họ lại không dám gần đàn bà con gái, sợ đam mê thì bị lừa. Vậy lợi dụng sắc đẹp làm cho họ xiêu lòng cũng không được. Đối với họ, thì văn tự nhà, văn tự ruộng, nghị định bổ làm công chức lương cao, là những vật bảo đảm chắc chắn nhất, để móc được tiền của họ. Môn bài làm thuốc của Phòng thuốc nhà giàu, đối với họ là vật vô giá trị, vì nó không là của chìm. Cửa hàng nay mở mai đóng, người có nợ luôn trốn như chạch, thì họ biết tìm đâu ở cái nước Nam xa lạ này? Vả lại, môn bài ấy còn kém cả tiền nộp tem bán hàng một năm của anh bán phở rong đi các phố. Anh này mỗi ngày mất hai hào thuế, vị chi mỗi năm bảy mươi hai đồng, nhiều gấp mấy môn bài của hiệu. Ma-ri nghĩ chỉ còn mỗi một cách, là có người quen giới thiệu rồi, thì làm ra mặt thật đứng đắn, đến điều đình với bọn sét-ty vào buổi sáng. Buổi sáng thì óc người ta được thanh thỏa. Vả chưa có nhiều khách, thì chủ tiếp chuyện được lâu, mình nói được kỹ. Lúc ấy, lại mới chỉ có một người chủ ở chỗ làm việc trên gác, còn những người khác, đương bận tắm giặt, bôi kem, ăn sáng ở nhà dưới, người ấy sẽ không có ai ở cạnh để bàn bạc, làm cho lắm thầy thối ma.
Nhưng ba buổi sáng, Ma-ri đến, nói rất nhiều, mà lòng người chủ vẫn không chuyển.
Lần nào, anh tượng đồng đen cũng ôm ghì cái két kẽm nhỏ đựng bạc vào lòng, lắc đầu nói:
– Khổng có được. Nhiêu quạ. Hảng chục thì được. Hảng trăm đã là nhiều. Hảng nghìn thì khổng có được! Khổng có được! Có văn tự nhà thì được. Vừa bà vay, vừa bà giả góp hảng tháng.
Ma-ri tán:
– Cả ba ông Bổng, ông Huyền, ông Nhất bảo đảm cho tôi là chắc chắn quá rồi. Tôi cũng đáng tin cậy như các ông ấy, chứ kém à?
Anh oẳn xua tay:
– Bả ông cũng như một thôi. Không một ông nào đáng tin cậy cả. Các ông ấy có tiền thì chơi cô đầu, không giả tôi. Tôi tử tế, không bỏ tù.
– Thế có văn tự nhà tôi thì ông giúp tôi nhé.
– Được.
Tán với sét-ty da đen không câu, Ma-ri định quay về vay sét-ty da vàng.
Bà cử Dần nghe đồn Ma-ri muốn tậu nhà, tậu đất, thì bà đến chơi, mách cho một món bở. Món này là cái nhà mới làm xong, ở trước cửa trường học Cửa Đông, cạnh nhà ô-ten, và gần nhà con mẹ nhà thổ đầm, cuối phố Hàng Nón. Nhà ấy là của chồng người em gái bà, tên là Hàn Xương, định làm để ở, cho nên rất kiên cố. Song, vì một người chú của Hàn Xương, là huyện Sáng, cần tiền chạy đi tri phủ Kiến Xương, Hàn Xương giúp chú, phải để lại cái nhà ở Cửa Đông. Bà cử lại nhân em rể bán nhà, muốn giật chút ít, để lo cho ông đi tri huyện Vụ Bản, cho nên bà đứng ra làm mối hộ.
Không cần biết những lý do mà bà cử Dần kể lể, kệ chú cháu, anh em nhà họ khu xử với nhau, Ma-ri chỉ biết đây là một dịp tốt, có một cái nhà mới làm, lại kiên cố, để mua và mua bằng một giá có thể dìm rẻ được. Hắn nực cười, sao bà cử Dần khôn sặc gạch, lại hớ đến nỗi lạy ông tôi ở bụi này. Ai khảo mà xưng rằng Hàn Xương cần tiền? Hắn rủ anh Thừa đi xem.
Nhà này thật kiên cố. Có gác. Có sân rộng. Hàn Xương trỏ cho hai người thấy những xà ngang toàn bằng xi-măng cốt sắt, và cửa giả, cầu thang, toàn bằng lim. Những hoành và rui thò ra ngoài, vết lim mới cưa màu nâu già, trông rất đẹp. Một căn nhà rộng, làm trong khoảng đất trên hai trăm thước, bằng lim với xi-măng, mà đặt giá có một nghìn rưỡi bạc. Thấy của tốt mà giá hời, cả anh Thừa lẫn Ma-ri đều mê tít.
Song, nói cho đúng, thì người mê tít lại là Hàn Xương. Bởi vì Ma-ri giao thiệp thẳng với cái anh chàng cà khẳng cà khiu này. Hắn mặc cả bằng miệng, nhưng hắn mặc cả cả bằng mắt, cái khóe mắt liếc tình, rất thạo của hắn.
Hắn còn làm bộ không tha thiết cái nhà, mà chỉ tha thiết cái lộc của Hàn Xương. Hắn nũng nịu bắt Hàn Xương hạ từ nghìn rưỡi xuống nghìn tư, từ nghìn tư xuống nghìn ba. Nhưng Ma-ri nói nhất định hắn chỉ có tám trăm để trả. Hàn Xương dỗ dành:
– Nếu là nhà riêng của anh, thì anh hiến không cho em cũng được. Khốn nỗi còn vợ anh. Để cho em rẻ quá, thì nó nghi.
Ma-ri làm mặt giận:
– Em cũng muốn hiến thân em cho anh toại nguyện. Nhưng anh khó tính quá. Vậy xin anh coi em người kém diễm phúc.
Hắn không lại với Hàn Xương, bỏ lửng việc mua nhà đó.
Thế là hắn biết tài nào cái nhà trước trường Cửa Đông cũng về tay hắn. Hắn bắt anh Thừa đi vay ngay tiền. Anh Thừa cũng tin ở mánh khóe ngoại giao của Ma-ri. Để làm những việc cần thiết, có lợi, không những anh vẫn không ghen, nhiều bận anh còn vẽ cho Ma-ri thủ đoạn để xiêu lòng người. Anh thường nói rất bóng bẩy:
– Muốn vào lọt cửa người ta, thì trước hết, phải cho người ta lọt cửa mình.
Vì vậy, thấy Hàn Xương tít mắt nhìn Ma-ri, anh Thừa yên trí là việc mua bán thế nào cũng xong xuôi.
Hiện giờ, Phòng thuốc nhà giàu đương được tiếng, thì anh không cần phải ở phố Bờ Hồ, tránh mỗi tháng một món tiền thuê khí cao. Vả anh định làm thêm hoàn tán, thì ở đâu cũng được, miễn là nhà rộng, có đủ chỗ làm việc. Ma-ri muốn có một cái nhà để có văn tự làm vật bảo đảm vay sét-ty. Có tiền, hắn sẽ buôn nhà, buôn đất, tha hồ mà lãi. Để chuộc tiếng làm chồng suýt khánh kiệt, hắn càng quyết tâm mua cho kỳ được cái nhà của Hàn Xương.