Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ma-ri lo. Nhưng anh Thừa cười:

– Không phải lý do là đắt tiền và không công hiệu. Thuốc nhà khác không rẻ và không hay hơn thuốc nhà mình đâu. Chỉ lại mình không quảng cáo mạnh và không tìm cách cạnh tranh mạnh.

Anh loay hoay viết một bài dài để thuê in. Bài ấy đề là Mấy lời tâm huyết kính cáo quốc dân. Đại ý đoạn đầu, anh giải thích là người làm ra của, chứ không phải của làm ra người. Cho nên người có tiền có bổn phận trọng tính mệnh và sức khỏe của mình. Tiếc tiền dùng thuốc là coi thường bản thân, và nếu ốm yếu thì sẽ nghèo khổ.

Người nghèo khổ mà khôn ngoan biết dùng thuốc của nhà giàu, cũng dễ làm giàu.

Để khách hàng khỏi chê thuốc không công hiệu, anh viết:

Nhà giàu là những người thông minh và kiên tâm. Thông minh thì phân biệt được thuốc hay với thuốc không hay. Kiên tâm thì không dùng thuốc dở chừng đã bỏ. Ai thường không biết phân biệt thuốc hay với thuốc không hay? Ấy là những người kém thông minh và kém kiên tâm. Ấy là những người nghèo chứ không phải người giàu. Bởi vì họ thiếu những đức tính căn bản của hạng người thượng lưu cao quý.

Cuối cùng bản quảng cáo kêu gọi:

Hỡi quốc dân đồng bào! Y sĩ Trần Đức Thừa là người tận tụy với nghề và tận tâm với tương lai của những người nhà giàu chúng ta. Là nhà giàu, chúng ta chỉ dùng thuốc dành riêng cho chúng la. Chúng ta đã tín nhiệm Y sĩ Trần Đức Thừa, một nhà làm thuốc Việt Nam duy nhất có bằng cấp của chính phủ Trung Hoa dân quốc, thì chúng ta càng tín nhiệm hơn nữa để y sĩ phấn khởi, chấn hưng y nghiệp, giữ được mối lợi cho nước nhà. Các bạn nhà giàu là những người giàu lòng yêu mình nghĩ sao? Các bạn nhà giàu là những người giàu lòng yêu nước nghĩ sao?

Ma-ri đọc xong tờ quảng cáo, thì ngỏ ý kiến:

– Nghe được đấy! Toa tán khá lọt tai, nhưng moa chê là toa còn quân tử quá. Phải dìm thuốc nhà khác xuống, thì thuốc nhà mình mới nổi lên được chứ?

Anh Thừa cười:

– Trong quảng cáo, ta chỉ nên nhằm mặt tâm lý, tức là đánh vào lòng tự ái của nhà giàu, dọa là nếu không uống thuốc của Phòng thuốc nhà giàu thì ốm và bị khinh là nghèo. Thế là đủ. Lời văn chỉ nên nhã nhặn, hàm ý từ xa xôi thôi. Còn cạnh tranh để dìm dập nhau, thì mình không nên lộ mặt ra, mà người ta cho là không đứng đắn.

Ma-ri rất phục anh Thừa khôn khéo.

In quảng cáo xong, anh Thừa tổ chức việc cạnh tranh, về mặt này, Ma-ri không chê anh là quân tử nữa.

Anh bỏ tiền ra mua buôn của những dược phòng khác, mỗi thứ thuốc nổi tiếng độ dăm chục lọ. Anh lấy một nửa, tẩm thêm tí cam thảo, rồi thay vào lọ của hiệu anh, và dán nhãn hiệu của Phòng thuốc nhà giàu. Còn một nửa, anh để vào chỗ ẩm cho mốc meo, rồi lấy bớt ra một ít, gói lại tử tế, với nhãn hiệu cũ. Anh để rẻ thuốc này cho những người bán rong.

Người ốm nào dại mà dùng của mốc và đắt nữa!

Còn thuốc của anh pha chế và thuốc dán chằng nhãn hiệu, anh không gửi các đại lý cũ. Anh tìm những đại lý nào của dược phòng khác đông khách nhất thì gửi hàng của anh ở hai nhà hai bên, để chèn. Anh bỏ tiền cho họ đóng một tủ nhỏ, đựng riêng thuốc, và kẻ cái biển bằng sắt tây, viết chữ màu sặc sỡ. Tủ bày ngay gần chỗ ra vào. Biển đóng theo dọc tường, chĩa ra hè phố. Ai đi từ đằng xa, cũng chú ý đến cái biển lắm màu sắc, đúng ngay tầm mắt. Đến nhà ấy, họ thấy ngay thuốc trong tủ như ở trước mặt. Họ được hà tiện mấy bước thì vào mua hàng ở nhà gần. Mua thứ này, nhân tiện họ mua thứ khác. Người bạn mua thuốc cũ ở hiệu cũ, thấy thuốc cũ không dùng được mà còn đắt, thì tiện chân, sang ngay nhà bên cạnh.

Mười hôm sau, anh Thừa đi điều tra kết quả của việc cạnh tranh. Thấy có công hiệu, nên anh cứ tiếp tục.

Anh còn nghiên cứu thêm cách quảng cáo của những hãng thuốc lớn trong Sài Gòn. Anh thấy nhà Đại Quang dược phòng phát không cuốn tiểu thuyết dịch dày gần bốn trăm trang. Xen vào giữa những tờ in truyện, là những bài viết về một thứ thuốc bán ở hiệu ấy. Anh không làm nổi cách quảng cáo tựa vào tính mê truyện của người đời như nhà Đại Quang họ có vốn hàng vạn. Nhưng anh được gợi ý để bắt chước bằng kiểu mèo nhỏ thì bắt chuột con.

Anh đến điều đình với nhà văn sĩ Hoài Tân Tử cho anh mua lại tất cả ngót một nghìn cuốn Tình muôn thuở bị ế, tính giá giấy bán cân. Anh bảo:

– Bác cứ cho phép tôi làm thế nào thì làm, miễn là vẫn giữ tên bác là tác giả.

Nhà văn sĩ mừng lắm, nhưng nói:

– Tôi muốn bác bỏ hẳn tên tôi đi thì hơn.

Anh Thừa ngạc nhiên:

– Tại làm sao?

– Tại giá trị của tên tác giả kém giá trị của giấy in thơ bán cân.

Anh Thừa không chiều được ý của ông Hoài Tân Tử. Anh chỉ có thể dán đè lên trên ba chữ Tình muôn thuở bằng mảnh giấy in tên mới của sách là Đa sầu đa bệnh. Cạnh mỗi tờ thơ, anh đóng thêm một tờ quảng cáo thuốc. Sách bán lấy vốn hai xu một cuốn, có ba hôm đã hết veo.

* * *

Không khí hoạt động ngùn ngụt trong Phòng thuốc nhà giàu. Người làm, kể cả cụ hai Điều, vần vật suốt ngày, đến quá nửa đêm mới nghỉ tay.

Ma-ri càng hăng say làm giàu bốc. Vì quen biết nhiều bà buôn bán cơ hội, nên hắn nhìn rõ cái cơ hội nó đến từ mấy năm nay rồi, mà hắn không để ý. Hắn phải vớt lấy nó. Bỏ đi thì phí. Hắn thu hết vốn riêng lại, còn bảo anh Thừa đưa thêm tiền cho hắn buôn, chia lãi cho công bằng với bên có công, bên có của. Vì anh Thừa nghĩ việc làm thuốc không bền, cho nên ngay từ bây giờ, phải dò đường khác mà chuyển nghề dần. Anh bằng lòng bỏ vốn vào công ty.

Hồi này, ở Âu châu, chiến tranh đương vào thời kỳ quyết liệt. Giao thông vận tải bằng đường thủy bế tắc hẳn, nên hàng hóa, từ bên Pháp không thể gửi sang Đông Dương được. Do đó, giá hàng Tây tăng vòn vọt, cao hơn trước gấp bội. Một tập giấy thường cho học trò dùng, trước chiến tranh, bán năm, sáu xu, dần dần tăng lên tới hai hào rưỡi, nay, ba hào. Một ngòi bút giá một xu hai chiếc, bây giờ hai xu rưỡi, ba xu một chiếc, vải chúc bâu, dường bâu, càng khan hiếm. Đường miếng từ hai hào một hộp, nay lên sáu hào. Sữa con chim, từ ngót ba hào, nay tới bảy hào. Ấy là đơn cử một vài thứ thường dùng. Còn những xa xỉ phẩm như rượu sâm-banh, cốt-nhất, thuốc xì-gà, máy hát, v.v… thì phi là người có thần thế, đố ai mua được.

Bởi cả nước cần phải có thứ dùng không thể thiếu, cho nên ở Hà Nội, Hải Phòng, nảy ra một hạng người nổi lên giàu đột ngột vì chiến tranh. Họ bỏ vốn ra, vơ vét hàng hóa, rồi tích trữ, để bán với giá gấp bốn, gấp năm, có thứ gấp mười. Người đầu cơ nhỏ ăn nhỏ, người đầu cơ to ăn to.

Ma-ri xông vào việc đầu cơ. Hắn thấy rằng trước kia anh Thừa mở công ty tổng phát hành thuốc Trung Nam Bắc, và bây giờ mở Phòng thuốc nhà giàu, là đã làm ăn quá lương thiện. Nay mới bắt đầu buôn chiến tranh là muộn rồi. Nhưng muộn còn hơn bỏ mất dịp may. Hàng có khan, nhưng không phải là không có. Miễn là phải to gan mà mua tranh những người khác, cần biết rằng giá hàng còn lên nhiều. Xót xa món tiền ngày hôm nay phải bỏ ra buôn, thì mười hôm sau phải xót xa hơn nữa về mất món lãi lớn.

Ma-ri buôn giấy, vải, và cố nhiên là thuốc. Ba thứ cần dùng thôi. Để có thêm vốn vào công ty, hắn thôi không đóng tiền hàng tháng vào hội Bảo hiểm nhân thọ nữa. Hắn đành phí toi ngót hai chục bạc đã góp.

Ma-ri lại muốn ăn to, làm theo kiểu trường vốn, nên chỉ buôn vào mà không bán ra ngay. Bán ra ngay thì lại phải buôn vào bằng cái giá mới cao hơn trước. Lãi ít. Chiến tranh còn quyết liệt, thì hàng còn khan, và giá còn lên. Không sợ! Nhìn đống hàng và nghe thời giá mà sướng mắt sướng tai!

Ma-ri cố vơ vét. Thấy nói ai ở đâu có giấy, có vải, có thuốc, là hắn sục ngay đến mua cho kỳ được, bao nhiêu cũng lấy cho bằng hết, cao mấy cũng trả.

Song, trời chẳng tựa lòng người có gan! Hắn đương mải mê làm việc tích trữ đầu cơ, đương tự đắc là đảm đang, thì bỗng nghe một tin sét đánh: Ở Âu châu đình chiến! Thôi, phen này thì hết nghiệp! Trong khi cả Hà Nội, Tây bắt treo cờ, kết hoa, đốt pháo, lính rước đèn, học trò rước cờ, qua các cổng khải hoàn dựng ở các đầu phố, và diễu quanh hồ Hoàn Kiếm buổi tối thắp đèn xếp, đèn quả bóng bằng giấy xanh, đỏ, vàng, trong khi cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp mừng đón hòa bình, thì riêng mình Ma-ri ôm mặt khóc lóc, tiếc chiến tranh. Hắn vội vàng bán tống bán tháo cho hết, được đồng nào hay đồng ấy.

Anh Thừa như ngậm bồ hòn, chỉ thở dài.

* * *

Cay cú vì thua lỗ, Ma-ri đâm lao phải theo lao. Hắn muốn kéo lại cái vốn cũ, cho nên không thiết những món lợi nhỏ nữa. Hắn tìm những việc to để có thể ăn to.

Vì quen mấy ông tham, ông phán, làm ở sở Đốc lý, Ma-ri biết là bây giờ thiên hạ thái bình rồi, thành phố Hà Nội được mở mang rộng. Đất Hà Nội tất sẽ có giá trị dần.

Đất Hàng Đào, Hàng Ngang, đắt nhất thành phố hiện nay, đã lên tới mười đồng một thước vuông. Nhà Hàng Gai, Hàng Bông, là những phố buôn bán sầm uất, rộng độ bốn năm thước, sâu độ hơn ba chục thước, đã bán nổi nghìn bạc. Nhưng nếu mua được nhà, được đất ở những phố này, thì phải có nhiều tiền lắm. Ma-ri để mắt vào nhà ở những phố mới mở, hoặc đất ở những nơi sắp thành đường. Đất còn bỏ không, hiện nay, ở Hà Nội, có vô khối. Nhiều nơi là bãi lầy, bụi hoang, như miếng đất sau chợ Hàng Da, như miếng đất từ vườn hoa Cửa Nam đến Giám, cứ đến tối không ai dám đi qua, sợ bị cánh của Ba Xoàn, với của Tý Sẹo ra bóc lột. Nhiều nơi là đồng ruộng, như chỗ quá Chợ Hôm một tí, đến nhà lục xì, cạnh bóp Bạch Mai, thẳng xuống chợ Mới Mơ, hoặc như sau phố dốc Hàng Gà, từ phía khỏi Hàng Kèn Gốc thì đến Nhà Diêm, chiều chiều, kèn đuổi ma thổi rè rè, nghe rợn cả tóc gáy. Nhiều nơi là hồ ao, đường được thành phố cho xe rác lấp dần bằng rác, mùi hôi thối nồng nặc, không ai chịu nổi, như khu đất quanh Hàng Bún, như khu bờ Hồ Trúc Bạch, phía đường Quan Thánh, từ chỗ xe điện tránh nhau đến nhà cà phê Ba cây, gần sở máy gạch, vẫn đồn rằng có lắm yêu tinh. Lại nhiều nơi đáng sợ hơn, ở gần Vân Hồ, như Trường bắn, như chỗ gọi là Nhà thương lây ở Bạch Mai chỉ có một căn nhà lá chứa vôi bột, còn mênh mông là mả người chết dịch, nhiều ngôi bị lún bẹt bằng mặt đất, nhiều ngôi đắp dối, chồi cả ra ngoài cái đùi đương rữa thịt, vân vân. Những nơi này, nếu nhà nước gọi bán đấu giá, người mua chỉ dám trả mỗi thước ba hào, năm hào, đến tám hào là cùng. Nhưng không biết chừng, nên dấn lên, rồi một năm sau, vài tay cự phú nào đó xây biệt thự ở đấy, là các biệt thự khác sẽ mọc theo. Đất tha hồ mà nổi giá vùn vụt, ghìm không kịp! Và còn xung quanh các hồ, hiện nay lầy lội, đầy rác rưởi, rắn rết, chẳng ai muốn bước chân đến, chẳng khác gì hồ Hoàn Kiếm ngày xưa, như bờ hồ Thiền Cuông, bờ hồ Trúc Bạch, bờ hồ Tây, bờ hồ Bảy Mẫu, gió lộng như đàn, thì Tam Đảo, Đồ Sơn ở đấy chứ ở đâu xa?