Cứ nhìn những mũ áo trắng lôm lốp dưới ánh vàng của mấy chục ngọn nến, lại nghe tiếng khóc xót thương người quá cố, thì dù là những bạn ông Thừa, hay bạn bà Ma-ri, hay cả bạn các cô, các cậu, lúc thường chơi với nhau hay cợt nhả đến mấy, thì lúc này cũng phải hết sức lễ độ với chủ, có khi thấy cảnh thê thảm, uy nghiêm, còn rợn cả người là đằng khác.
Bởi thế, buổi tối cuối cùng, cậu Pôn có một cô bạn đến chia buồn. Vì không muốn người yếu bóng vía bị xúc động, cậu rủ cô lên buồng riêng ở trên gác. Bỗng nghe tiếng trống tùng báo có khách đến, cậu lúng túng suýt không xuống kịp để đáp lễ. Vì cậu đương ngồi trên đùi cô bạn, và cô này, nghe tiếng trống, lại cứ trêu cậu, miệng cười sằng sặc, hai tay ghì giữ cậu lại, không cho cậu đi. Cậu phải vừa lạy van, vừa quẫy mãi, mới đánh tháo được. Cái áo sô bằng vải màn mỏng, vì giằng co, rách soạt mất một miếng ở vạt sau.
Nghi lễ đã tề chỉnh, ông chủ nhà đòn trịnh trọng đến trước hai cậu Pôn và Giăng cùng bà Ma-ri. Ông cầm mũ ở tay, nói mấy lời xin phép cho ông được làm việc. Đứng trước linh sàng, ông chắp tay, vái dài hai vái, rồi móc túi lấy chiếc còi bằng sắt tây, để vào miệng, ông huýt hai tiếng ngắn đều nhau, rồi tiếng thứ ba, kéo dài. Tức thì, như làm động tác thể dục, quan tài được nâng cao, theo nhịp của những tiếng tuýt tuýt lừ lừ tiến ra sân, đến nhà ngoài.
Ở đây, khách đã đứng giạt sang hai bên, nghiêm chỉnh. Ai có mũ thì cầm ở tay. Ai không bận tay cầm thuốc lá để hút thì chắp lại. Ít người nhìn xuống quan tài để tưởng tượng đến người chết nằm ở trong. Nhưng nhiều người nhìn qua ba chiếc mũ voan thấp thoáng. Xem những con mắt huyền có chú ý đến nét mặt buồn rầu của mình hay không.
Quan tài được đặt trong chiếc xe mui luyện sơn đen, kéo bằng bốn ngựa. Ngựa cũng trùm vải đen. Hai người giong xe cũng mặc đồ đen. Họ đội thứ mũ riêng, mũ hai sừng, như kiểu mũ đô đốc thủy quân, cũng màu đen.
Ông chủ đòn cũng mặc như đô đốc. Cũng đen từ chân đến đầu. Ông to lớn. Mép ông để một cục ria, kiểu Hoa-kỳ. Áo lông là thứ lễ phục riêng, vạt trước ngắn, vạt sau dài đến gói, như đuôi tôm. Khuy đóng kiểu chàng mạng bằng xa-tanh. Lon cũng bằng xa-tanh. Hai vai đeo hai cái ngù quan binh. Đầu đội mũ hai sừng. Chân đi ủng cao đến bọng. Lúc nào ông cũng dính cái còi ở mồm, và giơ cái gậy chỉ huy lên cao để ra lệnh.
Đám ma mà muốn tổ chức nửa ta nửa Tây, cho đẹp mắt như kiểu đám ma ông An-be, thì phi ông chủ hiệu này, không ai làm được giỏi hơn, Làm nghề nghiệp mà ông cho là phúc đức đã hơn mười năm, ông không hề cạnh tranh một cách ti tiện với đồng nghiệp, ông không bẩn thỉu như họ, thông đồng với các thầy thuốc, để biết tin bệnh nhân, hoặc lễ lạc các viên chức phòng sinh tử giá thú ở sở Đốc lý, để biết hôm ấy có những đám nào chết, ông cũng không cần cho người do thám những nhà có người già ốm. Và ông cũng không thèm nói xấu để dìm dập nhà khác. Hữu xạ tự nhiên hương. Chính một lần muốn phản ông, nhà Quảng Thiện, khi giong xe không từ nghĩa trang về, đã cho ngựa lồng vào ngựa của ông đương kéo một xe tang. Nhưng ông đã đối phó được nguy hiểm. Xe không đổ, quan tài không văng xuống đất. Chỉ có ít người đi đưa đám yếu bóng vía, chạy toán loạn một lúc thôi.
Đám ma ông An-be được ông sắp xếp rất trật tự. Câu đối bằng lượt, bằng vóc, bằng nhiễu, bằng cẩm châu, bằng đũi tây, màu trắng màu đen, màu tím, màu lam, cái nào đẹp và của người danh giá mới được rước đi. Còn những cái xấu, cái bằng vải chúc bâu và cát bá, cái của người thường đưa đến phúng, thì để ở nhà. Đội kèn bú-dích vui vẻ và hùng tráng thì thổi La-mắc, Ma-đơ-lông trước long đình. Phường nhạc của rạp Quảng Lạc hòa những bài Vương cô nương toán mệnh, Ngọc mỹ nhân, Xuân nữ véo von, thì kèm kiệu linh sa. Kiệu linh sa sơn son thếp vàng hai mươi bốn người mặc áo ni đỏ khênh, trong bày bức truyền thần ông Thừa bằng sơn màu. Tức là bức rồi sau này để ở mả ông đó. Bức ấy được người thợ vẽ làm rất nhanh, chỉ có hai mươi bốn giờ là xong. Bộ bát âm đi điệu Lâm khốc thê thảm và điệu Lưu thủy Bình bán nhịp nhàng, thì rước cữu, cho tăng vẻ vừa sầu não vừa uy nghi.
Ông chủ đòn lại khéo xếp đặt chỗ rất hợp cho các cụ quan viên đi rước nến. Hai chục cụ, cụ nào cũng râu ria cẩn thận, trông rất đạo mạo, đi hàng đôi trước linh sa. Các cụ đội mũ tế bằng vải trắng, mặc áo thung trắng, cố nhiên là quần trắng và dận giày Chí Long. Mỗi cụ bưng khuỳnh trước ngực một cây nến đồng, bước thong thả như tiến tước lúc tế. Ai không tường là làng cử các cụ chức sắc kỳ mục ra đưa đám quan Hàn Nghị. Nhưng không phải. Khi đến đầu cầu sông Cái, quan tài chuyển từ xe ngựa lên ô tô để về quê, thì các câu đối, câu nào của khách phúng được xếp riêng vào một cuộn, giao cho cụ điều Hai, còn câu thuê ở hiệu đối trướng nào, được cuộn riêng vào cuộn ấy, để ông chủ đòn nhận trả hộ. Lúc này, các cụ quan viên cũng biến đâu mất hết. Người ta chỉ còn thấy hai chục ông già, mặt mũi chân tay đen chùi chũi, đầu trần, chân giẫm đất, đương vén ống quần đùi nâu đến bẹn, đứng tồ tồ ngay ở dệ đê. Ông nào cũng cắp ở nách đôi giày Chí Long, cầm ở tay một cuộn nào áo thụng trắng, nào quần trắng, nào mũ tế trắng đã xếp bẹt lại, và chiếc nến đồng có cắm ở đầu một ống nhỏ cuộn bằng giấy bìa màu trắng, trông như hệt cây nến. Tất cả các thứ này trả lại ông chủ đòn. Ông này khám cẩn thận từng thứ, để xem có cái nào hư rách, thì mắng và trừ tiền.
Và ông cũng trả tiền luôn một thể mười người đàn bà khóc mướn mà ông thuê cho đám tang, để giả là có đông họ hàng.
Về việc này, ta nên phục tài nhà nghề của ông. Vì ông đã khéo chọn được những người rất tận tâm. Từ hôm làm lễ phát khốc, luôn mấy ngày liền, lúc nào họ cũng tỏ ra mẫn cán. Họ khóc không biết mệt, khóc giỏi nhất, kể lê thảm thiết hơn cả vợ con người chết. Đi đám này, họ hãnh diện là nếu không có họ, thì không thành đám ma.
Họ cũng là những người lắm điều nhất. Thế mà sau khi nhận khăn áo họ trả lại, ông chủ nhà đòn điều đình với họ ổn thỏa ngay, ông chỉ chi cho họ tiền khóc khoán. Còn tiền thưởng, ông bảo họ xin cụ hai Điều. Họ bằng lòng, vì họ bảo nhau là đối với ông, bận này còn bận khác.
Nhưng cụ Điều hẹn họ về nhà hãy hay. Vì cụ đương cuống lên về việc đưa tiền phong bao cho những người xúm xít xung quanh cụ.
Lệ đưa phong bao để tiễn tiền xe cho người đi đưa đám, thì từ xua đến giờ, ở Hà Nội, chưa có đám ma nào dám làm. Có thể nói ở nước Nam này, lần này là lần đầu tiên, đám ma An-nam có phong bao. Bà Ma-ri đã bắt chước kiểu hào phóng ấy ở đám cụ Thoóng, chủ hãng Tài-fú-dzin ở Hải Phòng. Mỗi phong, bà gói hai tờ giấy một đồng và ba điếu thuốc lá. Cụ hai Điều đưa tiền phong bao cho những người đi đưa đám. Cụ đưa cả cho những người đứng xem, và những người qua đường. Cụ làm thế để tránh tiếng ma chê cưới trách.
Sau đám ma linh đình này, cụ hai Điều, tính phác phí tổn. Cụ giật nảy mình, thấy rằng món tiền ấy có thể chôn được bốn người mà không kém sang trọng. Cụ nghiệm nhiều lần rằng quan viên Hà Nội, khôn làm giàu thật, nhưng vẫn dại tiêu tiền. Vì vậy, cụ nhất định xin với bà Ma-ri cho cụ được trả ơn quan Hàn lần cuối cùng, là trông nom việc xây mộ cho quan. Cụ lại nói với bà là nên tậu thêm ruộng ở xung quanh để xây tường cho kín đáo. Lăng – cụ dùng tiếng lăng – một người có quan tước, phải cho có bề thế hẳn hoi. Cụ đã chọn trong các câu đối, thấy rằng câu của cụ Tuần Nghè Lê Văn Bản hay nhất, chí tình nhất. Cụ giảng cho bà Ma-ri nghe, và nói rằng định khắc câu ấy ở cổng. Cụ xin cả việc cáng đáng cỗ bàn mời mọc làng nước. Bà Ma-ri tin cụ, thôi thì sẩy cha còn chú, nên khoán cả những công việc ở quê nhà cho cụ. Kết quả là cái cimetière de famille này được thành lập. Và cũng kết quả là cụ hai Điều tậu thêm được hai mẫu ruộng riêng cho cụ.
* * *
Năm 1939, sở Mật thám tỉnh xin công sứ bắt các làng mở rộng đường cho ô tô của chúng vào được để bắt hội kín. Việc này được duyệt y. Sở Lục lộ phụ trách cắm đường và bắt dân đắp. Con đường vào làng ông An-be Thừa lại đi đúng qua mả của ông, Huyện sức cho dân, ai có phần mộ chôn ở mặt đường sắp làm, đều phải chạy đi hết.
Mả ông An-be Thừa, đến ngày cuối hạn, cũng không cất. Có phải vợ con ông ương ngạnh với lệnh trên không? Không phải. Họ chỉ ương ngạnh với nhau thôi. Bà Ma-ri theo đúng đạo tam tòng, nói rằng phu tử tòng tử. Nhưng các con bà đều giở luân lý và luật pháp ra để đùn cho nhau trách nhiệm phải tiêu tiền. Mấy cô con gái đều đã có chồng, lấy nê là nữ nhân ngoại tộc. Giăng đi vắng, sang Pháp học luật khoa để về nước làm quan. Nhưng mãi hắn chưa đỗ tú tài. Lại có tin là hắn lấy vợ đầm. Vì học luật, nên hắn thạo luật. Hắn viết thư trả lời Pôn rằng chiếu Hoàng việt tân luật, mục chia gia tài, bao giờ người con cả cũng được riêng một phần hương hỏa lấy trước đi, rồi còn đâu mới chia đều cho các đầu con. Thế thì hắn không có bổn phận phải đóng góp vào việc cất mộ. Nhưng Pôn không chịu. Pôn vin một lý do khiến ai nấy cứng họng: hắn là dân Tây, không nhận bố An-nam. Vả lại vợ hắn đi đạo, không theo tục lệ bên đời.
Thế là ông An-be Thừa cứ nằm khểnh một mình ở mả.
Đến hôm làm đường sát tới nơi, làng mới nói lần cuối cùng với cụ hai Điều. Nhưng cụ cười khẩy một tiếng ngắn và vẫn đáp:
– Kệ! Việc gì đến tôi!
Sau hết, mộ ông An-be Thừa cũng được chạy đi chỗ khác. Vợ con họ hàng của ông không cáng đáng, thì người dưng nước lã cáng đáng. Tuần làng phải bắt tay vào việc này.
Họ làm không kèn không trống ồn ào như ngày họ chôn ông. Họ làm lặng lẽ như đã cất làm phúc những mả vô thừa nhận khác.
§2. Con bò lạc
Hồi mà con đường xe lửa Hà Nội – Lạng Sơn mới nối thêm đoạn lên đến đồn Na Sầm, thì ở đồn Đồng Đăng, ga Đồng Đăng chưa như bây giờ. Nhà ga nhỏ. Chỉ có hai người làm việc. Một người là sếp ga. Một người là phu kíp.
Ta cần biết một ít về ông sếp ga Đồng Đăng hồi ấy. Vì, dù đây không phải là chuyện ông ta, nhưng không phải ông ta không dính dáng gì đến tiểu thuyết này.
Ông ta tên là Nguyễn Văn Sơ, người Hải Dương, năm ấy độ ngoài bốn mươi tuổi. Làm việc ở mạn ngược, nước độc, đất lại chưa yên, vì luôn luôn Tây còn phải đánh dẹp toán quân ông Đề Thám, cho nên ông Sơ chỉ đi có một mình, để vợ con ở nhà. Nhà ga có ba gian. Một gian đầu là buồng giấy, chỗ bán vé. Gian giữa để hành khách đợi mua vé. Còn một gian đầu bên kia, là chỗ ở của ông sếp.