Từ nãy, chị Thừa giật mình thon thót, cứ phải cúi để quét, sợ anh Xi trông rõ mặt chị biến sắc chăng. Anh Xi lắc đầu:
– Không khéo thì buồng này có ma, chị ạ. Chị không nên ở. Rõ rằng là có người bị giết ở đây, nên mới có máu thế này.
Chị Thừa trả lời:
– Để tôi hỏi bà sếp chánh. Nếu đúng như lời anh nói, thì các vàng tôi cũng không dám ở. Nhưng nếu không phải, thì tôi chả sợ. Tôi có đèn sáng, lại có chìa khóa. Chặp tối đến, tôi vặn đèn lên và khóa ngay cửa lại. Chả đứa nào vào nổi.
– Biết đâu đấy!
– Có xảy ra sự gì thì tôi gọi tướng ông bà sếp chánh lên.
Chị nói vậy, vì chị tin lời thằng Phi-lô-mát nó hứa là sẽ điều tra xem những thằng nào hiếp chị.
Anh Xi lắc đầu:
– Ông bà sếp chánh ấy à? Họ không tốt đâu.
– Nhưng tôi ở đây, không trông cậy vào ông bà ấy, thì trông cậy vào ai?
– Được, hãy biết thế. Để rồi tôi tìm cho chị một chỗ tử tế mà trọ.
– Tôi cảm ơn anh. Nhưng tôi xin anh là nhất định anh không bảo ai là tôi ở đâu.
– Chị đừng ngại điều ấy.
Quét dọn sạch sẽ xong, anh Xi đưa thêm chị Thừa ba đồng nữa. Chị cảm động quá, rưng rưng nước mắt.
Ba hôm sau, vợ Phi-lô-mát xuống buồng chị Thừa. Thấy chị hắn gật gật:
– Ừ, hôm nay trông mày đã ra mẽ con người. Chứ cứ như hôm nọ thì gớm chết! Tao mới hỏi việc được cho mày. Mày muốn đi khâu đầm, hay đi chị hai?
Chị Thừa không hiểu những tiếng mới lạ.
Hắn giảng đi khâu đầm là mỗi ngày hai buổi, đến làm ở một nhà người Tây có vợ, khâu vá cho bà đầm. Làm khâu đầm thì phải ăn mặc cho đỏm dáng. Thường các cô khâu đầm hay mặc quần lĩnh thâm và áo dài nâu non gài khuy. Cô nào mặc buộc vạt thì thắt lưng thâm bỏ giọt. Đi chị hai là trông con cho tây đầm, tức là làm vú em, nhưng không phải cho bú, mà cho ăn sữa. Hết giờ làm việc thì về. Vì giữ con Tây, nên chị hai không mặc như khâu đầm, phải sạch sẽ hơn, tức là cái áo dài phải hồ lơ cho trắng, cái thắt lưng phải nhuộm cho đen, không có trở cũng phải đội khăn trắng, và lúc nào chân cũng phải dận guốc hoặc dép Nhật.
Chị Thừa chưa biết nên làm nghề nào. Chị hỏi:
– Nhưng cháu không biết tiếng Tây thì làm thế nào được với Tây?
– Không ngại. Mới đầu, nhờ bồi bếp người ta thông ngôn hộ cho. Rồi học nói dần. Như tao ấy. Tiếng Tây cũng dễ thôi.
Sẵn có riêng năm đồng, lại có thêm mười đồng của anh Xi cho mượn, chị Thừa may cái quần lĩnh, cái áo dài nâu non, mua cái khăn xa-tanh, cái thắt lưng sạ, cái nón ba tầm, và đôi guốc Sài Gòn. Chị làm nghề khâu đầm cho vợ chồng người Tây, nhà ở xế cửa hội Tam Điểm, ngay gần ga. Chị ở nhờ cái buồng trong nhà phụ của sếp chánh Phi-lô-mát.
Tìm được việc không phải chân lấm tay bùn, chị rất hàm ơn người vợ Tây. Bởi vì chị không rõ rằng phần lớn các cô làm nghề khâu đầm hoặc nghề chị hai là đi học lớp vỡ lòng để làm nghề khác. Là nghề trụy lạc, bán trôn cho Tây để nuôi miệng.
Tập Hai
§1. Một gia đình Hà Nội
Hiệu Phúc Lâm ở khoảng đầu phố Hàng Đào, gần trụ sở cũ của hội Đông Kinh nghĩa thục. Nhà thấp và có gác. Nền nhà thụt xuống dưới mặt hè phố ba bậc. Gác chỉ có cửa sổ trông ra sân giữa, còn phía ra đường thì bịt kín, hở có một lỗ vuông nhỏ, lắp hòn gạch hoa tàu thủng, tráng men xanh. Hiệu không đề biển, nhưng viết tên bằng hai chữ nho trên miếng giấy hồng điều, dán ở cột cửa ra phố. Cửa hiệu lắp bằng ván lùa. Chỉ ngày một và ngày sáu, là phiên chợ Đồng Xuân, ván lùa mới tháo ra một nửa bên, vào buổi sáng. Còn ngày dưng, chỉ cất hai cánh cửa giữa cho sáng nhà. Chứ không phải để tiện ra vào. Vì lúc ấy, cái cửa chấn song thấp được lắp thay, lúc nào cũng đóng, then gài ở trong. Phía ngoài cửa, dưới mái hiên, buông chiếc mành mành xanh, đến tối mới cuộn lại.
Vì vậy, ngày thường, đi ngoài hè phố mà nhìn vào, người ta khó lòng thấy được trong nhà có những gì. Họa hoằn, khi mua miếng thịt, mớ rau của hàng gánh rong qua, mới có người ra, nhưng cũng chỉ đứng sau cửa chấn song, chứ không ra hẳn hè. Ít ai thấy đàn bà con gái nhà này thấp thoáng sau mành mành, nhìn phố.
Phản hàng là cái bục kê sát dọc tường. Như để chắn với hè phố, đầu phản bày ba chiếc thạp nhỏ, men xanh. Áp tường là hàng tủ đứng sơn quang dầu, có cánh đặc.
Phía trong cửa hàng là sân, bày các chậu lan, sói, cúc, đào thất thốn, quỳnh, xung quanh cái bể nuôi cá vàng, giữa có hòn non bộ nhỏ. Gọi là sân, nhưng sự thật chỉ có một nửa thấp hơn là lộ thiên, còn một nửa vẫn là nền thông với lớp trong, che bán mái. Phần lộ thiên có đan dây thép ngang dọc với nhau, mắt nhỏ, người không thể chui lọt.
Ở lớp nhà trong, trước bốn cánh cửa bức màn của buồng thờ, lúc nào cũng đóng, bày một bộ trường kỷ con tiện bằng gụ, gỗ lên nước đen nhánh. Ông cụ ngồi đó là cụ Tú. Năm ấy, cụ Tú mới ngót năm mươi tuổi. Búi tóc to, râu rậm, nhưng mặt hom hem, nước da xanh.
Nói đến bộ trường kỷ thì phải nói ngay đến cụ Tú mới không là thiếu sót. Bởi vì hình như trời sinh ra cụ Tú mọc ở trên ghế trường kỷ ấy. Mấy chục năm nay, lúc nào cụ cũng ngồi đấy. Mùa hè, cụ mặc áo trắng dài, vắt chữ ngũ, một chân co, một chân thõng xuống đất. Mùa đông, cụ mặc áo nhiễu đóng bông, xếp bằng tròn, luôn luôn cụ hút thuốc lào, và lúc nào đùi cụ cũng rung tít. Cụ ngồi vậy, mắt nhìn ra cửa, hoặc nhìn xuống đất. Không biết cụ nhìn làm gì. Không biết cụ nghĩ cái gì. Ít khi có tiếng cụ nói. Ngày phiên chợ, khách ngồi đông ngoài cửa hàng, chuyện trò ồn ào, nhưng hình như cụ chẳng nghe, chỉ rung đùi một mình. Cụ bà tiếp khách, nói phải hay nói trái, hình như cụ chẳng để ý. Nếu cụ bà có hỏi gì cụ, cụ mới lắng tai, rồi ngừng rung đùi, đáp:
– Tùy đấy.
Trên bàn trường kỷ bày những thứ cụ Tú hay dùng nhất. Điếu bát cổ để trong chiếc đĩa sứ lúc nào cũng sạch bong, ống bạc đầy thuốc lào, đèn hoa kỳ vặn nhỏ ngọn, và cạnh đèn, độ mươi thanh đóm không. Ngăn dưới bàn là bộ đồ chè, chén tống, chén quân và đĩa dầm đều bịt bạc, xếp ngay ngắn trên chiếc khay gụ chân quỳ, có trùm lên trên một cái khăn lau đã thành màu nâu. Đầu bàn, dưới đất, là cái ống nhổ đồng cao, loe miệng, để gẩy bã điếu, vứt bã chè và tàn đóm.
Cả ngày cụ Tú làm những việc như đã định sẵn trong chương trình.
Sáng dậy thật sớm, cụ uống ấm chè Ninh Thái ô long, rồi ngồi rung đùi. Lúc nào cửa mở thì nhìn ra phố. Chốc chốc, lại hút thuốc lào. Đến chín giờ, cụ ăn cơm. Ngủ một lát trên trường kỷ, đến khi chiếc đồng hồ treo trên tường điểm mười hai giờ, thì cụ dậy. Khăn áo chỉnh tề, cụ cắp ô đến Hàng Buồm, lên gác hiệu Đông-hưng-viên. Cụ lấy hai hào tỉm xắm và một xu chè Long Tỉnh bán lẻ, là hai hào mốt. Mấy chục năm nay, cụ đến Đông-hưng-viên đúng giờ ấy, ngồi đúng cái bàn ấy và ăn đúng từng ấy tiền. Hầu sáng quen mặt cụ, đã biết lệ, không cần cụ gọi thứ gì và mấy đĩa, họ đã xếp sẵn trên bàn cụ vẫn ngồi, đúng hai hào bánh bao nhân ngọt và một xu chè Long Tỉnh. Cụ cứ việc lững thững đến đó, tựa cái ô vào tường, ngồi ăn bánh, uống nước, rung đùi, chẳng nhìn ai. Độ nửa giờ, thì về. Khi cụ xuống gác để trả tiền, hầu sáng không cần hỏi, người thu tiền cũng chỉ nhận đủ hai hào mốt. Nếu cụ không có tiền lẻ, đưa cả đồng, chưa nói gì, thì người ấy đã lấy bảy hào chín trong ngăn kéo, xỉa lên mặt kính quầy, trả lại cụ. Không biết tên cụ, họ gọi cụ là ông Mười-hai-giờ-rưỡi hoặc ông Hai-hào-mốt. Cụ cũng quen mặt những người hầu sáng và người thu tiền. Nhưng lúc đến, cụ chẳng chào ai, lúc đi, cụ cũng chẳng chào ai. Hình như hai bên không có gì cần giao thiệp với nhau. Đó là việc với nhau của hai hào mốt với đĩa chè, đĩa bánh.
Cụ Tú đến hiệu cao lâu hay về nhà, mắt đều nhìn thẳng, không ngắm phố, không trông người. Đến nhà, cụ trật khăn, treo ô ở mắc áo, lại ngồi trường kỷ, hút thuốc lào, rung đùi, cho đến bữa cơm chiều. Nếu cụ bà có nhờ cụ biên chép sổ sách hàng họ, thì cụ làm. Nếu không, cụ cứ ngồi như vậy.
Ăn cơm chiều xong, đến sẩm tối, cụ để búi tóc trần, lững thững đi bách bộ ra bờ hồ Hoàn Kiếm, đứng một mình một lúc. Rồi về uống ấm chè Ninh Thái nữa, mới đi ngủ. Và lại chỉ ngủ trên trường kỷ. Từ ngày con gái cụ chữa bệnh ở Phòng thuốc nhà giàu, lại nghe nói trong phòng thuốc có một cụ Điều là bạn ông Tú Xương thì cụ đi qua Nhà vàng, hay nhìn vào để xem cho biết mặt cụ Điều. Nhưng chả lần nào thấy.
Độ hai tháng một lần, cụ Tú đảo một lượt đi thăm khắp họ hàng, bạn hữu. Cũng chả có chuyện gì để nói, uống tàn ấm nước, hút vài điếu thuốc, nhai giập miếng trầu, thì cụ về. Chủ muốn giữ cụ lâu để hỏi chuyện thêm, cụ cũng không ở, thoái thác rằng bận. Đến nhà ai, chủ đi vắng, cụ cũng không ra ngay. Cụ ngồi lại một mình, uống xong ấm nước mới đứng dậy.
Cụ coi việc đến thăm bà con tựa hồ như là bắt buộc. Nếu không, sợ người ta giận mình là khoảnh, là thị phú, là sơ tình.
Mấy chục năm nay, ngày nào cụ Tú cũng ngồi như thế ở chỗ ấy, và làm những việc ấy. Cụ với chiếc trường kỷ như liền với nhau. Hình ảnh ấy là một sự cố định, một việc dĩ nhiên. Chỉ có một lần, sự việc ấy bất thường, vì bộ trường kỷ vắng cụ. Đó là cái lần cụ bị Tây bắt mất ba hôm. Năm ấy là năm bọn thực dân thống trị đàn áp Đông Kinh nghĩa thục. Chúng thấy cụ là văn thân, nhà ở gần trụ sở Đông Kinh nghĩa thục và cùng phố với cụ cử Lương Văn Can, cụ lại chẳng làm việc gì rõ rệt, nên chúng nghi. Cụ vào nhà giam, vẫn khăn áo chỉnh tề, lúc nào cũng ngồi xếp bằng tròn và rung đùi, nét mặt rất nghiêm, chẳng nói chẳng rằng với ai. Chúng hỏi cụ về cách mạng, chẳng khai thác được thêm gì. Và thấy cụ chẳng quen ai, nên chúng cho là khủng bố cụ như vậy đã làm cụ sợ rồi. Chúng cho cụ về. Cụ lại vẫn thản nhiên như lúc cụ bị bắt. Ta cứ bảo vắng đàn ông quạnh nhà, nhưng hiệu Phúc Lâm vắng cụ mấy hôm, chỉ thấy cái trường kỷ là trống, còn cái nhà chẳng lặng lẽ thêm chút nào.
Ngày bọn đế quốc mở trường sư phạm ở phố Hàm Long để đào tạo tổng sư, bạn hữu khuyên cụ đi học. Nhưng cụ không đi. Lại ngày lớp Giáo ban tuyển khoa mục không biết tiếng Pháp vào học để bổ huấn đạo, cụ cũng từ chối. Cụ có biết rằng lớp giáo ban, cũng như lớp chánh ban, học trò được đem đầy tớ cắp sách, xách điếu theo hầu, đương giữa lớp cũng vít cái xe điếu cần câu, hút kêu xòng xọc, lại được các thầy giáo tân học kính trọng, thưa bẩm bằng ông. Nhưng cụ không thích. Cụ lấy lý do là nhiều tuổi, óc rắn khó học. Sự thực thì cụ không cần ăn lương Tây cũng đủ phong lưu rồi. Cụ bà buôn tơ. Cụ còn một cái nhà ở Hàng Dép, một cái nhà ở Hàng Vải thâm, và một cái nhà ở Hàng Mã vĩ. Cả ba cái cho thuê, đều được tiền.