Ma-ri sai cụ đốc đem ngay bốn con lợn quay trả cho hai hiệu cao lâu Đông Hưng Viên và Nhật Tân, cùng bốn buồng cau tươi trả cho nhà An Ký ở phố Hàng Gạo. Hắn dặn cẩn thận là những cửa hàng hoa, phải gượng nhẹ, còn tiền thuê thế nào, hắn với nhà hàng đã thỏa thuận với nhau rồi. Những quả phù trang rỗng không, rước đi đường ban nãy làm vì, thì hắn giao cho quan tham đưa lại hãng xe ngựa, bắt người chủ xem lại cho cẩn thận là không sứt lở tí sơn nào.
Vừa đúng hai mươi phút, hắn đã có mặt tại nhà phố Hàng Tiện. Ở đây, họ nhà trai cũng không còn ai ở lại.
Nhân lúc Ma-ri đi vắng, anh Thừa cũng vội vàng trang trải với những người mà anh thuê. Họ đòi thưởng thêm, nhất là hai vai cụ hàn, không chịu mỗi người chỉ được ba đồng. Hai cụ dọa nếu chú rể không nghe, thì đi mách họ nhà gái ngay lập tức. Anh Thừa không dám găng. Và anh muốn tống họ đi ngay, kẻo Ma-ri về biết thì lộ tẩy. Anh đành chịu họ bắt bí, cho thêm mỗi người hai hào, riêng hai cụ, mỗi cụ năm hào. Anh bực mình:
– Thế này thì bận sau bố ai dám mượn nữa!
* * *
Khách đến dự tiệc cưới chừng hơn ba chục người. Trái với bọn đi đám cưới, những người này là khách thật. Vì họ là bạn hữu của anh Thừa và Ma-ri.
Đàn bà mười người, ngồi hai mâm ở gian trong. Ma-ri tiếp họ. Đàn ông, quây quanh ba cái bàn dài bày theo hình chữ U ở gian giáp hè phố. Trên bậc hè, ngổn ngang độ hơn một chục kẻ ăn mày.
Khách đàn ông có nhiều hạng. Thầy lang có. Bệnh nhân có. Thầu khoán có. Buôn bán có. Ông tham, ông đốc có. Vô danh tiểu tốt, vô nghệ nghiệp, du thủ du thực cũng có.
Anh Thừa và Ma-ri giới thiệu khách với nhau. Toàn những tên lạ. Duy có mấy ông nhà báo, nhà văn là người ta đã thuộc tên, bây giờ mới biết mặt. Đó là ông Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng, tác giả tập thơ Ngọn đèn khuya, bỉnh bút Đông Dương tạp chí và báo Đuốc nhà Nam; ông Hạc Thần Nguyễn Thượng Huyền, cử nhân, làm thơ và làm báo; ông Quán Chi Đào Trinh Nhất, viết văn nghị luận; ông Biền Xa Hoàng Tích Chu, trợ bút tạp chí Nam Phong; ông Kính Đài Nguyễn Thống, tác giả cuốn thơ Tấm lòng son, lấy tên đàn bà là Nguyễn Huệ Kiều; và ông Hoài Tân Tử, nhà thơ, nhà tiểu thuyết. Giới thiệu anh này, anh Thừa có nhã ý giấu tên cuốn Tình muôn thuở của ông.
Năm cô đầu rượu ở Hàng Giấy và ở Ấp, cô Nguyệt, cô Hoa, cô Trà, cô Phụng, cô Mai, được đón đến giúp vui. Chị Bích Ngô và chị Bốn là danh ca, thì hiến các quan giọng hát.
Có hơi rượu và hơi gái, chuyện nở như cơm gạo vàng. Đủ các thứ chuyện. Chuyện đứng đắn. Chuyện nhảm nhí. Chuyện làm ăn. Chuyện ăn chơi. Nịnh hót, tâng bốc nhau, xỏ xiên, dìm dập nhau. Vây vo, hợm hĩnh, huênh hoang, khụng khượng. Chuyện xuê nhất là ở chỗ mấy ông nhà văn, nhà báo mồm mép vốn lém lỉnh. Các nhà ngôn luận ngồi gần nhau, tiếng cười từ chỗ ấy tỏa ra hai bên. Không ai kịp nói xen vào một lời nào với các ngài. Và cũng không ai muốn nói. Họ nhường cho các ngài tán, để được cười cho hả rượu.
Nhà thơ kiêm nhà tiểu thuyết Hoài Tân Tử là cái đích làm cho chúng bạn mua vui. Không biết mấy ông bịa ra hay nói thực, mà các ông làm cho mọi người đau cả bụng.
Bỗng có tiếng ngâm:
– Mối sầu trung bối rối lung tung,
Bối rối lung tung gỡ giúp cùng
Gỡ giúp cùng nhau cho khỏi rối,
Cho nhau khỏi rối mối sầu trung.
Mọi người yên lặng nhìn. Thì ra ông Hoài Tân Tử đọc thơ. Ông Mân Châu ha hả cười, gọi:
– Chị Nguyệt, chị mời Hoài Tân Tử tiên sinh một chén, hãm bằng cái câu hôm nọ ấy nhé.
Cô Nguyệt mỉm cười lên giọng:
– Hôm xưa yên đổ một lần,
Mà anh phú quốc vô ngần thế nao!
Xin cạn chén đào.
Người hiểu chuyện phá lên cười. Ông Kính Đài giảng:
– Thưa các ngài, dân đi hát chúng tôi gọi chầu chay chi ba đồng là yên đổ, vì ba đồng là tam nguyên. Phú quốc nghĩa đen là giầu nước. Ông bạn tôi hát một chầu chay, nhưng sau nhân huynh đệ cứ lên gạ chuyện, trạc của nhân tỉ muội giầu nước mãi, cho nên chị Nguyệt hãm mừng thế đấy ạ.
Tất cả mọi người đều khanh khách. Ông Đào Trinh Nhất bảo:
– Đặt câu hãm mà phải dùng điển tích là kém. Phải hát câu khác.
Người cô đầu đằng hắng hai ba lượt, rồi cầm chén rượu, ngân nga:
– Có anh vừa đen vừa cao,
Ngất nga ngất nghểu tối nào cũng lên.
Xin tặng bạn hiền.
Tiếng cười lại như vỡ nhà.
Ông Hoài Tân Tử mặt đã đen, càng xám lại vì xấu hổ. Ông đứng lêu đêu dậy, đỡ lấy chén. Chị Nguyệt chỉ cao đến vai ông, dốc ập cốc rượu vào mồm ông cho tung tóe ra cả ngoài mép, rồi khẽ hỏi:
– Thế nào, anh vừa đen vừa cao còn thề nữa, hay vẫn ngất nga ngất nghểu tối nào cũng lên?
Ông Biền Xa vỗ đùi, át cả tiếng cười và lời nói xỏ ngọt của chị Nguyệt:
– À lại còn cái chuyện nhà thi sĩ của tôi hết tiền, cứ thề mãi là ai mà còn trông thấy mình lên Hàng Giấy nữa, thì mình thế nọ thế kia. Nhưng rút cuộc, ngài vẫn lên hát chịu.
Ông cử Huyền đứng dậy:
– Tôi nhờ chị Bích Ngô ngâm cho tôi bài thơ này mừng ông Hoài Tân Tử nhé. Trước hết tôi xin giảng hai chữ cho chị nghe đã. Chị ở Hàng Giấy. Tiếng Tây, giấy là pa-pi-ê. Chị muốn mua chịu hàng ở nhà quen, chị viết hai tiếng Bon pour có phải không?
– Vâng.
Ông Hạc Thần lên giọng:
– Nghe nói hôm qua lại mới thề,
Thề rằng chẳng đến pa-pi-ê,
Thế mà ông cứ Bông pua mãi,
Chui ống, ơ kìa, con cá trê!
Cả mấy chục người vỗ tay, reo lên ồn ào. Bỗng có tiếng ở ngoài cửa:
– Lạy các ông các bà, chả mấy khi có đám có xá, các ông các bà thí bỏ cho kẻ nghèo đồng cơm bát cháo!
Không muốn tiếng xin ăn xen lẫn với tiếng đọc thơ, anh Thừa sai người đuổi bọn hành khất đi, và đóng chặt cửa lại.
Ông Mân Châu ghi bài thơ đưa cho người đào hát. Tiếng phách dồn lách cách. Tiếng đàn thử dây từng tưng tứng. Trống chầu giục ba tiếng tông tông tông.
Ông Đào Trinh Nhất nhại tiếng phách, tiếng đàn và tiếng trống:
– Cô đầu gõ phách gọi kép: “Khách khách khách khách khách!”. Kép lên dây đàn hỏi: “Thằng nào đấy, thằng nào đấy?” Khách đập vào trống đáp: “Ông, ông, ông!”.
Lại hô hố một tràng cười.
Nghe hát, uống rượu. Ăn vã. Hút thuốc lá. Ai cũng cố nghĩ ra một chuyện để khoe là mình có duyên.
Ông Tham Bính đứng dậy, xoa hai tay vào nhau:
– Xin phép các tiên sinh văn sĩ cho tôi kể một câu chuyện cũng là đánh trống qua cửa nhà sấm thôi. Nghe được, thì các tiên sinh bỏ vào tai. Không nghe được, xin các tiên sinh kể như là tôi không nói.
Mọi người thấy lời giáo đầu ngộ nghĩnh thì mủm mỉm và lắng nghe.
– Thưa các ngài, ngày xưa, cái hương án có tám chân, con vịt có một chân, con chó có ba chân, và cô đầu… không có chân nào.
Ông nhìn các cô đầu, làm bộ sợ hãi, lè lưỡi, rồi nói:
– Xin lỗi các chị nhé!
Ông Kính Đài bóp vào đùi cô Trà:
– Nào xem có chân không nào!
Cô Trà kêu đánh oái. Ông tham tiếp tục:
– Thưa đấy là ngày xưa ạ. Một hôm, con vịt đi qua cái hương án. Thấy cái này có nhiều chân, vịt bèn xin một cái. Hương án cho nhưng nói: “Chân này là chân thờ, không được để nó uế tạp”. Thế là con vịt có thêm một chân nữa. Con vịt gặp con chó. Chó hỏi lấy chân ở đâu. Vịt mách đến hương án mà xin. Chó đến xin hương án. Hương án cho chó một chân, và cũng dặn là chân thờ không được để uế tạp. Đến lượt cô đầu gặp vịt và chó. Cô đầu hỏi, rồi cũng đến xin hương án cho hai chân. Hương án lại cho, lại cũng dặn như đã dặn vịt và chó.
Nói đến đây, ông tham ngừng một lát, hút xong hơi thuốc lào mới nói:
– Thế là từ đó, hương án còn bốn chân, nhưng vịt có hai chân, chó có bốn chân, và cô đầu có hai chân.
– Chuyện có thế thôi à?
Có tiếng hỏi như vậy. Ông Tham Bính lại hút xong hơi thuốc nữa, mới trả lời:
– Vâng, chuyện có thế thôi. Cho nên cũng từ đó, khi ngủ vịt sợ mất cái chân thờ, phải rụt nó lên, và khi đái sợ chân thờ bị bẩn, chó phải co một cẳng. Còn, thưa các ngài, khi cô đầu nằm với quan viên, các cô cũng phải dạng hai đùi ra cho chân thờ khỏi uế tạp!
Dứt lời, những tiếng phát đen đét vào lưng ông Tham:
– Phải gió cái anh này! Phải gió! Phải gió! Nhảm! Nhảm! Nhảm!
Cô đầu xúm lại đánh ông Tham đến năm phút. Và tiếng cười cũng ran lên đến năm phút.
Các bà ăn ở mâm trong, thấy nhà ngoài nhộn quá, thì ra cười góp. Nhưng từ lúc đó, không ai dám nhảm nhí nữa. Họ xoay ra chuyện đứng đắn.
Ông Nguyễn Mạnh Bổng có ý kiến tổ chức một thư xã, mua nhà in, xuất bản tùng thư. Ông Đào Trinh Nhất phàn nàn cái nạn khách trú nắm quyền kinh tế ở Nam kỳ, ông đề xuất vấn đề di dân Bắc kỳ vào Nam.
Ông Hoàng Tích Chu nói muốn sang Pháp nghiên cứu nghề làm báo để về nước thay đổi lại từ bộ mặt tờ nhật trình cho đến câu văn. Ông Nguyễn Thượng Huyền làm mặt ưu thời mẫn thế, nói muốn sang Quảng Đông học trường Võ bị Hoàng Phố. Ông Nguyễn Thống ngỏ ý lập mộ sở làm đơn, giúp quốc dân những việc kiện cáo. Riêng ông Hoài Tân Tử bàn về chuyện văn chương, ông định xin ra tờ báo, lấy tên là Văn chương An-nam, mục đích là yêu cầu nhà nước cấm tiệt các báo không được đăng mục Bình phẩm sách mới.
Chuyện đứng đắn dễ trở thành nhạt. Cho nên chưa đến mười giờ, khách khứa đã lục tục xin về.
Anh Thừa giữ năm cô đầu rượu ở lại để tiêm thuốc phiện hầu khách. Năm bàn đèn đặt trên năm cái phản ở hai gác. Ai muốn hưởng thú đi mây về gió thì cứ tự ý. Rồi mặc cho khách tự do với nhau, anh bấm Ma-ri, bảo về nhà bên phố Bờ Hồ để nghỉ kẻo mệt.
§11. Vỡ lòng
Thấy chị Thừa ngất ngã lăn ra đất, cụ Điều và anh Xi vội vàng chạy xuống, vực chị và bế thằng Mão vào nhà.
Hàng phố không ai hiểu, cho là người đàn bà nghèo có máu động kinh, được Phòng thuốc nhà giàu cứu chữa.
Cụ Điều xoa dầu khắp người chị và lay gọi. Một lát sau, chị tỉnh dần. Chị nghiến răng ken két, quật chân quật tay xuống giường như người lên cơn điên.
Cụ Điều an ủi chị:
– Chưa chi đã ghen. Ngộ không phải thì sao. Phải xem xét kỹ lưỡng kẻo oan anh ấy.
Anh Xi lắc đầu, chỉ thở dài.
Vào lúc hai giờ, có lẽ giờ này, anh Thừa và Ma-ri đương lễ Tơ hồng, chị Thừa gọi cụ Điều:
– Tôi nhờ ông trông hộ cháu một lát, tôi đi đàng này, tôi về ngay.
Cụ can:
– Đi làm gì! Biết anh ấy ở đâu mà tìm.
Chị không đáp.