Một hôm, anh Thừa nói với chị là phải đi vắng xa, chẳng biết tối nay có về được không. Chị bảo anh bận việc thì cứ đi, chị ở nhà một mình cũng được.
Anh khuyên chị nên vào chùa Trầm, trong Hà Đông, mà xem phong cảnh. Anh dặn anh Xi dẫn chị.
Thấy chồng thương chị ở nhà một mình, chị cười:
– Được, thầy nó mặc tôi.
Trước khi xuống gác, anh hôn hít thằng Mão mãi, rồi đóng tất cả cửa chớp, cửa kính trông ra đường. Anh nói:
– Để tránh nắng hanh và gió bấc. Con nó khỏi bị cảm. Trời này độc lắm.
Được chồng chu đáo với mình và săn sóc đến con từng li từng tí, chị muốn cảm ơn Trời Phật. Thành thử chị chả thiết đi đâu cả.
Buổi trưa hôm ấy, ăn cơm xong, cụ Điều và anh Xi lên gác trong để nghỉ. Chị Thừa không có ai để chuyện, nên rỗi. Chị về gác ngoài. Thằng Mão đã ngủ. Còn mỗi mình chị thức. Chị đặt con vào chỗ khuất. Rồi ra mở cửa kính, hé một cánh cửa chớp, bắc ghế, ngồi nhìn phố.
Bỗng từ phía tay phải chị, có một đám cưới sắp tới. Bốn người mặc áo the chùng, quần thắt lưng xanh ra ngoài, đội bốn mâm cau tươi, trên trùm chiếc khăn điều. Rồi đến hai quả phù trang sơn son, mỗi quả hai người gánh bằng một cái đòn cũng sơn son. Rồi cuối cùng là bốn con lợn quay, đặt trên bốn cái bàn vuông, mỗi bàn bốn người khênh. Cau, phù trang và lạn đi hàng một, đều được che lọng xanh. Người cầm lọng mặc áo màu nâu đỏ. Sau những thứ dẫn cưới, là một đoàn xe song mã đi lóc cóc bước một. Chị mới được xem đám cưới đi bằng xe cao-su, đã cho là sang lắm rồi. Anh phu xe nào cũng đội nón sơn đỏ, mặc áo cộc đỏ, sau lưng, khâu miếng vải trắng, hình tròn như mặt trời. Cô dâu ngồi xe nhà sơn đen, cho khác với xe hàng sơn cánh gián. Không ai thấy được mặt cô đẹp hay xấu. Vì bị bịt cánh gà hai bên, đàng trước còn đậy kín mít bằng cái nón nghệ quai thao mới, trắng, to tướng. Chỉ thấy ở phía dưới nón, bốn ống quần lĩnh mới của cô dâu và cô phù dâu. Sau xe này là xe con sen, ngồi một mình, đặt trên đùi cái tráp trầu tròn, phủ bằng vuông nhiễu cánh sen. Cuối cùng là xe người đội sếp, quanh áo thắt chiếc thắt lưng da to bản, ống quần quấn xà cạp vải, tay cấm chiếc roi mây. Thế là trẻ phố hỗn hào táo bạo đến đâu cũng phải hốt. Đố đứa nào dám nói trêu, hoặc lách que vào kẽ cánh gà để chọc cô dâu.
Đám cưới xe song mã thì lần này chị Thừa mới được thấy là một. Tất là sang hơn. Vì chỉ những người lắm tiền nhiều của mới thuê nổi những chiếc xe lớn, đẹp, kéo bằng hai ngựa. Chị đếm: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín mười chiếc. Mẹ ơi! Sao mà nhiều thế!
Đoàn xe qua nhà chị. Xe nào cũng để mui trần. Sáu xe đi trước chưa có người ngồi. Chị đoán đây là họ nhà trai đi đón dâu. Xe đầu đến ngã tư, thì đỗ. Các xe sau, lần lượt dừng ở sau. Chiếc thứ bảy, hai cụ ngồi. Hai cụ có búi tóc, chít khăn quấn, cùng mặc áo gấm và quần tây dạ. Một cụ đeo thẻ bài ngà ở ngực. Xe này đến cái nhà cách nhà chị hai căn, thì đỗ. Hai cụ xuống. Pháo nổ ran.
Chị cố né mình ra để nhìn vào họ nhà gái. Nhưng vướng cây và mái hiên. Xe thứ tám qua. Có hai bà đứng tuổi. Bà đeo kính trắng mặc áo xa-tanh. Bà không đeo kính mặc áo gấm, cổ và tay ngộn lên những vàng. Xe thứ chín là ba cô con gái, quấn tóc trần, mặc áo gì hoa ấy, chị không biết, mặt bự những phấn. Đến xe cuối cùng. Bỗng chị ngờ ngợ. Sao có một người giống chồng chị thế? Chị nhìn kỹ. Chồng chị ăn mặc hơi lạ, nhưng có cái cằm lẹm thì trộn đâu cũng không lẫn. Đúng là anh Thừa.
Anh Thừa đội khăn xếp bằng nhung đen, mặc áo gấm hoa màu lam, chân đi giày Huế đỏ thêu. Cạnh anh, là một người trạc tuổi anh, đội khăn lượt, mặc áo xa-tanh đen và quần tây tím, dận giày tây vàng.
Chị tự hỏi xem trong bốn người đàn ông này, ai là chàng rể. Không lẽ là hai ông cụ đi đầu tiên. Không lẽ là chồng chị. Chồng chị đương mắc bệnh tiêm la kia mà! Hẳn là cái anh ngồi cùng xe này. Vì là chú rể ấy, cho nên những người họ nhà trai, chị mới không biết mặt ai.
Nhưng chị nghĩ lại. Giá chú rể ăn mặc như chồng chị mới đúng. Vừa sang trọng hơn, vừa tiện cho khi lễ, khỏi phải cởi giày.
Xe ấy đỗ trước cửa nhà gái. Hai người xuống đất.
Trẻ phố chỉ trỏ chồng chị, lắp bắp nói những gì, xa quá, chị không nghe rõ.
Chị muốn sang gác trong, đánh thức cụ Điều với anh Xi dậy, để mách việc lạ này. Chưa nói được với ai, chị cứ luẩn quẩn nghĩ một minh. Có lý nào chồng chị cưới vợ không? Nhà bên ấy là nhà ai? Chị thử ôn lại xem từ hôm chị ra đây, chồng chị có làm gì đáng nghi là lập tâm lừa dối chị để lấy vợ lẽ giấu chị hay không? Những cử chỉ vồn vã, vui vẻ có là lừa dối không? Những lời lẽ ôn tồn, âu yếm có là lừa dối không? Hay là những buổi đi chơi, xem hát, xem chớp ảnh, là lừa dối? Hay là cả cụ Điều, anh Xi, cũng đều vào hùa với chồng chị mà lừa dối chị? Chồng chị đã lừa dối chị nhiều lần, nay kiếm tiền của thiên hạ cũng bằng cách lừa dối, thì có lý nào riêng đối với chị, độ này anh lại thành thật không?
Chị đứng không yên, ngồi không yên. Chị đắn đo, chị suy xét. Chị muốn biến thành con ruồi, bay sang nhà bên kia để nhìn, để nghe cho rõ sự thực.
Chị lại nhìn ra cửa. Đoàn xe đã quay đầu lại. Chốc nữa, chị sẽ được nhìn cho đến hết đám cưới, xem đích thực chú rể cô dâu là ai.
Có tiếng ho ở trong gác. Chị cuống queo, gọi:
– Ông Hai ơi, anh Xi ơi, ra ngoài này ngay mà xem, có sự lạ lắm!
Hai người đi ra. Chị mở rộng hai cánh cửa, trỏ tay, và tả tỉ mỉ từng người mà chị trông thấy.
Cụ Điều né nhìn xuống đường, rồi ngớ mặt trông anh Xi:
– Quái, nhà cô đốc à?
Anh Xi cũng nhìn:
– Ừ, nhà cô đốc thật.
Cụ Điều hỏi:
– Thế là thế nào nhỉ? Hay đám cưới ai ở nhà ấy họ mời anh ấy chăng?
Rồi cụ lẩm bẩm một mình:
– Có lẽ nào anh Thừa lấy cô đốc mà không mời mình?
Chị Thừa hỏi dồn:
– Thế nào, thế nào, hở ông? Mọi ngày ông thấy nhà tôi với cô đốc có tình ý gì với nhau không?
Cụ Điều ngơ ngác, lắc đầu:
– Không.
– Anh Xi thấy thế nào?
– Tôi cũng không.
– Thế sao nhà tôi lại cưới cô đốc?
Mắt chị trợn, chị run bắn chân tay. Thằng Mão thấy động, thì cựa, rồi khóc. Chị bế nó. Nó vẫn khóc. Hẳn là yên trí thế nào đấy, chị nghiến răng đay nó:
– Khóc mẹ mày đấy à? Bố mày lấy vợ đương vui, mày không cười lên được à!
Chị cắp nó ở cạnh sườn, đăm đăm nhìn ra cửa. Cả cụ Điều lẫn anh Xi cũng nhìn. Chị nói tất cả những điều chị vừa nghĩ về chồng chị cho hai người nghe. Rồi chị đứng im, chờ.
Chừng hơn một giờ đồng hồ sau, bọn trẻ đứng lố nhố ở cửa, bỗng giãn ra hai bên. Chị biết là đám rước dâu bắt đầu.
Chị vội vàng bế thằng Mão, chạy xuống gác.
Cụ Điều kéo áo, giữ chị lại. Nhưng soạt một tiếng, mặc cho áo rách, chị cứ chạy.
Chị ra buồng đợi. Nhưng cửa khóa. Anh Xi nhất định không cho chị mượn chìa để mở. Chị đành chạy về cửa sau, ra phố Cầu Gỗ, sang phố Bờ Hồ.
Hai chiếc xe đầu đã đi qua đến tận nhà ga xe điện. Chị không được thấy những ai. Xe thứ ba, thứ tư, thứ năm. Toàn những người lạ. Đàn ông, đàn bà, ai cũng ăn mặc rất sang. Chị vén vạt sau của áo chị, gài cao lên cho khỏi lòng thòng xuống đất. Chị vừa đi vừa tất tả chạy. Hàng phố có người nhìn theo chị. Lúc chị đến trước cửa Phòng thuốc, thì xe thứ sáu bắt đầu chuyển bánh. Bốn người đương lên xe thứ bảy và thứ tám. Chồng chị với người phù rể đã đứng ở hè. Cô dâu và người phù dâu cũng đã ra khỏi cửa. Chị biết ai là cô dâu, vì ăn mặc khác cô phù dâu. Hai người đều áo gấm huyền, giày văn hài thêu, nhưng cô dâu chít khăn vành dây màu quan lục và gài ở ngực áo một bông hoa to bằng cái bát, tết bằng lụa màu đào. Chị chưa rõ mặt cô dâu, vì cô ta cầm mùi soa lau mắt, đứng quay lưng lại chị để nói gì với một bà già khăn nhiễu tam giang, áo nhung đen. Chắc bà này là mẹ. Trong ngày vu quy, lúc thiếu nữ từ biệt gia đình để rẽ sang đường mới; gánh vác nhiệm vụ mới, không ai không khỏi cảm động, nhớ nhung, tiếc cái đời con gái, gặp khó khăn đều nương vào mẹ cha.
Chị Thừa đứng đợi. Mắt chị đã hoa lên rồi. Tai chị đã ù lên rồi. Trẻ phố nhảy lên câng câng và trỏ vào chồng chị:
– Chú rể! Chú rể lẹm cằm, chúng mày ạ!
Và trỏ vào cô dâu:
– Cô dâu! Tây lai lang ben, anh em ơi! Bạo hơn cô dâu An-nam!
Chị Thừa lạnh toát người, run bắn lên. Không còn ngờ vực nữa! Chính là cô đốc! Chị bế cao thằng Mão bước ra tận mép hè.
Anh Thừa và người phù rể lên xe. Xe qua mặt chị. Chị trông rõ là chồng chị đương cười nói với bạn, và đến nhà, thì ngước nhìn lên gác. Chị muốn nhảy xổ ra, túm lấy tên phụ bạc, cắn, xé, đập, phá, cho tan tành. Nhưng chiếc song mã đã vụt qua.
Xe cô dâu bắt đầu đi. Chị đã thấy mặt kẻ thù và biết hắn là ai rồi.
Xe qua mặt chị. Chị trừng trừng mắt để nhìn cho rõ hơn. Cô đốc cũng trông thấy chị. Không hiểu muốn khiêu khích hay sao, hắn chằm chằm vào chị, rồi bĩu đôi môi đỏ chót, nghẹo cổ một cái.
Bỗng một tiếng thét như xé, chị Thừa ngã lăn ra hè. Thằng Mão vập đầu vào gạch xi-măng, lộn xuống rãnh, cũng khóc thét lên. Mặt chị xám ngoẹt. Chị nằm, bất tỉnh.
Lúc ấy, chiếc xe ngựa đã vụt qua. Cô phù dâu ngoái cổ nhìn lại. Nhưng cô dâu thản nhiên, hỏi:
– Nó ngất thật hay ngất kiểu cánh mình thế?
§10. Việc bất thường
Đoàn xe đám cưới đi thật thong thả, lên Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, qua chợ Đồng Xuân thì rẽ sang Hàng Khoai, quay về Hàng Cót, Hàng Gà, Hàng Điếu, đến bãi chợ Hàng Da thì rẽ sang Ngõ Trạm, để quặt về Hàng Lờ, Hàng Bông cây đa cửa quyền, Hàng Bông đệm, Hàng Hài, sang Hàng Trống, đến nhà Thư viện thì dọc theo Bờ Hồ, đến ga xe điện, rồi quặt về Hàng Tiện.
Từ Phòng thuốc nhà giàu đến nhà cô đốc có năm thước. Từ Phòng thuốc nhà giàu đến nhà thuê tạm hai hôm để cưới ở đầu phố Hàng Tiện, cách nhau độ hai trăm thước. Nhưng đám cưới đã tiến tước quanh co gần khắp các phố chính của Hà Nội. Một tràng pháo dài treo từ sân gác thượng, rủ xuống quá mái hiên, nổ ran, kêu giòn, tỏa khói thơm và tung xác lăn tăn đỏ như rắc cánh hoa xuống mặt đất.
Hàng phố đổ ra xem đông nghịt. Ai cũng chờ xem mặt tân lang và tân giai nhân.
Xe cuối cùng dừng bánh. Ai nấy trầm trồ nhìn. Cô phù dâu giương phứt cái ô máy lợp lụa tím che trước mặt cô dâu. Rồi nâng dắt tay cô đứng dậy. Cạnh hè, lúc ấy, một cô, dễ thường là em chồng, đứng chờ sẵn, giơ tay, đỡ cô dâu xuống đất.