Khi hai bên đối phương đã tự nguyện tự giác đánh nhau, thì chiến tranh dễ bùng nổ thôi. Bắt đầu là những lời lăng mạ trực tiếp. Bà mẹ Mão chửi bà Ma-ri là con đĩ lang ben. Bà Ma-ri chửi bà mẹ Mão là con nhà thổ. Hai bà cùng đổ lẫn tội cho nhau là cướp chồng của mình. Thế là giai đoạn quân sự kế tục giai đoạn chính trị ngay. Chiến tranh được dàn ra hai trận tuyến. Một trận tuyến là hai bà. Ở đây, có những tiếng soàn soạt vải bị xé. Trên thực tế, hai bà không ai cầm khí giới, nên không có việc đổ máu. Nhưng trên lý luận, tai người ngoài có nghe thấy những tiếng khí và tiếng máu. Kịch liệt hơn là ở trận tuyến bọn thanh niên. Pôn và Giăng có lợi thế, là đứng hẳn lên trên mặt áo quan cho cao. Hai anh em nhảy vào Mão. Vật lộn khá lâu. Cuối cùng, vì biết một mình không địch nổi với hai đứa, Mão làm kế thoát thân. Hắn không dùng tay để chống với Pôn và Giăng, mà dùng tay để thọc vào túi quần. Ai cũng tưởng hắn rút dao ra đâm. Chẳng hóa ra hắn rút chùm chìa khóa, rồi quăng ra thật xa. Tiếng loẻng xoẻng như reo. Có lẽ cả bà Ma-ri lẫn các con của bà cũng như reo ở trong bụng. Tức thì, cả ba người bỏ địch đấy, chạy đến góc nhà vồ lấy chùm chìa khóa. Bà mẹ Mão vừa thở, vừa ngồi vấn lại khăn. Còn Mão thì đứng sát lưng vào tường để giữ thế thủ, rồi đút tọt một cái gì cầm ở trong tay vào miệng. Pôn đâm nghi, chạy lại phía Mão. Bất thình lình, một vật nữa ở tay Mão rơi xuống đất. Mão vội vàng cúi xuống nhặt, và lại đút tỏm vào miệng. Vật ấy, mọi người đã trông thấy, nó nhỏ như hạt ngô, cũng màu vàng như màu ngô, nhưng óng ánh. Pôn ôm lấy Mão. Giăng bóp cổ Mão. Cuộc xô xát lại tiếp diễn.
* * *
Trong nhà trong ồn ào là thế, nhưng vì cửa đóng kín, lại cách nhà ngoài một cái sân dài, nên khách khứa tịnh không ai nghe thấy tiếng gì. Các cụ tuần, cụ án, các quan phủ, quan huyện các quan nghị, quan hàn, vốn quan liêu đã đành, cho đến các ông chủ thầu, chủ báo, nhà văn, các ông lang, các bạn bè ông An-be, các bạn bè bà Ma-ri, các bạn bè của Pôn, của Giăng, các bạn bè của Rô-da-lin, của Ma-gơ-rít và của Ca-mê-li-a không ai biết gì hết. Rô-da-lin và Ma-gơ-rít, vì lớn tuổi và thạo đời, được cắt vào việc tiếp khách. Hai cô vẫn đánh phấn, bôi son, chải tóc bóng nhẫy như ngày thường. Hai cô còn thấy mình đẹp hơn ngày thường, vì mặc toàn đồ trắng bằng voan, chứ không bằng vải màn như mẹ. Quần áo trắng làm nổi nước da trắng những phấn. Lắm lúc soi mình vào gương, hai cô hãnh diện và tự hào, thấy mình không khác gì những cô đầm khoác tay người yêu vào nhà thờ làm lễ cưới. Hai cô gióng giả người nhà pha nước, lấy thuốc lá, lấy trầu, như những cô gái đảm đương và quán xuyến.
Khách đứng hoặc ngồi thành từng bọn, theo nghề nghiệp của họ. Khách quý được mời vào buồng đặc biệt. Họ nói chuyện với nhau về nghề nghiệp, về sinh hoạt hàng ngày. Ít người nhắc đến ông An-be. Nhiều người nhắc đến việc làm ăn, đến canh mạt chược hoặc chầu hát tối hôm trước. Ít người để ý đến kẻ khác giới của mình. Nhưng nhiều người giới nam để ý đến những người giới nữ, nhất là đến hai chị em cô Rô-da-lin và Ma-gơ-rít nhí nhảnh. Nhà văn Thanh Xuân đã nhân dịp này, tặng được hai Nàng Thơ một bài cú Đường luật, mà ông làm đã lâu, nhưng chưa đưa tận tay. Cụ án Trần cũng quên tuổi mình mà nói giỡn rất lâu với hai cô, như với bạn.
Song, tuy hai cô tiếp khách văn có vẻ niềm nở, chu đáo, mà không phải trong bụng không có điều gì băn khoăn. Hai cô biết là trong nhà có con mẹ nhà thổ và thằng du côn, thì thế nào, cũng xảy ra chuyện lôi thôi, không khéo thì có án mạng. Nhưng nếu hai cô chỉ băn khoăn về việc này, thì tất nhiên thỉnh thoảng phải lắng tai hoặc để mắt vào phía trong. Hai cô chỉ lắng tai và để mắt ra phía ngoài cổng. Cho đến bảy giờ kém bảy phút, một chiếc xe cao su đỗ xịch ở hè, một người Pháp bụng tròn, khệ nệ chống ba-toong đi vào, thì hai cô mới mừng rỡ. Hai cô đon đả đón, nhoẻn miệng, nhún cẳng, bắt tay và mời vào. Đây là trạng sư Rô-măng, ân nhân của gia đình, được ông An-be bao để thầu tất cả các việc thuộc về pháp luật của ông. Người Pháp vào buồng khách đặc biệt. Tất cả tiếng ồn ào bằng ngôn ngữ Việt Nam đều im lặng. Dân thuộc địa đứng cả dậy để tỏ lòng kính trọng quan bảo hộ. Người da trắng được đưa đến ngồi cùng bàn với các quan cụ da vàng. Cô Ma-ga-rít giới thiệu từng vị. Cô cũng kéo ghế ngồi ở đó và sai người mở rượu bia.
Cô Rô-da-lin ở nhà ngoài. Cô vẫn chưa hết băn khoăn, chốc chốc cô lại nhìn ra cổng. Đám ma cha cô có một người Pháp đi đưa, đã là giá trị lắm rồi. Nhưng cô chưa thỏa mãn. Gia đình quen thân với rất nhiều quý quan. Những vị này đã nhận được cáo phó cả rồi. Thế nào ông đốc tờ Pi-a, bác sĩ riêng của nhà, chẳng đến. Thế nào ông cẩm mật thám Pha-lăng-xô chẳng đến. Song, cô mong nhất một người Pháp nữa, đã hẹn là thế nào cũng đến. Người này là một công chức trẻ ở sở Lục Lộ, người bạn cởi mở đầu tiên trong đời con gái của cô. Đưa cha đến chỗ ở cuối cùng, cô buồn lắm. Có chàng cùng đi, thì cô vui. Vắng chàng trong lúc này, cô chịu sao nổi trống trải gấp đôi ở trong lòng. Cô mong từng phút từng giây. Có chiếc xe nhà sơn màu cánh dán nào sắp tới, cô cũng hồi hộp. Thấy không phải người mình mong đợi, cô lại thở dài, bụng trách ngầm ai lỗi hẹn.
Song, ý trung nhân của Rô-da-lin không lỗi hẹn. Người Pháp thầy cãi đến được hơn ba phút, thì người Pháp Lục lộ đến. Cô gái mừng rơn, chạy ra, nói cười rối rít. Miệng chúm chím, cô đi song song với bạn thân ái, đưa hắn vào trong buồng đặc biệt. Rồi cô sực nhớ rằng trong nhà trong đương có chuyện rắc rối, không khéo thì phải hoãn giờ chuyển cữu. Sai lời là phụ lòng quý khách. Nghĩ vậy, cô vội vàng bỏ bạn, chạy vào. Cô định dọa dẫm mọi người ở trong nhà là có hai ông Tây đến đưa đám, thì đúng bảy giờ, thế nào cũng phải chuyển cữu. Để người trên phải chờ đợi, là bất nhã.
Lúc ấy là bảy giờ kém một phút. Cô Rô-da-lin gõ cửa mạnh để gọi, nhưng ở phía trong, không có tiếng trả lời. Cô sốt cả lòng cả ruột. Phen này thì mất hết sĩ diện. Từ ngoài cổng đi vào người chủ hiệu đòn đám ma, đã lừng lững dẫn hai mươi phu đòn đương tiến vào. Cô giơ cổ tay, nhìn chiếc đồng hồ vàng nhỏ xíu: kém ba giây nữa là đúng bảy giờ. Ruột cô như mớ bòng bong. Rồi kém hai giây, một giây nữa. Rồi đúng bảy giờ. Cô thở dài đánh thượt. Bỗng tiếng khóa kêu lạch xạch: hai cánh cửa mở toang. Hai lá màn đen từ từ kéo cao lên, như màn sân khấu. Lửa nến trong buồng tối lấp lánh như sao. Người mặc trắng đứng lố nhố, nhưng im phăng phắc. Thật là không ngờ. Cô Rô-da-lin hởi lòng hởi dạ.
* * *
Nguyên là ban nãy, Mão bị Pôn ôm và Giăng bóp cổ, thì hắn đau và nghẹt thở. Hắn phải há miệng lè lưỡi. Cái vật ngậm ở trong suýt nữa rơi xuống đất. Thì may làm sao, một giọng ồm ồm của người chú họ ông Thừa, vẫn gọi là cụ điều Hai, nói to:
– Thôi! Đôi bên! Không được đánh nhau nữa! Đến giờ chuyển cữu rồi!
Quả vậy, cụ vừa dứt lời, thì chiếc đồng hồ trẩm cầm treo ở tường đã ngân nga buông bốn hồi đàn véo von, báo một vòng của kim lớn đã trọn. Rồi tiếng chuông thứ nhất của bảy giờ bắt đầu điểm.
Pôn và Giăng buông Mão ra. Mặt còn hầm hầm, nhưng nhanh thoăn thoát, hai người đội nùn rơm, mặc áo sô, cầm chiếc gậy tang, đứng trước gương để buộc cái thắt lưng bện bằng bẹ chuối cho tề chỉnh.
Trong khi ấy không để lỡ dịp tốt, Mão trợn mắt, nhăn mặt, cố nuốt chửng ba lần cho hết những thứ hắn đã bỏ vào miệng.
Bà Ma-ri cũng đã chải xong cho bộ tóc xõa xuống vai. Bà buộc dải áo, rồi trùm lên đầu cái mũ mấn. Không ai nhìn thấy mặt bà bị sây sát.
Mọi người chuẩn bị xong thì đồng hồ đánh dứt tiếng thứ bảy. Cụ Hai giơ cao cánh tay cầm cuốn Thọ Mai gia lễ, giao hẹn:
– Im lặng nhé!
Vừa nói, cụ vừa vặn khóa, rồi mở rộng hai cánh cửa.
Sự im lặng làm tăng vẻ tôn nghiêm. Ở nhà ngoài, trong giờ phút thiêng liêng, cũng không có một tiếng động.
Thấy phu đòn tiến vào, bà Ma-ri nhắc khẽ các con bưng miệng và cúi mặt. Bất đồ, lúc ấy, bà thấy áo bà lấm, vì ban nãy bà đã vứt vội nó xuống nền gạch để đánh nhau. Sợ mất sĩ diện, bà nhanh trí khôn, vội vàng nằm ềnh xuống đất, lăn lộn cạnh quan tài, cho áo lấm thêm. Các bà bạn thân ở nhà ngoài chạy vào, phải khuyên giải khéo lắm, bà mới chịu lánh ra. Người ta phủi cho bà và ôm lưng bà để dìu đỡ cho bà khỏi ngã.
Cữu trùm vải thâm có điểm những chấm trắng như hình giọt lệ, được bốn mươi cánh tay khỏe mạnh của hai mươi người lực lưỡng bắt vào. Người nào cũng mặc quần đen, áo dài đen, đội nón đen. Pôn và Giăng đứng sau, còng xuống, trông thê thảm như người quá buồn phiền, không đủ sức đứng cho lưng thẳng, tay phải bưng miệng, tay trái chống gậy. Phía dưới hai con trai, bà Ma-ri ôm ngục, vai rung lên. Sát với bà, ba cô con gái đứng ngang hàng. Ba cái mũ mấn nhọn đầu và ba bộ áo voan mỏng tang, trắng muốt, bay bay dưới làn gió của chiếc quạt trần, đẹp như ba cô văn công đóng vai cào trắng sắp nhảy múa. Đứng hàng dưới, là họ hàng ông Thừa, toàn là đàn bà, đếm vừa đúng chục người, cũng mũ mấn trắng, áo dài trắng.
Từ lúc làm lễ phát khốc, các bà này là những người khóc to nhất, và kể lể thảm thiết nhất.
Cụ điều Hai thay mặt hiếu chủ, ra nhà ngoài, xin lỗi quan khách, là vì bà Ma-ri quá thương ông An-be, nên giờ chuyển cữu chậm mất ba phút.
* * *
Viết đến đây, tác giả cần dành một vài dòng để ghi công cụ hai Điều trong mấy ngày hôm nay.
Ông chủ hiệu đòn đám ma chẳng qua là vì tiền mà làm cho rước xách được trọng thể, đẹp mắt. Nhưng cụ Hai thì khác. Là máu mủ trong nhà, cụ chỉ lấy tình mà giúp cho nghi lễ đám tang được đúng như đám những nhà đại gia. Đặc biệt là cụ lại có nhiều sáng kiến. Trong những ngày cữu còn tạm quàn ở nhà, thì mỗi lần có ai đến phúng viếng, cụ bắt điểm một tiếng trống cái đánh thùng để làm hiệu báo. Thế là quanh quan tài, nam đứng một bên, nữ ngồi một bên, vọ con ông Thừa đã tập họp đông đủ, tiếng khóc nổi lên như ri để đón khách. Không rõ những ai khóc, vì mặt bà Ma-ri và ba cô lấp sau mũ mấn, và hai cậu Pôn và Giăng thì còng lưng, cúi đầu và bưng miệng. Kèn trống nổi lên, lanh lảnh và rộn ràng. Khách lễ một lễ, ngần ấy cái đầu trắng cũng thụp cả xuống đất. Khách lễ một lễ nữa, vợ con ông Thừa lại đáp lại. Theo lời cụ Điều, bất kể khách sang hay hèn, bà Ma-ri và các con chỉ còn tỏ chữ nghĩa chữ hiếu bằng cách thay chồng và cha, không dám nhận một lễ nào của ai. Rồi khách khom lung vái người chết ở giữa và vái những người sống ở hai bên, vái mấy vái, bà và các con bà phải tạ ngần ấy vái.