Hai người thấy chị Thừa tươi tỉnh, thì đều ngạc nhiên mà nhìn nhau. Chị mời họ ăn khế. Cụ Điều hỏi:
– Anh ấy xuống nhà làm việc rồi à?
– Vừa xuống.
Cụ bảo anh Xi:
– Thôi, rửa mặt mũi chân tay, mặc quần áo vào, kẻo chuông gọi bây giờ. Ra chậm, ông ấy lại gắt cho!
Anh Xi không đáp, hỏi chị Thừa:
– Thỉnh thoảng chị có đến chơi đàng thầy u tôi không? Chả biết có đủ ăn không.
Chị Thừa thở dài:
– Đủ ăn thế nào được! Ba năm rồi, năm kia vỡ đường, năm ngoái lụt úng, năm nay đại hạn!
Cụ Điều hỏi:
– Đại hạn mà không cầu đảo à?
– Có, hôm rước, cả quan huyện cũng về. Nhưng vẫn chả mưa. Gặt hái rồi, nhưng suốt làng, chả ai còn hột thóc. Dân làm đơn lên quan xin miễn thuế, xin phát chẩn. Quan hứa mãi, nhưng đã có gì đâu!
– Thế chị có năng lại thăm nhà tôi với các em không?
– Có. Khóc dở mếu dở đấy ông ạ. Bà dặn ông có dư thì gửi tiền về, chứ cả làng, cả tổng, chả ai có mà vay mượn tạm được.
Chị sực nhớ ra, nói:
– À, ông với anh Xi phải nhớ ngày đóng công sưu mà gửi tiền sơm sớm về. Chứ ở nhà thì chạy đâu ra. Kỳ thuế vừa rồi, các ông ấy kìm kẹp anh Bách thế nào mà gãy cả ngón tay. Tôi cũng phải bảo nhà tôi gửi tiền sưu về mới được. Chả có bà cháu phải nộp, bà cháu cứ chửi tôi.
Cụ Điều và anh Xi rầu rầu. Anh Xi nói:
– Mình ở ngoài này, chả biết gì. Cứ nhìn Hà Nội thì tưởng cả nước phong lưu.
Chị Thừa cười mát mẻ:
– Thế mà vừa rồi, làng còn được mua hai phiếu quốc trái, lấy tiền gửi về Tây cho nhà nước đánh giặc Đức. Quan bảo là được mua đấy nhé.
Nghe nói đến quốc trái, đến Tây, đến Đức, cụ Điều hỏi thăm tin người làng:
– À, thằng Trương có năng thư từ về nhà nó không?
– Đến gần năm nay, chả có giấy má gì. Dễ thường anh ta chết ở bên ấy rồi.
Anh Xi nói:
– Sao tôi thấy báo đăng những thư của lính mộ ta gửi về, thư nào cũng viết khoe là họ sung sướng lắm kia mà? Và ảnh người nào cũng béo tốt. Có người ngồi chụp cả với tây đầm.
Chị Thừa tặc lưỡi ra vẻ không tin:
– Nào ai biết được là thế nào?
Anh Xi lại hỏi:
– Thế ở làng có cái gì mới lạ, vui vui, hay toàn cảnh đói rách?
Chị Thừa nghĩ một lát, đáp:
– Có. Làng ta mới làm cái ấu chữ.
Cụ Điền dừng chân, ngớ mặt, hỏi lại:
– Ấu chữ là cái gì?
– Thằng Mão nhà tôi cũng phải đến ấu chữ một lần, bị cảm nắng suýt chết đấy, ông ạ.
Cụ Điền đoán ra, cười:
– À, thế thì gọi là Ấu trĩ viên, là cái vườn cho trẻ con đến phải không?
– Vâng. Tôi cứ thấy gọi thế thì tôi cũng gọi thế.
– Ấu trĩ viên đặt ở đâu?
– Ở đống bãi tha ma ngay sát đường cái tây ấy.
Anh Xi nói:
– Ở đấy thì xa làng, không tiện nhỉ.
– Nhưng quan bắt làm ở đấy, tiện cho xe pháo đi ở đường cái tây trông thấy. Làng nào ở ven đường ô tô, ven đường đê, đều phải dựng ấu chữ. Làng ta, các cụ đã khấn quan, xin cho làm ở sân đình, nhưng quan không nghe. Chính quan về cắm ở đống bãi tha ma đấy. Đận ấy cũng lại khổ không kém đận mua quốc trái. Cơm đã chả có ăn, thế mà giai gái làng, từ mười sáu trở lên, phải đi phu hết, để cất mả, san đất. Quan hẹn mười lăm hôm phải xong.
Cụ Điều hỏi:
– Thế mười lăm hôm có xong không?
– Không xong có chết với ông ấy! Làng Đông Mạc chậm có hai hôm, mà lý trưởng suýt phải cách đấy. Cho nên ông lý làng ta sợ xanh mắt, ốp ngày ốp đêm, bắt người ta bỏ cả công việc. Cũng sục sạo bắt bớ cùm kẹp dữ tợn như ngày đốc thuế ấy. Thế mà đã hết chuyện đâu. Lại còn phải dỡ đình phường, lấy gỗ, lấy gạch ngói, tải ra đấy xây nhà nữa chứ!
– Ai xây cho?
– Phải thuê chợ. Lại bổ vào dân! Công thợ thì ít, nhưng vào mồm các ông thì nhiều. Bây giờ làng làm xong ấu chữ rồi. Nhưng quan huyện rộng cho là chỉ ngày nào quan Sứ đi qua, thì trẻ con mới phải đến. Còn ngày thường, được miễn. Hôm cuối tháng tám, có giấy huyện sức là quý quan sắp đi qua. Thế là ông lý bắt dân đến ấu chữ, giẫy cỏ, quét sân, lau ghế, rồi cắm cờ, bày hương án bái vọng. Sáng sớm hôm sau, tôi phải bế thằng Mão đến. Khốn nạn, hôm ấy nắng quá. Đường thì xa, nhà thì ẩm, mốc. Tôi cho cháu ra, tưởng được về ngay, nào ngờ chờ cho đến gần chiều mới thấy tiếng còi ô tô. Thành thử mẹ đói, con đói. Trong ấu chữ, suốt ngày lúc nào cũng có tiếng trẻ mỏ khóc như ri. Chúng nó bé mà tinh thế. Dỗ thế nào cũng cứ đòi về.
– Có độ bao nhiêu trẻ?
– Đông. Giấy quan sức ba làng phải đưa trẻ đến cơ mà! Dễ gần một trăm. Chả ai trốn nổi với ông lý. Thằng Nùng, con bác Sẹo, đương ốm, mẹ nó cũng phải bế đi.
Anh Xi hỏi:
– Quái, lại mới có lệ điểm danh trẻ con à?
Cụ Điều cười:
– Anh này mới cổ nhân chứ! Ấu trĩ viên là cái vườn trẻ. Ở các nước văn minh, làng nào cũng có một ấu trĩ viên. Nước ta có ấu trĩ viên, thế là nước ta cũng văn minh. Thật là đáng mừng. Có ấu trĩ viên thì cha mẹ gửi được con để đi làm việc.
– Gởi ai?
– Có người trông, gọi là bảo mẫu.
– Làng ta, ai trông trẻ?
Chị Thừa đáp:
– Bà cụ Tư Tịnh.
– Ôi giời ôi! Con mẹ ấy mà trông trẻ thì nó đánh chết con người ta mất!
– Thật đấy. Ai dám giao con cho bà ấy! Nhưng cũng chỉ mới có một hôm ấy bà ấy ra đấy, gọi là cho có mặt thôi. Chứ mẹ nào vẫn phải trông con ấy. Cho đến lúc nghe tiếng còi ô tô, ông lý mới đuổi chúng tôi ra sau nhà, để một bà cụ ở lại. May quá, trẻ không phải khóc lâu thêm, vì quan sứ thấy các cụ mặc áo thụng ra đường đón thì bảo xe dừng lại một tí, rồi đi ngay.
– Quan sứ không vào ấu trĩ viên à?
– Không.
Anh Xi thở dài:
– Làng ta phải gánh vác nhiều việc, nào quốc trái, nào ấu trĩ viên, khổ nhỉ!
– Nhưng được quan huyện sức về khen.
Bỗng có tiếng chuông gọi. Anh Xi cầm dăm miếng khế, vội vã chạy ra. Chị Thừa hỏi cụ Điều:
– Sao bảo ông cũng bốc thuốc?
Cụ gật:
– Lúc nào cần đến tôi thì tôi bốc. Anh ấy làm một mình cũng được.
– Nghe nói còn những ai giúp việc nữa kia mà?
– Phải, còn cô đốc.
– Cô đốc như đốc Giô-dệp Phăng-đi lấy bà Ĩnh con độ trước ấy à?
– Không. Đây là đốc học, to lắm. Cô này hình như đỗ đốc học.
Chị Thừa ngạc nhiên:
– Kìa, tôi tưởng làm thuốc thì phải là đốc tờ?
Cụ Điều gật đầu:
– Ừ, phải, dễ thường đốc tờ. Công việc bận lắm. Cho nên thấy chị ra, tôi cứ lo là không khéo thì anh ấy gắt.
Một lát chị Thừa lại hỏi dò:
– Ông ơi, hay là nhà tôi có vợ bé mà giấu, ông không biết chăng?
Cụ Điều cười:
– Ăn ở nhà này, ngủ ở nhà này, chứ ở đâu mà tôi không biết?
– Thế cô đốc ăn ở đâu, ngủ ở đâu?
– Ở nhà cô ấy chứ ở đâu? Người ta thiệt đứng đắn là gái chưa chồng, chị đừng hỏi thế, mang tiếng người ta.
– Tên cô ta là gì?
– Là Ma-di.
– Sao lại là Ma-di?
– Hình như là đầm lai. Tôi trông cái mặt không phải là An-nam. Nhưng tôi cũng chả hỏi. Việc ai người ấy biết, người ấy làm. Mấy lị, chị không nên nghi ngờ gì. Anh ấy với cô ấy là chỗ người lớn với nhau. Tuy làm với nhau, nhưng anh ấy một điều thưa cô đốc, hai điều thưa cô đốc, mà cô đốc thì gọi anh ấy là ông Trần, nói với anh ấy thì thưa tiên sinh. Tôi tinh mắt lắm, chả ai làm gì mà giấu nổi tôi. Cho nên tôi cam đoan với chị là hai người thiệt trong sạch như băng tuyết.
Chị Thừa có ý chế nhạo:
– Tôi thấy ông hồ đồ lắm. Cái gì cũng hình như. Tôi yên tâm được, không phải vì tôi tin lời ông, mà vì tôi thấy nhà tôi gặp vợ con thì mừng rỡ. Cho nên tôi chẳng nghi gì.
– Đấy. Ở xa, chỉ nghe tiếng đồn hão. Oan người ta.
Bỗng anh Xi vào gọi cụ Điều ra tiếp khách. Cụ lên gác trong để sắm sửa quần áo. Chị Thừa hết người nói chuyện ra gác ngoài với con.
* * *
Chờ đến lúc ngớt khách, Ma-ri mới vào buồng thăm bệnh gặp anh Thừa. Hắn cũng giả vờ tươi cười, càng lộ vẻ mặt đanh đá. Hắn hất hàm hỏi:
– Có khách phỏng?
Anh Thừa cười lạt, không đáp. Hắn đay:
– Vui nhỉ! Có người ta ra có khác. Mặt hớn hở như được vàng!
Anh Thừa vẫn im. Ma-ri tiếp:
– Này. Chốc nữa hết giờ, anh sang ngay bên tôi, tôi hỏi một tí nhé.
Anh Thừa gật đầu:
– Được.
Rồi hai người không ai nói với ai. Bỗng giữa bầu không khí nặng nề, Ma-ri bưng mặt, nức lên. Hai vai hắn rung rung. Hắn chạy ù ra ngoài.
Anh Thừa nhìn theo, lắc đầu thở dài. Sau hôm Ma-ri nổi trận lôi đình, thì anh Thừa giận lắm. Anh làm mặt lãnh đạm. Anh chỉ nói với hắn về công việc, bằng những tiếng lẻ, hoặc những câu ngắn nhất. Còn suốt ngày anh lầm lì.
Ma-ri đối với anh cũng vậy, không nói, không rằng.
Tối hôm ấy, để tỏ ý trừng phạt, anh không sang với hắn như mọi khi. Anh nằm trên gác, vặn tắt đèn, cương quyết nuôi căm hờn.
Nhưng càng nghĩ đến Ma-ri, anh càng không ngủ được.
Hết trằn trọc lại thở dài. Y như người nghiện nhớ bữa thuốc vậy. Anh nghĩ đến giờ này, mọi tối, anh được Ma-ri đương đưa anh vào cõi mộng, làm cho anh quên sự thật ở đời. Bây giờ, dưới anh là cái chiếu mỏng với lượt thang giường bằng gỗ cứng. Bỗng anh thở dài như rên. Anh muốn biết trong phút anh sống cô độc thế này, thì Ma-ri làm gì? Hắn cũng buồn khổ như anh, hay vắng trăng thì đã có sao. Được tự do, hắn đương nằm trên tay người khác? Vậy là anh đã dại dột mà thả lỏng hắn để rồi mất hắn à? Anh nhớ tiếng dịu dàng, giọng ỏn ẻn ấy. Anh nhớ dáng dấp tha thướt, cử chỉ nhanh nhẹn ấy. Anh thương con người đau khổ. Anh phục con người nhanh trí khôn. Tự nhiên, anh thấy rằng anh không thể xa cái người đã gần gụi anh mấy tháng nay, tận tâm về công việc như người bạn thân, an ủi về tâm thần như người vợ quý. Ngẫm đến thái độ lạnh nhạt của anh, anh thử xét xem có là quá lắm không? Trước hết, anh thấy là không quá lắm đâu. Anh không hối hận chút nào. Anh phải làm cho Ma-ri thấy rõ là không phải lúc nào anh cũng mềm yếu. Nhưng nghĩ đi anh lại nghĩ lại. Anh có nên quá cứng rắn như thế này không? Anh hơi hối hận. Anh mong Ma-ri mềm yếu hơn anh lúc này, không chịu được nỗi lẻ loi trống trải, phải sang đây xin lỗi anh. Anh dỏng tai để nghe. Có phải có tiếng động của chân Ma-ri nhẹ nhàng bước lên cầu thang không? Anh sẽ được nghe thấy tiếng cười làm lành, hoặc tiếng khóc nũng nịu, làm cho nỗi căm hờn của anh vụt tiêu tan hết. Anh sẽ làm mặt giận nữa để trêu Ma-ri, cho đến lúc Ma-ri nức nở to lên, anh mới sằng sặc cười, rồi loan ôm phượng, phượng bồng loan… Nhưng không có tiếng động nào ở thang gác cả. Đồng hồ nhà thờ lại điểm thêm một tiếng chuông nữa là ba rồi. Thế mà anh vẫn luẩn quẩn. Thỉnh thoảng, anh có chợp mắt một tí, thì lại nằm mê thấy Ma-ri. Nhưng một tiếng soạt của chiếc lá rơi trên mái hiên làm anh sực thức ngay, óc anh đã lôi anh về với thực tại.