Bỗng hắn vùng vằng, rụt chân lại, đứng phắt xuống đất:
– Anh làm hại một đời tôi!
Anh Thừa vẫn thản nhiên, nhại lại:
– Hại!
– Chứ không là làm hại à? Tôi từng này tuổi đầu, đương hơ hớ son trẻ, tôi đã chán đời đâu mà anh bắt tôi nghĩ đến việc chồng con!
Rồi tay xỉa xói, miệng lau láu, hắn thốc một thôi một hồi:
– Anh định bạc tình thì anh bảo. Anh nghĩ xem, Phòng thuốc nhà giàu này mấy tháng nay đông khách là công của ai? Anh đối xử với tôi thế à? Tôi đã giao hẹn cấm anh không được ghen, sao anh vẫn can thiệp vào đời tư của tôi? Có tối nào anh để cho tôi tự do một mình không? Anh chiếm của công làm của tư. Thế mà anh dám hỏi tôi có mang với anh hay với ai à? Bây giờ anh nghe tin tôi có mang, anh định chạy làng. Anh muốn đổ nợ cho ai?
Nét mặt đanh đá hơn, hắn nói bằng giọng cương quyết:
– Tôi bảo cho anh biết trước, là tôi bắt anh phải lấy tôi, cưới xin cho tử tế. Ít lâu nay, tôi định giữ trinh tiết để lấy chồng, nhưng anh không cho tôi được hẳn hoi. Vậy thì tôi nhắc lại. Anh chọc to tai ra mà nghe. Bố tôi là người tu nhân tích đức, nhất định tôi không uống thuốc phá thai. Tôi đương ở tuổi vui đời, nhưng anh ích kỷ, chiếm của công làm của tư, làm cho tôi chán đời sớm, thì anh phải gánh lấy tôi. Anh phải cưới xin đàng hoàng. Bởi là tôi đã hy sinh vì anh. Tôi là vợ cái con cột của anh. Còn mẹ thằng Mão mà bén mảng ra đây, bà thì xé xác!
Anh Thừa đấu dịu:
– Làm gì mà toáng lên thế, để người ta nói nào.
– Không làm toáng mà được với cái mặt xỏ lá ấy à? Tôi truyền hồn cho anh biết trước, là nếu anh không theo đúng ý muốn của tôi, thì tôi còn làm toáng nữa. Tôi ra giữa đường cái, ngay trước cái nhà vàng này, tôi rêu rao tướng lên rằng anh làm tôi chửa, rồi anh định bỏ. Tôi lột mặt nạ thằng y sĩ Trần Đức Thừa cho thiên hạ nhìn rõ. Như vậy, quân ăn cháo đái bát chỉ còn mỗi một đường thoát thân là đâm đầu xuống sông Cái mà thôi, anh có biết không? Tử tế thì cùng tử tế. Giở mặt thì cùng giở mặt. Đây đéo cần!
Nói đoạn, Ma-ri hầm hầm đi ra, đóng mạnh cánh cửa, kêu đánh rầm. Mấy tờ giấy trên bàn giật bắn lên.
Anh Thừa ở lại một mình, bần thần, thở dài. Độ năm phút sau, bỗng có tiếng gõ cửa. Anh vội vàng đeo kính lên mắt, ngồi ngay ngắn lại:
– Xin cứ vào. Cửa mở.
Hai người đàn bà lạ mặt theo Ma-ri vào. Một bà đứng tuổi, béo, da đỏ đắn, sù sù trong cái áo bông xa-tanh. Một bà trạc tuổi Ma-ri, mặc áo xuyến hoa kép, lót hoa lý. Bà này người thanh thanh, mặt trái xoan, mắt dịu dàng, nhưng ánh đỏ của vải căng trong buồng hắt ra, không làm cho nước da bà hồng hào thêm. Anh Thừa biết là bệnh nhân và đoán ngay được rằng bà ta ốm yếu lắm. Thấy Ma-ri không giới thiệu bệnh nhân bằng phiếu như mọi bận, lại tự hắn dẫn vào, anh Thừa hiểu ngay là hắn ghen, không muốn cho anh một mình trong buồng kín với đàn bà con gái. Song, anh lờ như không biết thâm ý ấy. Anh nghiêm trang đứng dậy.
Ma-ri thoạt thấy anh thì cúi đầu chào, như thể từ sáng tới giờ hai người chưa hề gặp nhau lần nào. Hai bà khách cũng bắt chước, cúi chào ông chủ. Ma-ri đứng thẳng người cho lễ phép, trỏ vào bà béo:
– Thưa tiên sinh, bà cử Dần. Ông cử học trường Hậu bổ dưới phố Lò Đúc, năm nay thi soóc-ti.
Bà Cử cười hề hề:
– Vâng, thưa đúng ạ. Ngài tiên sinh chưa nhận ra tôi đấy thôi. Vâng, tôi là bạn thân của cô đốc, và chính cũng là khách quen của Phòng thuốc nhà giàu. Vâng.
Anh Thừa cúi đầu đáp liều:
– Thưa bà, tôi nhận ra rồi.
Ma-ri nói:
– Bà bạn được tiên sinh chữa cho, nay bà đã xơi được nhiều cơm và ngủ được ngon giấc. Bà giới thiệu với tiên sinh một bà cũng bị bệnh như bà.
Bà Cử vừa cười, vừa vội vàng tranh lời:
– Vâng, cô cho tôi nói. Tôi đến đây, trước hết là để cảm ơn ngài tiên sinh đã ạ. Thưa ngài tiên sinh, bà bạn tôi đây là bà Phúc Lâm, buôn tơ ở phố Hàng Đào. Vâng, bạn thân đấy ạ.
Nghe hai tiếng Phúc Lâm, anh Thừa sực nhớ lại hồi tết Trung thu vừa rồi, cụ Điều khen mãi cỗ trông trăng của nhà này bày khéo. Anh nhìn bà Phúc Lâm, gật gật:
– À, thưa bà, thế thì tôi vẫn đi qua đằng nhà. Nay mới được hân hạnh tiếp bà. Hôm rằm tháng tám, tôi lại được vào hẳn trong sân để xem cỗ. Ai cũng phục hoa tay của bà. Thưa cỗ của nhà ta đẹp nhất Hà Nội đấy ạ.
Nịnh xong, anh hề hề cười, rồi hỏi:
– Thưa bà, bệnh bà ra sao ạ?
Bà cử Dần lại tranh lời:
– Bà bạn tôi bệnh cũng như tôi. Ngài tiên sinh xem cho bà ấy, vâng. Rồi ngài xem lại cho tôi. Vâng.
Rồi như để giao hẹn tiếp với Ma-ri, bà tiếp:
– Hôm nay em lại quên, không đem đồng tiền nào. Khỏe rồi, em chả phải uống thuốc nữa. Vâng.
Thấy những lời giáo đầu đã tạm đủ, anh Thừa nói với Ma-ri:
– Thưa cô đốc, nhờ cô làm ơn bảo lấy thêm cho chiếc ghế nữa. Rước các bà giải tọa.
Ma-ri mở cửa, rón rén ra, nhưng không đóng hẳn lại như mọi bận. Anh Thừa mời bà cử ngồi ghế bệnh nhân ở phía ngoài, rồi bắc xa hai cái ghế của cụ Điều và của anh cho rộng chỗ, và nói với bà Phúc Lâm:
– Rước bà quá bộ vào trong này.
Bà Phúc Lâm tuy không bé bỏng, nhưng vẫn giữ bộ điệu rón rén, e lệ của một cô con gái Hàng Đào. Đứng gần đàn ông lạ, bà ngượng. Bà lấy tay nắm khít hai tà áo để che kín cái tí cạp quần bằng nhiễu đỏ. Anh Thừa nói:
– Xin phép bà cho tôi làm việc.
Anh lấy cái ống nghe tim áp vào ngực bà. Bà giật mình, vội vàng lùi lại. Nhưng anh cười:
– Chính bệnh ở chỗ ấy đấy ạ. Chúng tôi kịch liệt công kích các đốc tờ họ cứ bắt bệnh nhân bất cứ đàn ông hay đàn bà, đều phải cởi áo mới thăm nổi tim và phổi. Bởi vì họ kém. Làm thế, thì thật bất nhã với khách. Chúng tôi không bắt chước Thái Tây.
Như được dỗ ngọt, bà Phúc Lâm đứng yên. Anh Thừa áp tai vào ống. Anh nghe. Không hiểu anh nghe cái gì. Có lẽ anh nghe cái hơi ấm áp, cái nhịp phập phồng ở ngực người đẹp. Nhưng hẳn anh nghe cả tiếng chân của Ma-ri xem đã vào buồng chưa. Mùi thơm thơm, chua chua, đặc biệt của áo phụ nữ, của hơi thở phụ nữ, phả vào mũi anh. Song, anh không dám hưởng lâu cái phút dạt dào ấy. Anh bỏ ống ra, cố nghiêm chỉnh lại, nói:
– Thưa, mời bà thè lưỡi.
Anh cốt ngắm lâu đôi môi ăn trầu cắn chỉ thắm tươi.
Vừa lúc ấy, thì Ma-ri cầm cái ghế mây vào, kiễng chân để đi cho nhẹ nhàng. Anh cười:
– Thưa cô lại mang lấy! Mời cô ngồi.
Anh trỏ phía trước mặt bà cử cho Ma-ri đặt ghế. Ma-ri hỏi:
– Thưa tiên sinh chưa bắt đầu?
Bà Cử toan đáp, thì anh vội vàng đánh trống lấp:
– Mới sơ sơ thôi ạ.
Rồi bắc sát hai ghế của cụ Điều và của anh lại gần nhau, anh khoe:
– Thưa hai bà, cô đốc chúng tôi cũng đương học chữa bệnh cho các bà. Cô rất tiến bộ. Bao giờ thành thạo, cô sẽ mở phòng thăm bệnh riêng. Cô là đàn bà, chữa cho đàn bà, chắc hiểu bệnh hơn đàn ông chúng tôi. Mà bạn gái với nhau, các bà kể bệnh, chả phải e ngại gì.
Anh mời bà Phúc Lâm ngồi. Bà lại ngượng, hai tay kéo áo che cho khắp hai cặp đùi bóng vì quần lĩnh. Bộ xà tích bạc, thõng dài xuống, sáng nhoáng.
Anh Thừa đặt hai đầu ngón tay vào mạch máu ở cổ tay bệnh nhân. Lúc anh nâng lên, lúc anh day mạnh. Mặt anh ngửa lên trần, như nghe, như nghĩ.
Lúc này, trong buồng thật yên lặng. Tưởng chừng như tiếng của bốn trái tim cũng được nghe rõ là mỗi trái đập một nhịp khác nhau. Trái tim bà Phúc Lâm thì liên hồi như trống báo động đề phòng có kẻ gian vào nhà. Trái tim bà cử Dần thì chạy nước kiệu cho êm cái việc bà lợi dụng bạn để ông thầy xem mạch công không cho lần nữa. Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng. Trái tim của Ma-ri thì chạy như con ngựa bất kham bị ghìm, không cho phi nước đại, để nén cơn thịnh nộ vừa qua, và trấn cơn ghen bóng hiện nay. Nó muốn nấp kín một chỗ để rình trộm. Còn trái tim anh Thừa thì ung dung, đi thong thả, bước một, để ngoạn cảnh.
– Thưa bà, gái tay mặt, nhưng bà làm ơn cho tôi thăm cả tay trái. Vì mạch bên này hơi chìm.
Bà Phúc Lâm ngồi lại bằng thế khác. Bà phải cố rụt đầu gối cho khỏi gần đầu gối y sĩ quá. Anh Thừa vẫn thản nhiên, nhưng Ma-ri thở dài đánh thượt.
Độ dăm phút sau. anh buông tay bắt mạch, xích cái ghế ra xa. Rõ rằng bà Phúc Lâm như bị đụng chạm ở chỗ nào. Vai bà rùng lên. Mắt bà đảo nhìn xuống.
Anh Thừa mỉm cười, trông hai bà khách:
– Mạch hai bà giống nhau như đúc. Giá tôi không biết hai bà là bạn, thì tất phải ngỡ là hai chị em ruột.
Rồi anh hỏi bệnh nhân:
– Thưa bà, bà được mấy cháu ạ?
Hai gò má bà Phúc Lâm bỗng đỏ ủng. Hai tay bà luống cuống, vân vê tà áo. Bà cử Dần đỡ lời hộ:
– Thưa ngài tiên sinh, vâng, bà bạn tôi còn cao kén lắm đấy ạ.
Bà Phúc Lâm ngượng, cố giữ nét mặt cho ngây thuỗn như không. Nhưng Ma-ri thì hầm hầm. Hắn xô ghé, đứng dậy, đi thẳng ra khỏi buồng.
– Cô đốc! Cô đốc!
Anh Thừa gọi. Nhưng hắn không quay lại.
Hai người khách không hiểu thái độ ấy. Bà Phúc Lâm khẽ khàng hỏi:
– Thưa tiên sinh, ngài xem bệnh tôi thế nào ạ?
Anh Thừa cười, đáp bằng cái ý anh vẫn trả lời mọi người khác.
– Thưa bà, đối với bà, tôi rất khó nói. Tôi tưởng bà chẳng nên biết làm gì cho thêm lo lắng. Tôi vẫn kịch liệt công kích các ông thầy cứ hay dọa dẫm bệnh nhân. Thưa bà, bà đã tin tôi mà đến đây, xin cũng cứ tin ở thuốc tôi bốc.
Bà Cử híp mắt cười ranh mãnh:
– Tôi hiểu rồi. Vâng.
Giọng dí dỏm làm bà Phúc Lâm hiểu. Mặt bà lại đỏ ửng lên, càng ngây thuỗn hơn.
Anh Thừa hỏi:
– Thưa, bà muốn dùng thuốc bột, thuốc nước, hay thuốc sắc ạ?
Bà Phúc Lâm nhìn bà cử Dần. Bà này đáp hộ:
– Ngài tiên sinh cho thuốc gì cũng được, miễn là thuốc hay. Vâng.
– Thưa nhà tôi thì thuốc nào cũng công hiệu như thần, vì nó làm đặc biệt cho bệnh nhân nhà giàu. Có điều thuốc bột hơi khó uống, thuốc sắc thì lích kích. Xin bà cứ dùng thuốc nước pha sẵn cho tiện.
Nói đoạn, anh ghi mấy chữ vào mảnh giấy con. Anh bấm chuông gọi anh Xi:
– Đưa cô đốc!
Bà Phúc Lâm đứng dậy. Anh nhìn đôi mắt bồ câu của bà:
– Bà cũng nên lấy thuốc chữa cả mắt nữa. Cứ mạch bà, thì hai tháng nữa, bà sẽ đau mắt nặng.
Rồi anh dặn:
– Bận sau bà đến đây, xin cứ đi một mình, đỡ phải phiền bà cử.
Bà Cử nói:
– Phải, trước lạ sau quen. Vâng. Có bệnh thì phải thân với ông thầy. Việc gì mà thẹn với ngượng.