Bởi vì sinh lý và tâm lý của người ấy bị sinh lý và tâm lý của người yêu chiếm đoạt. Nó bị chiếm đoạt vì nó yếu. Cho nên muốn khỏi bệnh tương tư, thì sinh lý và tâm lý cần phải khỏe. Và muốn cho khỏe, phải uống thuốc. Phải không, thưa ngài. Hà! hà! hà!
Nghe lời giảng rành rọt bằng giọng ngọt xớt, ông Hoài Tân Tử gật gù:
– Ngài nói rất chí lý.
– Thưa ngài, đệ đã nghiên cứu bệnh tương tư để làm luận án lấy bằng bác sĩ. Ý kiến sai đúng chỗ nào, xin ngài bổ chính cho.
– Hay lắm! Vấn đề vẫn chỉ được coi là tầm thường, nhưng nghĩ kỹ ra, thật là quan trọng.
– Vâng, trên thế gian, hiện giờ này, có hàng triệu triệu nam nữ mắc bệnh tương tư. Nếu không có thuốc chữa cho họ, họ sẽ thành phế nhân. Thật là đáng tiếc.
Anh Thừa chỉnh lại cái mũ cát-két cho ngay ngắn, thong thả lắc đầu hai ba lượt rồi thở dài. Ma-ri hỏi:
– Thưa tiên sinh, dám hỏi tiên sinh, là tiên sinh đã tìm ra thuốc chưa ạ?
Anh Thừa cười, vẫn nói thong thả:
– Thưa đã. Hiện tôi đang chữa cho một người. Chính cô vẫn cho thuốc mà cô không biết. Bởi vì, làm ông thầy, nhiều khi, cần nói dối bệnh với bệnh nhân, để giữ danh dự cho bệnh nhân. Một người con trai hay một người con gái, thấy trong mình ốm, không ăn được, không ngủ được, óc nhọc mệt, người bần thần, không biết là bệnh gì. Người ấy đến nhờ ông thầy chữa cho. Ông thầy xem mạch, hỏi han một vài triệu chứng, biết đích xác là bệnh tương tư, thì không bao giờ dám nói thật với bệnh nhân là họ mắc bệnh ấy. Bởi vì họ sẽ thấy xấu hổ, không dám chữa. Thưa cô, hẳn cô còn nhớ hôm kia, vào buổi sáng, có một thiếu nữ đến cho tôi thăm bệnh, tôi nói là đau tim.
Anh mỉm cười, lắc lắc ngón tay trỏ:
– Không phải đau tim đâu! Bệnh thì nói là đau tim. Nhưng thuốc thì thật ra, chữa tương tư, thưa cô ạ.
Ma-ri trợn tròn mắt để nhìn nhà văn sĩ và há tròn mồm để thoáng khẽ một tiếng:
– À!
Anh Thừa nói với ông Hoài Tân Tử:
– Đệ nghe ngài vừa nói ngài mắc bệnh tương tư. Đệ chắc ngài cho là ngài nói đùa thôi. Nhưng chỗ bạn đàn ông với nhau, đệ cứ xin mạnh dạn mà thưa rằng đúng là ngài mắc bệnh tương tư thật. Và nhất định ngài nên chữa bệnh. Bệnh này rất nguy hiểm. Nó sinh ra nhiều biến chứng lạ lùng không ngờ, có ảnh hưởng không nhỏ đến văn nghiệp của ngài. Một người làm thuốc mắc bệnh tương tư, thì chữa không hay nữa. Một người làm thơ, viết tiểu thuyết, mắc bệnh tương tư, thì viết cũng kém đi. Ác một nỗi là bệnh này không trông thấy, không nghe thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy, không nếm thấy. Nó là bệnh vô hình. Ít người mắc bệnh tương tư mà biết mình mắc bệnh tương tư. Bởi vì không phải ta chỉ tương tư người yêu, ta còn tương tư một cảnh đẹp, tương tư một tư tưởng hay. Tóm lại, tất cả cái gì nó xâm chiếm tâm tư ta, làm cho ta phải suy nghĩ, phải nhớ nhung, phải mong mỏi, đều là thủ phạm của bệnh tương tư hết. Ngày trước, dạo đệ còn du học ở bên Tàu, có một người bạn cho đệ xem một tập thơ của Lý Thái Bạch. Đệ vốn không phải người thích thơ, nhưng đọc thơ của họ Lý, đệ mê quá. Đệ đâm ra tương tư Lý Thái Bạch. Đệ học kém hẳn các bạn. Đệ mới tìm nguyên nhân. Đệ tự phân tích tâm lý và sinh lý của đệ. Nhờ đó, đệ tìm được một thứ thuốc, để mình tự chữa cho mình. Vì vậy, đệ nghĩ rằng các ngài văn sĩ, khi thấy mình làm thơ hoặc viết tiểu thuyết không hay – điều này công chúng độc giả dễ nhận hơn mình – thì nên mau mau uống thuốc. Vì chắc chắn nhà văn sĩ ấy đương bị bệnh tương tư nó làm hại.
Nói đến đây, anh Thừa yên lặng cho ông làm thơ thối suy nghĩ đến tác phẩm của ông đã xuất bản và tác phẩm của ông đương viết. Quả nhiên, mặt ông có vẻ băn khoăn. Anh dùng cái tài cũ, là tài diễn thuyết để bán thuốc:
– Triệu chứng của bệnh tương tư hiện ra rất nhiều vẻ. Có khi ta thích thẩn thơ đứng một mình, như con người ít nói, hay trầm tư mặc tưởng. Có khi ta lại đùa nghịch, nói giỡn, nói với bạn quá con người láu lỉnh tinh quái.
Anh lại yên lặng cho cái thằng muốn tiêm cho cô y tá suy nghĩ đến mình xem nó có thế hay không. Quả nhiên, mặt ông Hoài Tân Tử bây giờ băn khoăn hơn ban nãy.
Ma-ri thấy đến lượt mình phải đóng vai trò cò mồi:
– Thưa tiên sinh. Thế thì chỗ người nhà, cho nên dù tôi là nữ giới, tôi cũng không dám giấu tiên sinh là chính tôi cũng có những triệu chứng mà tiên sinh vừa kể.
Anh Thừa cười:
– Đó là tôi đơn cử một vài triệu chứng làm ví dụ, chứ thật ra, còn nhiều nữa, nhiều nữa. Thưa cô, nếu vậy, cô cũng nên chữa đi. Đàn bà mắc bệnh tương tư, có thể tịt đẻ.
Ma-ri trợn mắt, sợ hãi, vội vàng thở dài thật to:
– Thế thì may cho tôi được gặp tiên sinh.
Anh Thừa đáp:
– Chữa không khó. Cái khó là người có bệnh có muốn và thật tâm chữa hay không. Và người chữa bệnh có thuốc hay hay không. Vậy cô cứ yên tâm. Vài bận uống thuốc của tôi, cô sẽ khỏi hẳn.
Bỗng anh cười:
– Gọi là thuốc của tôi, chưa được đúng lắm. Phải nói là thuốc của Phòng thuốc nhà giàu. Vì ta không nên quên ơn Cụ đã tham bác nhiều ý kiến rất tốt.
Anh quay nói với khách:
– Thật vậy, thưa ngài ạ. Hẳn ngài đọc quảng cáo, đã thấy là Phòng thuốc nhà giàu có ba người cộng tác với nhau. Cô đốc đây với đệ là hai, còn một người nữa, chắc ngài cũng biết. Đó là cụ Điều chúng tôi. Ngài là bậc thức thời, chắc tiếng tăm của Cụ, ngài không lạ gì. Đệ gọi Cụ là hậu thân của cụ Lãn Ông, cũng không ngoa chút nào. Cụ thật là một ông lười. Lười làm quan!
Anh nói với Ma-ri:
– Nhiều lần tôi khuyên cô đừng tò mò mà hỏi chuyện Cụ về Huế, Cụ không bằng lòng đâu. Cô không biết rằng Cụ rất khiêm tốn và rất kín đáo à? Giá phải người khác, ở hai mươi năm trong Huế, thì bây giờ về Bắc, thế nào cũng trọ trọe ni ni, tê tê, nớ nớ đố ai hiểu. Nhưng Cụ cố bỏ tiếng Huế, giọng Huế mà nói ngay tiếng Bắc, giọng Bắc. Thỉnh thoảng, Cụ lại vờ như người chưa biết Huế ở đâu và nói đảo ngược là sông Ngự núi Hương mới buồn cười chứ! Chính tôi đã bị Cụ quở mãi, vì trong quảng cáo, tôi nói rõ là Cụ đã làm thuốc hai mươi năm ở đế đô và đã chữa không cho vua Khải Định. Cụ muốn giấu việc ấy. Cụ bảo hữu xạ tự nhiên hương, không cần khoe khoang làm gì. Có một chuyện tôi cứ lừa cho Cụ nói, mà không bao giờ Cụ tiết lộ. Sau, tôi dùng lối bắt nọn, Cụ mới nhận là đúng. Đó là chuyện Cụ chữa cho vua Khải Định. Hôm nay, nhân vui miệng mà nói, tôi xin cô giữ kín, đừng cho ai biết việc bí mật ấy. Nhất là chớ bảo với ai là tôi nói, kẻo Cụ biết, Cụ lại quở tôi. Cụ thường bảo cái tên gọi là ngự y hay điều hộ không làm gì. Cái chính là thuốc mình phải hay thôi.
Ông Hoài Tân Tử và Ma-ri đều trố mắt để lắng tai.
– Thưa ngài với thưa cô, chính đức Vĩnh Thụy là công của cụ đấy.
Ma-ri nhanh miệng hỏi:
– Sao? Sao? Con của Cụ à?
Anh Thừa cau mặt:
– Xà! Nhảm! Công của Cụ chữa cho đức Khải Định. Ngài mới sinh được Đông cung. Nguyên do thế này. Khi đức Kim thượng của ta chưa lên ngôi, Ngài còn là đức ông Hoàng Cả, thì Ngài chỉ buồn nỗi hiếm muộn, mà sinh ra rượu chè, chơi bời, bài bạc, thuốc xái. Còn chính phủ Bảo hộ muốn đền ơn đức Đồng Khánh, định mời Ngài lên cai trị thiên hạ ngay cái năm ông Thành Thái bị đi đày kia. Nhưng ngặt vì Ngài chưa có con, không lẽ vua lại không có hoàng tử Đông cung, thì sau này ai nối ngôi, cho nên các quý quan phải tạm lập vua Duy Tân. Đức ông Hoàng Cả thấy vậy càng buồn, càng đâm ra rượu chè, chơi bời, cờ bạc, thuốc xái hơn trước. Thì may cho nước Nam mình làm sao! Có người giới thiệu Cụ với Đức ông. Cụ dâng ba chén thuốc lên Đức ông. Thế là Đức ông khỏi bệnh liệt dương. Và vì thuốc công hiệu, Đức ông cường tráng quá. Không những ngài chỉ giao thiệp với nữ giới trong Hoàng gia, với kim chi ngọc diệp các thế tộc, mà còn hạ cố đến cả đàn bà con gái nhà thường dân. Trong bọn được hầu hạ Đức ông, có một người là thị tỳ. Người này thụ thai, sau sinh hạ được hoàng nam, tức là đức Vĩnh Thụy. Việc là thế, nhưng nhiều người không biết, cứ nghi hoàng tử Vĩnh Thụy của chúng ta bây giờ là con thằng bồi ngựa với con vú mà đức Khải Định nhận chằng là con. Hoàn toàn sai với sự thật! Họ còn dám khi quân, nói rằng mặt Hoàng thượng dài ngoằng ngoẵng như mặt chó tây, thì đẻ thế nào ra được hoàng tử mặt lồn lột phốp pháp. Lại càng hoàn toàn sai với sự thật! Hoàng tử Vĩnh Thụy chính là con đẻ của đức Khải Định. Cả nước Nam này chỉ có một mình Cụ là biết rõ. Vì chính tay Cụ dâng thuốc lên Ngài. Bởi Cụ có công lao to lớn như vậy, cho nên ngay hôm đức Khải Định đăng quang, Ngài đã hạ chỉ cho Thái y viện tìm Cụ vào cung. Ngài ban vàng bạc, Cụ không lấy. Ngài phong phẩm hàm, Cụ chối từ. Rồi sợ Hoàng thượng không để Cụ sống yên một đời ẩn dật, lấy việc bốc thuốc, cứu dân độ thế làm vui, Cụ mới trốn ra Bắc. Nhưng đức Khải Định vốn là người đức độ, ăn ở thủy chung. Ngài nghe nói Cụ về Bắc, thì Ngài than thở mãi là đức mọn tài so, cầu hiền không nổi. Vì vậy, vừa rồi, Ngài mới ngự giá Bắc tuần, về việc này, lại có nhiều kẻ không thức thời, đổ là nhà vua tuần du để chơi gái Bắc kỳ, hoặc là ngờ là để ký với quan toàn quyền Xa-rô nhường một vài nơi của Trung – Bắc kỳ làm nhượng địa. Nhưng hoàn toàn sai với sự thật. Dân đen ngu độn, muốn đồn thế nào thì đồn, Thánh thượng quang minh, trung hậu, thì Ngài cứ làm theo bụng Ngài. Ngài ngự giá Bắc tuần, mục đích chính là tìm cho được Cụ để vời Cụ lai kinh, nhận chức Tham tri bộ Lại. Nhưng mũ áo Ngài may sẵn để ban cho Cụ, Cụ chỉ lạy tạ mà không mặc. Bất đắc dĩ, đức Khải Định phải đành lòng hồi loan.
Nghỉ một lát, để hút xong một hơi thuốc lão, anh Thừa lại nói:
– Cụ còn một điều này, chắc các tiên sinh trong làng văn quý Cụ lắm. Là Cụ là bạn thân của cụ Tú Xương, thường làm thơ sách họa với cụ Tú. Cụ Yên Đổ cũng phải khen là hay.
Vừa kể đến đó, vừa nhìn ra cửa, bỗng anh Thừa đứng phắt dậy, lè lưỡi và xua tay, như ra hiệu báo động cho mọi người đề phòng. Rồi Ma-ri cũng đứng dậy. Nhà văn sĩ không hiểu việc gì, cũng đứng dậy.
Thì ra là cụ Điều Hai vừa đỗ xe ở đường đi vào trong nhà. Anh Xi mặc áo lính lệ theo sau. Cụ lầm lì, cúi mặt, bước lộp cộp đôi giày ban bóng lộn. Anh Thừa chắp hai tay, khúm núm vái:
– Thưa Cụ đã về.
Cụ Điều gật đầu. Anh giới thiệu:
– Thưa Cụ, đây là nhà văn sĩ trứ danh Hoài Tân Tử.
Ông khách cúi chào. Cụ xòe năm ngón tay để móng lá lan:
– Mời các ngài cứ ngồi tự nhiên.
Rồi Cụ hỏi anh Thừa:
– Ông coi mạch hầu ngài chưa?
– Thưa chúng con mới đương nói chuyện ạ.
Vì anh Thừa cứ đứng, cho nên khách cũng không tiện ngồi.
Ma-ri bước lại gần Cụ, giơ móng tay, búng khẽ cái bụi nhỏ trên vai áo Cụ. Cụ quay lại:
– Cảm ơn cô đốc.