Có một bận thôi, muốn biết đích xác giấy chứng nhận của thằng Tu-nô là chứng nhận thật hay chứng nhận dối, anh Thừa lòe Ma-ri để bắt nọn:
– Hôm anh đến bảo nó viết giấy chứng nhận rằng anh đã chữa cho nó khỏi bệnh thiên trụy, nó không dám từ chối. Nó thấy anh ăn mặc oai thì bắt tay và kéo ghế mời ngồi, gọi anh bằng ông. Nó xin anh rộng cho nó một điều là được giấu tên thật của nó và giấu bệnh thật của nó. Vì thấy lời ông sếp phó sở Đường sá và Nhà cửa có giá trị hơn lời của bệnh nhân, cho nên anh bằng lòng và nó nói bệnh hiểm nghèo thì rồi mình muốn bịa là bệnh gì chẳng được. Viết xong giấy cho anh, ý chừng muốn anh yên tâm là nó vẫn chứng nhận cho người khác như cho anh, nó khoe rằng đã cấp cả cho em một tờ như vậy, để em xin chân y tá ở nhà thương Đồn Thủy.
Nói đoạn, anh tủm tỉm nhìn Ma-ri, như để chế nhạo con người bị lộ tẩy. Nhưng Ma-ri không cười, trái lại, mặt hắn hầm hầm, chửi mãi thằng Tu-nô là nói điêu. Rồi hắn ôm mặt khóc:
– Đứa nào không biết thuốc mà nói dối là biết, thì chỉ đáng làm con chó ăn cứt. Anh không tin em, lại tin thằng đểu giả ấy à?
Anh Thừa thấy lời thề khá độc, thì chạm nọc. Tuy không lần nào anh hỏi nữa, nhưng anh vẫn tin rằng Ma-ri không nói thật. Song, cũng vì thế mà anh rất mừng. Mừng vì đối với anh, Ma-ri vẫn còn lừa bịp, thì chắc khi cộng tác với anh, hắn chẳng tha ai. Với nhan sắc xinh tươi này, và với mồm miệng bùa bả này, thì vô khối thằng giàu híp mắt lại, hoặc nhắm mắt cho Ma-ri xỏ mũi. Rồi đến đây, họ bị cái uy phong và cái im lặng của cụ Điều lẫm liệt nó thôi miên, thì có là thánh cũng không thoát nổi tai nạn.
Nhưng không phải khách chỉ phải lòng mặt Ma-ri và tin hóng cụ điều Hai mà đủ cho họ phải bỏ tiền ra. Họ phải có thuốc chứ?
Việc cho bệnh nhân thuốc, anh Thừa tự nhận là trách nhiệm của anh. Từ ngày còn ở Đồng Đăng, nể ông Sơ mà đọc báo, anh đã nhìn thấy nhiều số có đăng những bài thuốc kinh nghiệm. Anh tìm mua những tờ ấy, cắt những bài ấy, rồi giao cho Ma-ri.
– Đó là sự nghiệp của anh. Trong thời gian du học ở bên Tàu, anh nghiên cứu nhiều bài thuốc gia truyền của người ta, lại sưu tầm nhiều bài thuốc gia truyền của người mình. Anh dùng những bài ấy để thí nghiệm chữa bệnh và đã sửa đổi một vài vị cho thật công hiệu. Cho nên anh đã đề là những Bài thuốc kinh nghiệm, đăng lên báo cho quốc dân dùng. Nay anh muốn xuất bản. Nhưng vì anh không phải là văn sĩ, nên nhiều câu đặt chưa trôi chảy. Em là người có đầu óc thích thơ, chắc là biết viết gọn hơn anh. Vậy em sửa chữa lại lời văn cho anh. Câu nào nên thêm bớt thế nào. Tùy em được tự tiện.
Ma-ri vui thích, hỏi:
– Thế khi in ra sách, anh có cho em đứng tên là san nhuận hay không?
Anh Thừa cười:
– Anh làm việc này không cần cầu danh, cũng không phải cầu lợi. Nếu em xét là cần. Thì cả hai người chúng ta cùng đứng tên là soạn giả, anh cũng bằng lòng.
Ma-ri sung sướng, nói:
– Tăng giá trị cho em, là tăng giá trị cho Phòng thuốc nhà giàu. Độc giả An-nam sẽ càng tin sách thuốc này có toàn bài hay, vì thấy có cả người Pháp nghiên cứu kinh nghiệm.
Ma-ri đem những mảnh báo về, xóa bớt những tiếng thì, mà cho khỏi rườm, đặt lại một vài câu cho khác đi, để gọi là có công phu sửa chữa.
Anh Thừa thuê đánh mấy tập Bài thuốc kinh nghiệm ra nhiều bản. Anh chưa đem in, nhưng hãy đóng thành sách, đặt tên là Truyền thuốc bí truyền.
Tập Truyền thuốc bí truyền chỉ dùng làm quảng cáo cho hai soạn giả thôi. Một bản bày ở buồng đợi cho khách nhìn thấy. Một bản bày trên bàn tiếp khách của Ma-ri cho hắn khoe tài. Một bản bày trong buồng thăm bệnh để lòe người ốm. Một bản bày ở buồng phát thuốc của Ma-ri để làm quyền tác giả. Còn hai bản, một bản cất kín trong buồng luận bệnh và một bản trong buồng cân thuốc của cụ Điều, để dùng vào việc quan trọng nhất.
Sau khi ông Trần hoặc cụ điều Hai, hoặc cả hai người bắt mạch kỹ càng và hỏi han tỉ mỉ người ốm, thì cùng vào buồng luận bệnh. Luận bệnh, tức là mở cuốn Truyền thuốc bí truyền ra xem đơn chép trong bài thuốc có những vị gì, thì, nếu người khách yêu cầu uống thuốc chén, cụ Điều cân y nguyên như thế. Và cố nhiên, thang thuốc có kèm thêm gói bột, vị đặc biệt của Phòng thuốc nhà giàu bán cho bệnh nhân nhà giàu.
* * *
Hôm Phòng thuốc nhà giàu khai trương, Ma-ri đánh phấn hồng, bôi môi son, đội mũ trắng, mặc áo choàng trắng, ngồi ở buồng đợi. Anh Thừa đội mũ cát-két, mặc áo cổ đứng, đeo kính trắng, chờ ở buồng thăm bệnh. Cụ Điều Hai cũng ăn mặc kiểu cụ lớn, đi bách bộ trên gác quanh giường cụ nằm. Ba người không khác gì những vai đóng kịch, chờ sân khấu có khách là ra trò.
Nhưng ác một nỗi là diễn viên thạo nghề đã dày công luyện tập, nhưng rạp hát không có ai đến xem.
Giờ tiếp khách yết ở biển, buổi sáng từ 8 đến 10 giờ, buổi chiều từ 3 đến 5 giờ, nhưng sáng hôm ấy, gần đến 10 giờ rồi, không có một người nào vào xin thăm bệnh.
Ma-ri có vẻ sốt ruột, không hiểu vì sao những người quen hẹn đến mà không đến. Hắn đã nghi ngờ những bạn bị bại thận và bị phòng tích của hắn nói phượu. Hắn đã nghi ngờ cả hắn cổ động không thành công. Nhưng anh Thừa vẫn bình tĩnh như thường.
Chiều hôm ấy, anh quyết định không tiếp bệnh nhân. Anh bảo anh Xi ngồi ở buồng đợi. Hễ có khách, thì nói với họ sáng mai hãy đến. Lý do là ông Trần đi Hải Phòng từ sáng sớm, chữa biến chứng nguy cấp cho ông Bạch Thái Bưởi bị bán thân bất toại. Cụ Điều thì vừa được quan Thiếu Hà Đông cho ô tô mời vào trong ấy chữa cho cô Lan hay lợm buồn nôn. Còn cô đốc Ma-ri, cô phải đi làm thuốc cho ba đám ở xa, đến tối mới về.
Nhưng anh Xi thuộc lòng bài học ấy, mà không được đọc với ai một lần nào. Vì, cũng như buổi sáng, Nhà vàng Bờ Hồ mở cửa ra chỉ để gió thu phủ lượt bụi vào bàn ghế.
Để cứu vãn tình hình bất lợi này, chiều hôm ấy, Ma-ri hỏi ý kiến cụ Điều và anh Xi. Hắn tỏ vẻ lo lắng, nói rằng đã hết sức đi cổ động các nơi quen biết rồi. Anh Xi cũng kể công mình đã đưa quảng cáo đến khắp các phố đông người. Cụ hai Điều nhiều tuổi hơn, nên khôn ngoan hơn. Cụ suy bụng ta ra bụng người, để tìm ra vì đâu Phòng thuốc chưa có khách đến. Bụng cụ từ thuở bé đến giờ chỉ chứa có loài thảo mộc. Nó thèm loài cầm thú. Vì vậy cụ phát biểu:
– Chẳng biết ở Hà Nội thế nào, nhưng cứ như ở nhà quê chúng tôi, hễ định làm việc gì mà không mời người ta chén một bữa, thì đố có thành. Tôi khuyên ông Trần nên làm bữa tiệc mời khách khứa đến chứng kiến Phòng thuốc nhà giàu khai trương.
Anh Thừa bật cười, chế nhạo cụ:
– Ông thì chỉ ngậm miệng mới ăn tiền, chứ nói ra là mất tiền. Tôi mà nghe ông thì toi mấy chục đồng bạc để cho một lũ khỏe như vâm chúng nó đến phá hại. Những đồ này trời đánh cũng không chết, có bao giờ phải vác mặt đến phòng thuốc của mình! Mà dù chúng nó có ốm, thì cũng mang xác đến nhờ xem bệnh chạc, xin thuốc chạc, chứ chịu xùy cho mình đồng xu nào! Vả lại, giá tôi có thiển nghĩ mà nghe ông xui dại, thì ông là một, tôi là hai, nhất định hai người không dự. Cô đốc sẽ đại diện cho phòng thuốc làm chủ bữa tiệc, vì cô thạo giao thiệp, ông với tôi mà ló mặt ra, thì người ta coi thường, gần chùa gọi bụt bằng anh. Phải nói dối là cụ Điều với ông y sĩ vừa được mời đi chữa bệnh ở tỉnh xa, không kịp về.
Ma-ri tủm tỉm, nhưng cụ hai Điều thở dài. Anh Thừa tiếp:
– Nếu buổi đầu mà chúng ta có đông khách ngay thì tốt thật. Nhưng hãy hỏi, từ xưa tới nay, có hàng nào mới mở mà có đông khách ngay không? Cho nên chúng ta phải coi đây là một sự thường. Dần dần, phòng thuốc sẽ có khách. Chúng ta mong sao khách đến một ngày một đông, chứ không mong buổi đầu đông khách, rồi một ngày một vắng. Chúng ta không nên thấy ế hàng mà đã vội nao núng. Hôm nay là ngày tết, đáng lẽ chúng ta uống rượu trông trăng, thì sao chúng ta lại buồn. Chúng ta cũng phải vui chung với thiên hạ.
Anh Thừa đã có ý định, nhưng vì muốn giữ sĩ diện với mọi người, nên không tiện nói ra. Anh muốn có một việc bất thường sẽ diễn ra trước Phòng thuốc nhà giàu, cho mọi người đồn nhau, và cho báo đăng vào mục thời sự, quảng cáo không công cho anh. Anh đưa anh Xi mười đồng bạc, lên Hàng Ngang, mua pháo Vương Tường Thành chính hiệu để treo giải múa sư tử.
Bốn tràng pháo dài được buộc vào đầu bốn chiếc sào, buông từ trên cao xuống đất, quây bốn bên một gói tiền năm đồng, cũng treo lên tận cao. Một chậu thau đầy nước đặt trước trên mặt đất, phía dưới giải thưởng. Sửa soạn xong, anh Thừa rủ cụ điều Hai và anh Xi lên gác ngoài, ngồi sau cửa sổ nhìn ra đường.
Một đám rước sư tử sắp tới. Đi đầu là năm lá cờ dọc bằng lụa năm màu, bay phần phật, rồi đến đuốc và đèn. Đuốc nứa được tẩm dầu hỏa, cháy ngùn ngụt. Đèn cá rập rình mang và vây, đèn thiềm thừ há miệng đớp đớp, đèn mặt trăng xoay như con chong chóng. Ánh nến đỏ như nổi lênh bênh trên ánh trăng xanh. Độ một chục tay du côn, mặt đỏ gay vì rượu, bảo vệ cho đám rước, vừa đi vừa múa chiếc côn lớn, dài độ một sải. Người nào cũng mặc lối xì thẩu, quần thâm, quấn xà-cạp trắng, áo thâm bỏ vào trong quần, đội khăn bịt đầu thâm, để trùm xuống tận vai. Họ quấn quanh lườn chiếc thắt lưng xanh hoặc đỏ. Hai người xì mẩu đi sau cùng mặc đẹp hơn. Họ có gài giữa ngực cái hoa tết bằng lụa, lòng thòng cái dải dài bay bay sang hai bên. Họ không cầm côn. Chắc là họ biết võ tàu thạo môn đánh quyền.
Cụ hai Điều được hưởng tết Trung thu lần đầu tiên ở Hà Nội. Thấy bọn du côn sát khí đằng đằng, cụ tặc tặc lưỡi.
Đầu sư tử to bằng cái bồ hạng trung, mắt lớn như hai quả trứng gà, trong có đèn điện pin, thỉnh thoảng lại lóe sáng. Người đội cái đầu giấy chỉ thò ra ngoài có hai ống quần quấn gọn trong xà-cạp sặc sỡ. Hắn múa theo nhịp trống và hất cái hàm dưới có râu bạc dài để đớp vờn hòn ngọc bằng giấy dử trước mặt. Người múa đuôi cũng không kém hoạt động. Hắn cầm tràng vải màu đỏ, tung lên, hạ xuống, và cũng theo nhịp trống, nhảy bên phải, nhảy bên trái. Chiếc trống cái và chiếc thanh la lớn được để trên xe bò tết lá nhãn theo vòng cổng uốn bằng tàu dừa. Một người như nhảy lên để nện dùi vào mặt trống cho mạnh. Một người ngồi trên thành xe, dang thẳng cánh để đập thanh la cho đều.