Trong ba nhân vật quan trọng kể trên đây của Phòng thuốc nhà giàu, chúng ta đã biết rõ hai vị. Là “ông Trần Đức Thừa, du học lâu năm tại Trung Hoa, đỗ y sĩ số một, có bằng của Chính phủ Dân quốc cấp phát” và “cô Ma-ri, một nữ y tá lành nghề người Pháp, vì lòng yêu tha thiết người Việt Nam, cô quyết làm thôi việc ở nhà thương Đồn Thủy, về thi thố tài chấn hưng y nghiệp” để cứu mạng dân thuộc địa. Nhưng chúng ta chưa biết cái cụ Điều tận tụy với nghề trong hai mươi năm ở Huế, đã từng chữa cho nhà vua, và các đại thần lục bộ là ai.
Các bạn đọc! Nếu đọc cuốn tiểu thuyết này, các bạn không bỏ qua cả những tên người chỉ được kể phớt một hai lần, thì chắc cũng nhớ rằng ở chương đầu, có thấy cái tên Điều, được viết là cụ Điều Hai, hoặc cụ hai Điều.
Cụ Điều là chú họ của anh Thừa. Chúng ta đã rõ rồi. Chúng ta đã chắc chắn rằng cụ biết chữ nho, vì có một lúc, cụ cầm cuốn Thọ Mai gia lễ ở tay. Vì cụ là con thứ hai, cho nên người làng và người nhà gọi cụ là hai Điều. Nhưng khi cụ ra Hà Nội, giúp Phòng thuốc nhà giàu thì anh Thừa thấy cái tiếng Điều là tên riêng của người, không lợi bằng cái tên chung của nghề, mới đảo lộn ngược hai tiếng của tên cụ, mà gọi là Điều Hai. Lối gọi này sang trọng hơn, quan cách hơn, và hợp lý hơn cho nghề làm thuốc.
Việc đặt lại tên cho ông già này là do óc con buôn muốn khuếch khoác của anh Thừa. Ta không lạ gì. Cái mà ta lấy làm ngạc nhiên, là cớ sao cụ Trần Xuân Điều được đức Kim thượng Khải Định ban thưởng và các cụ lớn thượng thư khen ngợi, danh giá là thế, mà không chịu làm thuốc ở kinh đô, lại ra Hà Nội giúp việc cho cái thằng cháu mít xoài này?
Vậy xin nói ngay là giá có ai hỏi cụ rằng đế đô ở đâu, chắc cụ không biết. Và có ai giơ tay cho cụ bắt mạch, có thể cụ nắm cả bàn tay của cụ vào cổ tay người ta!
Tuy cụ là hàng trên anh Thừa, nhưng từ hôm ra nhận việc, động nhìn thấy anh Thừa là cụ cứ len lét như rắn mồng năm. Vì cụ học mãi chưa nói được cho tự nhiên những tiếng Huế, như đắt là mắc, hào là giác, vào là vô, nhà là phố, quả dứa là trái thơm v.v… Cả bốn tiếng sông Hương núi Ngự, cụ cũng cứ lẫn mãi là sông Ngự núi Hương.
Thuở bé, cụ là người hay nói, lắm điều, cho nên cha mẹ đặt tên là Điều. Lớn lên, cụ vẫn giữ cái thói quen ấy. Cụ làm như thạo đời, bất cứ việc gì cũng thích bàn choạc vào. Nói nhiều, nhưng rút cục chẳng ăn thua đâu vào với đâu. Có cái nên thạo nhất, là làm thế nào để tự mình kiếm lấy miếng ăn, thì cụ lại vụng. Tóm lại, cụ Điều nói nhiều, nhưng không vì lời nói mà kiếm được ra tiền. Bởi thế, anh Thừa bảo cụ:
– Muốn làm ra tiền, thì ông đi Hà Nội giúp tôi. Ông đừng nói một tiếng nào, sẽ kiếm được vô khối!
Anh Thừa thấy mã người của chú, béo, đẹp, tốt lão, thì dùng làm cảnh cho phòng thuốc, tức là phong cho chú làm cụ Điều. Nhưng anh ra lệnh tuyệt đối là cấm cụ nói.
Anh giao hẹn mấy kỷ luật như sau:
– Một là ông không được nói với người ốm về bệnh và thuốc. Việc ấy đã có tôi với cô đốc. Hai là thấy ngày thường, tôi với cô đốc nói năng, cử chỉ với nhau như thế nào, ông không được đem về quê mách nhà tôi! Cô đốc là cố vấn của tôi. Không có cô ấy thì phòng thuốc này không có. Tôi sẽ đói, ông cũng sẽ đói. Nhà tôi mà ra đây để phá tôi với cô đốc, tức là phá phòng thuốc. Ba là ông đừng tò mò về tung tích cô đốc. Cô ấy là ai, nghề nghiệp hay dở thế nào, ông không cần biết. Bốn là có ai hỏi về tôi hay về cô đốc, ông không được nói thật. Bất cứ với ai, tôi cũng khoe về ông như những lời trong quảng cáo, thì ông cũng như những lời trong quảng cáo mà khoe về cô đốc với tôi.
Anh định lương tháng cho cụ bằng lương của anh Xi, là mười hai đồng. Anh bảo thế là quá hậu rồi. Vì anh Xi phải kéo xe và tán thuốc khó nhọc. Còn cụ, cụ không có việc gì nặng, chỉ thỉnh thoảng làm phụ cho anh Xi mà thôi. Lúc tiếp khách, cụ mới cầm tay bệnh nhân, kiểu như xem mạch, và hỏi bệnh nhân ăn, ngủ, ỉa, đái thế nào. Rồi im. Ra dáng suy nghĩ. Không được nói nửa lời khác.
Bây giờ anh Xi không kéo xe cho cái Ĩnh con nữa. Anh làm hẳn Phòng thuốc nhà giàu với anh Thừa. Anh được trả công như trước là mười hai đồng, tuy không có cơm nuôi, nhưng lấy cả mười hai đồng. Như vậy là anh thiệt. Song, anh Thừa so sánh lương anh với lương cụ Điều Hai là bậc cha chú, người quan trọng nhất của Phòng thuốc nhà giàu, thì anh vui lòng ngay. Vì thấy anh đã thuộc kỷ luật, nhất là cái khoản không được tiết lộ bí mật nhà nghề, nên anh Thừa không phải dặn dò nhiều.
Mặc cả công sá với người giúp việc xong, anh Thừa phải cho anh Xi cái áo tây cũ, để ở nhà thì mặc như bác loong-toong, và mua cho anh bộ quần áo trắng bốp, cái nón lợp vải xanh và đôi xà-cạp xanh, để khi kéo xe cho cụ Điều Hai, thì như cậu lính lệ.
Anh Thừa may sắm cho cụ Điều Hai rất chững chạc: chiếc khăn xếp, cặp kính trắng, bộ quần áo chúc bâu là phẳng nếp, cái áo đoạn huyền, và đôi giày ban da láng bóng lộn. Cái áo gấm trong ảnh là cụ đã mượn của hiệu để mặc, chụp cho oai.
Cụ Điều thắng bộ vào, trông ra phết một vị tổng đốc, tuần phủ tại chức.
Anh Thừa lại dạy cụ tập cái dáng đi lừ lừ đôi mắt nhìn xuống, chẳng nói chẳng rằng. Chính Ma-ri, hôm mới trông thấy cụ, cũng phải lắc đầu lè lưỡi, thầm thì với anh:
– Trông cụ phúc hậu, nhưng mà dữ tướng nhỉ!
Học được điệu bộ đó, cụ hai Điều mới học nghề sau. Đó là theo cái bí quyết làm giàu bất di bất dịch của anh Thừa. Anh đưa tiền cho cụ đến nhà một ông lang để nhờ xem mạch. Cụ đã quan sát ông ấy làm những gì, nói những gì, rồi về, cụ tập dượt nhiều lần với anh.
Khi cụ đã thành thạo, anh Thừa làm cuộc tổng diễn tập. Cụ Điều được ăn mặc đẹp, được ngồi xe nhà cho anh lính lệ Xi kéo. Đi qua mặt anh Thừa, cụ được anh đứng dậy, khúm núm, thưa bẩm rất lễ phép. Không ngờ mình hóa ra danh giá, cụ Hai Điều đắc chí lắm.
Từ ngót một tháng nay, anh Thừa chuẩn bị cái việc cho Phòng thuốc nhà giàu khai trương đúng hẹn.
Cái nhà anh thuê có nhiều buồng. Buồng ngay ở đường vào là buồng đợi. Chính giữa buồng, treo cái bằng làm thuốc đóng khung sơn son thếp vàng. Nhiều ghế cho khách ngồi kê sát tường. Phía trên mỗi ghế có dán một tờ quảng cáo. Phía trên quảng cáo là những tấm vẽ lớn những bộ máy hô hấp, bộ máy tuần hoàn, bộ máy tiêu hóa v.v… là những tranh khoa học các trường dùng để dạy học sinh. Ngoài ra, có một số ảnh màu chụp phong cảnh Hàng Châu, phong cảnh Huế và phong cảnh Pa-ri.
Ở một góc buồng đợi, có cái bàn nhỏ sơn trắng, Ma-ri ngồi đó để tiếp khách. Tiếp khách có nghĩa là chài khách. Và sau khi biên tên tuổi và bệnh của khách vào một mảnh giấy vuông nhỏ, gọi là phiếu, Ma-ri hỏi khách xem muốn được ông Trần hay Cụ (chứ không nói cả hai tiếng cụ Điều) hay cả hai người cùng xem cho, thì ghi ký hiệu riêng vào phiếu, rồi đưa anh Xi. Anh này cầm phiếu vào buồng thăm bệnh, để úp mặt giấy lên bàn. Khi anh Thừa ra làm việc, thì lật ngửa chồng phiếu lại. Như vậy, người ghi tên trước được mời vào trước.
Buồng thăm bệnh nhỏ hơn buồng đợi. Buồng này không trang trí gì. Nhưng các tường và trần căng toàn vải màu đỏ. Màu đỏ để làm bệnh nhân ghê rợn, tăng uy phong cho ông thầy. Màu đỏ cũng để ông thầy nhìn sắc mặt bệnh nhân mà đo ngay được trình độ bệnh. Chỉ có một cái bàn bầu dục, phía trong bày hai chiếc ghế mây, cho hai ông thầy, và phía ngoài, chiếc ghế bành cho bệnh nhân. Bệnh nhân được ngồi thoải mái, đặt cổ tay lên cái gối bông nhỏ, để ông thầy bắt mạch.
Hôm tổng diễn tập, thấy cụ điều Hai đứng, ngồi, cầm tay và hỏi han bệnh nhân như ông lang thật, anh Thừa khen mãi.
Cạnh buồng thăm bệnh là buồng gọi là buồng luận bệnh. Sau khi xem mạch kỹ lưỡng và hỏi han bệnh nhân cặn kẽ, thì hai ông thầy vào đấy để luận bệnh và bàn cách chữa.
Buồng phát thuốc ở nhà trong, cách nhà ngoài một cái sân, trên có giàn thiên lý, hoa thoang thoảng mùi thơm nhẹ. Đây mới là chỗ chính của Ma-ri ngồi làm việc. Buồng không trang hoàng gì. Chỉ có một cái gương lớn cho Ma-ri soi. Khi được phòng luận bệnh cho giấy vào lấy bao nhiêu thứ thuốc gì, thì Ma-ri gói đủ để đưa cho bệnh nhân, rồi thu tiền. Sát ngay buồng của Ma-ri, là buồng pha chế thuốc, do anh Xi phụ trách. Pha chế nghĩa là nghiền nhỏ biến những viên thuốc mà trước kia công ty của ông An-be Tuy-a chưa bán hết, rồi trộn với thuốc tây cùng loại, cũng đã được tán thành bột. Nếu khách muốn dùng thuốc nước, thì anh Xi đã có sẵn nước cam thảo để hòa những bột thuốc ấy vào.
Nhưng khách muốn uống thuốc chén, thì cụ điều Hai tự tay bốc cho. Thang thuốc không khác gì thang thuốc ông lang bốc cho nhà nghèo. Nhưng vì phòng thuốc này chỉ chữa cho nhà giàu, nên phải có vị đắt tiền. Vị này bí truyền, cho nên nó đã được tán nhỏ biến, gói riêng, khi sắc xong mới hòa vào. Sự thật, vị này là vị mà anh Xi nghiền, tức là trộn ẩu tí thuốc bắc và thuốc tây cùng loại.
Gác nhà ngoài là chỗ ở của anh Thừa. Gác nhà trong là chỗ ở của cụ Điều và anh Xi. Hai gác thổi nấu chung ở bếp. Cạnh bếp, có cổng sau mở ra phố cầu Gỗ. Anh Thừa tìm mãi mới được nhà thông ra hai phố, cho nên dù phải trả đắt một tí, anh không tiếc tiền.
Ma-ri vẫn ở nhà riêng trước Cột đồng hồ, ngoài bờ sông, có lẽ gần nhà mẹ. Nhưng sau, vì anh Thừa cần đến hắn luôn, mà đi bộ thì mỏi chân, đi xe thì xót tiền, hắn thuê được cái gác, cách Phòng thuốc hai nhà.
Tìm được chỗ như ý, anh Thừa mượn thợ quét vôi vàng thẫm như nghệ. Hai tường đầu hồi, mặt ra phố, thì quét hẳn bằng sơn màu cá vàng. Vì vậy, Phòng thuốc nhà giàu gọi là Nhà vàng Bờ Hồ.
Nhưng không phải anh Thừa chỉ trông mong vào tài nói của anh và của Ma-ri mà hy vọng làm ăn vững được. Anh không biết thuốc. Chú anh không biết thuốc. Còn Ma-ri, anh cũng không tin hắn biết thuốc nốt. Nhiều lần, anh bất chợt hỏi hắn về thuốc, thấy hắn trả lời lúng túng, nếu không lúng túng thì nói liều hoặc đánh trống lảng. Anh đoán rằng hắn chẳng học y tá ở nhà thương Phủ Doãn ngày nào. Có lần, anh vờ làm như không biết, hỏi hắn đường sá trong nhà thương ấy, thì thấy hắn toàn nói sai. Nhưng sai thì sai, mà tài quá, hắn nói rất trôi chảy.