Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Anh Thừa bật cười:

– Toa hiểu người và chu đáo quá! Về chi tiết, ta sẽ thỏa thuận với nhau sau.

– Phải dứt khoát từ việc to đến việc nhỏ, thì làm với nhau mới bền.

Anh Thừa dở đùa dở thật:

– Toa làm với moa, toa sẽ có nhiều khoản để phát tài, thế mà toa lấy lương những ba chục một tháng kia à?

Ma-ri nhún vai, không đáp. Anh Thừa nghiêm mặt:

– Nhân em nói đến tiếng cấm, thì anh cũng giao hẹn với em, là anh cấm em những điều này. Một là về công việc chuyên môn, anh cộng tác với một ông cụ nhà nho, học vấn uyên thâm, đã làm thuốc mấy chục năm ở Huế. Vậy nếu em không được anh hỏi ý kiến, thì em đừng bàn bạc đến việc thuốc thang. Có được không?

– Em còn mong được thế đấy, anh ạ.

– Tốt lắm. Hai là khi vắng anh và ông nhà nho uyên thâm, anh cấm em nói tốt, khen ngợi hai người với khách.

Ma-ri ngạc nhiên:

– Sao lại thế?

– Phải, em chỉ được phép nói xấu thôi. Ví dụ, nói về anh, em kể tội là hết giờ làm việc, mà em cứ phải đợi anh xong mới về. Nhưng anh thì cứ miệt mài nghiên cứu thuốc thang, lắm bận quên đi, em phải ở lại đến tám giờ tối. Em cũng nên nói xấu là thấy người nhà mách rằng anh hay đọc sách đến quá nửa đêm, không biết giữ gìn sức khỏe. Ai khuyên cũng không nghe. Về ông nhà nho uyên thâm, em oán ông cụ nghiêm nghị như ông long thần, và kín đáo như cái hòm khóa, cả kinh đô biết cái việc cụ chữa cho vua Khải Định, mà cụ chả nói hở ra với ai. Có hỏi dò thì cụ lại mắng. Khen cụ là thuốc hay cụ cũng không bằng lòng.

Ma-ri rũ ra cười. Anh Thừa tiếp:

– Mà muốn cho khách kính trọng ông nhà nho và kính trọng anh, thì, nói với họ, em đừng gọi là cụ ấy, mà là Cụ không thôi. Gọi anh thì là ông Trần. Nói với anh thì dùng hai chữ tiên sinh. Trước công chúng, ta cần giữ với nhau rất lễ phép. Đừng để ai biết chúng ta.

Ma-ri cười ngặt nghẹo, phát vào vai anh Thừa:

– Khỉ!

– Nói với em, anh cũng một điều thưa bà đốc, hai điều thưa bà đốc.

Ma-ri giơ tay ra ngăn:

– Không! Thưa cô đốc chứ! Em là gái tơ!

– Ừ, thì cô! Và nếu có ai hỏi về em, anh cũng hết sức nói xấu em như kiểu trên. Nói xấu để khen ngầm còn được tin bằng vạn nói tốt. Chúng ta làm ra vẻ tôn kính lẫn nhau, phục lẫn nhau, tự khắc khách hàng tôn kính ta, phục ta. Còn điều này, dù anh biết dặn em cũng là thừa, nhưng anh cứ nói. Là khi chúng ta cùng làm với nhau, thì nhất thiết phải thành thực với nhau, và nhất thiết phải không thành thực với người ngoài.

Ma-ri mỉm cười:

– Em vẫn làm thế. Em đã chẳng nói một lần với anh, là trước khi học nghề, hãy phải học nói phét để lừa bịp là gì.

Hai người cùng cười rũ rượi. Anh Thừa khen:

– Em là người lắm mưu trí. Em còn giúp anh được nhiều việc.

Ma-ri cầm ví đứng dậy:

– Muộn rồi, em về nhé! Anh còn muốn dặn dò gì nữa không?

Anh Thừa ngước mắt nhìn lên trần, đáp chậm rãi:

– Chúng ta cần ngay từ bây giờ bắt tay vào việc. Nhất định anh mở phòng thăm bệnh, và nhất định em sẽ giúp anh. Muốn em chắc chắn về lời nói của anh, em hãy cầm tạm cái này.

Anh Thừa mở ví, lấy tập giấy bạc. Đếm mười lăm đồng, đưa cho Ma-ri:

– Đây là nửa tháng lương, em cầm lấy mà tiêu. Từ nay đến tháng phòng thuốc khai trương, em hãy tiêu nửa tháng lương thôi. Bao giờ phòng mở cửa, em đến làm việc, em sẽ lấy cả lương.

Ma-ri cầm tiền cất vào ví:

– Cảm ơn anh.

– Không phải cảm ơn, vì anh giao cho em hai việc. Một là ngay từ hôm nay, gặp ai em cũng cổ động cho phòng khám bệnh, cổ động cho uy tín của anh. Cổ động thế nào, anh tin ở tài của em. Em thạo nói phét rồi, đỡ được công học, thì bây giờ em phải học nghề. Em giả vờ đau ốm gì đó, đến phòng thăm bệnh của ông đốc tờ Ta-mít mà nhìn. Ở đấy, có người nữ y tá. Em xem người ấy như thế nào, thì bắt chước.

Ma-ri nhăn mặt, nũng nịu:

– Phiền nhỉ?

– Không phiền đâu. Anh cũng biết em đã học việc ở nhà thương Phủ Doãn. Nhưng em ạ, người y tá làm tư khác với người y tá làm ở nhà thương công. Họ không rẻ rúng, hắt hủi khách vì sợ bận việc đâu.

– Được rồi. Em sẽ nghe anh. Anh còn cần gì em nữa không?

– Còn. Một việc lớn nữa.

– Anh cứ nói.

– Là em đừng đến với anh trong một tuần lễ. Để cho anh yên tĩnh làm xong những việc cuối cùng của công ty mà em đã xui anh hôm nọ. Nhưng ác quá! Thứ hai sau tòa đã xử vụ này. Không khéo anh không có đủ thì giờ làm hết việc. Anh đã nhờ trạng sư xin tòa hoãn đến phiên sau. Họ đòi thêm hai chục.

Ma-ri trợn mắt:

– Họ đòi thêm những hai chục à? Anh nhận lời chưa?

– Chưa. Bọn này lèn anh đau quá rồi. Anh còn chịu họ tiền, đã đưa hết đâu mà dám nhận lời.

Ma-ri hớn hở:

– Tốt lắm. Em có cách làm cho tòa hoãn.

Anh Thừa cau mặt, nghiêm chỉnh nhìn Ma-ri như không thích nghe đùa cợt. Nhưng Ma-ri không đùa cợt, hỏi:

– Thế anh có thấy nói thỉnh thoảng trạng sư xin tòa hoãn xử một vụ án trong mười lăm hôm không? Hoãn để làm gì, anh có biết không?

– Hoãn để họ nghiên cứu thêm về bản án.

Ma-ri lắc ngón tay trỏ:

– Không phải, Họ nói thế thôi. Thực ra, là để đòi nốt của khách hàng món tiền thuê cãi.

Anh Thừa giương đôi con mắt ngạc nhiên:

– Thật à?

– Sao lại không thật. Họ phải sống về nghề của họ chứ! Anh cứ chịu lại tiền đi. Thế nào trạng sư cũng phải xin tòa hoãn. Anh sẽ không mất thêm hai chục, lại được những mười lăm hôm, chứ không phải vài hôm.

Anh Thừa cười khoan khoái:

– Em tài quá!

Ma-ri sung sướng, long lanh nhìn anh, rồi nói:

– Em mà như anh, thì em không dại gì cho tòa bắt công ty đóng cửa. Cứ tự đóng cửa ngay từ bây giờ mới tránh được tiếng. Khó quái gì! Anh đăng lên báo lời cáo biệt như của những tờ báo đình bản vì lỗ vốn ấy. Nhưng không cần nói mập mờ như họ, là vì một lẽ riêng, mà tuyên bố rõ hùng, là công ty tạm đóng cửa ít lâu để chấn chỉnh, khuếch trương to lớn hơn.

Anh Thừa tặc tặc lưỡi:

– Hay! Hay quá! Em tôi.

Ma-ri đứng dậy, bắt tay anh Thừa. Nhưng anh sực nghĩ ra:

– Khoan! Từ hôm nọ đến nay, toa bày cho moa bao nhiêu kế, mà moa chưa đền công toa.

Anh móc ví, lấy một chục bạc, đưa cho Ma-ri. Ma-ri làm bộ yểu điệu, nghẹo cổ, mỉm cười:

– Cảm ơn. Mình thật dứt khoát. Đúng là cung cách người biết làm ăn to. Em tín nhiệm mình.

§7. Một cuộc diễn kịch: ngoài sân khấu và trong hậu trường

Khách ngồi trong các xe điện, trong các hiệu cao lâu, trong các phòng cắt tóc, ở Hà Nội, đều thấy có một cái gì khác thường nó đập vào mắt. Đó là tờ quảng cáo mới dán, in năm màu, trên giấy láng bóng, rất đẹp.

Những phố đông người, nhà nào cũng nhận được quảng cáo ấy. Không ai bỏ qua mà không xem, vì chữ to, câu ngắn, đọc không mất thì giờ. Lại vì có ba cái ảnh ba người in rất rõ, cho nên đọc xong, không ai nỡ xé hoặc vứt đi. Người ta dựng sau kính tủ chè, hoặc để trên mặt bàn, cho đẹp mắt. Người khác trông thấy, lại đọc chữ và ngắm ảnh.

Trang trước, khoảng trên, có những dòng chữ cỡ lớn như sau:

Một tin mừng trong giới!
Một sự hợp tác giữa thuốc bắc, thuốc nam và thuốc tây!
Biển Thước, Lãn Ông và Pasteur tái sinh!

Rồi đến chữ lớn hơn:

PHÒNG THUỐC NHÀ GIÀU
Đúng ngày Trung thu sắp tới sẽ khai trương tại NHÀ VÀNG BỜ HỒ
ngay chỗ đầu đường xe điện
Hà Đông, Cầu Giấy, Bưởi, Bạch Mai.

Từ đây trở xuống là chữ cỡ thường:

PHÒNG THUỐC NHÀ GIÀU tại NHÀ VÀNG BỜ HỒ
chỉ chữa cho bệnh nhân nhà giàu.
Vì sao?
Vì nếu không phải người giàu thì không có đủ tiền mua những vị thuốc quý.

Khoảng dưới chia làm đôi. Một bên là ảnh người, một bên là chữ.

Ảnh thứ nhất, một thư sinh, vẻ mặt hiền lành, đội mũ cát-két, mặc áo cổ đứng, như kiểu người Trung Hoa. Với bộ ria tơ lún phún trên mép, nhất là với cặp kính trắng không vành, trông người ấy rõ ra nhà thông thái.

Cạnh ảnh in những chữ:

Thuốc Bắc do ông TRẦN ĐỨC THỪA, du học lâu năm tại Trung Hoa, đỗ y sĩ số một. Có bằng của Chính phủ Dân quốc cấp phát.

Ảnh thứ hai, một ông già phương phi, râu quai nón. Ông đội khăn xếp mỏng nếp, đeo kính gọng đồi mồi, mặc áo gấm hoa bông tròn, bệ vệ như một đường quan:

Thuốc nam do cụ TRẦN XUÂN ĐIỀU, cụ đã dày kinh nghiệm hai chục năm tận tụy với nghề tại Đế đô. Đã từng dâng thuốc lên được Ngài Ngự khen thưởng và các Cụ khen ngợi.

Ảnh thứ ba là một cô rất trẻ, đội mũ vải trắng, mặc áo choàng trắng. Ai cũng phải ngắm nghía ảnh này, vì cô duyên dáng như một đào chiếu bóng. Mặt cô hơi gầm xuống, nhưng mắt cô nhìn lên, miệng tủm tỉm cười. Y như cái lối trách nhưng mà trách yêu. Đôi mắt ấy cứ như nhìn theo người ta, bất cứ người ta để ảnh ở trước mặt hay ở bên cạnh:

Thuốc tây do cô MARIE, một nữ y tá lành nghề người Pháp. Vì lòng yêu tha thiết người Việt Nam, cô quyết tâm thôi việc ở nhà thương Đồn Thủy, về thi thố tài chấn hưng y nghiệp ở

PHÒNG THUỐC NHÀ GIÀU tại NHÀ VÀNG BỜ HỒ.

Trang sau của tờ quảng cáo in hai màu thư Minh tạ lương y của người khỏi bệnh. Người Hà Nội, người các tỉnh ở Bắc-kỳ đã đành, có cả người ở Trung-kỳ, Nam-kỳ, Ai-lao, Cao-mên nữa. Ngoài ra, có thư của sinh viên y khoa người Việt, người Lào, người Mên du học tại Pháp và của Hoa kiều buôn bán ở An-giê-ri. Nhưng đặc biệt nhất, in ngay ở đầu trang, chữ đậm, là nguyên văn một bức thư bằng chữ Pháp của một người Pháp, đứng đầu một sở ở Hà Nội. Bên cạnh là bản dịch ra quốc ngữ:

Giấy chứng nhận
Tôi, Tu-nô, sếp phó văn phòng sở Đường sá và Nhà cửa ga Hà Nội, chứng nhận ông Trần Đức Thừa, đỗ bằng y khoa của Trung Hoa Dân quốc, đã bằng hai chén thuốc, chữa khỏi một viên chức người Pháp bị mắc lâu ngày một bệnh hiểm nghèo.
Vậy cấp giấy chứng nhận này làm bằng.
Ký tên và đóng dấu Tu-nô