Gió hiu hiu. Mặt trăng lên tới đỉnh đầu, rắc mảnh vàng trên mặt nước hơi gợn sóng. Tà áo Ma-ri phần phật dính vào ống quần anh Thừa. Ma-ri thở dài:
– Tiếc rằng cái xe nôi chỉ chở chai cốc!
Anh Thừa tiếp:
– Và chúng nu không là…[15] (*[15] Nu: chúng ta, chúng tôi.)
Ma-ri vội vàng xua tay ngăn:
– Không cần nói đến nơi! Hiểu ý là đủ rồi.
Anh Thừa cười:
– Toa là bạn của văn sĩ có khác!
– Những lúc nào lãng mạn thì ra lãng mạn, mà lúc nào làm ăn thì ra làm ăn. Nhớ lời anh nói ngày nọ, em về, em suy nghĩ mãi, em mới nhất quyết bỏ thằng Tu-nô, đi lập thân lấy. Sống không nhờ vả người, có khỏi khúm núm thật, anh ạ.
Im một tý, Ma-ri tiếp:
– Cho nên, nếu em có bằng làm thuốc, lại có óc kinh doanh như anh, em chả chịu bán thuốc, vẫn phải sống dựa vào người. Chưa khỏi khúm núm.
Rồi bỗng Ma-ri cười sằng sặc, hỏi:
– Hay anh không biết làm thuốc?
Anh Thừa thấy Ma-ri đùa bằng giọng chế nhạo, thì cười khẩy và nghiêm trang đáp:
– Anh không biết làm thuốc, lại dám bán thuốc? Chỉ tại ngày ấy anh không có tiền thuê nhà mở phòng thăm bệnh, vả lại, bằng thuốc của anh là do anh du học bên Tàu, được chính phủ Dân quốc cấp phát, thì biết bệnh nhân người mình có tin giá trị của nó hay không. Còn như về nghề làm thuốc, nếu mắt em chưa trông thấy anh chữa cho thằng Tu-nô, thì anh cũng có thể tuyên bố rằng anh khinh đứt mấy ông đốc-tờ Tây, mấy ông thầy lang Tàu ở Hà Nội này.
Ma-ri gật đầu:
– Được đấy.
Anh Thừa cau mặt:
– Sao lại được? Được cái gì?
Ma-ri vẫn gật gù:
– Em chẳng rõ anh có biết làm thuốc thật hay không nhưng nếu em là bệnh nhân, mà nghe anh nói câu sau cùng vừa rồi, thì thế nào em cũng tin anh mà phó thác tính mệnh cho anh!
Ngừng một lát, Ma-ri lại tiếp:
– Thế mới biết ở Hà Nội kiếm ăn còn dễ. Muốn làm nghề gì, thì trước khi học nghề, hãy học nói phét đã!
Anh Thừa cười lạt, nhạo lại:
– Thế thì anh chắc rằng em không làm cái câu anh hùng thuyền quyên, em không quen mấy nhà văn sĩ, và em chưa biết cái ống tiêm ngược xuôi đầu nào.
Ma-ri hích vai vào vai anh, dí dỏm đáp:
– Óc anh còn non thế, không trách cho anh lo cho công ty anh khỏi bị đóng cửa là phải. Người ta nói phét là nói phét với người không biết mình, chứ ai dại gì nói phét với người biết mình? Nếu anh không tin em, thì anh cứ mở phòng khám bệnh đi. Em sẽ làm y tá giúp anh.
– Thật nhé?
Ma-ri lại cười:
– Kể ra làm giúp anh, thì mình làm cho mình, không phải khúm núm trước mặt ai. Nhưng anh để em nghĩ, vì em đương xin việc ở nhà thương Đồn Thủy. Sở dĩ em nói vậy, là vì thấy anh không tin là em biết nghề y tá. Thế giấy chứng nhận của thằng Tu-nô là giấy lộn à?
Rồi Ma-ri vẫn lau láu:
– Anh phải biết, về nghề chữa thuốc, em cũng chẳng kém ai. Nếu pháp luật cho phép, thì với sự thông thạo nghề của em bây giờ, em cũng có thể mở phòng khám bệnh, kê đơn cho bệnh nhân.
Thấy anh Thừa quay nhìn mình, Ma-ri dở đùa dở thật, tiếp:
– Thật đấy, nếu bệnh nhân em chữa mà không khỏi, thì họ đến nhờ người khác chữa hộ. Họ có chết, thì họ đổ tại số. Mấy lại, dù không biết thuốc, em cứ mở phòng khám bệnh, cũng làm được như thường. Cứ kê đơn bứa bừa, miễn là bệnh nhân trả tiền mình sòng phẳng. Một nghìn người phải lừa, là em có thừa một nghìn bạc!
Ma-ri nghiêm lại:
– Cho nên em khuyên anh nên mở phòng khám bệnh, làm thuốc, có hơn đi cậy cục bọn trạng sư với quan tòa giữ cho anh cái nghề bán thuốc hay không. Bọn này không hơn gì bọn làm thuốc chúng mình đâu. Có khi họ còn kém mình là mình có lương tâm hơn họ. Cùng là phường nói dối để lấy tiền cả, nhưng chỉ những người làm thuốc không lành nghề mới vô tình mà giết người vô tội, còn trạng sư, quan tòa, càng lành nghề, càng cố ý tha cho kẻ có tội.
Hai người cùng phá lên mà cười, rồi cùng yên lặng. Bỗng anh Thừa nói:
– Hai óc này mà đấu nhau lại để hợp tác với nhau, thì liệu hồn những nhà giàu! Em tính toán kỹ xem có thể giúp anh trong nghề làm thuốc không?
Ma-ri ra vẻ suy nghĩ:
– Em sẽ trả lời anh sau.
§6. Mặc cả với con cái của một người đã dày công tu nhân tích đức
Anh Thừa đương thảo dở bản giao kèo thuê nhà để mở phòng thăm bệnh. Bỗng anh ngừng bút. Có tiếng giày lên gác. Anh vội vàng chặn tờ giấy trắng lên trên.
Quả nhiên anh có khách: Ma-ri đến.
Hôm nay, Ma-ri ăn mặc đầm, diện lắm. Thế mà mặt thì buồn rười rượi:
– Không có người lạ chứ? Nói chuyện riêng được không?
Anh Thừa gật đầu, bắt tay Ma-ri. Hai người cùng ngồi ở xa-lông.
Ma-ri lấy mùi soa vỗ vào mặt để thấm mồ hôi, rồi than thở:
– Bực mình lắm, anh ạ. Nếu anh quyết định mở phòng khám bệnh, em quyết định giúp việc anh.
Anh Thừa mừng rỡ, nắm chặt lấy tay Ma-ri, rung một hồi:
– May quá! May quá!
Nhưng vẫn thấy Ma-ri không cười, anh hỏi:
– Anh thì vui lòng thế, sao em lại bực mình?
– Em bực mình việc khác kia. Ông bố em là một người suốt đời tu nhân tích đức. Thế mà trời không có mắt, bắt em phải khổ. Người ta bảo ăn ở hiền lành dành phúc cho con, là nói láo!
Anh Thừa vẫn ngớ mặt. Ma-ri nói:
– Tòa vừa bác cái đơn em xin vào làng Tây.
Anh Thừa hiểu:
– À, để em làm y tá ngạch Tây, lĩnh lương Tây cho nhiều. Bây giờ đơn em bị bác, mùa hè lại sắp hết, bán kem không chạy nữa, em mới chịu làm với anh. lĩnh lương ngạch An-nam. Có thế phải không?
Ma-ri gật:
– Đúng thế. Vả lại em còn bực thế này nữa. Tháng trước, em đưa đơn xin hẳn quốc tịch Pháp kia. Tòa bảo những người muốn được quốc tịch Pháp, phải có danh vọng, làm vinh dự cho nước Pháp. Như em là không được. Nhưng tòa bảo những người con Tây lai đẻ hoang, có thể vào làng Tây bằng cách xin pháp luật nhận cho là con Tây. Em đành theo cái cách ê chề thế vậy. Hôm nay, mẹ em ra tòa, khai rằng năm nào đấy, có ăn nằm với một người Tây tên là gì đấy, rồi đẻ em ra. Xét việc này, Tòa chỉ cần có hai người Tây làm chứng, nhận thực là mẹ em có ngủ với người Tây ấy. Nhưng ngờ đâu trong hai chứng của mẹ em, tòa xét một người là gian, vì cái năm bố em ở bên An-nam này, người ấy còn ở Mạc-xây.
Anh Thừa hỏi:
– Sao bà cụ không nói với ông cụ ra tòa nhận thực, có đỡ phải chứng tá không?
– Vì ông cụ không còn ở Hà Nội nữa. Chứ bắt một người đàn bà An-nam già, phải ra đứng trước mọi người, để thú rằng mình đã ngủ với Tây và đẻ hoang, là bắt người ta phải nói một điều nhục nhã. Cho nên việc hỏng, em thương mẹ em, và bực với tòa lắm. Em chỉ tiếc rằng; bố em một đời ăn ở hiền lành, dày công tu nhân tích đức, chỉ làm cho người khác được hạnh phúc, mà chính em là con, lại không được hưởng hạnh phúc!
Anh Thừa muốn an ủi, hỏi:
– Ông cụ làm nghề gì. Quan binh, quan cai trị hay giáo sư?
– Không phải. Bố em là cha đạo, anh ạ.
Anh Thừa không dám cười. Anh muốn tìm ý khác làm cho Ma-ri đỡ tủi thân. Anh hỏi:
– Bà cụ ở đâu? Làm gì?
Ma-ri tặc lưỡi, đáp nhuế nhóa như để đánh trống lảng:
– Úi chà! Lúc ở Bờ Sông với con này, lúc ở ô Đống Mác với con nọ.
Anh Thừa sực nghĩ ra. Lần đầu tiên anh đi với Ma-ri ở sòng bạc đến săm Đồng Lợi, Ma-ri đưa anh ra bờ sông, cứ đứng nhìn các hàng nước ở bãi bến tàu Nam. Hẳn mẹ Ma-ri bán hàng nước.
Biết Ma-ri muốn giấu, anh không hỏi thêm nữa. Anh nói:
– Vào làng Tây thì được nhiều quyền lợi thật. Nhưng anh trông, cứ cái tên em, đố ai bảo em là An-nam. Ngay như anh, chỉ lấy có một tí tên Tây, mà cũng vô khối người trọng vọng, tín nhiệm.
Ma-ri lại lau mồ hôi:
– Thôi, nhưng mà thế là may cho anh. Em quyết định làm y tá giúp anh.
Anh Thừa vui thích lại bắt tay Ma-ri thật chặt và rung thật nhiều, như để thề với nhau là không thay đổi lời hứa.
Ma-ri tươi tỉnh dần, nói:
– Bây giờ chúng ta nên bàn đến công việc. Trước hết, chúng ta phải dứt khoát với nhau về tiền lương.
Anh Thừa gật đầu:
– Đó là việc cần nhất. Em định lấy bao nhiêu thì đủ tiêu?
– Vô chừng, anh ạ. Em có trăm cũng hết, có nghìn cũng hết. Nhưng đã gọi là cộng tác, thì em phải tính với anh một số lương phải chăng. Em không bắt anh phải trả em như nhà thương Đồn Thủy trả y tá đầm. Buổi đầu công việc còn khó khăn, em chỉ lấy của anh ba chục thôi.
Anh Thừa khen:
– Em thật biết điều. Anh tin rằng em còn làm lợi cho anh gấp đôi.
– Cái đó đã hẳn. Cho nên em mới nói là buổi đầu. Còn sau này, phòng thăm bệnh đông khách, ta sẽ nói chuyện với nhau sau.
Anh Thừa gật gù:
– Cái đó, cố nhiên. Em chả cần phải nói, tự khắc anh làm vừa lòng.
– Thế còn giờ giấc làm việc? Hẳn là em chỉ phải có mặt ở phòng trong giờ tiếp khách. Còn ngoài ra, em được tự do.
– Đã đành.
– Em nói vậy, nghĩa là nếu bệnh nhân muốn mời riêng em ngoài giờ, em được tự do đến chữa cho họ, anh không ngăn cản?
– Đó là quyền em. Miễn là trong giờ tiếp khách, em tận tâm với anh, chứ không tận tâm với em để lấy khách riêng.
– Không, em không trẻ con như thế đâu. Nhưng nếu ngoài giờ làm việc, anh chữa đâu mà cần em theo, tin em làm thêm giờ nào, anh trả thêm giờ ấy. Mỗi giờ một đồng bạc.
– Đúng.
Bỗng Ma-ri xòe bàn tay, dọa dọa vào mặt anh Thừa, nói bằng giọng láu lỉnh:
– Đã mặc cả thì mặc cả cho hết. Toa với moa không là vợ chồng, thì moa cử chỉ, nói năng với khách thế nào, moa cấm toa không được ghen đấy. Đời tư của moa, toa không có quyền can thiệp.
Anh Thừa cũng đùa:
– Được. Miễn là toa đừng làm loạn phòng thăm bệnh của moa thôi.
Nói đoạn, anh cười. Ma-ri cũng nhoẻn miệng:
– Cũng nên dứt khoát cả khoản này nữa. Là hiện nay, moa là gái kén chồng, cần giữ tiếng tăm cho tốt. Nhưng toa lại là trai vắng vợ, sống tự do một mình. Vậy moa cấm toa xâm phạm đến thân thể moa, cấm nghĩa là nếu toa xâm phạm, moa cũng bằng lòng, nhưng tùy theo hành động và thì giờ, toa phải tính tiền trả moa hơn cái giá moa làm thêm ngoài giờ. Có điều là toa được hưởng giá đặc biệt.