Hai Điều tìm bút, ghi mấy chữ cần nhớ, rồi hỏi:
– Thưa số nhà mấy ạ?
– Để… tôi nghĩ.
Chừng hai ba phút sau, hắn nói:
– Quên… rồi. Cứ đến… đấy… hỏi, ai… cũng biết.
– Dạ. Đến làm gì ạ?
– Ông… cầm… một nghìn… bạc… đi, nói rằng… tôi… chuộc… giấy… cho cô… Thúy Lan.
– Giấy gì ạ?
– Cứ nói… thế. Người ta… hiểu. Cái… giấy xanh… có ảnh… ấy.
– À. Vâng ạ. Đưa bà An-na Phán một nghìn bạc, nói rằng ông lớn chuộc giấy cho cô Thúy Lan.
– Phải… nhưng… không đưa… cả nghìn. Bà ấy… lấy… bao nhiêu… cũng đưa.
– Dạ, là cầm sẵn cả nghìn đi thôi. Bà ấy lấy bao nhiêu thì đưa, còn thì mang về. Nếu lấy cả nghìn cũng đưa. Miễn là chuộc được giấy cho cô Thúy Lan phải không ạ?
– Phải… giấy số.
– Dạ. Giấy số của cô Thúy Lan ạ. Nhưng ngộ bà ấy đòi hơn một nghìn thì sao ạ?
– Không… đến… đâu.
– Dạ. Còn gì nữa không ạ?
– Thôi… Ông… đi ngay… Ô-tô ca.
– Dạ. Xin ông lớn cho tiền ạ.
Thừa trỏ tay xuống đệm nằm. Hai Điều hiểu:
– Trình ông lớn, món tiền ấy sáng nay bà con lấy rồi, ông lớn quên ạ?
Thừa hộc lên một tiếng, run rẩy chân tay, trợn ngược hai mắt lên:
– Hừ! Hừ! Hừưư…
Bỗng hắn vật nghiêng đầu, rồi mồm hắn trào máu xám lênh láng ra khăn trải giường.
Hai Điều sợ hãi, lay gọi:
– Trình ông lớn, trình ông lớn, tỉnh chưa?
Thừa mê lên đến hai mươi phút. Lúc thấy hắn cựa, lão già mới lấy khăn lau miệng cho hắn, và thay khăn giải giường khác:
– Trình ông lớn, thế là con không đi Hải Phòng nữa ạ?
Thừa rên rỉ:
– Thôi… tôi… giết… con tôi… Ma-măng… chúng nó… giết tôi… Trời! Không biết… tôi có… qua được… đêm nay… không…
Hắn nhắm mắt lại. Nhưng ứa ra hai dòng nước, chảy thẳng xuống hai thái dương.
Rồi hắn lịm đi.
Hai Điều sờ chân, sờ đùi, sờ cánh tay.
Lão già thở dài, lắc đầu, lẩm bẩm:
– Chả hiểu đầu đuôi ra sao cả!
* * *
Vào khoảng một giờ trưa, Ma-ri trở về nhà. Theo hắn, là ông thầu khoán già Nguyễn Thúc Lăng.
Hai Điều vội vàng mách:
– Thưa bà, ông lớn nguy lắm rồi.
Ma-ri cau mặt:
– Ai chả biết! Chả nguy mà tôi phải chạy suốt từ sáng đến giờ.
Hắn mời ông Lăng:
– Mời cụ ngồi chơi.
Hai Điều ngần ngại:
– Thưa bà, ông lớn lại vừa thổ huyết. Mới nằm nghỉ được một tí. Hay bà hãy chờ, để ông lớn được yên tĩnh?
Ma-ri gắt:
– Cái ông cụ này mới hay chứ! Yên tĩnh thì đến bao giờ? Bây giờ ông ấy còn tỉnh thì còn biết. Chứ chờ để ông ấy chết còng queo ra à?
Ông Lăng đặt tay vào đầu Thừa, lay mạnh:
– Cụ Hàn!
Thấy Thừa mở choàng đôi mắt lờ đờ, ông thầu khoán nhoẻn cười, hỏi to tướng:
– Chào cụ Hàn! Cụ Nghị! Mừng cụ!
Thấy Thừa lại nhắm mắt, ông Lăng lại lay đầu:
– Cụ có nhớ tôi là ai không?
Thừa vẫn nhắm mắt:
– Có.
– Anh em mấy chục năm giời, bây giờ sắp kẻ ở người đi, thì tôi đến thăm cụ. Cụ có chết thì phù hộ cho tôi nhé!
Ông uống nước, hút thuốc lá, rồi lại nói thật to:
– Chả nhẽ thấy cụ gra-vơ-măng ma-lát[122], mà tôi lại chỉ đến thăm không. Cho nên có câu chuyện, nhân tiện muốn nói với cụ. Cụ tỉnh chứ? (*[122] Ốm nặng.)
Thừa lắc đầu:
– Không… muốn… nghe…
– Không, chuyện xê-ri-ơ[123] chứ không phải đùa phiếm đâu, cụ ạ. Cụ chịu khó nghe một tí. Chả có mai kia, cụ nhắm mắt rồi, thì tôi nói với ai. Việc thêm khó ra. (*[123] Đứng đắn.)
Ông thì thầm với hai Điều:
– Mặt phù lên rồi. Không khéo cũng sắp ăn xôi thôi.
Hai Điều đáp:
– Vâng, chân tay đã bắt đầu lạnh.
Ông Lăng trợn mắt, sửng sốt hỏi:
– Cả tay nữa?
Rồi nói với Thừa:
– Cụ ạ, con người ta ai cũng vậy, sinh tử chỉ có một lần. Hôm nay, đến thăm cụ, tôi trông sắc mặt cụ, tôi lấy làm ngại lắm. Cho nên, chỗ anh em mình với nhau, tôi nói thực là ít lâu nay, cụ cũng gặp lắm vận hạn, sinh ra lúng túng vì đồng tiền. Nhưng cụ ạ, cụ có đi, thì cứ đi cho thanh thoát, đừng lo lắng gì về chuyện ma chay không xứng đáng. Tôi xin chạy tiền làm ma cho cụ. Cụ nghe rõ chưa?
Thừa gật gật:
– Cảm ơn… cụ.
Ông Lăng lại tiếp, vẫn bằng tiếng rất to:
– Ban nãy cụ bà Hàn Nghị có đến chơi, dạm bán cho tôi cái nhà ở Hàng Giò. Cụ đã đưa tôi đến coi rồi. Cụ nói đơ-min-xanh-xăng[124]. Nhưng tôi mặc cả min-uýt-xăng[125]. Rồi lên đến đơ-min[126]. Tôi bảo chỉ có cụ ông mới định đoạt được việc này, cho nên tôi đến đây nói chuyện với cụ. Thôi thì chỗ se-ca-ma-rát[127] với nhau, tôi trả tiếng cuối cùng, là đơ-min-đơ-xăng[128]. Giấy tín chỉ tôi đem theo đây. Cụ có bằng lòng thì ta làm văn tự luôn, để cụ còn tỉnh táo, thì cụ xi-nhê[129] vào. Kẻo tôi trông cụ, chỉ còn hàng giờ nữa thôi, chứ chả được lâu đâu, cụ ạ. (*[124] Hai nghìn rưởi. *[125] Nghìn tám. *[126] Hai nghìn. *[127] Bạn thân. *[128] Hai nghìn hai trăm. *[129] Ký.)
Ma-ri lúc ấy đã đứng đó. Hắn ghé tận tai Thừa, dịu dàng nói:
– Để có sẵn tiền mà lo đám tang cho chu đáo, ông ạ. Ông bằng lòng cái giá cụ chủ vừa mới nói nhé.
Thừa quay mặt vào tường, khò khè thở. Hai Điều lon ton lại gần:
– À.
Lão đỡ Thừa nằm ngửa lại, và kê cao đầu lên:
– Thế này quan mới nói được.
Nhưng Thừa vẫn im lặng.
Ông Lăng nhìn Ma-ri, vẻ thất vọng:
– Không thành. Thôi, tôi xin về.
Ma-ri lo sợ, vội vàng nói với Thừa:
– Cái món tôi lấy ban sáng, không đủ đâu. Thế nào cũng phải để lại cái nhà Hàng Giò ông ạ. Không bán ngay hôm nay, tôi sợ không kịp.
Thừa thào ra được hai tiếng:
– Không… bán.
Một lát, hắn thêm:
– Cho… ăn… mày.
Ma-ri không hiểu, thở dài:
– Đã bắt đầu nói mê rồi!
Hắn vẫy ông Lăng xuống nhà.
Chừng nửa giờ sau, hắn lên, tay cầm tờ giấy tín chỉ đã viết thành văn tự. Hắn dí cái bút vào tay Thừa, mặt hớn hở nhưng nói giọng nằn nì:
– Ông cứ ký vào đây. Ông đi, ông bỏ mẹ con tôi ở lại. Ông đừng để khó cho tôi sau này.
Hắn rưng rưng nước mắt.
Thừa nhăn nhó, lắc đầu, rên lên một tiếng, rồi cầm lấy bút, ký nguệch ngoạc vào tờ giấy.
Ký xong, hắn buông rơi bút xuống giường, chân tay run rẩy.
Ông Lăng nở một nụ cười. Nhưng khi ngắm chữ ký không được rõ, ông bảo Thừa:
– Xin lỗi cụ nhé, cẩn tắc vô ưu.
Ông móc túi, lấy thoi mực tàu mà ông đem sẵn đi. Ông thấm nước, rồi dí năm đầu ngón tay Thừa vào. Ông in năm vết vào tờ văn tự.
Làm xong việc hợp pháp, ông hớn hở:
– Thôi, vĩnh biệt cụ nhé. Có chết thì nhớ phù hộ cho tôi đấy.
Buồng lại im lặng.
Thừa lờ đờ nhìn hai Điều. Hắn ứa nước mắt, nói khẽ:
– Chưa chết… lũ giòi… đã đến.
Hai Điều thở dài. Thừa thều thào:
– Kê… cao… đầu.
Hắn nói:
– Ông!… tôi bảo… khó lòng… qua… được… đêm nay. Tôi… có chết… thì chôn… ở… nhà quê.
Lão già ngậm ngùi:
– Trình ông lớn, để ở Hà Nội tiện hơn. Đỡ tốn kém.
Thừa lắc:
– Nhà quê… có tình… đây… đểu… lắm.
Hai Điều thở dài. Thấy tay Thừa quờ quờ, lão hỏi:
– Trình ông lớn lấy gì ạ?
– Khế.
Hai Điều đã biết chỗ. Gói khế khô giấu ở dưới đệm, về phía trong, giáp tường. Lão lấy, đưa cho Thừa.
– Mở… ra.
Hai Điều làm theo, rồi hỏi:
– Trình ông lớn có muốn dặn dò gì nữa không ạ?
Thừa cố giương đôi mắt đẫm nước để nhìn những múi khế màu nâu hồng, đã bị ép phẳng lại. Hắn rên rỉ:
– Thôi… không… gì nữa.
* * *
Lúc ấy, gần bốn giờ chiều. Ma-ri không có nhà.
Thằng Pôn và thằng Giăng đi đánh cá ngựa.
Con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rít và con Ca-mê-li-a còn dở cuộc vui.
Hai Điều, vì thức mấy đêm liền, bây giờ thấy Thừa nằm yên, thì lẻn xuống nhà gửi xe, ngủ một giấc cho lại người.
Than trong hỏa lò sắc thuốc cho người ốm đã vạc trắng. Thừa không rên rỉ. Ấm thuốc cũng không rền rĩ nữa.
Buồng bệnh nhân thật lặng lẽ. Thì thằng Mão đến.
Nó lên tuột trên gác.
Nó rón rén vào buồng, trông trước trông sau, rồi đến cạnh giường, ngó nhìn vào mặt Thừa.
Bỗng Thừa mở choàng mắt.
Thấy rõ thằng Mão, hắn giật thót mình, rú lên một tiếng:
– Ối!
Muốn được yên ổn, thằng Mão chạy vội đi khóa trái cửa ra vào lại.
Nó đến giường Thừa, hất hàm, hỏi:
– Thế nào, ông có chịu chia gia tài cho tôi không?