Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Hai Điều thấy là lấy lòng người sống có lợi hơn lấy lòng người sắp chết, lão gật đầu, ra hiệu gọi Ma-ri. Lão tặc lưỡi mách thầm:

– Còn nghìn rưởi, để ở dưới đệm ấy.

Nói xong, lão xuống nhà.

Ma-ri đi đến giường. Hắn không nói năng gì cả, lật mạnh chiếc đệm lên:

– Chả tiền là cái gì đây!

Hắn cuộn cả tập giấy bạc đút vào túi.

Thừa bị hất mạnh, xô vào góc giường. Khi thấy mất của, hắn giơ cánh tay ra để ngăn Ma-ri. Nhưng cử chỉ này chỉ là tượng trưng thôi. Hắn nằm xa Ma-ri quá. Tay hắn run rẩy, chậm chạp quá. Hắn chỉ tỏ thái độ được bằng những tiếng rên rỉ, hừ hừ.

Mặt Ma-ri tươi tỉnh hẳn lên. Hắn xuống nhà dưới, muốn chừng để cho lũ con tiền.

Một lát, hắn lại lên với Thừa. Hắn nói:

– Ông ạ. Bây giờ ông còn tỉnh táo, thì ông nên định để làm giấy má, chia những gì cho đứa nào, kẻo ông mà nằm xuống, thì tôi không biết làm thế nào cho chúng nó đỡ tranh giành nhau đâu.

Thừa không đáp.

– Mấy lị hiện giờ, cũng nên trù ngay lấy một món để lo liệu lễ an táng ông sao cho trọng thể. Thì ông thử tính xem, nên giữ cái ở phố nào, nên bán cái ở phố nào.

Thừa gắt:

– Không vẽ vời ma chay gì cả! Cứ bó chiếu, rồi quẳng ra hè.

Cố nói được câu dài, Thừa như kiệt sức. Hắn quay mặt vào tường, nhắm mắt lại.

* * *

Ông Tú Trác đến, ngồi chờ ở buồng khách. Ma-ri ra tiếp. Hắn nói:

– Cụ ạ. Ông Hàn nhà tôi mệt nặng mấy tháng nay, tôi trông chừng khó lòng khỏi. Hiện nay chỉ còn là việc hàng giờ thôi.

Ông Tú ngớ mặt:

– Thế à? Ông nằm đâu? Cho tôi lên hỏi thăm.

Ma-ri ngăn:

– Thôi, cảm ơn cụ. Tôi mời cụ đến, cốt để bàn chút việc, kẻo nước đến chân mới nhảy, sợ không kịp.

– Vâng, người trí lự biết trước công việc mà lo liệu là phải. Thế bà đã gặp ông chủ nhà đòn chưa?

– Thưa rồi.

– Ấy sao bà chả bảo tôi giới thiệu cho. Tôi có ông em mở nhà đòn, đồ đạc đẹp, làm ăn cẩn thận, nội bao nhiêu công việc khai báo ở đốc lý, mua quan quách, thuê đất cát ở nghĩa trang, ông ta cáng hộ hiếu chủ tuốt. Thế bà thuê ai?

Ma-ri móc trong túi, lấy tấm danh thiếp của người chủ nhà đòn mà hắn đã đặt tiền, đưa ông Tú Trác xem. Ông Tú bĩu môi:

– Ái chà, thằng này giã nặng phải biết! Nó đòi bà bao nhiêu?

– Kể ra tùy mình muốn lịch sự chừng nào thì mất tiền chừng ấy, chứ bao nhiêu chẳng đủ.

– Nhưng nó làm ăn không cẩn thận đâu. Coi không khéo nó quật áo quan xuống đường đấy! Nhưng thôi, tùy bà.

– Mấy lị tôi đã đặt tiền rồi.

Ông Tú cười hô hố:

– Cha mẹ ơi! Nó lại bắt đặt tiền nữa! Nó cần mình chứ mình cần nó đâu nhỉ!

– Ông ấy bảo nếu không đặt trước thì ông ấy nhận đám khác mất.

Ông Tú lại cười:

– Người ốm còn đấy, biết là chết ngày nào, mà nó làm như tàu hỏa, đi có giờ, ai không lấy vé trước thì lỡ chuyến ấy. Thôi, bà đã trót thì thôi. Thế bà muốn tôi giúp bà gì ạ?

– Thưa tôi muốn nhờ cụ một ít câu đối.

– Vâng, hàng tôi có cả câu đối thửa, lẫn câu đối thuê. Bà muốn thuê đi trong lúc đưa đám, hay thuê để thờ đến năm mươi ngày, trăm ngày, xin bà cho biết.

– Cụ cho giá cả?

– Cái đó là tùy câu bằng vải, bằng vóc, bằng xa-tanh, bằng lượt hay bằng đũi. Mỗi thứ này, lại có nhiều hạng, tùy theo chữ dán bằng giấy hay bằng nhung. Cả hoa hoét nhiều hay ít nữa. Nhưng đắt rẻ đáng kể là cái lạc khoản. Lạc khoản là người chức tầm thường thì ít tiền, lạc khoản là người chức tước cao thì nhiều tiền. Chứ theo thứ bậc phẩm hàm nhà vua, mỗi trật cao lên một đồng.

– Thế là thế nào ạ?

– Ví dụ hàn lâm đãi chiếu, thì thêm hai đồng, cung phụng thì ba đồng, cho đến hường lô, thái thường, nhị tam phẩm, thì có cái thêm đến hàng chục.

Ma-ri suy tính một lát rồi nói:

– Thế nào tôi cũng thuê của cụ thôi. Tôi còn xem những câu đối khách khứa mang đến phúng, nhiều ít thế nào, sau này mới định và thưa chuyện với cụ được. Giờ thì tôi chỉ nhờ cụ nghĩ cho một đôi câu đối thờ ông cháu thôi.

– Vâng, cũng được. Bà cho biết ông bao nhiêu tuổi, cảnh gia đình thế nào, có những chức tước gì. Và ai đứng tên lạc khoản.

Ma-ri ăn trầu, rồi đáp:

– Thế này, cụ ạ. Ông nhà tôi thuở bé có du học bên Tàu, được tấm bằng làm thuốc của Chính phủ bên ấy cấp cho. Nhà tôi về, mở hiệu bào chế, rồi mở phàng khám bệnh. Sau, rồi làm báo, làm chủ bút báo, cụ ạ. Sau rồi làm đồn điền. Sau rồi buôn tàu thủy.

Ma-ri giấu cái nghề buôn thuốc phiện lậu, và nghề gá bạc. Ông Tú Trác gật gù:

– Ái chà! Đại doanh nghiệp chủ! Ông nhà được hàn lâm gì ạ?

– Tôi không rõ. Đàn bà dốt nát, cụ ạ.

Ma-ri rũ lên cười để đỡ bẽ, rồi tiếp:

– Ông nhà tôi còn được ba đạo tưởng lục và được Hoàng thượng ban Nam long bội tinh nữa.

– Ái chà! Bậc đại gia!

– Vâng. Khóa nghị viên tới này, nhà tôi được Chính phủ cử làm dân biểu.

Ông Tú Trác tặc lưỡi:

– Ái chà! To lắm nhỉ!

Ông gãi mép, rồi nói:

– Kể ra trong minh tinh, thì phải viết cho đủ đầy, nhưng còn câu đối, thì chỉ cần kể một vài cái đặc biệt hơn đời nhất thôi. Ví dụ chữa bệnh để cứu dân độ thế, làm báo để khai hóa quốc dân, làm nghị viên để bênh vực quyền lợi cho đồng bào.

– Nhưng nhà tôi mới nhận được nghị định quan thống sứ cử làm dân biểu sáng hôm nay thôi, cụ ạ.

Ông Tú im lặng, rồi lắc đầu:

– Không cần, cốt lấy cái ý làm nghị viên thôi. Người làm nghị viên mà lại được ban thưởng Long bội tinh thì thật là có giá trị.

– Nhưng nhà tôi được thưởng bội tinh và có công khác chứ không phải vì làm nghị viên đâu, cụ ạ.

Ông Tú gật đầu:

– Tôi hiểu rồi. Nhưng hậu thế, ai biết thật giả thế nào. Người ta tin ở chữ nghĩa còn để lại thôi chứ, chữ nghĩa mà không để nói dối, thì ông Thánh đặt ra nó làm gì? Gọi là ông Thánh vì thế đấy, bà ạ.

Nói đoạn, ông mỉm cười rồi hỏi tiếp:

– Còn cảnh gia đình nhà ta thì thế nào?

– Thưa tứ thân phụ mẫu đã tịch cả rồi. Chúng tôi sinh với nhau được tám bận, nhờ trời nuôi được năm.

– Các cô các cậu có ai đỗ đạt gì hoặc đã đi làm với nhà nước chưa ạ?

– Thưa các cháu còn bé cả.

– Đương học?

Ma-ri ấp úng.

– Ông thọ bao nhiêu tuổi ạ?

– Năm nay nhà tôi…

Ma-ri rú ra cười:

– Chả biết bốn nhăm, bốn sáu, hay hơn ấy. Độ này ruột gan tôi cứ lú lấp đi thôi.

– Vâng, ông mệt, bà còn tâm trí nào! Thôi thì cứ cho là ngũ tuần. Tôi sẽ nghĩ đối câu đối thờ ông thật xứng đáng với sự nghiệp của ông và gia thế nhà ta. Nhưng xin bà cho biết là câu đối đứng tên bà hay đứng tên các cô các cậu ạ?

– Xin tùy cụ.

– Vâng. Vợ khóc chồng thống thiết một cách, con khóc cha thống thiết một cách. Dùng chữ không đắt, có khi câu đối của con gái khóc cha, lại như vợ khóc chồng, mà câu đối của vợ khóc chồng, lại như tình nhân khóc nhau. Chữ nghĩa khó thế đấy, bà ạ.

– Vâng, trăm sự nhờ cụ. Nhưng tôi thiết tưởng tôi và các cháu, chả có chức phận gì, mà nhà tôi, thì như cụ nói, sự nghiệp và gia thế to.

– Thế thì ai đứng tên ở lạc khoản được?

Ông Tú nghĩ ra:

– À, được. Bạn bè thân thích cũng có thể khóc nhau bằng những lời chí tình. Như bài cụ Yên Đổ khóc cụ Nghè Vân Đình, thật ai đọc mà cầm được nước mắt!

– Thế thì tôi lại phải nhờ các ông bạn nhà tôi khóc nhà tôi à? Thưa cụ?

Ông Tú lắc đầu một cách thản nhiên:

– Không cần. Ông Hàn nhà chắc quảng giao, thì vô khối các quan là bạn bè. Cho nên bà muốn người đứng tên trong lạc khoản là ai cũng được. Ai biết đâu? Là bố chánh, là tuần phủ hay là tổng đốc, xin bà cứ bảo?

– Vâng, chức tước đã vậy, nhưng còn tên?

– Ô, tên thì lấy gì là không được? Nhưng khóc ông nhà, tôi tính phải là ông bạn khoa đến tiến sĩ, hoặc đến tuần phủ mới xứng đáng, bà ạ.

Ma-ri vui sướng:

– Vâng. Nhưng muốn kín đáo, cụ ạ, tôi tưởng nên viết là ông tuần phủ ấy về hưu rồi thì hơn. Bởi vì quan tại chức ít, ai cũng nhớ tên, chứ quan về hưu thì vô số, ai biết ai vào với ai?

– Vâng, xin lĩnh ý. Vậy tôi cứ đề là Thế nghị, nghĩa là bạn thân, đệ tam giác đồng tiến sĩ xuất thân, nghĩa là làm tuần phủ đã về hưu. Còn tên, thì hoặc Nguyễn Văn Mỗ, hay Trần Văn Mỗ cũng được.

– Hay lấy tên là Lê Văn Bản, chẳng trùng với ai mà người ta hỏi, cụ ạ.

– Vâng, thì Lê Văn Bản.

Ông Tú gật gù:

– Câu đối của một bậc đại khoa đại hoạn khóc một ông bạn thân là đại doanh nghiệp chủ, với đại gia, có nhiều ý hay lắm đấy bà ạ. Tôi xin về nghĩ, rồi đưa bà phủ chính cho sau.

– Thưa phủ chính là thế nào ạ?

– Là chữa hộ.

– Chả dám. Cụ nhã nhặn quá!

Ma-ri chợt nhớ ra một việc:

– À, thưa cụ, thế thì cụ lấy bao nhiêu tiền ạ?

Ông Tú đáp ráo hoảnh:

– Cứ cái lạc khoản ấy cũng đáng của tôi trăm bạc rồi.

Ma-ri thở dài:

– Xin cụ bớt cho.

Ông Tú lắc đầu:

– Không, văn chương chữ nghĩa không có lệ mặc cả! Thế là quá rẻ rồi bà ạ. Bà chẳng bằng lòng thì thôi cũng được.

Ông bắt bí:

– Cả Hà Nội này, còn có ai là khoa mục mà mở hàng đối trướng nữa đâu, thưa bà?

– Vâng, tôi biết. Thế nào tôi cũng phải nhờ đến cụ thôi.

Ông Tú hỏi:

– À thế còn việc mua quan tài, việc cúng cấp, làm tấu sớ, bùa bèn, bà đã nhờ ai chưa. Nếu chưa, tôi giới thiệu cho.

– Cụ quen những người ấy ạ?

– Vâng, chả giấu gì bà, toàn là họ hàng, thì phải dắt khách cho nhau. Tôi tiếc rằng tôi không biết ông nhà mệt, để mách chú nó làm ông lang, đến để trông nom thuốc thang cho.

Ma-ri cảm động:

– Cảm ơn cụ.

Ông Tú đứng dậy:

– Thế dứt khoát câu đối là một trăm nhé?

Ma-ri thở dài:

– Vâng. Xin cụ cố làm cho hay hộ. Còn tiền, chúng tôi không dám tiếc.

* * *