Ma-ri cười:
– Mày chửi tao hay ghen, nhưng mày ghen quá tao.
– Lấy tây thì yêu chó gì nó đâu mà ghen. Chẳng qua tao tự ái vì nó khinh tao là đồ chơi, thì tao tức. Mình trẻ đẹp, thạo tiếng tây, lại thạo đời, thì cần đếch gì đứa nào! Bỏ thằng này thì bà lấy được ngay thằng khác, chứ bà chịu thất nghiệp ngày nào mà bà sợ! Cho nên tôi đánh nhau với nó một trận kịch liệt, rồi đòi bỏ đi.
Nói xong, An-na Phán vén quần lên đến bẹn:
– Đây, cái sẹo này là kỷ niệm trận chiến tranh ấy đây.
Nó hỏi Ĩnh con:
– Thế có phải là tại cụ không nào?
Ĩnh con cười:
– Vâng, em xin chịu.
An-na Phán cũng cười:
– Nhưng tôi cũng phải cảm ơn cụ mới được. Không có cụ dắt díu cho chúng nó con mẹ nhà quê ấy…
Ĩnh con lại xua tay:
– Bà nói khẽ chứ.
An-na Phán hạ thấp giọng:
– … Thì dễ thường tôi chịu làm nô lệ thằng Tây suốt đời. Chúng mình bây giờ làm ăn độc lập là giữ được giá trị cho giới mình. Bây giờ thì Tây làm nô lệ mình. Khối lần có những thằng phải chắp tay lậy tôi, tôi mới cho con gái.
Ĩnh con gật đầu:
– Đúng thế. Lắm lúc nghĩ cũng thấy mình danh giá. Nhưng hai chúng mình, dễ chưa ai bén gót bà Hàn tôi đây.
Ma-ri sung sướng, tủm tỉm cười. Nhưng An-na Phán lắc đầu:
– Cụ tưởng thế thôi. Chứ dù gì thì lấy chồng cũng mất tự do. Tự đem thân mình vào ngồi tù thôi.
Ma-ri vênh váo:
– Mày tưởng thế? Mắt mày mù à? Năm đứa con còn sống của tao, có đứa nào giống thằng lẹm ấy không?
§20. Để đi cho nhẹ nhàng
Có người lạ mặt, ăn mặc khá chững chạc, tay cầm một bọc, đòi cho được giáp mặt ông chủ. Hai Điều đáp:
– Quan tôi mệt nặng. Ông có việc gì, xin ông cứ báo, để lúc ngài tỉnh, thì tôi trình.
Nhưng người ấy bất chấp lời từ chối quyết liệt, cứ xông vào nhà:
– Ông chủ nằm trên gác phải không?
Người ấy vào buồng Thừa, kiễng chân để đi thật nhẹ nhàng, rồi cúi đầu, chào rất lễ phép. Người ấy lấy cái đĩa, mở bọc ra. Đó là hai quả lê và ba quả táo. Đặt quả vào đĩa, người ấy rút lui, lấy tấm danh thiếp, đưa cho Thừa:
– Thưa cụ, thật là đột ngột. Chúng tôi xin lỗi cụ.
Thừa đọc danh thiếp, rồi nói:
– Mời ngài ngồi. Ngài là chủ hiệu đòn đám ma.
– Thưa vâng. Trước hết, chúng tôi đánh bạo lại thăm cụ, dâng cụ chút lễ mọn, để chúc cụ chóng bình phục. Được thế là nhất, chúng tôi rất mừng. Nhưng nếu nói đổ xuống sông xuống biển, số trời không cho các ông các bà được nhà cụ lâu, thì chúng tôi xin cụ cho cái vinh dự được đến hầu hạ cụ.
Thừa tỏ vẻ khó chịu:
– Nghĩa là ông mong cho tôi chết, để súy khách trước các nhà khác phải không?
Không ra vẻ ngượng ngập, người khách đáp:
– Xin cụ thứ lỗi cho. Chúng tôi đâu lại có dã tâm ấy. Sở dĩ chúng tôi dám đến đây để xin việc được hầu hạ cụ, là vì hiện giờ cụ còn tỉnh, cụ có thể định trước cho đám của cụ được như ý muốn của cụ. Không những cụ yên tâm mà các ông các bà cũng khỏi ân hận.
Thừa đáp:
– Tôi mệt lắm, không muốn nghe ông nói đâu.
Hắn gọi Hai Điều:
– Ông Hai ơi, ông tiếp ông khách hộ tôi.
Người chủ nhã đòn vẫn trơ tráo:
– Vâng, cụ cho phép.
Hai Điều mời người khách xuống nhà. Nhưng hắn ta cứ ngồi:
– Xin cứ ở đây để bàn, ngộ cụ có cần sửa đổi thêm bớt khoản nào không?
Rồi nói luôn:
– Thưa hai cụ, chẳng nói thì hai cụ cũng rõ. Chúng tôi làm nghề hầu hạ các cụ đã hơn mười năm rồi. Chỉ nhà chúng tôi mới có những thứ sang trọng nhất và làm ăn cẩn thận nhất, mà giá lại hạ nhất. Là vì chúng tôi không coi nghề này là nghề kiếm ăn, mà coi là việc phúc đức.
Thừa nhăn nhó:
– Mời ông xuống nhà. Tôi mệt lắm!
– Vâng ạ, thưa cụ, chúng tôi được biết cụ là cụ Hàn, lại được đức Kim thượng ban thưởng Nam long bội tinh, cụ tuổi tỵ, con cháu đề huề, thưa thế cũng gọi là trung thọ rồi và không có gì là nghịch cảnh nữa đấy ạ. Vậy thì chúng tôi nghĩ rằng lễ rước cụ ra đồng, phải theo lối ta, chứ theo lối tây, tuy đỡ tốn thật, nhưng không coi được. Vả lại, tôi chắc cụ cũng chỉ muốn cho đám cụ được uy nghi, chứ một cụ chủ cái cơ nghiệp này, dù có tốn kém vài trăm chắc cũng không kỳ quản.
Thừa rên lên:
– Thôi! Tôi mệt lắm, Mời ông xuống nhà.
Vẫn không ngượng ngập, người chủ nhà đòn lại tiếp:
– Nhưng cụ bà lại là người Âu hóa, nếu đám cụ ông mà hoàn toàn theo cổ, tôi chắc cụ bà chưa bằng lòng. Vậy xin là cứ nửa ta, nửa tây. Thế là được vừa ý cả hai cụ.
Thừa giãy lên:
– Thôi, tôi van ông. Mời ông xuống nhà. Thế nào tôi cũng xin bằng lòng, ông hai! Ông mời ông khách xuống nhà đi.
Ông khách cười vui vẻ, hỏi Hai Điều:
– Thưa, cụ là thế nào với cụ Hàn tôi ạ?
– Thưa tôi là chú họ.
Ông khách hớn hở:
– Vâng, thế thì tôi xin hầu chuyện cụ.
Hai Điều đứng dậy:
– Hay mời ông để khi khác, đợi bà Hàn tôi về hãy hay.
– Nhưng tôi sợ cụ bà lại nhận lời với người khác rồi.
– Không ạ. Bà Hàn tôi đi lễ, chắc về ngay bây giờ đấy ạ.
– Vâng. Thế thì chúng tôi xin ngồi dưới nhà để chờ cụ bà ạ.
* * *
Việc người chủ nhà đòn đám ma đến súy khách, càng làm cho Thừa thấy rõ là mình không sống được mấy ngày nữa.
Lúc mê đã đành, lúc tỉnh, hắn hay nghĩ ngợi đến quá khứ, đến tương lai.
Hắn than thở với Hai Điều:
– Tôi mà chia cái cơ nghiệp này không công bằng, thì thế nào chúng nó cũng giết nhau, ông ạ. Không cứ là thằng Mão với những đứa con nhà tôi, mà chính năm đứa này cũng không để cho nhau yên đâu! Mà biết chia thế nào được công bằng cho những đứa khác mẹ, khác bố này! Tôi khổ tâm lắm, ông ạ!
Một lần, Thừa nói:
– Tôi muốn theo gương cụ thượng Trần ở Cổ Am, ông ạ. Các con cụ chơi bời phá của lắm, cụ tức mình mới đem tất cả các đồ quý giá lên tỉnh, bán rẻ đi hết, để quyên vào quỹ cứu tế. Cụ bảo thà bán đi để tiền cho ăn mày, còn hơn cho lũ con hư. Tôi cũng muốn làm thế, ông ạ. Chúng nó có oán, thì oán tôi. Bắt chúng nó nghèo khổ, chúng nó mới mở mắt mà chịu làm ăn được.
Một lần, không biết là thấy trong mình thế nào, Thừa gọi Hai Điều đến gần. Hắn khóc rưng rúc, rồi bảo:
– Nhờ ông lật cái đệm nằm của tôi lên, để đếm xem tôi còn bao nhiêu tiền.
Hai Điều làm theo:
– Trình ông lớn, có một nghìn chín trăm đồng ạ.
Thừa nhắm mắt lại một lát, rồi quay nhìn Hai Điều:
– Tôi không sống được mấy ngày nữa. Tôi muốn đi cho nhẹ nhàng. Vậy tôi nhờ ông giúp tôi mấy việc này. Ông về ngay nhà quê, đưa cho mẹ thằng Mão năm trăm bạc. Nó với tôi, chả gì cũng còn nghĩa là vợ chồng. Nhưng xin ông giữ kín cho. Tôi bỏ nó ngần ấy năm trời, làm nó nghèo đói, đau khổ, bệnh tật, bây giờ tôi rất hối hận. Rồi ông đưa cho thím Xi hai trăm, nói rằng tôi giúp thím ấy nuôi các cháu. Ông dỗ dành cho thím ấy nhận. Ông bảo nếu thím ấy không nhận, thì tôi nhắm mắt không yên đâu. Ông ạ, chú Xi đối với tôi thật là tốt, mà tôi đối với chú ấy chả ra gì. Tôi xấu hổ lắm.
Hai Điều an ủi:
– Thế nào nhà nó chả nhận. Chính thằng chồng đi cộng sản, nó làm khổ vợ con nó.
– Ông đừng nói thế, không đúng đâu. Tôi biết.
Thừa thở dốc một hồi rồi tiếp:
– Ông về nhà quê, rồi mai ông ra ngay, để giúp tôi một việc nữa. Là ông lên Cẩu Rồng, đến nhà đội Tuynh, bảo hắn là tôi có lời hỏi thăm. Hỏi thăm thôi, chứ không phải cho tiền, ông ạ.
Hai Điều ngơ ngác:
– Ấy con tưởng ông lớn biết tin đội Tuynh rồi?
– Chưa. Tin gì?
– Hắn bị điền tốt ở Cẩu Rồng đánh què chân từ năm ngoái kia rồi mà. Ông lớn không biết à?
– Chưa.
– Hắn làm quản lý cho nhà thờ. Hắn theo đạo. Nhưng hắn vẫn ác quá.
Thừa thở dài:
– Thế thì ông không lên Cẩu Rồng nữa. Ông ở nhà quê ra, thì tôi nhờ ông đến nhà bà Ĩnh con hỏi bà ấy xem cái người con gái tên là Thúy Lan ở đâu, thì ông đến tận nhà, đưa tận tay cho cô ta hộ tôi một nghìn bạc.
Hai Điều trợn đôi mắt ngạc nhiên. Thừa nói:
– Một nghìn là ít đấy ông ạ. Tôi nợ bà đẻ ra cô ấy năm trăm bạc hơn hai mươi năm nay mà chưa có lúc nào trả được. Cơ nghiệp của tôi về sau này sở dĩ gây nổi, là do món tiền ấy, ông ạ. Nhưng ông đừng nói rõ điều ấy, chỉ nói là tôi gửi tiền cho cô ấy nuôi cháu thôi.
Hai Điều hỏi:
– Trình ông lớn, nói là nuôi cháu, liệu cô ta có nhận không.
Thừa thở dài:
– Ông cứ nói thế cho tôi. Ông lại hỏi thăm xem cô ta bây giờ làm gì, có đủ tiêu không nhé.
– Ông lớn tử tế quá.
– Phải, bởi vì…
Thừa ngập ngừng. Hai Điều hỏi:
– Sao ạ?
– Cô ấy là con tôi, ông ạ.
Nói xong, Thừa rưng rức khóc. Một lát, hắn nói:
– Lại còn một việc cuối cùng nữa.
– Vâng ạ.
– Ông có nhớ hiệu Phúc Lâm không nhỉ?
– Nhớ ạ.
– Ông ạ. Tôi đã phá hạnh phúc của gia đình này.
Thừa lại bưng mặt, rồi vừa thổn thức vừa tiếp:
– Ông hỏi dò hộ xem, bây giờ em trai bà Lễ làm gì? Gia đình ấy có khá không? Tôi ác quá, đã giết người chị, lại bắt người em!
Thừa quật hai tay xuống chiếu, ngửa mặt, giương đôi mắt trào những nước mắt, trừng trừng nhìn trần nhà.
Đợi cho Thừa đỡ thở, Hai Điều hỏi:
– Trình ông lớn, thế có giúp tiền nong gì không ạ?
Thừa kêu lên:
– Người ta không thèm!
Hắn lại khóc nức nở.
Hai Điều lẩm nhẩm tính, rồi nói:
– Thế vị chi là mới hết có nghìn bảy. Ông lớn có những nghìn chín.
Lão giờ thấy Thừa chưa nói đến cho mình tiền, thì nhắc khéo:
– Thua ông lớn còn cho ai nữa không ạ?
Thừa lắc đầu:
– Không.
Lão già nói đến nơi:
– Cho họ hàng ở nhà quê ấy ạ.
Thừa nghĩ rồi nói một mình:
– Bà Ĩnh con thì chả xứng đáng. Tôi cũng giúp nhiều rồi.
Hai Điều gãi tai, cười cười:
– Trình ông lớn…
Thừa sực nghĩ ra:
– À, ừ nhỉ. Còn hai trăm, tôi biếu ông.
Hai Điều hớn hở:
– Dạ, đội ơn ông lớn. Ông lớn thiệt chu đáo.
* * *